Trinh sát an ninh kể chuyện đấu tranh với tội phạm sản xuất tiền giả

Thứ Năm, 07/06/2018, 17:40
Trung tá Bùi Thành Long, cán bộ Phòng Phòng chống tội phạm Tiền giả và rửa tiền, Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ, Đầu tư là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào CAND học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy giai đoạn 2013-2018 của Tổng cục An ninh. 


Trong một lần gặp gỡ ngắn ngủi khi anh và đồng đội vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh biên giới phía Bắc, ạnh đã chia sẻ: "Chẳng phải ngẫu nhiên mà không ít người đã ví von, Phòng Phòng chống Tiền giả và Rửa tiền là lực lượng cảnh sát trong Tổng cục An ninh".

Câu nói hóm hỉnh của người trinh sát nhiều năm gắn bó với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tiền giả phần nào nói lên tính chất công việc và áp lực mà anh và đồng đội đang hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt. 

1.Cuộc gặp gỡ giữa tôi và Trung tá Bùi Thành Long nhiều lần bị lỗi hẹn bởi những chuyến công tác đột xuất, bất ngờ của anh. Như để giải thích với tôi, anh cho biết: "Đối tượng phạm tội về tiền giả thường giao dịch, vận chuyển vào ban đêm, ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ để tránh sự theo dõi của các lực lượng chức năng. Có những chuyến công tác của tôi và đồng đội kéo dài đến 18 ngày đêm".

Nhiều năm qua, tiền giả và tội phạm tiền giả xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, với nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Tiền Việt Nam bị làm giả không những làm giảm giá trị của tiền thật mà còn tác động không nhỏ đến an sinh xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính sách, công tác quản lý, điều hành tiền tệ của Nhà nước.

Với sự vào cuộc của lực lượng Công an cả nước, nhiều đường dây đã bị triệt phá, nhiều đối tượng phạm tội về tiền giả với số lượng lớn bị bắt giữ, nhưng siêu lợi nhuận của việc mua bán, vận chuyển tiền giả vẫn khiến các đối tượng không từ bỏ thủ đoạn nào để hoạt động. Đã hình thành các đường dây, ổ nhóm tội phạm tiền giả hoạt động diễn ra trong thời gian dài, địa bàn hoạt động rộng trên nhiều tỉnh, thành; có sự câu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Các đối tượng sản xuất tiền giả liên tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ in ấn, khắc phục nhiều lỗi sản xuất trước đó như màu sắc, mực phát quang, dây bảo hiểm, số sery..., để tiền giả ngày càng giống với tiền thật.

Trung tá Bùi Thành Long (thứ 3 từ phải sang) trong một lần bắt giữ tội phạm.

"Đối tượng phạm tội tiền giả đa số là những người không có công ăn, việc làm, lang thang từ các địa phương khác ra các huyện biên giới hoặc là đối tượng hình sự, ma túy, nghiện hút và một số là phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng...

Đấu tranh với loại tội phạm này tốn kém về kinh phí, thời gian, công sức, bởi đối tượng manh động, liều lĩnh có thể gây nguy hiểm về tính mạng cho lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh. Quá trình đấu tranh là cuộc đấu trí căng thẳng giữa các trinh sát với những kẻ phạm tội tinh vi và liều lĩnh", Trung tá Bùi Thành Long nhận định.

Trong các vụ án này, đối tượng người Trung Quốc thường không sang Việt Nam giao hàng. Những kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây thì cũng ít xuất đầu lộ diện, chúng thuê những người dân nghèo, nhận thức pháp luật còn hạn chế để thực hiện hành vi phạm tội.

2. "Biết địch biết ta trăm trận, trăm thắng" muốn phòng ngừa, ngăn chặn, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm tiêu thụ tiền giả trong nội địa, cán bộ đấu tranh với loại tội phạm này phải có kiến thức về tiền giả, nắm được phương thức và thủ đoạn của các đối tượng phạm tội. Những ngày vừa chân ướt chân ráo từ Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Hà Giang về Phòng Phòng chống Tiền giả và Rửa tiền, Trung tá Bùi Thành Long đã tỉ mỉ nghiên cứu hồ sơ vụ án Quách Kim Hoa và đồng bọn vận chuyển, lưu hành tiền giả bị Công an tỉnh Tiền Giang triệt phá vào năm 2008.

Với sự giúp đỡ của đồng đội và sau quá trình nghiên cứu hồ sơ, anh đã tham mưu cho lãnh đạo phòng, lãnh đạo cục xác lập chuyên án đấu tranh với Hoàng Nam Hải, Hứa Thị Huyền và một số đối tượng cầm đầu các ổ nhóm tàng trữ tiền giả khu vực bên kia biên giới giáp với tỉnh Lạng Sơn. Các đối tượng này là nguồn cung cấp tiền giả cho Qách Kim Hoa.

Sau 2 năm kiên trì đấu tranh, anh cùng tập thể đơn vị đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội và lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ Huyền khi đối tượng từ Trung Quốc về Việt Nam thăm con gái.

