Trung tướng Hồng Cư và những ký ức bảo vệ Lễ Độc lập
Hơn 60 năm đã trôi qua, người Trung đội trưởng tự vệ chiến đấu cứu quốc được vinh dự tham gia bảo vệ Lễ Độc lập 2/9/1945 Phạm Hồng Cư nay đã ở tuổi 80, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn khoẻ mạnh và minh mẫn. Nghe tôi hỏi chuyện về thời kỳ nước ta mới giành được độc lập, ông trở nên phấn chấn lạ thường, sôi nổi như thời trai trẻ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông chưa đầy 20 tuổi nhưng đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, tham gia bảo vệ Lễ Độc Lập 2/9/1945. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông được lệnh rút lên chiến khu Việt Bắc, làm chính trị viên tiểu đoàn 42, trung đoàn 147 bảo vệ cửa ngõ phía tây của An toàn khu (ATK), nơi Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Với những cương vị chỉ huy khác nhau cuộc đời ông đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền
Từ tham gia bảo vệ Lễ Độc lập
Theo lời ông kể, ngày 25/8/1945, nghĩa là chỉ một tuần sau khi giành được chính quyền, Thành uỷ Hà Nội quyết định thành lập Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc (ĐTVCĐCQ) Hoàng Diệu. Đây là những đoàn viên cứu quốc trung kiên, được tuyển lựa chủ yếu trong hàng ngũ công nhân, dân nghèo thành thị và thanh niên học sinh. Họ được giao nhiệm vụ cùng với các lực lượng vũ trang khác bảo vệ chính quyền cách mạng, làm công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Việt Minh và vận động quần chúng thực hiện; tổ chức và huấn luyện cho tự vệ thành; làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh của quần chúng chống thù trong giặc ngoài.
Vừa thành lập vài ngày, ĐTVCĐCQ Hoàng Diệu được giao ngay trọng trách là làm hàng rào danh dự bảo vệ lễ đài trên quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945). Suốt những ngày ấy, cả Hà Nội tràn ngập niềm hân hoan và chìm trong rừng cờ đỏ sao vàng. Người Hà Nội xuống đường náo nức dạo quanh phố phường như để đón nhận làn gió mới, được tắm mình trong không khí ngày hội. Hà Nội chưa bao giờ hồ hởi như thế. Đâu đâu người ta cũng bàn tán về những vị chỉ huy tài giỏi của Việt Minh, về cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền.
Trước khí thế sục sôi của cách mạng các thế lực thù địch vô cùng tức tối. Nhưng trước những đoàn quân cách mạng oai phong quần soóc áo cộc tay, nhìn mũ vải calô đội lệch, chúng không dám ho he, không dám gây ra một hành động khiêu khích nào. Sáng hôm ấy trời trong xanh, gió lồng lộng tung bay một rừng cờ đỏ sao vàng. Hồ Chủ tịch dẫn đầu Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội. Cả hàng chục nghìn người dân thủ đô và các tỉnh xung quanh đã vô cùng xúc động rưng rưng lệ khi nghe Bác hỏi “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Giọng của Người ấm áp làm sao! Giọng của Người có sức truyền cảm, thấm sâu vào tâm khảm, vào trái tim của muôn dân nước Việt.
Để bảo đảm an ninh và sự bình yên của lễ hội Độc lập, đội ĐTVCĐCQ Hoàng Diệu cũng như các lực lượng vũ trang khác đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau và khôn khéo xử lý trong mọi tình huống. Cả hôm trước và ngày đêm 2/9 năm ấy họ không ngủ, mà cứ mãi râm ran trò chuyện về những điều diễn ra trong Lễ Độc lập, về Cụ Hồ, về Tuyên ngôn độc lập. Sau sự kiện này uy tín và sự tin cậy đối với ĐTVCĐCQ Hoàng Diệu ngày càng được nâng lên. Đội còn được vinh dự đặc biệt cử một số cán bộ, chiến sĩ đi trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và nhiều trụ sở quan trọng của các cơ quan Đảng và Mặt trận Việt Minh.
