"Chim sơn ca" nơi núi rừng biên giới

Thứ Năm, 13/04/2023, 07:00

Trong Lễ kỷ niệm 75 năm “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” và 75 năm Ngày truyền thống Xây dựng lực lượng CAND (11/3/1948 - 11/3/2023) do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội, cả hội trường lớn ấn tượng với bài phát biểu của Đại úy Nguyễn Văn Tân đại diện cho thế hệ trẻ CAND, thể hiện quyết tâm học tập, thực hiện tốt Sáu điều Bác Hồ dạy, thi đua, lập công, khẳng định vai trò của tuổi trẻ CAND trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên dưới hội trường, còn nhiều cán bộ Công an trẻ như anh từ miền núi, biên giới xa xôi của đất nước cùng được về dự lễ.

“Anh nuôi” của nhiều học sinh nghèo

Trở về từ Thủ đô Hà Nội sau lễ tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, Đại úy Nguyễn Văn Tân (SN 1991, quê ở tỉnh Thái Bình) lại xách ba lô, vượt quãng đường dài lên xã miền núi biên giới Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Là một cán bộ trẻ tiêu biểu của Đoàn Thanh niên Bộ Công an, năm 2019, sau khi Bộ Công an thực hiện chủ trương điều động Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, Đại úy Tân đã tình nguyện xung phong làm cán bộ Công an xã và được giao nhiệm vụ công tác tại xã Quảng Nhâm.

Đại uý Nguyễn Văn Tân (thứ 2 từ trái sang) nhận giấy chứng nhận gương điển hình tiên tiến trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND từ Bộ trưởng Tô Lâm.

Anh kể, những ngày đầu bỡ ngỡ, lạ lẫm về vùng đất này, nhờ tấm lòng cởi mở và sự giúp đỡ của bà con địa phương và đồng đội, anh đã dần làm quen và khắc phục khó khăn để bám địa bàn. Quảng Nhâm là xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Toàn xã có hơn 1.000 hộ dân, 90% là người đồng bào dân tộc Tà Ôi. Để nắm rõ đời sống và phong tục tập quán của người dân, Đại úy Tân và Đại úy Huỳnh Văn Quang - Trưởng Công an xã cùng các đồng đội phải cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để bám cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, từ đó tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng thôn, bản.

“Để nắm bắt tâm tư, thấu hiểu được nguyện vọng của bà con nhân dân thì trước hết mình phải hiểu được tiếng nói, hiểu được phong tục của bà con. Do đó, anh em cán bộ, chiến sĩ Công an xã đã tích cực học tiếng đồng bào Tà Ôi. Sau một thời gian rèn luyện và cùng ăn, cùng ở với bà con, mình dần thông thạo và hiểu được tiếng đồng bào địa phương, thuận lợi thực hiện nhiệm vụ và giúp đỡ người dân. Đặc biệt, nhờ hiểu tiếng đồng bào nên tôi và đồng đội đã tranh thủ được sự giúp đỡ của các già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Đại úy Tân chia sẻ.

Do đặc thù là xã biên giới với diện tích rộng nên các thôn, bản ở xã biên giới Quảng Nhâm nằm cách xa nhau, giao thông đi lại khó khăn. Thế nhưng Đại úy Tân và đồng đội vẫn quyết tâm bám sát cơ sở, vận động người dân thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, không xâm canh xâm cư, vượt biên trái phép, đồng thời khuyến cáo bà con nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng buôn ma túy, buôn người qua biên giới.

Giờ đây, bà con Quảng Nhâm còn coi Đại úy Nguyễn Văn Tân là “anh nuôi” của nhiều em học sinh nghèo. Thông qua Đề án “Tuổi trẻ CAND hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tới trường” do Ban Thanh niên CAND phát động trong tuổi trẻ toàn lực lượng, Đại úy Tân đã đứng ra làm cầu nối với Đoàn Thanh niên Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an để nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho 8 học sinh là con em các đồng chí Công an bán chuyên trách và gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Quảng Nhâm. Trong đó, riêng Đại úy Tân nhận làm “anh nuôi” hỗ trợ cho 3 học sinh với mức kinh phí mỗi tháng 300 nghìn đồng/1 em. Thời gian hỗ trợ cho các em kéo dài trong 5 năm, từ năm 2022 đến 2027 để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn.

“Từ khi có các cán bộ Công an chính quy về công tác tại xã, tình hình an ninh trật tự ở địa bàn chuyển biến tích cực. Người dân ở các thôn bản rất tin tưởng vào lực lượng Công an, cùng đoàn kết thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm vui mừng chia sẻ với phóng viên.

“Chim sơn ca” người Cơ Tu

Ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, một cán bộ Công an xã trẻ tuổi cũng vừa được Bộ Công an tuyên dương là Trung úy Sơn Ka, người dân tộc Cơ Tu, Phó trưởng Công an xã Hương Sơn, huyện Nam Đông. Nhiều năm liền Trung úy Sơn Ka được Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2022, anh vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.

Trung úy Sơn Ka (góc trái) giúp đỡ người dân làm căn cước công dân.

Trò chuyện với chúng tôi, Trung úy Sơn Ka kể, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học An ninh nhân dân, anh được phân công công tác tại Đội An ninh Công an huyện Nam Đông. Đến năm 2019, khi Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai Đề án điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, Trung úy Sơn Ka đã tự nguyện xung phong về công tác tại Công an xã Hương Sơn. Với lợi thế hiểu và nói tiếng đồng bào Cơ Tu, Trung úy Sơn Ka cùng các cán bộ Công an xã đã tích cực xuống địa bàn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán người dân, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến tình hình an ninh trật tự cho bà con. Như con “chim sơn ca”, anh cùng đồng đội chủ động đến từng nhà dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từ đó nhiều người dân ở xã Hương Sơn đã tự giác giao nộp súng, vũ khí; 100% hộ dân ký cam kết chấp hành pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Trong hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân có gắn chíp điện tử, Trung úy Sơn Ka cùng Công an xã Hương Sơn đã tập trung thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đảm bảo thông tin thu thập “đúng, đủ, sạch, sống”, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng. Các anh chủ động phối hợp các đội nghiệp vụ Công an huyện Nam Đông trực tiếp đến từng thôn, làm việc không quản ngày đêm, bảo đảm 100% người dân được rà soát, cập nhật thông tin, hoàn thành vượt thời gian quy định.

Ông Hồ Thanh Nghi, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn còn cho hay, ngoài việc tham mưu triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, Sơn Ka cùng đồng đội còn luôn tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng để phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong việc đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới.

Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trải qua thời gian công tác ở cơ sở, nhiều cán bộ Công an xã đã phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, tham mưu, phối hợp tốt với chính quyền, cấp ủy đảng tại địa phương để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Nhiều CBCS Công an xã đã trở thành tấm gương Công an xã điển hình. Chính sự gần gũi, tận tụy với công việc, lực lượng Công an xã đã được người dân tin yêu, quý mến, góp phần tô thắm hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.

Cái tên dễ thương của Trung uý Sơn Ka khiến tôi liên tưởng, những cán bộ Công an trẻ tuổi như anh, như Đại úy Nguyễn Văn Tân hàng ngày bám địa bàn, tuyên truyền pháp luật, họ như những con chim sơn ca mang tiếng hót trong trẻo, mang niềm vui và sự bình yên đến cho đồng bào nơi biên giới xa xôi.

Anh Khoa
.
.