Người nữ phó giám thị ở một ngôi trường đặc biệt
Chẳng biết từ bao giờ, những đứa trẻ ở khu cán bộ thuộc Trại giam số 5, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đã hình thành cho mình một thói quen. Nghe một tiếng súng nghĩa là báo yên, 3 tiếng là báo động...
Rồi bất kể đêm đông rét mướt hay ngày hè oi bức, cứ nghe tiếng chuông báo thức là bật dậy như một chiếc lò xo. Chúng cũng chẳng có thói quen mè nheo như những đứa trẻ cùng trang lứa. Hai con của Trung tá Nguyễn Thị Hương, Phó Giám thị Trại giam số 5 cũng vậy. Bao năm qua, hai đứa trẻ một trai, một gái đã quen với việc trở dậy từ lúc tờ mờ sáng để cha, mẹ còn kịp vào phân trại rồi lại trở về nhà khi bóng tối đã nhọ mặt người.
1.Những chi tiết ấy phần nào khắc họa công việc của những người thầy ở một ngôi trường đặc biệt; cũng như thiệt thòi của những đứa trẻ có bố, mẹ đang công tác tại các trại giam của Bộ Công an. Có một thực tế là, phần lớn các trại giam của Bộ Công an đều nằm ở những nơi hẻo lánh; điều kiện học tập, chăm sóc y tế rồi vui chơi, giải trí thiếu thốn.
Tuổi thơ của Trung tá Nguyễn Thị Hương cũng là những chuỗi ngày như thế. Không ít lần, chị tần ngần đứng ở đầu ngõ, ngóng cha trở về với một nỗi nhớ vơi đầy. Công việc của trại giam như một người có con mọn, có khi vài tháng chị cũng không được gặp cha; giữa ngày mưa bão, chỉ có mấy mẹ con ôm nhau trong căn nhà thấp lè tè, trong đêm tối mịt mùng. Cũng chính vì thế, chị cảm nhận sâu sắc cảm giác của những đứa con thơ luôn mong ngóng vòng tay của cha, mẹ. Vất vả là thế nhưng chẳng hiểu vì lẽ gì, công việc ấy đã cuốn hút cô gái trẻ như chị.
Năm 1995, sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị nối nghiệp cha theo học tại một trường trung cấp của lực lượng Công an. Hơn 2 năm đèn sách, không ít lần người nữ cán bộ ấy rơi nước mắt trước cường độ học tập và rèn luyện ở ngôi trường. Chính trong chuỗi ngày đó, hình ảnh của người cha đã giúp chị vượt lên tất cả.
Sau khi hoàn tất khóa học, chị về công tác tại đơn vị nơi cha chị đang quản lý. Vào thời điểm này, người cha mà chị kính trọng đang là Phó Giám thị Trại giam số 5, song không vì thế mà ông nuông chiều cô con gái của mình.
Tâm sự với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Thị Hương bộc bạch: "Tôi phải cảm ơn cha mình. Chính sự nghiêm khắc của ông đã giúp tôi trưởng thành trong công việc". Đến thời điểm này, Trung tá Nguyễn Thị Hương đã trải qua hầu hết các vị trí công tác, từ cảnh sát bảo vệ, cán bộ quản giáo rồi làm công tác hậu cần, và bây giờ làm công tác quản lý.
Mỗi phần việc của cán bộ trại giam lại có những khó khăn, yêu cầu và đòi hỏi rất khắt khe. Trại giam như một xã hội đặc biệt thu nhỏ. Mỗi phạm nhân trong xã hội ấy, đều là con người với những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Quản lý một con người từng phạm tội trong quá khứ không hề đơn giản. Mỗi can phạm có diễn biến tâm lý phức tạp.
Trung tá Nguyễn Thị Hương tiếp xúc với một phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam số 5. |
Chị nhớ lại: Những ngày đầu làm cảnh sát bảo vệ, chị nhận nhiệm vụ quản lý phân trại có cả nam và nữ... Công việc của một cảnh sát bảo vệ thường trực với trách nhiệm, ngày ở trên chòi, tối đến thì vào phân trại kiểm tra, giám sát. Phạm nhân cải tạo tại Trại giam số 5 đều là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự; không ít người đã dùng đủ mọi thủ đoạn để đối phó với giám thị. Thời gian đầu, không ít đối tượng thấy một nữ cán bộ trẻ tuổi cũng muốn tìm cách "qua mặt"...
Không ít lần Nguyễn Thị Hương cùng đồng đội đã phát hiện và ngăn chặn các vụ đưa vũ khí rồi các công cụ hỗ trợ khác vào buồng giam.
