Thượng tá Công an và kỷ lục "vô tiền khoáng hậu"

Thứ Năm, 08/09/2016, 10:24
Trưởng thành từ Công an huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), hơn 30 năm công tác trong lực lượng Công an, trải qua nhiều công việc và đơn vị công tác, Thượng tá Sùng A Ly hiện là Phó trưởng Phòng Phòng chống phản động và chống khủng bố (PA88) Công an tỉnh Yên Bái, một người đi lên từ bài học thành công "dựa vào dân".


1.Ở Công an tỉnh Yên Bái, Thượng tá Sùng A Ly là người khá nổi tiếng khi trong 6 năm qua, anh đã 5 lần đi tăng cường cơ sở. Cho đến thời điểm này, anh là người giữ kỷ lục tăng cường cơ sở nhiều nhất của Công an tỉnh Yên Bái. Năm 2010, Công an tỉnh Yên Bái bắt đầu thực hiện kế hoạch "Tăng cường cơ sở đảm bảo ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Địa bàn được chọn tăng cường là những xã trọng điểm phức tạp về ANTT, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo. Mỗi tổ công tác gồm 3 cán bộ của các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và 2 cán bộ Công an huyện do một đồng chí lãnh đạo cấp phòng làm tổ trưởng.

Khi chúng tôi hỏi sao anh lại lập được "kỷ lục" đi tăng cường cơ sở nhiều như thế. Thượng tá Sùng A Ly cười giải thích: "Vì tôi là người dân tộc, có điều kiện dễ tiếp xúc với đồng bào dân tộc hơn, nên mỗi lần tăng cường cán bộ xuống cơ sở, tôi đều nhận nhiệm vụ đi đến nơi khó khăn để "bốn cùng" với đồng bào".

Sinh ra ở bản Hú Chù Lìn, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, anh thấu hiểu nỗi vất vả cũng như khó khăn của người dân trên đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ. Tăng cường cơ sở là nhiệm vụ không hề dễ dàng, gian khổ đã đành nhưng cũng khó khăn gấp bội khi trong 4 tháng phải hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình đến. Bằng sự nhiệt huyết, tận lực và giàu kinh nghiệm, anh và đồng đội đã thành công sau những chuyến "bốn cùng" với dân.

Thượng tá Sùng A Ly cho biết, anh sinh ra trong một gia đình rất nghèo, tuổi thơ của anh là những lần lên nương phát rẫy cùng bố mẹ khi cái bụng đói meo. Nhưng anh cũng là người hiếm hoi ở Lao Chải vẫn ngày ngày cắp sách tới trường. Khi vừa học hết lớp 9, do gia cảnh nghèo quá, anh phải ở nhà 1 năm. Năm 1982, anh là 1 trong 7 học sinh dân tộc được tuyển vào lực lượng Công an.

Thượng tá Sùng A Ly, Phó trưởng Phòng PA88, Công an tỉnh Yên Bái.

"Mẹ tôi mất cách đó 1 năm, gia cảnh khó khăn lắm, ngày đó nào có biết vào Công an là làm gì đâu, nên tôi rất lưỡng lự. Nhưng cũng chính nhờ cái quyết định ngày đó đã giúp tôi trưởng thành và được cống hiến cho đồng bào mình tới hôm nay" - Thượng tá Sùng A Ly chia sẻ.

Khi bước chân vào Công an, phần lớn thời gian của anh là đi học, hết học lại về công tác, rồi lại đi học. Anh làm việc với một thái độ nghiêm túc, cần mẫn, hăng say, phát huy tối đa kiến thức đã học để vận dụng vào thực tiễn. Không mảng nào anh chưa kinh qua, từ cán bộ của Đội Quản lý hành chính đến Cảnh sát hình sự, Cảnh sát giao thông, Công an phụ trách xã, quản lý nhà tạm giữ, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Bí thư Chi đoàn, rồi đến cán bộ phiên dịch. Ở lĩnh vực nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

2. Thượng tá Sùng A Ly kể rằng, thời gian công tác tại Công an huyện Mù Cang Chải đã giúp anh rèn luyện và trưởng thành, cho anh hiểu sâu sắc nghề mình lựa chọn để nỗ lực cống hiến. Những vụ án đặc biệt ở vùng cao mà anh và đồng đội triệt phá đến giờ vẫn được nhắc tới như là "kinh điển" cho lớp cán bộ trẻ. Anh bảo, đó là thời tuổi trẻ, là nhiệt huyết và niềm đam mê phá án của anh.

