Xuân này Mường Nhé an yên
- Giữ gìn ANTT, đảm bảo cuộc sống ấm no cho người dân Mường Nhé
- Tác nghiệp tại điểm “nóng” Mường Nhé
- Trao 61 suất quà cho bà con vùng lũ quét Mường Nhé
- Giải quyết dứt điểm tình trạng di dân tự do phá rừng tại Mường Nhé
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, Báo CAND lại tổ chức những chuyến đi từ thiện, những chuyến đi đến với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên mọi miền Tổ quốc. Công tác từ thiện đồng thời cũng chính là công tác dân vận. Chỉ có gần dân, hiểu dân và dân hiểu mình thì mọi việc mới thành công. Chính vì thế, trên cả cuộc hành trình, chúng tôi nói nhiều, bàn nhiều về công tác dân vận.
Năm nay khi các đoàn khác đã tỏa đi về các hướng, từ Lai Châu cho tới Hà Giang; từ Tuyên Quang cho tới Cao Bằng… đoàn chúng tôi đi ngược chiều với những chuyến xe chở hoa mơ, hoa mận, hoa đào… về xuôi để điểm tô cho Tết thị thành thì xe chúng tôi lại ngược lên Mường Nhé.
Mường Nhé là huyện miền núi nhưng được nhiều người biết đến vì Mường Nhé là miền đất tít tận cực Tây của Tổ quốc, nơi có A Pa Chải, ngã ba biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc, có cột mốc biên giới Khoang La San nằm trên đỉnh núi có độ cao 1864 m.
Mường Nhé đẹp nguyên sơ, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch xanh, du lịch khám phá, trải nghiệm, nhưng nói như Đại tá, nhà thơ Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND đại ý rằng: Mường Nhé còn có sự "nổi tiếng" ngoài mong muốn vì đã để xảy ra "điểm nóng" về mất an ninh chính trị trên địa bàn.
Ðại tá Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Công an huyện Mường Nhé trao quà hỗ trợ người dân bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé. |
Đỉnh điểm của sự kiện trên là năm 2012, đã có hàng ngàn đồng bào người dân tộc Mông nghe theo lời kêu gọi, dụ dỗ và hăm dọa của các đối tượng, các thế lực thù địch đã tập trung về Mường Nhé để chứng kiến cái gọi là ra mắt "Vương quốc Mông".
Nhắc đến sự kiện này, Trưởng Công an huyện Mường Nhé, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường tâm sự: Thú thật Mường Nhé là miền đất hội tụ nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất ổn định an ninh chính trị, an ninh tôn giáo vì Mường Nhé là một huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn, khó khăn nhất trong diện 30a của Chính phủ; huyện có địa bàn rừng núi rộng, giao thông đi lại khó khăn, địa hình đồi núi hiểm trở bị chia cắt, nhiều thành phần dân cư, trong đó gần một phần ba dân số theo đạo trái pháp luật, hơn hai phần ba dân số di cư tự do từ nơi khác đến; trình độ dân trí thấp, đồng bào các dân tộc còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, đời sống kinh tế chủ yếu mang tính tự cung tự cấp; hộ đói, nghèo chiếm tỷ lệ cao.
Nắm được những "ưu thế" đó của Mường Nhé, thời gian qua, các thế lực thù địch luôn đẩy mạnh thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình", "Bạo loạn lật đổ". Với nhiều hình thức thủ đoạn khác nhau nhằm "Tôn giáo hóa dân tộc", tác động gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, làm mất ổn định về an ninh chính trị.
