Kỷ niệm 70 năm ngày lực lượng CAND học tập, thực hiện sáu Điều Bác Hồ dạy (11/3/1948-11/3/2018)

Nhớ lời Bác dạy: ''Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính''

Thứ Sáu, 09/03/2018, 08:59
Tình cảm của Bác Hồ, tấm lòng của Bác đối với Công an - lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân có thể nói được thể hiện một cách đầy đủ nhất, tập trung nhất trong sáu điều dạy của Người. Những lời dạy của Bác về tư cách của người công an là bài học xuyên suốt trong mỗi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, hiện tại cũng như tương lai.


Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người công an cách mạng có nội dung vô cùng phong phú, sâu sắc với đầy đủ ý nghĩa cách mạng, khoa học và thực tiễn, là những tiêu chí cao nhất về phẩm chất đạo đức, về lập trường quan điểm, về ý chí chiến đấu, về năng lực. Đó là mẫu người CAND tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước luôn vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ.

Xin được học lại điều đầu tiên trong 6 điều Bác dạy tư cách người công an cách mạng:

"Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính"

Bác Hồ nói: "Nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác là vấn đề làm người". Người giải thích rõ: " Làm người thì phải chính tâm, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đó là đạo đức của người cách mạng, là gốc, là cái căn bản để thực hiện lý tưởng và mục tiêu cách mạng".

Đối với tự mình có nghĩa là con người là quyết định. Cái gốc của con người là đạo đức, nên Bác dạy điều này là điều đầu tiên trong sáu điều răn người công an cách mạng.

Trong tác phẩm "Đường cách mệnh", Bác Hồ dạy điều đầu tiên của người cách mạng là "Tư cách người cách mạng"

Tự mình phải:

"Cần kiệm/ Hòa mà không tư/ Cả quyết sửa lỗi mình
Cẩn thận mà không nhút nhát/ Hay hỏi/ Nhẫn nại (chịu khó)
Hay nghiên cứu xem xét/ Vị công vong tư
Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm
Giữ chủ nghĩa cho vững/ Hy sinh
Ít lòng ham muốn về vật chất/ Bí mật".

Và trong tác phẩm "cần, kiệm, liêm, chính" Bác Hồ viết năm 1949 để răn dạy cán bộ ta, Bác viết "Đối với tự mình" như sau: "Chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu tự đại là thoái bộ. Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng nó hẹp, nhỏ. 

Người mà tự kiêu tự mãn cũng như cái chén cái đĩa cạn. Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ tức là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại, người ta cứ tiến bộ. Kết quả mình thoái bộ lạc hậu. Tiến bộ không giới hạn, mình cố gắng tiến bộ thì chắc tiến bộ mãi. Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những điều mình đã nói, những việc mình đã làm để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời, phải hoan nghênh người khác phê bình mình. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý".

Lãnh đạo Công an tỉnh Ninh Thuận trao Bằng khen "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cho các cán bộ, chiến sĩ.

Vì sao Bác dạy Công an nói riêng, mọi người nói chung phải cần, kiệm, liêm, chính?

Vì như Bác dạy: "cần, kiệm, liêm, chính" là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc:

"Trời có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người…

Ai mà chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt, con cháu mình sung sướng, gia đình mình no ấm, làng xóm mình thịnh vượng, nòi giống mình vẻ vang.

Mục đích ấy tuy to lớn nhưng rất thiết thực. Thiết thực vì chúng ta nhất định đạt được. Chúng ta nhất định đạt được vì mỗi người và cả dân tộc đều thi đua thực hiện: "Cần, kiệm, liêm, chính".

Như những điều Bác dạy thì "Đối với tự mình" đồng nghĩa với tự phê bình.

Mà tự phê bình là: "Mình đối với mình: đừng tự mãn, tự túc, nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Đừng kiêu ngạo học lấy điều hay của người ta, phải siêng năng tiết kiệm".

Cụ thể của những điều tự phê bình, Bác dạy:

"Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mọi người những khuyết điểm để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái tốt, cái kém của mình thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị.

Đó là lòng tự ái dại dột, khác nào có bệnh mà giấu bệnh.

Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn.

Tự phê bình phải thế nào? Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm…

Cán bộ Chính quyền và Đảng phải hỏi: Ta đã tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh chưa? Đã thực hiện cần, kiệm, liêm, chính chưa? Đã làm chu đáo những công việc Đảng, Chính phủ giao phó cho ta chưa?".

Lời Bác dạy là vậy, đó là giáo lý để mà hành động. Để giúp mọi người noi theo. Bác nêu tấm gương cần, kiệm, liêm, chính cho chính bản thân mình. Bác là người mẫu mực trọn vẹn của cần, kiệm, liêm, chính. Không ai có thể tìm được một chút gợn trong con người Bác Hồ về 4 đức tính quý báu đó.

Tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính mà Bác Hồ gửi lại cho đời được minh chứng bằng nhiều di sản văn hóa vật thể, mà một trong những vật tiêu biểu về tấm gương đó là ngôi nhà sàn. Người ta không thể tưởng tượng nổi một vị nguyên thủ của một quốc gia, chỉ nhận dành cho mình chút tài sản của dân, của nước dành cho là ngôi nhà sàn mộc mạc, đơn sơ, chỉ có vài ba phòng, phòng nghỉ, phòng làm việc, mỗi phòng vuông vắn chưa đầy 10m2. Ngôi nhà sàn ấy thể hiện một đức độ lớn lao ở đời là lời nói đi đôi với việc làm.

`Bác nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng về phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng rau, không dính líu gì đến vòng danh lợi";

Vật làm xúc động lòng người là đôi dép cao su. Đôi dép đã từng cùng Bác lặn lội trong những năm tháng ở chiến khu, từng cùng Bác đi khắp các địa phương, từng cùng Bác ra nước ngoài. Đôi dép ấy Bác dùng cũ đến nỗi mòn vẹt đế gót, và mỗi khi cho chân vào là quai dép tuột ra. Thấy vậy, các đồng chí ở Văn phòng phục vụ Bác mua một đôi dép mới để thay đôi dép cũ. Khi đôi dép mới được đưa tới để Bác dùng, Bác liền bảo: "Đôi dép cũ của Bác còn dùng được, các chú lấy miếng cao su khác vá vào gót, lấy những đinh nhỏ đóng để giữ cho quai khỏi tuột, như thế là các chú thay dép mới cho Bác rồi. Còn đôi dép mới này, Bác biếu chú bảo vệ". "Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn" (thơ Tố Hữu) là như vậy.

Vì vậy, trong những thập niên khủng hoảng của Chủ nghĩa xã hội và trong cuộc thập tự chinh chống chủ nghĩa cộng sản do chủ nghĩa đế quốc dấy lên trong thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, nhiều lãnh tụ cộng sản bị chúng bôi nhọ, truy nã, nhưng Bác Hồ của chúng ta vẫn được dư luận thế giới kính trọng.

Có chính khách đã nói: "Tôi đã đi nhiều nước, đã gặp nhiều nhân vật chính trị lỗi lạc trên thế giới, kể cả châu Âu, châu Á, nhưng tôi chưa thấy ai đạt tới sự thống nhất hài hòa giữa chủ nghĩa nhân đạo và tầm cao chính trị, giữa đức tính giản dị, khiêm tốn và sự hiểu biết sâu rộng, giữa tình cảm ấm áp và nghị lực phi thường đến mức tuyệt vời như Bác Hồ. Được gặp Người quả là một điều sung sướng vinh dự, là một diễm phúc trong đời. Tôi luôn luôn nói với bầu bạn thân thiết của tôi rằng: Hồ Chủ tịch là một nhân vật vĩ đại. Chính được gặp Người mà sau này tôi càng hiểu rằng: Vì sao ngay ở các nước phương Tây, thanh niên cũng rất yêu mến Bác Hồ, mặc dù họ chỉ biết qua hình ảnh sách báo mà thôi. Những tiếng hô: Hồ, Hồ, Hồ vang lên giữa lòng xã hội tư bản càng chứng tỏ rằng: Con người Bác Hồ, lý tưởng của Bác Hồ đã trở thành tượng trưng cho cuộc đấu tranh vì chân lý có một sức mạnh thôi thúc lớn lao như thế nào".

Bác dạy bảo bằng cả tình thương của mình đối với công an về nâng cao đức tính của con người. Xin dẫn 2 chuyện Bác dạy bảo đồng chí bảo vệ:

Lần đồng chí bảo vệ đi với Bác sang Indonesia, đồng chí mặc bộ comple mới. Khi chỉ có Bác và đồng chí đó, Bác bảo: "Không phải Bác không muốn các chú mặc sang, mặc đẹp. Nhưng lương của các chú có hạn. Cái sang, cái đẹp dễ biến thành nô lệ của nó".

Có một lần, lớp nhựa bọc tay lái chiếc ôtô phục vụ Bác bị lão hóa, tỏa mùi khó chịu, nhưng chưa kịp sửa, mà Bác có việc phải đi, đồng chí bảo vệ lấy nước hoa vẩy vào trong xe. Khi Bác lên xe, phát hiện có mùi nước hoa, Bác tỏ ý không vui. Bác bảo: "Không phải Bác không thích nước hoa. Nhưng nhân dân mình còn nghèo khổ. Vị Chủ tịch của những người nghèo khổ dùng nước hoa sao đành".

“Vị Chủ tịch của những người nghèo khổ dùng nước hoa sao đành" - Đó là điều cắt nghĩa để chúng ta hiểu đầy đủ vì sao Bác Hồ là người mẫu mực, sống tiết kiệm trong sạch.

Từ những việc làm Bác nêu gương sáng, đến những lời Bác bảo ban cụ thể về chuẩn mực đạo đức "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính", đó chính là Bác Hồ chuẩn bị cái gốc cho mỗi người nói chung và mỗi người công an nói riêng. Sự chuẩn bị này của Bác chẳng những cho hiện tại, mà còn là hành trình cho ta mãi mãi mai sau.

TS. Trần Viết Hoàn (Nguyên Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch)
.
.