Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát:

Thầm lặng sau những chiến công

Thứ Năm, 02/08/2018, 10:50
Kho "tàng thư căn cước tội phạm" tại đây lưu giữ nhiều dữ liệu. Bất kể lúc nào, khi các đơn vị nghiệp vụ Công an cần tra cứu khẩn thông tin để phục vụ công tác điều tra, truy xét, đấu tranh phá án..., những cán bộ chiến sĩ Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C53) đều thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác. 


Từ những tàng thư được bảo quản vô cùng cẩn mật, các chiến sĩ Cục C53 đã góp phần lật tẩy hành tung của các đối tượng phạm tội, là căn cứ, chứng cứ pháp lý góp phần để điều tra, làm rõ tội phạm.

Truyền thống hào hùng

Lật lại những trang sử vàng truyền thống hào hùng của đơn vị, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng C53 xúc động cho biết: Ngày 27/3/1957, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ký Nghị định số 530/NĐ-VP thành lập Phòng Hồ sơ thuộc Bộ Công an. Đây là tổ chức tiền thân của lực lượng Hồ sơ CAND, đánh dấu mốc lịch sử về sự ra đời, phát triển và là tiền đề quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng Hồ sơ CAND trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo ANQG và giữ gìn TTATXH.

Năm 1957 là thời điểm đánh dấu mốc sự ra đời lực lượng Hồ sơ CAND nhưng thực chất công tác hồ sơ đã có từ khi lực lượng CAND mới được thành lập. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng Hồ sơ CAND thực hiện những nhiệm vụ thầm lặng, khai thác kịp thời thông tin phục vụ các yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, yêu cầu chiến đấu của các đơn vị, địa phương. Đã có nhiều tấm gương chiến đấu quên mình để bảo vệ hồ sơ, tài liệu.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với các lực lượng nghiệp vụ khác của Bộ Công an, lực lượng Hồ sơ CAND đã thu hồi hàng ngàn tấn hồ sơ, tài liệu của địch. Đây là nguồn tư liệu vô giá, phục vụ rất hiệu quả cho công tác đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, bọn phản động, đặc biệt là phục vụ công tác đấu tranh phòng chống nội gián, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH.

Năm 1975, trước khi giải phóng miền Nam, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Cục Hồ sơ đã kịp thời thu hồi, quản lý, thống kê và khai thác hồ sơ, tài liệu của Mỹ-ngụy, phân loại hồ sơ nhằm phát hiện những đối tượng nguy hiểm còn ẩn náu, kể cả các băng cướp chuyên nghiệp, tội phạm hình sự nguy hiểm lộng hành dưới chính quyền cũ, góp phần quan trọng bảo vệ thành quả cách mạng mà quân và dân ta đã giành được.

Hàng năm, Cục Hồ sơ Nghiệp vụ Cảnh sát tổ chức tra cứu, khai thác trên 4 triệu lượt yêu cầu phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác quản lý nhà nước về ANTT, công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ và yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực công tác.

Lật tẩy chân tướng các đối tượng phạm tội

Thượng tá Vũ Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục C53 kể lại cho tôi nghe một chiến công xuất sắc của Cục C53 trong việc bắt giữ nhóm "siêu trộm" đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp tài sản có giá trị hàng tỷ đồng ở nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ.

Vào đúng dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông Phạm Minh Tú, ở ấp 2, thị trấn Gia Rai, tỉnh Bạc Liêu khóa cửa nhà đi chúc Tết bà con họ hàng. Khi trở về, ông cùng mọi người trong gia đình hoảng hốt phát hiện đã bị mất trộm khối lượng lớn tài sản gồm 1,5 tỷ đồng, 40.000 đô la Mỹ, 2,6 lượng vàng. Nhận được tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu khám nghiệm hiện trường, thu được một dấu vân tay, xác định là của thủ phạm gây án để lại.

Các chiến sĩ Cục C53 đã nhanh chóng tiến hành tổ chức tra cứu trên hệ thống nhận dạng vân tay tự động (VAFIS) và xác định đối tượng gây án là Quách Văn Chiến, SN 1992, cư trú tại đường Lê Hồng Phong, thị xã Sóc Trăng. Nhận được kết quả tra cứu của Cục C53, các trinh sát cừ khôi nhất của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng được lệnh lên đường, tỏa xuống khắp các địa bàn truy bắt Quách Văn Chiến cùng đồng bọn.