Nhắc tới anh, người ta lại nhớ tới vụ án trộm trâu đi vào giai thoại. Vụ án này đã khởi tố 6 đối tượng, trong đó có 4 đối tượng là lãnh đạo xã, thôn…

Năm 2005, người dân ở xã Lao Chải và xã Chế Tạo nhiều lần lên huyện báo mất 3 con trâu, đề nghị cho điều tra, làm rõ. Không hiểu vì sao thời điểm đó việc mất trộm trâu ít được quan tâm nên sự việc cứ thế trôi dần vào quên lãng. Do không được giải quyết nên nhân dân vô cùng bức xúc.

Nhận được thông tin, lãnh đạo Công an huyện đã cử anh trực tiếp xuống địa bàn tham gia phá án. Chuyện trộm trâu tưởng rằng đơn giản, mất con trâu cũng tưởng rằng không có gì to tát nhưng thực ra đó là cả cơ nghiệp của người nông dân, nên khi có cán bộ Công an tới bản thì nhân dân đều tha thiết sớm tìm ra thủ phạm.

Địa bàn mất trâu ở trên rừng xa, cách huyện 40km, mỗi lần đi anh phải bắt ôtô khách, sau đó đi bộ vào. Đây cũng là nơi giáp ranh với xã Mường Kim (nay là xã Tà Mu), huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nên càng khó khăn gấp bội do phong tục thả trâu rông của người dân hai tỉnh. Các con trâu được thả lên rừng đều lẫn lộn với nhau, vụ án xảy ra đã lâu, liên quan đến đối tượng nghi ngờ ở tỉnh khác nên công tác xác minh gặp nhiều khó khăn.

Sau những ngày nằm trực tiếp dưới dân, anh đã khoanh vùng được số đối tượng nghi vấn. Đó là một số cán bộ của xã Mường Kim có nhiều biểu hiện bất minh về kinh tế. Hoàn cảnh gia đình những người này đều khó khăn nhưng tự dưng lại sắm được xe máy, đồ đạc. Nhưng để chứng minh số tiền đó là do trộm cắp tài sản mà có là việc không hề dễ dàng.

Âm thầm thu thập thông tin, tìm bằng chứng, khi có đủ tài liệu, anh báo cáo lãnh đạo Công an huyện ra quyết định triệu tập đối tượng Giàng A Dê, Mùa A Sử là hai người dân ở xã Mường Kim lên làm việc. Hai đối tượng này rất ngoan cố, cho rằng Công an huyện không có chứng cứ chứng minh việc phạm tội của họ nên nhất định không khai báo.

Vừa sử dụng biện pháp nghiệp vụ, vừa vận động đối tượng, từ 5h sáng đến 12h đêm cả hai mới nhận đã tham gia vào nhóm trộm trâu trên. Nguyên do trong quá trình xác minh, một người dân cho biết, vào 6h sáng ngày mất trâu, có một người ở bản Lung 1, xã Mường Kim thấy 2 đối tượng này dắt 2 con đi qua. Sau này các đối tượng khai, khi trộm 3 con trâu, trên đường dắt đi bán, một con đang mang thai sức yếu nên chúng đã thả ra.

