Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Văn chương nhẹ nhàng mà ý tứ
- Nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Nâng niu từng con chữ
- Nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Viết để sống lại những ký ức
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái sinh năm 1961. Ông hiện là Tổng biên tập Tạp chí CAND. Đi tìm vẻ đẹp riêng trong văn chương của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nếu dừng lại ở hai tập truyện ngắn gần đây nhất của ông là "Đối mặt" (xuất bản năm 2000, tái bản năm 2015) và "Ngôi nhà bên triền sông" (xuất bản năm 2010) ta dễ nhận ra một điều thú vị, là tất cả các truyện của ông đều dễ đọc bởi sự hấp dẫn của mạch kể và dựng, cũng bởi ở đấy còn có nhiều chi tiết lạ, tự nó đã gợi ra cho người đọc những cảm nghĩ.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái. |
Ở truyện ngắn "Hai người ở núi về" kể rằng có hai cô gái trẻ lìa xa quê hương, gặp bao tai ương, một trưa nọ giữa rừng sâu, họ bị một tốp thợ đuổi bắt rồi đè ra. Tưởng thế là hết đời con gái, ngờ đâu có con hổ xuất hiện, đám thợ xẻthét lên, bỏ chạy. Hai chị em quá hoảng sợ, chỉ kịp khấn "xin ông ba mươi" tha mạng rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, thấy hổlớn vẫn ngồi đó, nhìn sang hai chị em, thấy họ đã hoàn hồn, "ông ấy lầm lũi đi vào rừng". Đây là chuyện có thật, hai cô gái ấy là hai bà dì của nhân vật "tôi" trong truyện.
Nguyễn Hồng Thái có lắm trải nghiệm, tác giả của "Đối mặt" và "Ngôi nhà bên triền sông", qua hai tập truyện này ởhai truyện này thôi, quả đã là người cũng ngay thẳng và quyết liệt ra trò, khi dựng lại các xung đột đã và đang diễn ra quanh ta. Chấp nhận sự "đối mặt" một cách ngay thẳng và khéo léo, hầu như ở truyện nào, ông cũng có dụng ý đểlẫn vào giữa cuộc đời đối thoại của hai nhân vật hay độc thoại của ai đó những câu có ý/tứ sâu sắc, ý khiến người đọc giật mình.
Này là một số lần như thế:
Một ông cậu bị mù mà cả làng đều nể phục bởi có nhiều hiểu biết đã nói với cháu: "Cậu dặn cháu điều này, chuyện biết đâu để đấy, không được kể lung tung. Những điều hệ trọng mà rơi vào tai kẻ đoản trí là nguy hiểm lắm cháu ơi!".
Câu dặn này của ông cậu, rất dễ để người đọc suy luận rằng tác giả hẳn là có tố chất của một cán bộ điều tra hay lãnh đạo ở cấp nào đó.
Một bà già được hỏi có oán giận gì cái người đã làm mình đau khổ hồi trẻ không, bà nói ngay, như một phản xạ tựnhiên: "Giận làm gì hở cháu. Người ngày xưa đâu có khôn như bây giờ!".
Bà cụ này quả là tỉnh táo. Bảo rằng cụ rất bao dung thì cũng phải, lại cho rằng cụ đang so sánh người xưa người nay mà khen ai đó là khôn, thì cái khôn này có đúng và chưa đúng chưa hay gì đây? Cái câu này, chi tiết này cũng nhưđược toát ra từ một triết lý dân gian, rằng: Đừng trách giận bực bõ gì cái kẻ còn vụng dại. Đấy là hiền minh hay là cao thượng hay là mai mỉa vậy?
Một cô giáo làng nói với một Tổng giám đốc: "Bao nhiêu năm làng vẫn thế, vẫn đèn dầu như thuở trước; vẫn là sự tựhào hão, sự tủi hổ mới…" và "giá đừng hiểu biết, đừng yêu thương thì làm gì có nỗi đau hở anh…".
Tác phẩm “Đối mặt” của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái. |
Câu này dài hơn một tí, ý chồng ý. Đặt trong bối cảnh của truyện, là rất ăn, rất khớp, mà tách ra ngoài truyện, cũng lại có ý đối thoại, phản biện xã hội rồi! Làng vẫn thế, trong nghèo nàn, lại thêm tự hào hão, là tủi hổ nữa… thế là tụt lùi về phong hóa hay sao? Lại nói giá đừng hiểu biết, đừng yêu thương… Vậy té ra, hiểu biết và yêu thương là nguyên nhân của đau khổ à?
Suy luận, là do người đọc "nhạy quá", hay do tác giả viết ra như xui dẫn đây?
Chỉ biết rằng quả thật, các truyện ngắn trên mà không có mấy chi tiết này, thì nhẹ bẫng, tập truyện rất có cơ rơi vào tình trạng chỉ được đọc một lần.
Nhưng đọc và nghĩ cùng tác giả, chắc ta sẽ còn nhận ra: Cái chất thơ, cái nụ cười ngay thẳng mà đa nghĩa phảng phất có trong các truyện ngắn của ông quả thật không dễ dàng mà xuất hiện. Cuộc sống tác giả đã trải qua và vượt lên là cuộc sống phức tạp, đa sự, đa đoan…, ai ở trong ngành Công an mới có điều kiện mà tường - nhiều nhà văn, nhà thơ trong ngành này đã nói thế.
Riêng với tác giả "Đối mặt" và "Ngôi nhà bên triền sông" thì có thể nói, là ông rất công phu gạn lọc và tìm kiếm những niềm vui nho nhỏ, những cái đẹp ẩn tàng dễ có cơ bị chìm lấp, thậm chí là bị bôi bác trong cuộc đời, để dựng lại trong tác phẩm của mình.
