Chiếc chìa khóa mở nhiều vụ án

Thứ Năm, 17/11/2022, 15:09

Công việc tỉ mỉ, yêu cầu độ chính xác gần như tuyệt đối, thế nên những kết quả giám định mà Trung tâm Pháp y Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đưa ra đã là những chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa nhiều vụ án có lúc tưởng như đi vào ngõ cụt. Kết luận giám định chính xác đã làm cho các gia đình nạn nhân tin tưởng, không còn bức xúc, góp phần lập lại trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các kết luận giám định đều có giá trị chứng cứ và truy nguyên cao, giúp cơ quan tố tụng truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

1. Đại tá, Tiến sĩ Đào Quốc Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm giám định pháp y, đã thôi công tác quản lý từ năm 2018 nhưng anh vẫn được Viện trưng dụng để thực hiện nhiệm vụ giám định. Đại tá Đào Quốc Tuấn được đánh giá là "lão làng" trong làng pháp y, bởi những kinh nghiệm quý báu đúc rút được sau nhiều năm đảm trách công việc đặc biệt.

Với người cán bộ dày dạn kinh nghiệm này, thì vụ án cô sinh viên giao gà bị sát hại ở Điện Biên cho đến giờ vẫn khiến anh khó quên, như tâm niệm của anh, sau mỗi vụ án đều muốn "delete" ra khỏi vùng nhớ, để lại bắt tay vào một vụ án khác, nhưng những dấu vết thu được ở vụ án này đã giúp cơ quan điều tra có hướng đi chính xác hơn. Và kết quả đã thể hiện đúng như nhận định của anh Tuấn cũng như các đồng nghiệp.

Nạn nhân Cao Mỹ Duyên, trú tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên được phát hiện tử vong vào ngày 7/2/2019. Do tính chất phức tạp của vụ án, ngày 15/2/2019, Cục C02 đã đề nghị Viện Khoa học hình sự vào cuộc, anh Tuấn và các cán bộ thuộc Trung tâm Giám định pháp y nghiên cứu hồ sơ vụ án đã xác định thời gian chết của nạn nhân là đêm mùng 2 Tết chứ không phải là đêm 30 Tết như các đối tượng khai nhận. Kết luận này đã định hướng rất quan trọng trong công tác điều tra lúc đó. Sau này, việc khai quật tử thi, xem xét lại hiện trường được tiến hành và kết quả cho thấy nạn nhân tử vong vào đêm mùng 2 Tết.

Chiếc chìa khóa mở nhiều vụ án -0
Đại tá - Tiến sĩ Đào Quốc Tuấn - giám định viên Trung tâm pháp y.

Hiện trường nơi nạn nhân nằm là một ngôi nhà hoang và công tác khám nghiệm hiện trường cho thấy đây là hiện trường giả. "Vết loét tử thi có giá trị nhất định trong việc đánh giá thời gian chết. Khi nghiên cứu ảnh chụp và thực tế khám nghiệm, chúng tôi đã nhận định nạn nhân chết trước đó từ 8 đến 12 tiếng. Nhờ nhận định này, cơ quan điều tra đấu tranh thì các đối tượng khai nhận, khi thấy nạn nhân quá yếu, chúng đã thủ tiêu vào tầm 11 đến 12h đêm mùng 2 Tết" - Đại tá Đào Quốc Tuấn chia sẻ.

Không được bỏ qua bất cứ một chi tiết nào dù là nhỏ nhất, đó là một trong những nguyên tắc cơ bản trong nghiệp vụ giám định. Cũng nhờ việc tỉ mỉ giám định vết thương trên cổ nạn nhân, đã đưa ra nhận định chính xác: Hung khí dùng để siết cổ nạn nhân có tiết diện không đồng đều và sau này theo lời khai của các đối tượng thì chúng khai đã siết cổ nạn nhân bằng côn nhị khúc. Kết luận cho thấy, nạn nhân tử vong do bị siết cổ dẫn đến ngạt và trong tình trạng không thể kháng cự do quá yếu.