Đặc biệt từ năm 2006, trên địa bàn huyện xuất hiện luận điệu truyên truyền thành lập "Vương Quốc Mông". Đỉnh điểm là năm 2012, ở bản Nậm Vì, xã Chung Chải, thực sự đã trở thành "một đám cháy lớn", buộc các ngành chức năng phải phối hợp để "dập lửa". Khi đám cháy lớn đã được dập tắt, những đốm lửa nhỏ vẫn âm ỷ cháy trong các bản làng Mường Nhé. Dù khách quan hay chủ quan, khi trên địa bàn để xảy ra các "điểm nóng" thì lực lượng tại chỗ vẫn là những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Chúng tôi biết khi nói lên những điều đó, Đại tá Nguyễn Ngọc Trường đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ hết sức nặng nề của mình dù anh được phân công vào làm Trưởng Công an huyện Mường Nhé đầu năm 2014. Khi tôi hỏi là năm 2014, đang làm Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh ở thành phố Điện Biên, gần nhà, gần vợ con, giờ vào tận Mường Nhé, quay lại cảnh "cơm tập thể, giường cá nhân" anh có "tâm tư" gì không?
Đại tá Nguyễn Ngọc Trường tâm sự: "Nói không tâm tư thì không thật lòng, vì mình cũng là con người bình thường, nhưng mình không được để những cái bình thường làm nhụt chí vì mình là CAND. Nói thế nhiều người cho là hô khẩu hiệu, nhưng đúng như thế thật. Nếu xem lực lượng vũ trang cũng là một nghề trong xã hội thì phải xếp nó vào nghề đặc biệt, vì khi cần người lính sẵn sàng hiến dâng cả máu và mạng sống của mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân.
Tôi tốt nghiệp ra trường năm 1984, từ đó đến nay đã trải qua nhiều vị trí công tác, trước khi làm Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thì tôi đã đảm nhiệm chức Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị 1, giờ về đây là hổ đã về rừng vì tôi tuổi hổ. Gần trọn đời gắn bó với ngành. Tổ chức phân công vào với Mường Nhé, tôi biết là Ban Giám đốc hiểu được năng lực cũng như hạn chế của bản thân tôi".
Đêm cuối năm, trời miền núi đủ lạnh để cho lòng người xích lại gần nhau hơn, Trung tá Pờ Pờ Sơn người dân tộc Hà Nhì, một cán bộ địa bàn, bám dân, bám cơ sở giờ là Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé dốc bầu tâm sự: "Phải nói rằng việc kiện toàn, hoàn thiện hệ thống Công an xã theo Ðề án 106 của Bộ Công an cực kỳ trúng và đúng, với tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở".
Trước đây khi chưa có công an chính quy về xã thì khi tiếp nhận thông tin từ một việc nào đó, Ban Công an xã chủ yếu bảo vệ hiện trường rồi báo cáo cho Công an huyện để chỉ đạo các đội nghiệp vụ về điều tra. Giờ đây khi đã có Công an chính quy về xã, tùy theo tính chất vụ việc, Ban Công an xã sẽ trực tiếp điều tra, xác minh, bảo đảm yếu tố "tức thì".
Đại tá Nguyễn Ngọc Trường (giữa), Trưởng Công an huyện Mường Nhé, trong một đợt tuyên truyền, vận động người dân tại bản Ðoàn Kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. |
Với lợi thế là Công an chính quy, nên việc rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự để tuyên truyền, giáo dục, gọi hỏi, răn đe…cũng thuận lợi hơn. Ngoài ra còn tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch sát với thực tế ở địa phương. Những việc làm này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nếu các anh về xã Leng Su Sìn có thể gặp Thượng úy Cà Văn Phương, Phó Trưởng Công an xã hay về xã Chung Chải gặp Thiếu tá Sùng A Hù, Trưởng Công an xã.
Ngoài ngiệp vụ chuyên môn giỏi đã đành, người công an bám cơ sở còn phải làm công tác dân vận khéo. Nói đến công tác dân vận thì Đảng ủy Công an Trung ương và đồng chí Đại tướng Bộ trưởng Tô Lâm là bậc thầy, điển hình là việc chỉ đạo thực hiện Chương trình Hỗ trợ làm nhà cho người nghèo Mường Nhé thời gian vừa qua".