Sau nhiều ngày theo dõi, các trinh sát đã tiến hành bắt giữ được Quách Văn Chiến cùng đồng bọn gây án. Khi phải tra tay vào còng số 8, Chiến vẫn còn chưa hết ngạc nhiên tại sao lại bị các chiến sĩ Công an phát hiện và bắt giữ nhanh đến vậy.

Những con số, những con chữ, hình ảnh từ những trang hồ sơ là ẩn chứa cả hành trình dài sa vào "bóng tối" của nhiều đối tượng, trong đó có không ít đối tượng "giang hồ cộm cán". Bất kể lúc nào, khi các đơn vị nghiệp vụ Công an trong cả nước cần tra cứu khẩn thông tin để phục vụ công tác điều tra, truy xét, đấu tranh phá án…, những cán bộ chiến sĩ của Cục C53 đều thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất.

Từ những tàng thư được bảo quản vô cùng cẩn mật, các chiến sĩ đã góp phần lật tẩy hành tung của các đối tượng phạm tội, là căn cứ, chứng cứ pháp lý để điều tra làm rõ tội phạm. Việc truy bắt kẻ ẩn danh sát hại dã man nữ bác sĩ trong đêm xảy ra tại Lào Cai là một trong những chiến công của đơn vị. Tại Phòng khám Đa khoa Lào Cai thuộc phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai đã xảy ra một vụ án mạng hết sức thảm khốc, kinh hoàng. Nạn nhân là nữ bác sĩ Phạm Thị Nguyệt (SN 1958) là Trưởng phòng khám bị sát hại bằng 14 nhát đâm chí mạng vào vùng đầu và mặt.

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Hình sự của Lào Cai đã ngay lập tức vào cuộc truy tìm thủ phạm theo dấu vết nóng. Sau khi khám nghiệm hiện trường đã thu được nhiều dấu vân tay, trong đó có một dấu vân tay dính máu xác định là của thủ phạm gây án. Các chiến sĩ Cục C53 đã tổ chức quét trên 150.000 chỉ bản căn cước công dân của tỉnh Lào Cai để tra cứu hệ thống nhận dạng vân tay tự động nhưng không phát hiện đối tượng gây án.

Từ đó, C53 nhận định đối tượng gây án có thể không phải là người Lào Cai và trước đó chưa có tiền án, tiền sự để giúp lực lượng phá án có định hướng điều tra đúng. Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cũng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ và Công an các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp, sớm bắt giữ được đối tượng gây án. Suốt gần một năm trời, trong khi lực lượng phá án và Công an các địa phương như Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Nội… tích cực tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra thì tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cơ quan công an bắt được một đối tượng trộm cắp tài sản tên là Lương Quốc Quyền, SN 1986 tại Đại Đồng, Yên Bình, Yên Bái.

Sau khi lấy mẫu vân tay của Quyền, Cơ quan điều tra phát hiện sự trùng khớp lạ kỳ với dấu vân tay mà Tổng cục Cảnh sát đã cung cấp trước đây về vụ án sát hại nữ bác sĩ Phạm Thị Nguyệt. Lập tức C53 khẳng định đối tượng  Lương Quốc Quyền (chưa có tiền án tiền sự) chính là thủ phạm gây ra vụ án giết người.

Đấu tranh với Quyền, đối tượng một mực phủ nhận việc mình có liên quan đến vụ án mạng kia. Tuy nhiên, bằng những biện pháp nghiệp vụ sắc sảo, sau hơn một ngày đấu tranh, Quyền đã buộc phải cúi đầu thú nhận toàn bộ hành vi giết người của mình.

Có tìm hiểu mới biết những vất vả mà các chiến sĩ Cục C53 phải trải qua cũng như những chiến công mà tập thể đơn vị đã giành được cho sự bình yên của xã hội ý nghĩa đến nhường nào. Đằng sau những chiến công luôn là những hy sinh thầm lặng, khó nói thành lời. Các anh, các chị không có khái niệm ngày thường hay ngày lễ, càng không có khái niệm làm ngày hay làm đêm, làm trong giờ hay làm ngoài giờ.

Trong những căn phòng làm việc nhỏ của đơn vị trên con phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội là những dãy tủ tài liệu, hồ sơ được xếp một cách ngăn nắp, gọn gàng kê gần như chật kín lối đi. Bên cạnh những tập hồ sơ dày cộp với hàng trăm nghìn kiểu chữ, mầu mực, hàng nghìn vân tay, chỉ bản và những thông tin cơ bản khác được lưu giữ, quản lý từ năm này sang năm khác.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Cục C53 đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng các Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 16 năm liên tục đơn vị được Bộ tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì ANTQ", 24 năm liên tục Đảng bộ C53 đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Việt Hưng
.
.