Một vụ án cũng được coi là “hóc búa” mà Đại tá Đào Quốc Tuấn từng tham gia giám định pháp y, đó là vụ 9 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình bị tử vong.

Cuối giờ chiều hôm đó, đang chuẩn bị về nhà thì anh Tuấn nhận lệnh lên đường đi Hòa Bình. Công tác giám định thực hiện đến tận 7h sáng hôm sau mới xong. "Ban đầu, bên y tế nhận định sốc phản vệ nhưng xét về tính chất dịch tễ học thì không có cơ sở nói sốc phản vệ. Vụ việc xảy ra tại đơn nguyên chạy thận nhân tạo. Các bệnh nhân có hiện tượng ngứa, đau bụng, buồn nôn. Đó là các triệu chứng của trúng độc và phù hợp với chất được tìm ra sau đó. Quá trình giám định, các cán bộ trung tâm đã làm theo các quy trình loại trừ chấn thương đồng thời xét nghiệm mẫu tìm nguyên nhân chết. Song song đó, trung tâm đề nghị phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam làm xét nghiệm và đã tìm ra chất Flo" - anh Tuấn nói.

Chiếc chìa khóa mở nhiều vụ án -0
Giám định viên Trung tâm pháp y phân tích mẫu vật thực hiện công tác giám định.

Cũng theo Đại tá Đào Quốc Tuấn, bình thường chất này cũng xuất hiện trong cơ thể người nhưng hàm lượng rất nhỏ, nhưng khi giám định trong cơ thể nạn nhân thì hàm lượng này gấp vài trăm lần. Khả năng chống chọi của họ là rất yếu vì họ bị bệnh thận nặng nên rất dễ tử vong. Khi xác định chính xác chất Flo đã lọt vào máu nạn nhân thì một câu hỏi được đặt ra mà cơ quan điều tra phải trả lời: Lọt vào bằng cách nào?

"Chúng tôi lường được tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên cẩn trọng đưa ra kết luận và tổ chức gần như là hội thảo khoa học gồm toàn các cơ quan đầu ngành của Việt Nam do Viện Khoa học hình sự đứng ra tổ chức và mời các đơn vị đầu ngành tham gia. Trong quá trình đó, chúng tôi nêu kết quả và trên cơ sở này, những người tham gia đã tranh luận và thống nhất kết luận nguyên nhân chết là do trúng độc Flo" - Đây là chất tẩy rửa công nghiệp cực độc và tuyệt đối không được dùng trong y tế. Và nó tồn tại trong quá trình lọc rửa máy chạy thận.

2. Nghe thì tưởng đơn giản, nhưng không phải vụ án nào các cán bộ Trung tâm Pháp y cũng có thể dễ dàng thực hiện nhiệm vụ của mình. Đôi khi, họ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người nhà nạn nhân, bởi quan niệm dân gian "người chết phải toàn thây".

Chiếc chìa khóa mở nhiều vụ án -0

Thiếu tá Ngô Danh Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y kể rằng, thời điểm dịch COVID -19 hoành hành, anh em cán bộ đi làm nhiệm vụ giám định cho những nạn nhân tử vong do tiêm văcxin vô cùng vất vả. Trường hợp đầu tiên là nạn nhân NNA. Nạn nhân tiêm văcxin xong về không có biểu hiện gì, nhưng hôm sau thì tử vong.

"Thông tin dư luận khi đó cho rằng, nạn nhân sau khi đi tiêm về có uống bia, trong khi y tế khuyến cáo không được uống bia trong vòng 24h sau khi tiêm văcxin, nhưng khi xét nghiệm, thì nạn nhân đều âm tính với cồn và ma túy nên chúng tôi loại trừ nguyên nhân đã uống bia và cũng bác bỏ tin đồn xấu cho nạn nhân" - anh Hoài cho biết.