Chúng tôi biết, tập quán của người đồng bào dân tộc Mông là thích du canh trên những đỉnh núi mờ sương. Họ không muốn định cư lâu dài ở một chỗ, cứ đi, đốt, phát, trỉa, thu hoạch rồi lại đi, đốt, phát, trỉa…
Từ ngàn đời xưa, rừng núi còn bao la, họ đã đi, đã sống và đã tàn phá thiên nhiên, giờ đây, rừng núi đã hết cây, sông suối đã hết nước thì tập quán đó cũng phải thay đổi, chỉ có an cư thì mới lạc nghiệp được. Và chương trình 1200 nhà ở cho người dân tộc tại huyện Mường Nhé của Bộ Công an đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực.
Từ chính sách, đường lối đúng nhưng để đi được vào đời sống của đồng bào dân tộc còn cần cả một quá trình, việc làm ấy trông cậy vào công tác dân vận của những người cán bộ Công an bám cơ sở. Khi được hỏi những kỷ niệm đáng nhớ về những ngày đầu đi vận động xây nhà cho dân, Đại úy Chang A Dì, Tổ trưởng công tác Công an huyện cắm xã nói: "Về với dân thì luôn có nhiều kỷ niệm, vui có buồn có, cũng may là cuối cùng thì dân và mình đều hiểu được nhau. Điển hình như chuyện gia đình anh Sùng A Sủng ở bản Huổi Hốc xã Nậm Kè.
Ban đầu khi nghe nói được hỗ trợ làm nhà thì rất vui, rất hồ hởi, nhưng khi vật liệu đã đi bằng đôi vai cán bộ, chiến sỹ lên đến đỉnh núi rồi thì A Sủng trở chứng, A Sủng không muốn làm nhà nữa vì A Sủng chỉ muốn được làm nhà gỗ kiểu truyền thống của dân tộc Mông thôi. Gỗ rừng thì hiếm, giá thành đắt đỏ, phương án đã được phê duyệt, vật liệu đã cõng lên… giờ A Sủng dở chứng thì biết làm sao đây?
Không còn cách nào khác là cán bộ phải "ăn vạ" đồng bào thôi. Nói một ngày chưa nghe thì nói hai ngày. Nói hai ngày chưa nghe thì cán bộ cùng A Sủng ngủ một đêm, uống rượu một đêm, tâm sự hết một đêm… rồi cán bộ phải nhờ đến Chủ tịch xã Giàng A Ly giải thích cho A Sủng hiểu rằng nguyên liệu làm nhà bằng tôn song thiết kế nhà vẫn theo kiểu truyền thống dân tộc Mông.
Hai ngày hai đêm lặng thinh, sang ngày thứ ba, A Sủng chủ động gặp cán bộ nói rằng tao đã thích rồi, người Kinh, người Hà Nhì ở được nhà tôn, người Kinh, người Hà Nhì không di cư, không phá rừng, đốt nương làm rẫy thì người Mông cũng ở được nhà tôn, cũng không di cư, cũng không phá rừng".
Và còn, còn rất nhiều câu chuyện vui có, buồn có khi đến với đồng bào, như chuyện Trưởng Công an huyện Nguyễn Ngọc Trường dám dẫn một tổ công tác có vài người vào tận "sào huyệt" của các phần tử chống đối rồi ngồi bệt giữa nền nhà đầy phân gà, phân lợn và rác rưởi để cùng uống rượu ngô; hay chuyện đối phó với việc các đối tượng chống đối xúi giục phụ nữ người Mông ra sẵn sàng "ăn vạ" với cán bộ…
Câu chuyện nào cũng để lại bài học hay về công tác dân vận cần được nhân rộng. Khi bài báo này đang lên khuôn, tôi điện thoại chúc Tết Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé, trung tá Pờ Pờ Sơn, anh hồ hởi thông báo với tôi rằng: Xuân này Mường Nhé an yên.