Những câu chuyện đặc biệt của nữ Cảnh sát giao thông
- Những câu chuyện đặc biệt của nữ Cảnh sát giao thông
- Phòng CSGT Công an TP Hà Nội: Gặp mặt các nữ Cảnh sát giao thông
- Mexico: Nữ cảnh sát giao thông chống tham nhũng
"Cái khó" của phụ nữ tuần tra, dẫn đoàn
Chị Đỗ Thị Ngọc Tuyết, Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh đã gây ấn tượng với người đối diện từ lần gặp đầu tiên. Chị là một trong số ít cán bộ nữ CSGT được giao nhiệm tuần tra dẫn đoàn - một công việc trước đây chỉ nam giới mới có thể đảm đương.
Chị chia sẻ: "Chúng ta ở xứ nhiệt đới nên có hôm buổi trưa nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ, khi đã dẫn đoàn là buộc phải phải trần mình dưới nắng, không có bất cứ điều kiện bảo vệ nào cả. Có hôm trời đang nắng gắt lại đổ mưa, nhưng không thể dừng lại để mặc áo mưa, chúng tôi vẫn phải tiếp tục làm nhiệm vụ, đến khi xong thì người đã ướt sũng".
Đại úy Đỗ Thị Ngọc Tuyết. |
Quả vậy, khi đã lên mô tô làm nhiệm vụ, dù gặp bất cứ tình huống nào cũng không được rời vị trí. Chị Tuyết cho biết, công việc này đòi hỏi mỗi CBCS khi tham gia phải có bản lĩnh chính trị, tính kỷ luật cao, vì thế, khi được tham gia vào công tác tuần tra dẫn đoàn vừa là trách nhiệm, nhưng cũng là vinh dự rất lớn, bởi không phải ai cũng được ban chỉ huy phân công vào nhiệm vụ này. Chỉ những đồng chí có ngoại hình đạt tiêu chuẩn, chấp hành nghiêm túc giờ giấc, ứng phó linh hoạt với các tình huống, không để xảy ra bất cứ sai sót nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Được biết, công tác tuần tra dẫn đoàn của phụ nữ Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh đã được thực hiện từ 2009 đến nay, được sự ủng hộ, tín nhiệm của cấp trên cũng như nhân dân. Không chỉ riêng phụ nữ mà cả nam giới làm nhiệm vụ tuần tra dẫn đoàn cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt có những "cái khó" mà chỉ phụ nữ mới hiểu được. Như chuyện giờ giấc làm việc, chị em không thể chủ động được, có hôm dẫn đoàn đi gần 50km dưới trời nắng gắt giữa trưa, có hôm đang đi mưa sầm sập đổ xuống. Đặc biệt, lộ trình dẫn đoàn thường được bảo mật nên khi lên xe rồi mới biết, hoặc nhiều khi lộ trình đi đường này nhưng có phương án thay đổi buộc chị em cũng phải thay đổi theo.
Hoặc như chuyện khá tế nhị là phương tiện đặc chủng được sử dụng để làm nhiệm vụ dẫn đoàn có đặc điểm chiều dài ghế ngồi hạn chế nên khi ngồi phía sau làm nhiệm vụ dẫn đoàn thì phải ngồi khá gò bó, khó chịu cho chị em phụ nữ nên tay chân rất đau mỏi. Đặc biệt, để giữ tư thế, tác phong, khi chị em ngồi trên xe phải đảm bảo tư thế rất vững vàng, đẹp, không được tạo cảm giác ôm người nam ngồi phía trước, cũng không được ngửa ra phía sau, chính vì vậy, chị em phải ép sát đùi vào đùi đồng chí nam ngồi phía trước, gót chân phải móc vào thành xe phía dưới và giữ nguyên tư thế đó suốt quãng đường...
"Tiểu thư" lái xuồng máy
Nhìn vẻ xinh đẹp, mảnh dẻ của Thượng sĩ Phan Thị Huyền, Phòng Cảnh sát đường thuỷ Công an TP Hồ Chí Minh, ai cũng nghĩ, chị chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng, đặc trưng cho phụ nữ như tiếp dân, đăng kí phương tiện...Nhưng, ẩn sau sự mảnh dẻ rất "tiểu thư" đó là nội lực không phải ai cũng có được.
Huyền cho biết, với ước mơ được lái chiếc xuồng máy đi trên sông, ước mơ được bơi lội nên chị đã đăng kí thi vào khoa CSGT đường thuỷ và quyết tâm đạt được nguyện vọng ấy. Khi ra trường, được phân công về công tác ở phòng Cảnh sát đường thuỷ Công an TP Hồ Chí Minh, Huyền đã trải qua tất cả các lĩnh vực công tác từ tuần tra, kiểm soát, xử lí vi phạm trên đường thuỷ, phát tờ rơi, tuyên truyền pháp luật cho người dân, đến cứu hộ, cứu nạn, lái xuồng máy...
