Những cái tết ở chiến trường khu 6

Thứ Năm, 26/01/2006, 16:05

Trong lực lượng Công an Nhân dân có một vị tướng mà cuộc đời ông đã trải qua nhiều cam go và thử thách. Có những lúc sự sống và cái chết tưởng chỉ là gang tấc. Có lẽ vì thế mà trên ngực áo ông bây giờ nặng trĩu những tấm huân chương. Cuối năm 1998, ông vinh dự được Nhà nước ta trao Huân chương Độc lập hạng nhì. Người sĩ quan cấp tướng đó, chính là đồng chí Nguyễn Đức Minh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược - Bộ Công an.

Biết ông đã có thời gian dài nằm gai, nếm mật với cương vị là Uỷ viên Ban An ninh Khu 6, chúng tôi tìm đến gặp ông. Theo đề nghị của chúng tôi, ông hồi tưởng lại về hai cái Tết ở chiến trường Khu 6. Theo ông kể thì khi đoàn cán bộ công an các tỉnh miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam vượt núi, băng rừng hành quân bộ vào đến chiến trường Khu 6 cũng là thời điểm gần đến Tết âm lịch. Lúc ấy, cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ nguỵ đang bị thất bại ở nhiều nơi buộc Mỹ phải phát động cuộc chiến tránh cục bộ, đưa quân Mỹ vào cuộc chiến ở hầu hết các chiến trường. Riêng ở Khu 6, quân Mỹ đã có mặt ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy...

Càng gần đến ngày giáp Tết, cuộc chiến tranh giữa ta và địch ngày càng ác liệt. Về phía ta, để đảm bảo cho đồng bào ăn Tết, trước đó các chiến sĩ Công an khu  đã điều tra bắt giữ hàng trăm tên tề nguỵ, bọn ác ôn. Cũng do nắm được âm mưu của địch nên trước lúc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ, ta đã mở nhiều cuộc tấn công ; giành giật được một số đồn điền, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Tuy vậy, vào thời điểm này, để đảm bảo bí mật và an toàn, Ban An ninh Khu 6 vừa phải lo đánh địch, lại vừa phải lo cho cái ăn hàng ngày.

Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm và các đồng chí Lê Quốc Thân, Trần Đông, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, chụp ảnh với các đồng chí từng chiến đấu ở An ninh khu 6.

Thức ăn thường ngày chủ yếu quanh đi, quẩn lại vẫn là sắn, ngô và rau rừng. Mặc dù vậy, không khí chuẩn bị đón Tết âm lịch năm ấy cũng khá rôm rả. Trước đó, anh em Công an khu đã nuôi được con lợn như là vật phẩm đáng giá nhất để ăn Tết. Gần đến Tết, lãnh đạo Công an khu cử anh em về Phước Long mua thêm nước mắm, muối, dầu rán và thuốc rê. Đây cũng là một cái Tết sum họp giữa các cán bộ công an người miền Nam tập kết ra miền Bắc rồi quay trở lại chiến trường và các chiến sĩ Công an miền Bắc vừa vượt qua hàng ngàn cây số chi viện cho an ninh Khu 6 cùng một số anh chị em Công an Khu 6 là người địa phương. Sau bữa cơm thân mật vào chiều 30 Tết, tối giao thừa năm ấy, mọi người tập trung kể cho nhau nghe về những kỷ niệm, câu chuyện Tết ở vùng quê mình. Với các chiến sĩ Công an miền Bắc chi viện cho chiến trường, thì đây là cái Tết đầu tiên đối với họ ở chiến trường Khu 6 nên nhiều người đều rất nhớ nhà, nhớ quê hương. Song cứ nghĩ đến nhiệm vụ được giao ai cũng phải kìm nén.

Có một câu chuyện vui mà Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh vẫn còn nhớ mãi. Đó là vào đêm giao thừa năm ấy, sau khi đón Giao thừa xong thì đêm đã về khuya, mọi người chuẩn bị ra về căn phòng của mình thì chợt nghe tiếng khóc thút thít ở khu nhà bếp. Thấy vậy, mọi người mở cửa bước vào thì chợt nhận thấy một số chị em phục vụ đang ôm nhau khóc vì nhớ nhà.

Sáng mồng một Tết năm ấy, như kế hoạch đã định, các chiến sĩ Công an Khu 6 phân công nhau đến các buôn làng để chúc Tết đồng bào các dân tộc . Bước sang ngày mồng 2 Tết, không khí ngày Tết vẫn đang sôi động thì Ban an ninh khu nhận được tin Mỹ nguỵ đã mở cuộc hành quân đánh vào trại giam tỉnh Bình Thuận. Khi nhận được tin này, mọi người mới vỡ lẽ, quân Mỹ đâu có nghỉ vào những ngày Tết cổ truyền của ta. Bị tấn công bất ngờ nên gần như số tù nhân mà ta đã bắt giam trước đó đều bị chúng giải thoát bằng máy bay trực thăng và đưa về thị xã Phan Thiết.Sau sự kiện này, đài phát thanh Hoa Kỳ và đài Sài Gòn ra rả nhắc đến chiến công: "Cuộc giải thoát tù nhân ở Bình Thuận". Món nợ này mãi  đến mùa xuân năm 1968, các chiến sĩ an ninh khu 6 mới trả được cũng qua trận tập kích vào trại giam của địch ở thị xã Phan Thiết, giải thoát cho hàng trăm chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt, tra tấn để đưa ra vùng giải phóng tiếp tục hoạt động Cách mạng.