Gia đình nạn nhân xin không pháp y. Họ nói con họ có bệnh tim từ nhỏ. Nhưng cơ quan điều tra giải thích đây là công việc pháp luật phải làm và các cán bộ Trung tâm Giám định pháp y cũng phải giải thích, việc pháp y phải được thực hiện để bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân và gia đình họ, gia đình phải hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà con họ tử vong. Chỉ đến khi đó, người nhà nạn nhân mới chịu đồng ý cho các bác sĩ làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Ngô Danh Hoài từng tốt nghiệp Đại học Y năm 2007 và đến năm 2009 thì anh vào lực lượng Công an, làm nhiệm vụ pháp y từ đó đến nay. Vụ nạn nhân tử vong trên cầu Yên Bái khiến anh khá ấn tượng bởi đây là một trong những vụ nhờ có công tác khám nghiệm pháp y chính xác đã đưa ra kết luận đây không phải vụ án hình sự mà đơn giản là một vụ tai nạn do chính nạn nhân tự gây ra, bác bỏ những luồng thông tin không tốt về nạn nhân.

Khám nghiệm tử thi cho thấy, cơ thể nạn nhân có nhiều vết thương. Khám nghiệm hiện trường phát hiện cây đu đủ có vết bám tụt xuống. Dư luận nghi ngờ nạn nhân đi ăn trộm bị chủ nhà chém rồi ném xác xuống cầu. Hướng điều tra khi ấy cũng theo hướng đây là một vụ án hình sự, nhiều đối tượng nghi vấn được triệu tập. Bản thân nạn nhân không có nghề nghiệp, hay uống rượu, tụ tập bạn bè nên mối quan hệ khá phức tạp.

Khi các cán bộ Trung tâm Giám định pháp y vào cuộc, tất cả ảnh hiện trường, tử thi, kết quả rà soát camera được xem xét lại kĩ lưỡng. Đầu tiên xem lại hiện trường thì nạn nhân nằm trên làn đường dành cho người đi bộ, chân không mang giày nhưng ở gần đó lại có một chiếc giày rơi ra. Các cán bộ trung tâm đề nghị khám nghiệm hiện trường bổ sung là phía trên cầu thì phát hiện một chiếc giày mắc trên máng trượt. Trên thành cầu có vết 10 ngón tay bám có dấu vết mất bụi. Kết luận giám định cho thấy, các vết thương không phải vết chém mà do chính xương sọ đâm ra khi rơi xuống. Nguyên nhân được xác định là do nạn nhân say rượu nên trèo lên cầu và bị ngã. Kết luận này đã giải tỏa dư luận không tốt về nạn nhân, lập lại tình hình ANTT tại địa phương. 

Với quân số chỉ có 22 CBCS, nhưng mỗi năm, Trung tâm Giám định pháp y thực hiện hàng nghìn vụ giám định. Đơn cử từ 15/12/2020 - 14/10/2021 đã giám định 1778 vụ, trong đó giám định pháp y tử thi là 542 vụ, giám định thương tích 762 vụ... Với những thành tích đã đạt được, đơn vị đã được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng ba dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập lực lượng Kỹ thuật hình sự, nhiều lần nhận được Bằng khen của Bộ Công an.

Thượng tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn, Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đánh giá: Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự trong những năm vừa qua đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động công tác chung của Viện Khoa học hình sự, các hoạt động công tác chuyên môn của trung tâm (từ khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định pháp y, pháp y tử thi, pháp y thương tích, mô bệnh học, giám định tuổi, pháp y qua hồ sơ, tài liệu đều được cán bộ giám định viên thực hiện đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định. Trong nhiều vụ án, các kết luận về pháp lý của trung tâm đã góp phần "cởi" nút thắt của vụ án, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc lý giải nguyên nhân sự việc, được các cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan tố tụng đánh giá rất cao.

Đinh Hiền
.
.