Đến việc đấu tranh chống bọn phản động
Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, bọn Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc) theo gót chân quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật. Thầy nào tớ ấy chúng giả danh cách mạng để hoạt động phá hoại. Đặc biệt trong tháng 12/1945, trước ngày Tổng tuyển cử (6/1/1946) chúng càng hoạt động ráo riết, hô hào dân chúng không tham gia bầu cử, kích động lật đổ chính quyền, tổ chức biểu tình gây hỗn loạn trong thành phố. Trước thực trạng đó Thành uỷ chỉ thị kiên quyết trừng trị bọn phá hoại nhưng nhất thiết phải tránh khiêu khích, tuyệt đối không để xảy ra xung đột lớn.--PageBreak--
Đầu tháng 12/1945, ĐTVCĐCQ Hoàng Diệu tổ chức một trận “đánh” nhỏ để rút kinh nghiệm. Bữa đó, nhận được tin bọn khiêu khích vừa tập trung ở phố Hàng Đậu, ba đồng chí được phân công, lập tức giắt vũ khí vào người chạy dọc phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, tới Hàng Giấy thì gặp bọn chúng. Tại đây bọn chúng dùng loa kêu gọi và phân phát báo phản động trước chợ Đồng Xuân, hai đầu đường có bọn lính Tưởng canh gác. Một đội viên tự vệ xông vào giữa, hỏi một tên khiêu khích: “Báo gì đấy?”, nó trả lời “Báo Việt
Ngày 14/12/1945, bọn phản động tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại bờ hồ Hoàn kiếm. ĐTVCĐCQ Hoàng Diệu huy động lực lượng đông hơn, do đồng chí Nguyễn Anh Bảo trực tiếp chỉ huy. Tất cả mặc thường phục hoà lẫn vào đồng bào, giữ bí mật vũ khí mang theo. Bọn Việt quốc chia thành nhiều toán theo các chuyến tàu điện tập trung về bến xe Bờ Hồ. Chúng chiếm các toa tàu, chĩa loa sang hai bên thành tàu hô hào chống Tổng tuyển cử, đòi lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh. Lập tức các chiến sĩ ĐTVCĐCQ Hoàng Diệu lớn tiếng phản đối. Đồng bào chờ tàu điện cũng đồng thanh hô theo: “ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh! ủng hộ Tổng tuyển cử!”. Những tên phản động có vũ trang giơ súng doạ. Một tên từ tàu điện nhảy xuống ngang ngược chửi mắng trấn áp đồng bào. Cuộc xung đột nổ ra. Bọn Việt quốc bắn trúng đồng chí Lê Thành Quế, một Tiểu đội trưởng trong trung đội của Hồng Cư. Tội ác của chúng càng làm cho các chiến sĩ tự vệ phẫn nộ. Toàn thể xông lên chiến đấu bằng bất cứ thứ vũ khí gì có trong tay. Đồng bào cũng ầm ầm đổ tới, chủ cửa hàng sơn khung xe đạp ở đầu phố Hàng Gai đưa các ống tuýp cho đồng bào làm vũ khí. Bọn phản động hoảng hồn giấu súng, vứt cờ, loa chạy tháo thân.
Sau đó một tuần, ngày 20/12/1945 bọn Việt quốc tập trung đông hơn, xuất phát từ Ngũ Xã, tuần hành theo đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), quặt sang Quán Thánh, đến vườn hoa Hàng Đậu, theo đường Hàng Giấy, định tiến ra Bờ Hồ. Nắm bắt được ý đồ của chúng, ĐTVCĐCQ Hoàng Diệu huy động lực lượng lớn, chia thành nhiều tốp chặn bọn phản động từ Hàng Giấy lên Hàng Đào, không cho chúng tiến ra Bờ Hồ. Các chiến sĩ tự vệ chớp nhoáng đánh thọc ngang chia cắt đội hình, bọn đi phía sau hoảng sợ lủi dần, đến phố Hàng Đào chỉ còn dăm chục đứa. Khi ấy đồng chí Đỗ Đức Kiên chỉ huy tự vệ đồng loạt tấn công, đội hình địch rối loạn. Đồng bào cũng lao tới tham gia trừng trị bọn phản động. Tên cầm đầu bị đồng chí Kiên cho một báng súng vào đầu, nó bỏ chạy thục mạng vào nhà dân. Đuổi bắt được, nó hốt hoảng quì lạy, xin tha. Hắn xưng danh là Phạm Văn Phường, con trai Phạm Văn Bình, bộ trưởng trong Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Đồng chí Kiên không lạ gì bố nó, chĩa súng vào mặt nó cảnh cáo: “Tội mày đáng chết, lần này tao tha cho, nếu cứ theo bọn phản động làm càn thì đừng có trách!”. Từ đó đến ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946 bọn phản động không dám tổ chức thêm một cuộc biểu tình nào nữa