Bán trâu xong, chúng về chia nhau tiền. Ngay sau đó, nhóm đối tượng tham gia vào kế hoạch bắt trộm 3 con trâu là Mùa A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim, huyện Than Uyên; Giàng A Chinh và Mùa A Sầu đều là Trưởng thôn; Mùa A Chinh, Công an viên xã Mường Kim đã bị bắt. "Từ đó đến nay, ở địa bàn xã Lao Chải và Chế Tạo không xảy ra vụ trộm trâu nào nữa" - anh Ly phấn khởi cho biết.

Anh Ly kể, công tác tại vùng cao, điều kiện đi lại của cán bộ rất khó khăn. Cả Công an huyện chỉ có một chiếc xe máy công, anh em đi địa bàn phải nhường nhau, chủ yếu đi bộ hoặc đi xe khách. Chắt chiu mãi anh cũng mua được chiếc xe Win, nhưng trong một lần đi bắt và khám xét đối tượng mua bán trái phép chất ma túy ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, trên đường về gặp mưa tầm tã, chiếc xe bị ngâm trong dòng nước cả ngày trời cuối cùng đã bị hỏng.

"Mất sản nghiệp của gia đình đã đành, khó nhất là không có phương tiện đi lại" - anh Ly cười kể lại những khó khăn cách đây cả chục năm. Anh bảo, những năm tháng làm Cảnh sát hình sự, rồi đến Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp đã tôi luyện cho mình những kinh nghiệm sâu sắc khi làm án, để đến khi gặp bất kỳ vụ án khó nào, bằng linh cảm nghề nghiệp, nhãn quan nhạy bén anh đều vận dụng thành công, nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

3. Được đề bạt làm Phó trưởng Phòng Phòng Bảo vệ chính trị (PA39), phụ trách mảng dân tộc, Thượng tá Sùng A Ly cho biết, đây là một công việc tiếp tục bước lên vùng cao. Không chỉ là duyên nợ mà nơi đó đã trở thành máu thịt của anh, yêu thương và gắn bó.

Ở cương vị này, anh đã thực hiện thành công 3 chuyên đề "Mông", "Dao", "Thái". Khi Phòng PA39 tách ra, anh nhận nhiệm vụ Phó trưởng Phòng PA88. Đúng lúc này Công an tỉnh phát động kế hoạch "Tăng cường cán bộ xuống cơ sở", anh đã đi tăng cường 5 chuyến xuống huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Yên.

Công việc của các anh là "bốn cùng" giúp dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc. "Lần tăng cường ở xã Mỏ Vàng tôi hô hào anh em giúp dân gặt lúa, nhân dân quý lắm, thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe. Năm 2015 tôi quay lại thăm bà con, họ rất cảm động". Kể với chúng tôi, anh lúc nào cũng rất đỗi tự hào khi mình biết phong tục tập quán, những lúc giao tiếp, tuyên truyền với dân người ta dễ hiểu, dễ nghe và cảm thấy tin tưởng.

Dù ở cương vị lãnh đạo phòng, nhưng với Thượng tá Sùng A Ly thì bước chân anh vẫn chưa dừng trên các nẻo đường vùng cao. Anh bảo rằng, đó là công việc anh vô cùng tâm huyết, nguyện mang hết khả năng để giúp dân. Những địa bàn tăng cường mà anh đến đều là những nơi khó khăn, phức tạp về ANTT, người dân di cư tự do và xuất cảnh ra nước ngoài trái phép, để vận động họ trở về, yên ổn địa bàn, đảm bảo ANTT trong vòng 4 tháng là điều mà anh và tổ công tác phải nỗ lực bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của mình.

Là người có kinh nghiệm sâu sắc với đồng bào dân tộc, Thượng tá Sùng A Ly hiểu hơn ai hết sức mạnh của việc dựa vào dân, vận động già làng, trưởng bản để đi sâu vào giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, phức tạp về ANTT trong nhân dân. Với Thượng tá Sùng A Ly, được nhân dân đặt niềm tin, quý mến là điều mà anh cảm thấy hạnh phúc nhất trong hơn 30 năm công tác.

Trần Hằng - Xuân Mai
.
.