Tổng hành dinh - di tích đặc biệt thời đại Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 13/04/2005, 07:41

Đó là nơi chứng kiến những cuộc họp cơ mật của Bộ Thống soái tối cao, đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi ấy đã từng ra đời những nghị quyết quan trọng, những quyết sách lớn lao, đúng đắn, sáng tạo, kịp thời, đưa tới thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Khu vực Tổng hành dinh, trước đây gọi là khu A, Bộ Quốc phòng, bao gồm nhiều công trình kiến trúc như Nhà Con Rồng, nhà D67. Nhà T78  là nơi làm việc của Bộ Tổng tham mưu, Cơ quan Bộ Quốc phòng, nằm trên vị trí trung tâm của Thành cổ Hà Nội và cũng là trung tâm của cấm thành Thăng Long xưa, nơi có điện Kính Thiên thiêng liêng của bao triều đại phong kiến quốc gia Đại Việt.

Vài nét lịch sử Điện Kính Thiên, nơi đặt Tổng hành dinh

Điện Kính Thiên là công trình kiến trúc của ông cha ta xưa, được xây dựng vào năm 1428 trên cơ sở điện Càn Nguyên thời Lý, điện Thiên An thời Trần để dành cho các ngày lễ đại triều. Nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), điện Kính Thiên trở thành một dạng “nhà khách đặc biệt” chỉ mở cửa đón nhà vua và đoàn tùy tùng nghỉ lại mỗi khi có dịp tuần du Bắc Hà.

Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tổng hành dinh.

Ngày 25/4/1882, thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Hà thành thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết.

Một đại đội pháo binh giặc do đại úy Retrouvey chỉ huy vào trong điện Kính Thiên. Với ý đồ ở lại lâu dài ở đây, chúng đã xây một bức tường dày đến 0,6m, có trổ nhiều lỗ châu mai bao vây lấy điện Kính Thiên, đề phòng quân ta phản kích. Một bức tường được xây vội, rất xấu xí mà chính người Pháp cũng phải thừa nhận: “Đại úy Retrouvey đã biến Hoàng cung thành một pháo đài, thay thế lan can chạm khắc bằng một bức tường trổ lỗ châu mai đen ngòm và chuyển vào đây một số pháo” (Theo André Masson trong “Hà Nội giai đoạn 1873-1888”).

Điện Kính Thiên trong con mắt của những tên lính thực dân là một công trình kiến trúc  đáng nể. Cũng trong cuốn sách trên, André Masson viết: “Tòa nhà trung tâm Kính Thiên được xây dựng trên gò đất thiêng Nùng Sơn, gò núi, trong nhiều thế kỷ được coi như núi hộ mệnh của thành phố, là một trong những tuyệt tác của kiến trúc An Nam. Bốn con rồng đá lởm chởm vây ôm lấy cái sống của bộ mái và ngẩng cao đầu ở bốn góc mái. Bên trong tòa Kính Thiên có nhiều cột rất cao và to hàng ôm bằng gỗ lim. Tòa nhà Kính Thiên bị phá hủy năm 1886 để xây dựng ngôi nhà hiện nay là Sở chỉ huy pháo binh. Bù lại, các bậc thang tuyệt đẹp lên sân điện vẫn còn nguyên và những con rồng đá có từ thời Lý uốn mình dọc theo các bậc thềm".

Năm 1886, sau 4 năm chiếm đóng, thực dân Pháp đã phá điện Kính Thiên và xây thế vào đó là Nhà Con Rồng hai tầng. Chúng còn làm một số nhà lá cho lính tráng ở trong khu vực này, biến điện Kính Thiên thiêng liêng thành trại lính.

Tổng hành dinh trong kháng chiến chống Mỹ

Sau ngày hòa bình lập lại (1954), quân đội ta về tiếp quản thủ đô, Nhà Con Rồng trở thành nơi làm việc của Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam. Đây là nơi gắn liền với những bước phát triển của quân đội ta, nơi vạch ra kế hoạch xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại nhằm bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hoạch định những kế hoạch chiến lược chi viện cho miền Nam như thành lập Đoàn vận tải 559 và Đoàn tàu không số trên biển. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng đi vào giai đoạn quyết liệt. Bác Hồ và Đảng ta đã tiên liệu khả năng địch sẽ huy động B.52 đánh vào thủ đô. Cuộc đọ sức thắng thua cuối cùng giữa ta và địch sẽ diễn ra trên bầu trời Hà Nội. Cần phải có những công trình chịu được bom đạn và trong Tổng hành dinh để đảm bảo an toàn cho Bộ Thống soái tối cao của ta.

Vì vậy, từ năm 1967, chúng ta đã xây dựng nhà D67 cách 30 mét ở phía sau Nhà Con Rồng. Nhà D67 là ngôi nhà một tầng mái bằng, có tường dày 0,6m gồm hai lần cửa. Choán gần hết diện tích là một phòng họp lớn: phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Cách phòng họp lớn là một phòng nhỏ. Căn nhà nhỏ phía đông là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; căn phòng nhỏ phía tây là nơi làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Từ nhà D67 có hai đường hầm nối thẳng xuống một phòng họp ở dưới tầng hầm, gọi là hầm D67 hay hầm Quân ủy. Hầm Quân ủy có hai phòng, một phòng họp lớn được bố trí như phòng họp chính trên mặt đất. Từ hầm Quân ủy lại có một lối thẳng lên Nhà Con Rồng ở phía trước.