Ở truyện "Người không gõ cửa", có nhân vật Tịnh, trưởng thôn Nhất Khê, trước kia, Tịnh là Công an. Sau một lần gỡ rối cho khách tham quan và đồng sự, trưởng thôn Tịnh nói: "Ở đời các cậu ạ, có ít thôi những kỷ niệm đẹp, hãy giữ cho nó trong trẻo để mà tin, mà sống cho lương thiện. Các cậu có hiểu không?".
Ở một truyện ngắn khác, kể rằng có anh cán bộ xã vùng cao xin đi nhờ xe mà nhỡ hẹn, mọi người chờ đợi trong nghi ngại, băn khoăn, có anh buột miệng: Sao cứ quấn quýt với cái vùng khỉ ho cò gáy thế này cho khổ cả đời vậy? Rồi anh cán bộ xã lên xe, cả đoàn được biết: Anh chậm thế, vì còn lo việc xã, lại lo việc vợ đẻ… Anh xuống xe rồi, ông lãnh đạo cấp vụ đã quát té tát: "Chúng mày có ở lính ngày nào? Biết đếch gì! Kéo cả ra thành phố, lấy đâu dân mà giữ đất? Hả? Vợ con nó ở đấy để giữ thành phố cho chúng mày đấy! Người vùng cao người ta ít nói, làm sao chúng mày hiểu được họ, hiểu được thằng Vàng?".
Tôi gợi hỏi nhà văn: "Đây là nhân vật lãnh đạo mắng hay là tác giả không nỡ mắng mà dùng mẹo viết truyện để đẩy ý tứ lên thế?". "Ông mắng anh em ấy là Đại tá nhà văn Dương Duy Ngữ đấy anh ạ" - Nguyễn Hồng Thái nhỏ nhẹ. Truyện có nguyên mẫu, mà lời kể nhẩn nha gợi tò mò, băn khoăn và chú ý, lời mắng quát thì rõ là bộc trực thẳng căng đúng lúc, ấy là tài của tác giả. Xem ra, ông Thiếu tướng, nhà văn Hồng Thái này không hiền hiền, lành lành, nhẫn nhẫn, nhịn nhịn, một chiều đơn giản đâu. Nhà văn thì phải "thế nọ thế kia" chứ sao!
Chẳng thế mà hình tượng người cán bộ chiến sỹ Công an trong truyện của Nguyễn Hồng Thái thường tròn đầy từ cái nhìn nhân ái và cách xử lý nghệ thuật khéo léo, đủ mức độ của ông. Những cán bộ, chiến sỹ này không chỉ mưu trí, quả cảm, mà rất có nhân tình. Vì có đức nhân - một đức nhân lớn nên họ mới đảm lược được như thế, và trong nhiều trường hợp, họ đã chinh phục được những tên cướp, những kẻ lạc đường u mê, bạo ngược và cả những người còn nghi ngờ phẩm hạnh CAND, do chưa có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc…
Với loạt truyện này, như các truyện "Một người nước ngoài và ông trại trưởng", "Nén hương viếng muộn", "Phiên tòa ngày giáp Tết", "Lòng nhân", "Nơi ngã tư chật hẹp", "Người vắng mặt ở phiên tòa", "Nơi tình yêu trở lại", "Đi qua một người điên"… bằng vào việc tập trung mô tả diễn biến tâm lý - tư tưởng trong đầu như bão lốc, như dầu sôi ở mỗi cán bộ chiến sỹ CAND, nhà văn đã giúp người đọc cảm và hiểu hơn vẻ đẹp tâm hồn vốn có của những người đang đứng ở vị trí hàng đầu, và cũng là vịtrí trung tâm của cuộc chiến tiễu trừ cái ác ở đủ loại tội phạm hiện nay.
Đây là vẻ đẹp đã có lúc bị nhòe mờ, bị quên đi ở ngoài đời và trong nhiều trang sáng tác - thật đáng tiếc! Và vì thế, dụng công nghệ thuật và những hiệu quả của nó ở nhà văn Nguyễn Hồng Thái là rất đáng ghi nhận.
Truyện "Người vắng mặt ở phiên tòa" có rất nhiều chi tiết chân thực, sinh động và xúc động kể về một sĩ quan Công an. Hồi trẻ ông rất hãnh diện khi được mặc sắc phục của ngành vì ông yêu Công an. Tuổi trung niên ông đã tự thề là không để bọn buôn ma túy hoành hành… Thế mà ông bị bắt tạm giam vì liên lụy với chính kẻ thù này, oái oăm thay, trong đó, có người bạn cũ vốn cũng là một người tử tế.
Trước lúc đi xa, vắng mặt ở phiên tòa, ông viết thư dặn con: "Trong căn nhà xưa, bố không để lại gì, không chôn giấu một cái gì như người đời sẽ đồn thổi. Bố chỉ để lại cho con niềm kiêu hãnh, vì dòng máu đang chảy trong người con là dòng máu lương thiện. Hãy vững bước nghe con".
Nhà văn kể tiếp: Tại phiên tòa, một cảnh sát trại giam đã nói với Quỳnh: "Người chiến sĩ Công an không bao giờ đầu hàng số phận cháu ạ".
Nếu coi các sáng tác về hình tượng người chiến sĩ Công an là cả một tổng phổ âm nhạc - hợp xướng có xu hướng khẳng định và ngợi ca, thì các đoản khúc mà Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái đang góp phần, là những khúc ca bi tráng, có tự hào, và có cả đau thương nữa.