Tạ Thanh Sơn và bài hát duy nhất để đời

Thứ Bảy, 08/10/2016, 09:26
Hằng năm, cứ vào những ngày này là trên các làn sóng phát thanh, truyền hình ở khắp nơi lại vang lên một bài hát quen thuộc với giai điệu trầm hùng, có sức thôi thúc mãnh liệt trái tim người nghe. Có thể không thuộc được lời nhưng nghe bài hát, ai cũng thấy rất quen biết : "Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền. Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước…". 


Đó là bài "Nam Bộ kháng chiến" của Tạ Thanh Sơn. Bài hát không xa lạ với nhiều thế hệ công chúng. Nhưng tác giả thì không mấy người đã biết rõ, càng không tường tận căn nguyên cũng như hoàn cảnh ra đời của bài hát rất độc đáo này.

Nói bài hát độc đáo vì mấy nhẽ: Trước hết, tác phẩm chỉ bó gọn trong việc trực tiếp nói đến sự kiện lịch sử diễn ra trong một ngày. Đó là ngày 23/9/1945. Người Việt Nam ta không thể quên ngày này. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời vào này 2/9/1945, thực dân Pháp khi ấy rất tức tối.

Chỉ 3 tuần sau - ngày 23/9 - được hậu thuẫn của đế quốc Anh, chúng đánh úp các cơ sở của ta ở Sài Gòn và các vị trí chiến lược quan trọng, mở đầu công cuộc xâm lược nước ta một lần nữa. Ủy ban Kháng chiến toàn quốc dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch đã ban bố lời kêu gọi kháng Pháp.

Vậy là riêng Nam Bộ đã bắt đầu cuộc trường kỳ kháng chiến vào ngày này - 23/9/1945, trong khi cả nước là ngày 19/12/1946. Vì thế sau này nhà thơ Tố Hữu mới viết : "Miền Nam đi trước, về sau"; "Miền Nam đứng mũi chịu sào vẻ vang".

Nam Bộ bắt đầu kháng chiến ngày 23/9/1945 thì chỉ 2 ngày sau - ngày 25/9 - tác giả Tạ Thanh Sơn sáng tác bài hát tại làng Mỹ Xương, chiến khu Đồng Tháp Mười sau khi được dự một lớp huấn luyện chính trị và được trao nhiệm vụ  thông tin, tuyên truyền. Bài hát được đăng lần đầu tiên trên báo Độc lập rồi lây lan theo con đường truyền miệng.

Sự lây lan này bắt đầu từ việc ông Nguyễn Việt Nam khi ấy là trưởng Ty Thông tin tuyên truyền Sa Đéc và là cấp trên của Tạ Thanh Sơn đã cho đội văn nghệ tuyên truyền dàn dựng và biểu diễn bài hát này. Ngay lần vang lên đầu tiên với hình thưc đồng ca, bài hát đã gây ấn tượng rất mạnh và được đông đảo bà con ưa thích, rồi cứ thế lan truyền khắp các vùng ở Nam Bộ.

Tuy không phải là nhạc sỹ mà là một người hoạt động trong phong trào yêu nước nhưng trước tình cảnh nước nhà bị thực dân Pháp gây hấn, bắn giết dân lành, đốt phá nhà cửa, mưu chiếm nước ta một lần nữa và toàn dân Nam Bộ nhất tề quyết tâm đứng dậy kháng chiến, Tạ Thanh Sơn đã sáng tác bài hát rất nhanh và viết liền một mạch chỉ trong một buổi. Về chi tiết bài hát đề cập đến một ngày lịch sử cụ thể và viết liền một mạch là xong, "Nam Bộ kháng chiến" giống với trường hợp bài "19 tháng 8" của Xuân Oanh.

Đây là 2 bài hát trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam nói về một ngày, một sự kiện lịch sử và đều được tác giả hoàn thành rất nhanh và có sức lan tỏa rộng khắp sau khi ra đời.

Tạ Thanh Sơn sinh năm 1921, quê ở thị trấn Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Bố mẹ ông là chủ hãng rượu nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ và giàu có nhất khi ấy. Tuy là con một gia đình rất khá giả nhưng ngay từ nhỏ, Tạ Thanh Sơn đã bộc lộ những phẩm chất khác hẳn những đứa trẻ khác, nhất lại có cuộc sống vật chất sung túc.

