Xuân trong ký ức vị tướng miền sông nước từng xông trận CM12

Thứ Sáu, 19/02/2016, 07:36
Đã qua 30 mùa xuân kể từ năm Kế hoạch CM12 kết thúc thắng lợi, thế nhưng đối với nhiều cán bộ An ninh từng được phân công tham gia kế hoạch phản gián quy mô này, những ngày chiến đấu đầy hy sinh, khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng như vẫn mới đâu đây. "Khi được lệnh lên đường nhận nhiệm vụ trước Tết Tân Dậu 1981, tôi đang là Chỉ huy phó An ninh Công an tỉnh Hậu Giang, lúc đó gồm cả Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ bây giờ" - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục V - Bộ Công an, nhớ lại.  


Khi xuôi về Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phước Tân - Tổ trưởng Tổ K4/2 (đơn vị được lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch CM12), Nguyễn Xuân Xinh cũng như bao đồng chí, đồng đội phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối bí mật. "Vợ, con tôi lúc đó chỉ biết tôi đi công tác và không nghĩ rằng tôi lại đi ngược về vùng cuối đất Cà Mau".

Với Cà Mau, đấy là lần thứ hai ông trở lại. Lần đầu, trong chiến tranh ông được tổ chức cho về dự học sơ cấp chính trị trong vùng căn cứ U Minh. Lần này thì rất khác. Thời bình nhưng lại đi… đánh giặc! Nơi ông đóng quân là Trại giam Cây Gừa, có một địa chỉ khác được gọi là "nhà thiếc". Nhiệm vụ chủ yếu của ông bấy giờ quản lý, áp giải, hỏi cung một số tên gián điệp biệt kích xâm nhập từ Thái Lan vào bờ biển Cà Mau bị lực lượng An ninh chủ động đón bắt. Đấy là những đối tượng được Lê Quốc Túy - Mai Văn Hạnh (hai đồng chủ tịch của cái gọi là "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam", thành lập từ tháng 10/1975 với số thành viên ban đầu khoảng 300 tên) xem là những "Kinh Kha", được tuyển lựa từ các trại tị nạn, sau đó đưa đi đào tạo khá bài bản tại "Mật cứ Tự Thắng" (Thái Lan).

Tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc tại Di tích Quốc gia Hòn Đá Bạc.

Đối tượng Trần Minh H (quê An Biên, Kiên Giang) bị Công an Kiên Giang bắt giữ sau thời gian vượt biên, bị lôi kéo vào tổ chức phản động lưu vong rồi xâm nhập trở lại Việt Nam bằng đường bộ. H là tốp những "Kinh Kha" đầu tiên của khóa huấn luyện "Minh Vương 1". Toán của H xâm nhập về Việt Nam có tất cả 23 tên, do Lê Hồng D - có người anh trai tên là Lê Hồng Ch, nhà ở Cần Thơ, làm toán trưởng. Chỉ trong thời gian ngắn, Công an Kiên Giang và Hậu Giang đã phối hợp, bắt nhiều đối tượng có liên quan, trong số này có toán trưởng.

Trung tướng Năm Xinh kể: "Khai thác H và D, ta biết được kế hoạch hậu chiến chống phá Việt Nam của địch mà hiện hữu là tổ chức do Hạnh - Túy cầm đầu. Để bàn chuyện lôi kéo, phát triển cơ sở gián điệp trong nước, bọn chúng hẹn gặp nhau mỗi tháng 2 lần, vào ngày giữa và cuối tháng tại bến Ninh Kiều. Nắm được quy ước này của địch, tôi được cấp trên chỉ đạo cùng tham gia chỉ huy thực hiện kế hoạch phục kích bắt bọn gián điệp biệt kích. Đúng một tuần trước Tết Tân Dậu 1981, một đối tượng xuất hiện dưới chân tượng đài Bác Hồ tại Bến Ninh Kiều. Khi tên H nhận diện đúng là tên Huỳnh Phúc N, các trinh sát ập đến bắt hắn, nhanh chóng và đảm bảo bí mật".

Đến giờ ông năm Xinh vẫn nhớ mồn một đêm hành quân đi "đón" "Đại đội 124". "Đó là những ngày Tết 1982. Khi biết mình là cán bộ Công an đi làm nhiệm vụ, người dân nhiệt tình lắm. Nhà có tôm, cua, có gà, bà con khẩn trương chế biến, rồi mời chúng tôi ăn. Tôi uống một cốc rượu do người dân mời, chỉ một cốc duy nhất mà thấy ngon và ấm áp vô cùng. Nhưng rồi như thế lại càng khiến mình nhớ nhà, nhớ người thân da diết…". Tết, trời bỗng mưa. Cá chốt dưới kênh bị xốn mắt ngoi lên. Tết đó, Năm Xinh cùng đồng đội ăn Tết với nhiều món ngon được chế biến từ cá chốt.