Bước sang 1967, tình hình chiến sự ở toàn miền Nam diễn biến ác liệt.Cả ta và địch đều muốn dành giật các vùng giáp ranh. Lúc này, lãnh đạo an ninh khu giao cho ông phụ trách công tác điệp báo ở địa bàn ven thị xã Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và từ đây bám theo đường 20 (đoạn từ thị xã Bảo Lộc đi Di Linh) để xây dựng cơ sở đánh vào thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt. Đây là những địa bàn trọng điểm của Ban an ninh khu 6. Nhận nhiệm vụ, ông và đội công tác ngày đêm đeo bám ở các vùng tranh chấp nhằm xây dựng và phát triển cơ sở Cách mạng, thu thập các tin tức tình báo.--PageBreak--

Ban ngày, ông và các đồng nghiệp thường phải ẩn nấp ở các căn hầm bí mật tại những cánh rừng, ban đêm đột nhập vào gặp dân để gây cơ sở, xin tiếp tế lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên để che mắt địch, ông và các chiến sĩ an ninh lúc đó đã tìm cách đứng chân tại khu vực Tràng Bia và Tứ Quý. Đây là hai đồn điền trồng trà mà chủ sở hữu là người Pháp. Còn công nhân phần lớn là người Việt và Campuchia.

Thời gian này, các địa bàn trên tuy là vùng tranh chấp, song trên thực tế do địch kiểm soát. Khu đồn điền Tràng Bia và Tứ Quý nằm trong địa phận xã An Lạc. Gần khu vực này, địch đặt một trạm kiểm soát, trang bị pháo 155 ly và bố phòng cẩn mật nhằm án ngữ các mũi tiến công của ta. Thời điểm đó, quân Mỹ chỉ đi đi, về về, còn nhiệm vụ chủ yếu giao cho quân nguỵ. Dọc đường 20 từ Bảo Lộc đến An Lạc lên Di Linh dân sống ở hai ven đường xen kẽ giữa người Kinh và đồng bào dân tộc. Nhiệm vụ của các chiến sĩ an ninh Khu 6 khi đó là phát động và gây cơ sở trong số người Kinh và đồng bào thiểu số. Do cài cắm được cơ sở nên các chiến sĩ Công an Khu 6 đã thu thập được nhiều tín tức tình báo về tình hình và âm mưu của địch. Những nguồn tin ấy góp phần câu nhử địch giúp quân giải phóng mà trực tiếp là tiểu đoàn 186 tạo ra bẫy để đánh địch. Chỉ sau 40 phút ta đã tiêu diệt hai đại đội bảo an nguỵ. Còn cố vấn Mỹ thì hoảng sợ bỏ chạy.

Trận đánh này đã gây tiếng vang lớn, gây hoang mang trong lòng địch. Nhân dân thì rất phấn khởi. Với các chiến sĩ an ninh Khu 6 thì trận đánh này mở tra một cục diện mới. Nếu như trước đây, để đột nhập được vào khu vực xã An Lạc quả là một bài toán nan giải. Có tháng 29 đêm đột nhập họ đều không vào được.Thường thì họ chỉ tìm cách gặp cơ sở hoặc gặp dân ở những địa điểm đã quy ước sẵn. Vậy mà sau chiến thắng này, họ ra vào khá thoải mái.

Lúc này lại đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Năm ấy, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đón Tết, Uỷ ban Trung ương mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chủ động tuyên bố: ngừng bắn 7 ngày. Do có sự thay đổi về tương quan lực lượng nên vào một ngày giáp Tết, ngay tại cổng vào xã An Lạc, nhân dân đã dựng lên một cổng chào và treo cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngay trên trục đường Quốc lộ 20, tại đây có một tiểu đội được trang bị súng trung liên cắm chốt, thể hiện đây là vùng giải phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Thấy vậy, một số người nói: Đây là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được ăn một cái Tết với đội công tác của mặt trận.

Tối hôm đó, ở các khu vực đồn điền trồng trà, hàng trăm người thuộc các gia đình công nhân tụ họp và tổ chức một bữa cơm đoàn kết quân dân giữa nhân dân với các thành viên đội công tác, các chiến sĩ Tiểu đoàn 186 và một số cán bộ an ninh khu để mừng thắng lợi và mừng năm mới. Đúng vào lúc này, "Tôi đi theo đồng chí Tám Cảnh, lúc đó là Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Lâm Đồng đến vui Tết với đồng bào,”

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh hồi tưởng lại : Trong dịp Tết ấy, ông và các cán bộ ở Tiểu đoàn 186, hay còn gọi là Tiểu đoan Lá Bép đến từng nhà dân để chúc Tết mọi người. Gặp ai, ông  cũng nhận được sự vui tươi, hồ hởi đang đọng trên mỗi nét mặt của từng người. Nhìn những dòng người ấy mà lòng các chiến xĩ an ninh ở Khu 6 thấy phấn khởi, bởi họ đã góp phần cho một cái Tết đầu tiên ở một vùng vừa giải phóng

Xuân Phước
.
.