Cậu bé này rất thông minh, dĩnh ngộ, có làn da trắng như trứng gà bóc và gương mặt rất đẹp. Lớn lên, khi học trung học, cậu vẫn giữ được những nét đẹp trời phú. Nhưng đặc biệt là cậu rất thích chơi với đám bạn bè con nhà nghèo và thường xuyên giúp đỡ những bạn này. Có món gì ngon, cậu đều đem đến trường chia cho những bạn thân cùng lớp.

Cậu học giỏi, luôn sẵn sàng giúp các bạn học yếu hơn mình. Một tính cách khá đặc biệt của cậu là trông thì như con gái nhưng tính cách lại mạnh mẽ và ưa thích độc lập, tự chủ ngay từ khi còn nhỏ. Cậu học trường College ở Cần Thơ, là bạn thân, cùng tuổi, cùng lớp với nhạc sỹ nổi tiếng Lưu Hữu Phước.

Khi lưu Hữu Phước còn sống, có lần, tôi được ông kể cho nghe nhiều chuyện về tác giả "Nam Bộ kháng chiến". Bố mẹ Tạ Thanh Sơn định đưa đón cậu đi học  bằng xe hơi nhưng cậu đã khước từ, đề nghị được ở nội trú tại trường, chỉ cuối tuần mới về nhà. Cậu không muốn phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ và tách biệt với số đông các bạn khác.

Thường thì đám con nhà giàu hay đến trường bằng xe hơi chứ không ở nội trú. Chúng khó hòa hợp với số đông học trò trong lớp. Và  Sơn đã ở cùng một phòng với Lưu Hữu Phước và Nguyễn Việt Nam (ông Nam sau đó trở thành trưởng Ty Thông tin-tuyên truyền, Sa Đéc). Lưu Hữu Phước kể rằng Sơn được tất cả các bạn rất quý mến do vừa chan hòa, vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ các bạn khác, lại rất thảo, có gì quý cũng chia cho các bạn cùng ăn, lại vừa giỏi đàn hát.

Lúc cùng học trung học tại trường Collège ở Cần Thơ, Lưu Hữu Phước chưa sáng tác những bài ca cách mạng như "Lên đàng", "Xếp bút nghiên", "Tiếng gọi thanh niên", "Bạch Đằng giang"... và chưa nổi tiếng. Ông kể rằng ở trường trung học, Tạ Thanh Sơn nổi tiếng hơn do hát hay và đẹp trai. Ông nói rằng rất tiếc cho Tạ Thanh Sơn, sau bài  "Nam Bộ kháng chiến" quá xuất sắc và nổi tiếng, không tiếp tục miệt mài sáng tác nên sự nghiệp âm nhạc chỉ dừng lại ở đó.

Cũng tác giả "Giải phóng miền Nam" kể: Ngày 25/9/1945, sau khi viết xong bài "Nam Bộ kháng chiến", Tạ Thanh Sơn có gặp ông để tham khảo ý kiến, nhờ sửa chữa (vì lúc này Lưu Hữu Phước đã rất nổi tiếng với những bài hát kể trên). Ông nghe Sơn hát thấy bài quá hay và đã rất hoàn chỉnh, không cần phải sửa sang gì thêm về âm nhạc.

Chỉ riêng phần lời, ông đề nghị lược bỏ lời 2, chỉ giữ lại một lời cho hàm súc, quần chúng dễ thuộc, nhưng cuối cùng do tiếc mà Tạ Thanh Sơn vẫn giữ lại 2 lời. "Anh Sơn vốn học môn văn rất giỏi, lại làm cả thơ nên sáng tác lời dễ dàng. Có lẽ vì vậy mà anh ấy tuôn ra những 2 lời. Nhưng tôi thấy có sự trùng lặp và ca khúc mà nhiều lời thì quần chúng khó nhớ hết nên chỉ cần một lời". (lời Lưu Hữu Phước). 

Sau này khi Đài Tiếng nói Việt Nam cho thu thanh lại bài hát cũng lược bỏ lời 2, chỉ giữ lời 1 đúng như lời góp của Lưu Hữu Phước và sự thực quần chúng ở Nam Bộ ngày ấy cũng chỉ hát lời 1.

Ai đã từng sống và hoạt động ở Sài Gòn và vùng Tây Nam Bộ những năm tháng cuối năm 1945 - 1946 mới cảm nhận hết được sức lôi cuốn, khả năng tuyên truyền và tác động mạnh mẽ của bài hát "Nam Bộ kháng chiến".