Trong những ngày tham gia Kế hoạch CM12, trong thâm tâm ông từng có lúc cảm thấy băn khoăn bởi khả năng hy sinh đối với mỗi cán bộ An ninh là điều hoàn toàn có thể. Sao những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới làn mưa bom, bão đạn, mình vẫn nằm trong số những người rất may mắn, tự dưng hòa bình rồi lại hy sinh? Nếu hy sinh, mình thì thanh thản nhưng rồi vợ, con sẽ nheo nhóc đến mức nào? Hàng loạt câu hỏi cứ nảy sinh trong đầu.

Nhưng rồi ông chợt nhớ, có lần đồng chí Nguyễn Phước Tân (sau này là phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, là một trong 3 cá nhân được phong tặng  danh hiệu Anh hùng LLVTND sau khi Kế hoạch CM12 kết thúc thắng lợi) bất thình lình hỏi: "Năm Xinh chấp nhận hy sinh không?". Khi đó, chính ông trả lời chẳng chút đắn đo: "Chấp nhận chứ chú Hai. Cháu không sợ chết".

"Tôi lại cảm thấy tự hổ thẹn khi bỗng trong mình lại thoáng chút dao động tư tưởng như thế trong khi mình đang là đảng viên, là cán bộ chủ chốt, lại được cấp trên tin cậy, giao nhiệm vụ hệ trọng. Tôi trở lại trạng thái ban đầu khi xem nhiệm vụ trước mắt tuy gian khó, hy sinh nhưng đó là vinh dự. Không chỉ có vậy, nhiệm vụ tôi đang thực hiện lúc đó cũng chính là việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, của tổ chức. Đã nói là mệnh lệnh thì phải tuân thủ, chấp hành nghiêm, không phải làm theo tùy hứng, sở thích cá nhân…" - Năm Xinh nhớ lại.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Xinh.

Khi Năm Xinh được phân công về Đồng Nai, phút giao thừa, ông càng da diết nhớ nhà. Tính từ ngày giải phóng, dù không trọn vẹn nhưng Tết nào ông cũng được sum vầy bên gia đình. Nhưng khi tham gia Kế hoạch CM12, một phần để đảm bảo nguyên tắc tuyệt mật, một phần vì nhiệm vụ, yêu cầu của Ban chỉ đạo đặt ra, bao nhiêu cán bộ Công an như ông lại… không có Tết.

"Đang miên man nghĩ suy, tôi ngồi bật dậy khi nhận ra một điều quan trọng rằng, mình nhớ nhà, các đối tượng cũng nhớ nhà. Vậy sao mình không tranh thủ tâm lý này để hạ gục chúng" - ông kể. Vậy là ngay sau thời khắc giao thừa, đồng đội thấy Năm Xinh "lôi" can phạm ra… hỏi cung. Đúng như ông nhận định, bị "đánh" đúng điểm yếu "nhớ nhà ngày Tết", các đối tượng khai ra nhiều chi tiết đắt giá, liên quan đến âm mưu, thủ đoạn của bọn Túy - Hạnh và thuộc cấp của chúng ở "Mật cứ Tự Thắng" bên ngoài và khá nhiều đầu mối liên lạc gián điệp của chúng ở trong nước.

Những ngày sống, chiến đấu cùng đồng chí, đồng đội, cùng tập trung cho một mục tiêu thắng lợi, ông trưởng thành thêm rất nhiều, nhất là kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với đối tượng, tổ chức xâm phạm An ninh quốc gia. Ông rất tâm đắc về sự ứng xử thấm đẫm tính nhân đạo mà Đảng, Nhà nước và ngành Công an đã dành cho kẻ từng có những hành động đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Trong thời gian bị ta giam tại Trại PK9, chứng đau dạ dày của Hạnh tái phát nặng. Lãnh đạo Bộ chỉ đạo bố trí cho Hạnh vào điều trị tại Bệnh viện 30/4 của ngành Công an tại TP. Hồ Chí Minh. Các bác sĩ cho biết phải phẫu thuật để cắt bỏ phần viêm loét nặng; nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Dù đây là quyết định y học nhưng nếu không may Hạnh bị chết thì vấn đề thuộc CM12 sẽ rất phức tạp. Bằng mọi giá phải cứu mạng sống của Hạnh.

Thấy các bác sĩ cầm dao cạo làm vệ sinh bên ngoài vùng chuẩn bị phẫu thuật, Hạnh tái mặt vì nghĩ rằng mình sẽ bị… thủ tiêu. Tới khi tỉnh lại sau ca mổ, sức khỏe nhanh chóng hồi phục, Hạnh tâm sự với cán bộ ta rằng: "Các bác sĩ Công an Việt Nam đã sinh ra tôi lần nữa". Không chỉ có vậy, ta còn cho 2 con gái của Hạnh từ Pháp sang thăm cha. Chủ tịch nước sau đó cũng đã chấp nhận đơn của Hạnh xin tha tội chết; đồng thời cho Hạnh trở lại Pháp sinh sống những năm cuối đời… 

"Chính những đối sách của ta như thế nên sau thắng lợi CM12, vị thế, uy tín của Việt Nam trong mắt thế giới được nâng lên đáng kể" - Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh tâm đắc. Và điều ông rất tự hào là mình đã góp chút công sức vào thắng lợi của CM12 - một móc son chói lọi, tô thắm thêm lá cờ truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam Anh hùng.

Thái Bình
.
.