Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động: Có một thế hệ vàng

Thứ Năm, 21/07/2022, 14:11

Tính đến ngày 12/3/2022 là tròn 25 năm lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được thành lập. Một trong những đơn vị mà mỗi khi nhắc đến, bất cứ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nào cũng thấy dâng lên niềm tự hào, đó là Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mỗi chiến sĩ nơi đây đều có thể viết thành một câu chuyện thú vị, vì họ đều đã từng được tham gia các trận đánh lớn, các chuyên án nổi tiếng cả nước, tham gia bắt giữ những tên trùm ma túy khét tiếng.

Người mà chúng tôi gặp hôm nay là Thượng úy Bùi Văn Lộc - Phó trung đội trưởng, Đại đội 3, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1. Lộc cũng như nhiều bạn trẻ nơi đây xứng đáng đại diện cho một thế hệ vàng của đơn vị, đầy nhiệt huyết, đầy bản lĩnh, sẵn sàng xả thân vì sự bình yên của nhân dân. Các anh đang tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử vẻ vang, lập nên nhiều chiến công xuất sắc.

290357999_612476060089778_3577098215817925670_n.jpg -0
Thượng úy Bùi Văn Lộc (thứ 3 từ phải sang) cùng đồng đội giành chiến thắng trong hội thao Chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Cảnh sát nhân dân.

1. Khi hàng loạt vụ bê bối liên quan đến CDC các tỉnh mà đứng đầu là ông trùm Phan Quốc Việt bị đưa vào vòng ngắm, Thượng úy Bùi Văn Lộc được biên chế trong tổ trinh sát, cùng đơn vị C03 theo dõi, nắm bắt mọi di biến động của Phan Quốc Việt. Nhận nhiệm vụ theo dõi một đối tượng có nhiều quan hệ với lãnh đạo nhiều tỉnh, thành, Lộc cùng anh em trong tổ không dám rời mắt, vì biết rằng, chỉ cần một sai sót nhỏ thôi là đối tượng sẽ tìm đường tẩu thoát ra nước ngoài.

Khi nhận tin báo Việt đang từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội và nghỉ lại Hà Nội một ngày, sau đó đi Nghệ An, tổ trinh sát trong đó có Lộc đã nhanh chóng triển khai phương án di chuyển và bắt giữ đối tượng tại một nhà nghỉ ở Nghệ An trước sự kinh ngạc của Phan Quốc Việt. Đối tượng sau đó được di lý ra Hà Nội, Thượng úy Lộc lại thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tổ công tác C03 bảo vệ, di chuyển đối tượng về trụ sở Công an.

10 ngày xong nhiệm vụ, Phan Quốc Việt được đưa vào trại tạm giam thì mới là bắt đầu chuỗi ngày thực hiện nhiệm vụ bắt giữ một loạt giám đốc CDC các tỉnh như Hải Dương, Nam Định, Nghệ An... Thượng úy Lộc lại cùng anh em trong tổ trinh sát khẩn trương lên đường. Khi nhóm giám đốc CDC đã được cất "hòm hòm" vào kho, thì anh lại nhận nhiệm vụ trong tổ công tác bảo vệ việc khám xét công ty của đối tượng Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Kể các nhiệm vụ ra chỉ vài dòng vắn tắt thế thôi, nhưng thực tế thì Thượng úy Lộc cũng như anh em trong tổ trinh sát phải thức ngày thức đêm, theo sát mọi di biến động của các đối tượng, trong tâm thế luôn chủ động sẵn sàng. Có những tình huống dở khóc dở cười khi bám theo đối tượng mà vì nhiều lý do, chúng tôi không thể kể ra đây, chỉ biết rằng, làm trinh sát phải có tố chất thông minh, nhanh nhẹn, sẵn sàng ứng phó với các tình huống đặc biệt mà không lần nào giống lần nào.

2. Đời mỗi người lính, được tham gia một chuyên án lớn là một vinh dự, một niềm tự hào, là những trải nghiệm đặc biệt mà tuổi trẻ thì không thể nào quay lại lần nữa, thế nên, một thế hệ vàng của Tiểu đoàn đặc nhiệm số 1 như Thượng úy Bùi Văn Lộc thường bước vào trận đánh với niềm háo hức được cống hiến khó tả. Kể về kỉ niệm cách cây 4 năm, khi nhận lệnh cùng hơn 70 đồng đội lên Sơn La hỗ trợ chuyên án bắt giữ nhóm đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Thượng úy Lộc vẫn còn nguyên niềm xúc động, như thể đối với anh, sự việc mới xảy ra ngày hôm qua.

Kẻ cầm đầu nhóm đối tượng này là Nguyễn Thanh Tuân, nhân vật cộm cán trong đường dây mua bán gần 1.200 bánh heroin. Tuân sinh năm 1983, khi đó mới 35 tuổi, quê ở Thạch Thất, Hà Nội, là đối tượng có 4 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Đồng bọn của Tuân là Nguyễn Văn Thuận (SN 1984, tức Thuận "chuột"), quê ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, là đối tượng có 2 lệnh truy nã của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh và cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La.