Ông Ung Ngọc Ký - nguyên cãn bộ lãnh đạo của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ khi ấy có lần kể rằng bài hát của Tạ Thanh Sơn đã động viên, giúp ông vượt qua được rất nhiều nan, vất vả, hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là những câu hát : "Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước. Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng…".

Thời gian này, NSND Quốc Hương là tiểu đội trưởng Vệ quốc quân, hoạt động ở khu 7,8,9. Trong những dịp đi tuyên truyền kháng chiến , ông luôn hát "Nam Bộ kháng chiến" cùng nhiều bài hát cách mạng khác. Bài này cùng với bài "Tiểu đoàn 307" của Nguyễn Hữu Trí rất được bà con Tây Nam Bộ ưa thích.

Có lần Quốc Hương kể rằng, khi hát 2 bài này, bao giờ ông cũng chỉ đơn ca đoạn đầu, rồi bà con đã đồng thanh hát theo, tuy không đều nhưng kiến ông rất phấn khích vì rất ít khi như vậy. Bà con đã hòa cùng nghệ sỹ để hát lên tiếng ca từ trái tim mình. Biết Tạ Thanh Sơn hát hay, nhiều lần Quốc Hương đề nghị tác giả cùng ông song ca bài "Nam Bộ kháng chiến".

Những lần như thế, tác giả đã hát bè phụ để danh ca hát bè chính - bè giai điệu. Tiếc rằng trong nhiều băng thể hiện bài hát này còn lưu giữ ở Đài phát thanh, không có băng nào ghi được hai giọng nam này song ca.

Khi bài hát đã rất nổi tiếng ở khắp nơi vào những ngày Nam Bộ bắt đầu kháng chiến thì Tạ Thanh Sơn vốn dĩ khiêm tốn, kín đáo, ít nói vẫn khiến nhiều người không biết ông. Họ không biết rằng chàng giáo viên 24 tuổi mà họ vẫn thường tiếp xúc khi ấy là tác giả bài hát mà họ đang rất ưa thích.

Còn ông Nguyễn Việt Nam như đã nói là thủ trưởng của Tạ Thanh Sơn thì do yêu quý chàng nhạc sỹ trẻ tuổi mà nếu đi cùng nhạc sỹ đến đâu cũng nói với mọi người: "Các vị có biết đây là ai không?". Họ trả lời: "Anh Sơn là từng là giáo viên, sao không biết".

Lúc này ông Nam mới nói: "Anh ấy là tác giả bài "Nam Bộ kháng chiến" mà chúng ta vẫn hát đấy". Khi ấy, mọi người mới trầm trồ tán thưởng. Còn Tạ Thanh Sơn thì chỉ nói: "Lúc ấy, do cảm xúc mà tôi viết đại, được anh Hai Nam cho đội văn nghệ hát, may mà được mọi người hát theo".

Năm 1947, trong một lần đi công tác, Tạ Thanh Sơn bị giặc bắt. Biết ông là tác giả bài hát đang rất nổi tiếng, chúng giam vào khám lớn ở Sài Gòn và tra tấn dã man. Nhưng ông không khai bất cứ điều gì về tổ chức. Tại đây, tình cờ ông gặp lại tên quan Tây trước đây cùng học với ông. Tên này hỏi ông: "Vì sao, ông học giỏi, con nhà giàu có mà không ra làm việc cho Pháp, lại theo Việt Minh làm giặc?".

Tạ Thanh Sơn khảng khái trả lời: "Ông nghe kỹ bài hát của tôi sẽ hiểu. Ông có Tổ quốc của ông. Tôi cũng có Tổ quốc của tôi. Lẽ nào tôi theo các ông để chống lại đất nước, dân tộc tôi? Ông bảo tôi là giặc hay chính các ông mới là giặc của chúng tôi?".

Sau đó, nhạc sỹ bị chúng đầy sang Pháp. Tại đây,ông liên lạc với lực lượng tiến bộ của Pháp để hoạt động. Đến năm 1949, chúng thả ông trở về Việt Nam. Ông tiếp tục dạy học tại Trường Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn đồng thời tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước của quần chúng ở đô thành.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Tạ Thanh Sơn trở lại Cần Thơ, làm Chủ tịch UBMTTQ phường Cái Khế. Đến năm 1980, ông về nghỉ ở quê Vĩnh Long và qua đời năm 1986, hưởng thọ 65 tuổi.

Chỉ với một bài hát để đời, Tạ Thanh Sơn đã ghi khắc tên tuổi vào lịch sử, vào nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Đình San
.
.