Một trong những thành tích nổi bật của Trung tá Bùi Thành Long là việc đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Cục và Tổng cục xác lập chuyên án đấu tranh chống tội phạm tiền giả do cấp Tổng cục chỉ đạo để đáp ứng các yêu cầu đấu tranh trong tình hình mới. Trên cơ sở quyết định của lãnh đạo Bộ Công an, anh đã tỉ mỉ xây dựng, triển khai kế hoạch về đấu tranh chuyên án, trong đó đã xác định 23 đối tượng và nhóm đối tượng (5 đối tượng chính, 18 đối tượng phụ) tập trung ở Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc).

"Tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh với 13/23 đối tượng, qua đó đã phát hiện hơn 60 đầu mối, đường dây trong nước có liên quan; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Công an TP Hà Nội, Hải Phòng, tổ chức nhiều đợt trinh sát, trực tiếp bắt giữ 15 đối tượng, tang vật thu giữ là hơn 1 tỷ đồng tiền giả và 19.800USD giả", Trung tá Bùi Thành Long cho biết.

Trong số đó, anh ấn tượng nhất lần bắt giữ Đàm Khải Hữu tên thường gọi là Triệu, (SN 1949, trú tại Khơ Lếch, Lũng Vài, Bằng Tường), là đối tượng chính trong chuyên án. Sau khi Phùng Thị Liễu, là đối tượng chung sống như vợ chồng với Triệu bị Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ, bị Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt 20 năm tù giam về tội mua bán tiền giả, Hữu tiếp tục bán tiền giả cho các đối tượng trong nước.

Trung tá Bùi Thành Long là người đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, xử lý 4 vụ, bắt 5 đối tượng, thu giữ tang vật gần 100 triệu đồng tiền giả của đối tượng Triệu. Trên cơ sở những lời khai của đối tượng bị bắt giữ, anh đã đề xuất và được lãnh đạo ban chuyên án đồng ý phê duyệt kế hoạch đã bắt giữ Triệu khi đối tượng này về nước.

Đây là một công việc không đơn giản, vì Triệu là một kẻ rất tinh quái, hắn rất ít khi xất đầu lộ diện. Quá trình theo dõi, vào một ngày cuối năm, khi đối tượng xuất hiện tại Trạm liên hợp Dốc Quýt, xác Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Trung tá Long đã phối hợp với các đơn vị trên bắt giữ đối tượng.

Theo đề nghị của Ban chuyên án, Cục điều tra tội phạm về kinh tế, Bộ Công an Trung Quốc đã tiến hành mở rộng điều tra và tìm ra nơi sản xuất tiền giả tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Công an tỉnh Quảng Đông sau đó đã bắt giữ 6 đối tượng người Trung Quốc có hành vi làm tiền giả, thu giữ hơn 11,2 tỷ đồng tiền Việt Nam giả cùng phương tiện in ấn. Các máy in tiền này ban đầu được sản xuất để in các chế phẩm có chất liệu nilon, polymer với độ chính xác cao. Sau đó, các đối tượng cài đặt dùng để tin tiền Việt nam giả... 

3. "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được..." là tình trạng thường gặp đối với gia đình, người thân của các trinh sát an ninh. Gần một tuần không nhận được tin tức của chồng, vợ Trung tá Bùi Thành Long không giấu được sự lo âu. Ngày mới quen anh, chị không ít lần được nghe những câu chuyện qua lời kể của mẹ anh; rồi những buổi hẹn đành phải bỏ dở bởi những công việc đột xuất bất ngờ nên chị đã phần nào hiểu được tính chất công việc của một cán bộ an ninh. Thế nhưng, những lúc như này chị cũng không khỏi chạnh lòng. 

Còn nhớ, ngày anh nhận công tác tại huyện miền núi Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, tuy cùng ở một tỉnh nhưng cả tháng anh cũng chẳng mấy khi được ở với gia đình. Ngày đó, Mèo Vạc vẫn còn là vùng đất hẻo lánh, đoạn đường gần 200km từ thị xã lên đến huyện phải đi mất cả ngày đường, những cánh lính trẻ đang tuổi xuân phơi phới khi phải vượt qua con đường lổn nhổn đầy những ổ trâu, ổ gà và các khúc cua tay áo còn thấm mệt, đủ để nói lên những khó khăn của nơi đây. Cả huyện chỉ có 19 căn nhà được xây, điện lưới quốc gia chưa thể với tới, muốn đến được các bản vùng cao chỉ còn có cách duy nhất là đi bộ trên các sườn đồi. Ngày đó chỉ có chưa đầy 30 cán bộ, chiến sỹ, anh và đồng đội đặt chân khắp các địa bàn, vận động bà con từ bỏ cây thuốc phiện và không nghe theo kẻ xấu, rời bỏ quê hương, bản quán.

Những năm tháng miệt mài đó đã rèn luyện cho Trung tá Bùi Thành Long kỹ năng sống, kinh nghiệm đối mặt với tội phạm và phát động quần chúng tham gia tố giác tội phạm. Vì thế, sau khi được điều động từ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang về công tác tại Phòng Phòng Chống tội phạm Tiền giả và Rửa tiền, anh đã nhanh chóng thích nghi với công việc.

Cùng với các cán bộ của Phòng Phòng chống tội phạm Tiền giả và Rửa tiền, Trung tá Bùi Thanh Long đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh biên giới, bóc gỡ nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm. Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tiếp, Trung tá Bùi Thành Long được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở. Hai lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tiền giả, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hiện anh đang được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Xuân Mai
.
.