Tại bản Tà Dê, chúng dựng lô cốt và chiêu mộ nhiều đối tượng trốn truy nã ở nơi khác đến và "nuôi quân", vừa buôn bán ma túy vừa là lực lượng chống trả khi bị phát hiện. Quanh nhà, chúng dựng tường rào kiên cố, xây cả hầm để dễ bề tẩu thoát khi có động. Chúng lắp camera, tích trữ xăng, gas và rất nhiều vũ khí đạn dược. Chưa hết, Tuân còn bỏ tiền ra mua chuộc những người dân sống xung quanh đó trở thành tai mắt, tự nguyện là những "camera chạy bằng cơm" để báo động cho chúng mỗi khi có người lạ xuất hiện. Những người dân nào không nghe lời, chúng sẵn sàng ra tay không thương tiếc.

293570190_7741683999206348_4842015935870812137_n.jpg -0
Đêm trước trận đánh, anh em trong tổ công tác bàn phương án tác chiến.

"Hôm nhận lệnh lên đường cùng hơn 70 đồng đội, em không biết nhiệm vụ cụ thể của mình là gì mà chỉ đoán là sẽ được tham gia vào một chuyên án rất đặc biệt. Lên đến Sơn La mới biết nhiệm vụ. Ngay lập tức, chúng em được chia quân tập luyện bắn súng ban đêm vì rất có thể, trận đánh sẽ được thực hiện vào buổi đêm".

Bữa đó, Lộc có mặt trong tổ công tác đặc biệt gồm 8 đồng chí, 4 đồng chí đặc nhiệm và  4 đồng chí trinh sát thuộc Công an huyện Mộc Châu, Công an huyện Vân Hồ và Công an tỉnh Sơn La, chia làm 2 mũi, trinh sát nhà đối tượng. Trong số này có Đại úy Bùi Văn Tuấn là xạ thủ, từng đoạt 2 huy chương vàng bắn tỉa quốc tế, hiện anh là Đại đội trưởng Đại đội huấn luyện.

Từ quốc lộ 6 vào nhà các đối tượng phải vượt qua đường rừng hiểm trở, lại bị người dân bản địa “canh gác” nên việc tiếp cận vô cùng khó khăn. Các anh em trong tổ công tác đặc biệt, gồm các CBCS Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Sơn La, Công an huyện Mộc Châu, Công an huyện Vân Hồ, trong đó có Đại tá Mai Hoàng - sau này là Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội đều dặn dò nhau, phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tìm sơ hở để đột kích.

"Tối hôm đó, anh em bảo nhau chợp mắt lấy sức để 2h sáng hành quân, thế nhưng ai cũng nhắm mắt cho... khỏi bụi chứ trong lòng nôn nao, hồi hộp, chỉ mong đến giờ xuất phát để lên đường. Tổ công tác chia làm hai mũi, đi từ 2h đến 7h sáng thì vào đến nơi. Mục tiêu đã hiện ra trước mắt, anh em chia nhau chốt chặn theo phương án đã lên trước đó. Chiều cùng ngày, phát hiện quân ta đã vây kín, bọn Tuân - Thuận điên cuồng đáp trả. Lực lượng truy bắt xin ý kiến cấp trên tiêu diệt tại chỗ. Một ngày sau, 3 tên xin hàng, trong đó có em vợ của Nguyễn Thanh Tuân. Riêng tên Tuân quyết tâm cố thủ trong nhà và bị tiêu diệt.

Trận đánh đó anh em đều an toàn. Ngày kết thúc chuyên án cũng là tròn một tháng, Lộc cũng như anh em trong đơn vị có mặt ở Sơn La.

3. Sinh năm 1992, Thượng úy Lộc học Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang. Sau đó, anh về công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, đóng tại TP Hồ Chí Minh, năm 2014 thì chuyển ra Hà Nội và được biên chế vào Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tôi hỏi đùa Lộc, đối mặt với các đối tượng phạm tội, có kẻ nào dám bạo gan mà tỉ thí võ công với anh không, Lộc cười hiền: “Em chưa gặp trường hợp nào phản kháng, hầu hết họ đều thúc thủ ngay ở phút đầu tiên”.

Phải rồi, nhìn các anh Cảnh sát đặc nhiệm có nước da đen bóng vì suốt ngày lăn lộn trên thao trường, cánh tay chắc nịch như hai gọng kìm, lại còn được rèn luyện khí công, suốt ngày bị búa tạ đập vào khối bê tông đặt trên bụng, thì mấy "con gấu bông" nhằm nhò gì.

Có một sự thật ít ai biết, đó là khi nhận nhiệm vụ tham gia chuyên án ở Sơn La, thì vợ Lộc khi ấy đang mang bầu cháu đầu lòng 7 tháng. Mẹ anh cũng như người vợ trẻ cứ nghĩ chuyến công tác đó là đi tập luyện như mọi lần nên họ đã quen mà không hỏi han gì nhiều. Đêm trước trận đánh, Lộc gọi điện về cho vợ, thông báo vắn tắt "anh đi công tác" rồi tắt máy. Một ngày sau, khi chuyên án đã thành công, vợ anh mới liên lạc được. Có những lúc nhận lệnh đột xuất, Lộc cũng giống anh em khác, chỉ kịp gọi về cho vợ nói "anh tập luyện mệt, bây giờ anh đi ngủ đây" rồi tắt máy. Có khi đến vài ngày sau, hai vợ chồng mới liên lạc được với nhau, cũng có lúc bị vợ giận dỗi nhưng sau biết là công việc bí mật không thể tiết lộ nên các chị cũng dần quen.

Với những thành tích đạt được, năm 2019, Thượng úy Bùi Văn Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Giải thưởng Thanh niên Công an tiêu biểu; năm 2021 được Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ tặng Giải thưởng Gương thanh niên CSCĐ tiêu biểu.

Đinh Hiền
.
.