Thượng sỹ Phan Thị Huyền. |
Ở trên đường bộ, làm nhiệm vụ giữa trưa hè thực sự là một thử thách lớn bởi nắng cháy mặt đường, hầm hập bắt vào da thịt, ở dưới sông, tưởng sẽ mát mẻ hơn nhưng ngược lại, mặt sông giữa trưa hè cũng hầm hập bốc hơi, mọi người thường đùa vui với nhau là "ngồi trên lò hấp". Cái nắng ở trên sông nhức nhối, chói chang không kém giữa những cồn cát. Đặc biệt, vào mùa mưa, rét, nhất là những đợt gió mùa đông bắc, thì cái rét càng tê tái hơn, như cắt vào da thịt của từng người.
Vậy nhưng, tất cả các CBCS Cảnh sát đường thuỷ vẫn không ai rời vị trí công tác của mình. Phan Thị Huyền cũng vậy, chị cho biết "Có hôm, chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì trời bỗng đổ mưa sầm sập phải chạy vào trong tàu, mặc áo mưa xong thì trời tạnh, lại nắng lên, bỏ áo mưa được ít phút thì mưa lại kéo đến, cứ như thế, nắng chưa kịp khô quần áo thì mưa lại ướt, thậm chí bên bờ sông này mưa, bờ sông kia nắng..."
Được biết, Huyền không chỉ bơi lội giỏi, sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, chị còn biết điều khiển xuồng máy. Đây là một công việc khá xa lạ với phụ nữ. Huyền cho biết: "Nếu quyết tâm sẽ làm được hết, tôi thấy lái xuồng cũng không ...khó mấy, nhưng để an toàn khi cập vào bến thì đòi hỏi phải có kỹ năng".
Tự học ngoại ngữ để nâng cao vị thế của CSGT
Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Thu Hương, cán bộ Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng. Đà Nẵng được mọi người biết đến là thành phố năng động, văn minh, trật tự. Một trong những yếu tố tạo nên hình ảnh của thành phố là tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, trong đó lực lượng CSGT có đóng góp không nhỏ. Đặc biệt, chị em phụ nữ CSGT đã cùng đồng đội xây dựng hình ảnh người cán bộ công an thân thiện, trách nhiệm. Trong đó, chị em phụ nữ xung phong ra các ngã tư để phân luồng, điều tiết giao thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiên quyết xử lí các hành vi vi phạm, giúp đỡ trẻ nhỏ, người già và khách du lịch khi đến thành phố.
Thượng úy Trần Thị Thu Hương. |
Chị Hương cho biết: "Chúng tôi rất chú trọng trong việc phổ biến pháp luật, hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng quy định, bởi ai cũng hiểu tai nạn nỗi đau của gia đình và cả cộng đồng, trong đó, đa phần tai nạn là do ý thức của con người, vì thế phải rèn luyện kỹ năng báo cáo, để đứng trước đám đông truyền tải nội dung về pháp luật giao thông khiến người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Bên cạnh đó, chị em tự rèn luyện khả năng giao tiếp về ngoại ngữ vì Đà Nẵng là thành phố du lịch, khách nước ngoài đến nhiều, nhiều người hỏi đường, cũng có nhiều người vi phạm luật giao thông nên phải có ngoại ngữ để tuyên truyền cho họ hiểu".
Được biết, mặc dù có con nhỏ, nhưng hàng ngày, ngoài giờ làm việc, chị Hương và đồng đội đều rèn thêm ngoại ngữ, đến nay, đa phần nữ CSGT Đà Nẵng có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh, đây cũng là một trong những ưu thế trong thời kỳ hội nhập, tạo nên hình ảnh người CSGT thân thiện.
Một trong những việc làm nhân văn của CSGT Đà Nẵng đó là giúp đỡ cháu Đỗ Tuấn Dũng - một bệnh nhi bị ung thư máu có khát khao cháy bỏng là một ngày được mặc bộ quần áo CSGT. Chị Hương cho biết: "Khi chúng tôi đến bệnh viện, hỏi cháu, tại sao cháu lại ước mơ được làm CSGT, cháu Dũng trả lời hết sức trong sáng là cháu ước mơ làm CSGT vì muốn mọi người không bị tai nạn giao thông. Nghe câu trả lời đó, chúng tôi ai cũng rưng rưng nước mắt, cảm thấy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa đối với công việc của mình, mong muốn thời gian tới văn hoá giao thông sẽ thực sự đi vào đời sống".
Chia sẻ với những nữ đồng đội của mình, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT cho biết: "Phụ nữ tham gia hầu hết các phần việc lớn của CSGT từ tham mưu đến thanh tra kiểm soát, đảm bảo TTATGT đường sắt, đường thuỷ, xử lí tai nạn, đấu tranh chống tội phạm...các chị đều có trình độ chính trị, chuyên môn tốt nên rất chủ động trong công tác, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao". Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng chia sẻ những áp lực về giới tính, sức khoẻ, sắc đẹp khi chị em tham gia công tác trên, đồng thời khẳng định rằng, dù vất vẻ, gian khổ nhưng chị em CSGT luôn cố gắng vượt qua, xung kích, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ của mình...