Trong 12 ngày đêm B52 oanh tạc Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng làm việc dưới căn hầm này. Ông viết: “Đêm 26-12, địch huy động hàng trăm chiếc B52 đánh phá dã man các khu vực dân cư ở nội thành Hà Nội. Đã có lúc căn hầm chỉ huy kiên cố của Tổng hành dinh rung lên như động đất” (Theo Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”).

Cũng theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì trong thời gian 1973-1974, Bộ Thống soái tối cao đã giao cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu tình hình địch, để đề ra kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Bản dự thảo kế hoạch này đã được làm đi làm lại đến 7 lần để trình Bộ Chính trị. Ngày 30/9/1974, Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khai mạc tại Tổng hành dinh, duyệt kế hoạch chiến lược do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu phải có kế hoạch tạo thời cơ và đón thời cơ. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ khi thời cơ chiến lược xuất hiện. Hội nghị nhấn mạnh quyết tâm: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam năm 1975”.--PageBreak--

Ngày 18/12/1974, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng lại họp tại Tổng hành dinh. Trong cuốn hồi ức đã dẫn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngôi nhà mái bằng (tức nhà D67) ẩn dưới các tán lá cây dày đặc với những căn hầm làm việc kiên cố, nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, hôm nay lại chứng kiến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định: “Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng tập trung cao độ, lập kế bày mưu, hạ quyết tâm giành toàn thắng”. Đây là cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng, một lần nữa thống nhất, củng cố quyết tâm cuộc họp ngày 30/9/1974. Cuộc họp này bế mạc vào ngày 8/1/1975 với nghị quyết lịch sử: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ, chiến lược lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự, chính trị như hiện nay, có thời cơ, chiến lược to lớn, thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc”.

Ngày 9/1/1975, nghĩa là ngay sau khi bế mạc cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng, Quân ủy Trung ương lại họp để triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị. Cuộc họp này khẳng định mục tiêu tiến công là khu vực Tây Nguyên, mà cụ thể là thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngày 10/3, ta bí mật bất ngờ nổ súng mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, tiến công Buôn Ma Thuột và thừa thắng, tiến công giải phóng nhiều tỉnh miền Trung.

Ngày 31/3, Bộ Chính trị họp, quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Sài Gòn do một tập thể các ủy viên Bộ Chính trị tại chiến trường (các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) lãnh đạo, chỉ đạo. Đại tướng Văn Tiến Dũng Tổng tham mưu trưởng trực tiếp làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Bộ Chính trị nhận định: “Cách mạng nước ta đang phát triển sôi nổi nhất với nhịp độ 1 ngày bằng 20 năm. Vì vậy, Bộ Chính trị quyết định nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm". (Trích Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 1/4/1975).

Sơ đồ vị trí các công trình trong tổng hành dinh.

Ngay cuối giờ họp, ngày 31/3, đồng chí Lê Duẩn đã gửi thư, chỉ đạo cụ thể vào chiến trường: “Gửi anh Bảy Cường, anh Sáu, anh Tuấn  (anh Bảy Cường tức đồng chí Phạm Hùng, anh Sáu tức đồng chí Lê Đức Thọ, anh Tuấn tức đồng chí Văn Tiến Dũng) “11 giờ ngày 31/3/1975, tình hình chuyển biến nhanh, cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương. Vì vậy anh Tuấn nên vào sớm để gặp anh Bảy Cường ở Trung ương Cục để bàn ngay kế hoạch đánh Sài Gòn. Anh Sáu sẽ vào luôn trong đó họp. Anh Bảy Cường và anh Tư Nguyễn (tức đồng chí Trần Văn Trà) không ra Tây Nguyên nữa. Ký tên: Ba”.

Cũng trong những ngày đầu tháng 4, một loạt các tỉnh ven biển miền Trung: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, thị xã Nha Trang được giải phóng. Địch co cụm về cố thủ ở Phan Rang.

Ngày 7/4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi mệnh lệnh tới toàn quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành khẩu hiệu hành động được truyền đi khắp các mặt trận, làm nức lòng toàn quân xông lên giành chiến thắng. Ngày 14/4, Bộ Chính trị đồng ý với đề xuất của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. 11 giờ ngày 30/4, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc dinh độc lập, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại không khí hân hoan, phấn khởi, tự hào, xúc động trong thời điểm này tại Tổng hành dinh: “Nhà Con Rồng hôm nay như rạng rỡ hơn trong gió xuân ấm áp. Ngôi nhà cổ, thềm sân rộng và cả 4 con rồng đá chầu ở bậc lên xuống như tươi tắn hơn mọi ngày. Những cây ngọc lan tán lá sum suê tỏa hương thơm ngát... Anh Ba, anh Trường Chinh, anh Đồng cũng đến đây sớm hơn thường lệ. Các anh khác trong Bộ Chính trị cũng lần lượt đến  đông đủ".

Trong không khí hân hoan, Bộ Chính trị họp, bàn về những biện pháp lãnh đạo sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ba mươi năm đã trôi qua, Tổng hành dinh - Bộ Quốc phòng nơi chứng kiến những cuộc họp cơ mật của Bộ Thống soái tối cao, đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nơi đã từng ra đời những nghị quyết quan trọng, những quyết sách lớn lao, đúng đắn, sáng tạo, kịp thời, đưa tới thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta nay đã trở thành một di tích lịch sử cách mạng mở cửa đón nhân dân, bộ đội vào tham quan - để thêm tự hào với truyền thống dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta

Phan Duy Kha
.
.