2.Tháng 2-1998, khi phân trại nữ được thành lập, Nguyễn Thị Hương là một trong những cán bộ đầu tiên được điều động về đây phụ trách đội bếp... Đặc thù công việc của đội là khi mọi người nghỉ thì mình đi làm. Ở giai đoạn này, mỗi ngày chị cùng đồng đội phải lo cho hàng nghìn suất ăn của các can, phạm nhân. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ bữa ăn ngon, đủ chất và an toàn cho phạm nhân là rất quan trọng.
Trong quá trình công tác ấy, giữa chị và một đồng nghiệp cùng đơn vị đã nảy sinh tình cảm rồi nên nghĩa vợ chồng. Đây cũng là giai đoạn Trung tá Nguyễn Thị Hương chuyển sang một nhiệm vụ khác, đó là công tác trinh sát. Trại giam là một môi trường thu nhỏ. Phần lớn đối tượng quản lý, giam giữ đều có mức án dài, nhiều tiền án, tiền sự, cầm đầu băng ổ nhóm, nhiễm các bệnh HIV/AIDS, thường xuyên chống phá. Ngoài các đối tượng có mức án tù chung thân, phần nhiều là những kẻ phạm tội về ma túy...
Với cán bộ trinh sát thì yêu cầu đặt ra là phải làm tốt công tác nắm tình hình, giải quyết và ngăn chặn kịp thời các vi phạm phát sinh của phạm nhân trong quá trình thụ án. Phạm nhân ở nhiều vùng miền có thể tạo thành bè phái, cục bộ. Với phạm nhân là nữ có phần thuần hơn nhưng cũng chứa đựng đầy yếu tố phức tạp. Có khi chỉ một mâu thuẫn nhỏ giữa các chị em cũng có thể xảy ra xô xát, dẫn đến cãi vã, thậm chí đánh nhau gây thương tích.
Trung tá Nguyễn Thị Hương bộc bạch: Vất vả nhất là số đối tượng liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, những trường hợp này gần như ngày nào chị cũng phải tiếp xúc. Một số đối tượng sau khi vào trại đã hiểu ra những sai phạm của bản thân, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Song cũng có không ít đối tượng có tư tưởng cực đoan, có mọi thủ đoạn để đối phó gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục.
Không ít lần Trung tá Nguyễn Thị Hương và đồng đội rơi lệ trước cảnh trùng phùng giữa người vợ và người chồng; của những người mẹ phải xa cách con thơ... Đó là quãng thời gian chị được giao nhiệm vụ làm công tác thăm gặp. Một bên là gia đình của phạm nhân, một bên là các can phạm đang thi hành án và cải tạo; việc xử lý tình huống hợp tình, hợp lý cũng không phải đơn giản.
Qua công việc của mình, chị đã giúp không ít gia đình phạm nhân có cái nhìn khác về trại giam. Nơi đây không chỉ là đơn thuần giam giữ mà còn giúp người thân trong gia đình họ rèn luyện, hướng thiện, trở thành người có ích cho xã hội.
Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với Trung tá Nguyễn Thị Hương bị cắt nửa chừng bởi cuộc điện thoại gọi đến. Thông tin cán bộ phân trại số 4 chuyển về cho biết, một phạm nhân nữ đang chuyển dạ... "Cháu bé đã chào đời an toàn" - Nữ Phó giám thị nói với chúng tôi trên gương mặt chị lộ rõ niềm vui.
Trại giam số 5 hiện giờ có gần chục phụ nữ đang mang bầu, chuẩn bị đến ngày sinh nở. Phần lớn trong số đó đều là các đối tượng từng nhiều lần được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật nhưng lại lợi dụng để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Hầu hết các phạm nhân này đều bị gia đình bỏ rơi nên việc chăm sóc họ trong lúc họ bụng mang dạ chửa rồi sinh con đều do các cán bộ quản giáo của phân trại số 4, nơi Trung tá Nguyễn Thị Hương phụ trách thực hiện.
Với lòng trắc ẩn, không ít lần người nữ cán bộ ấy và đồng đội đã bỏ tiền túi để mua đường, sữa và những thứ vật dụng cần thiết cho các nữ phạm nhân khi họ trở dạ sinh con.
3.Hạnh phúc đối với người nữ Phó Giám thị và các cán bộ Trại giam số 5 thật giản dị, đó là khi được tiễn các phạm nhân ra trại và không bao giờ phải gặp lại họ ở nơi đây. Không ít phạm nhân ra trại còn lưu giữ được những tình cảm sâu đậm với người nữ cán bộ có tâm. Trong ký ức của phạm nhân Đào Thị Hương (trú tại Ninh Bình) cho đến bây giờ những hình ảnh đẹp và tình cảm sâu đậm của người nữ quản giáo vẫn không phai mờ.
Đào Thị Hương bị bắt về tội môi giới mại dâm. Trong khi chị ta thụ án thì người chồng ở bên ngoài hư hỏng. Cũng vì việc này mà khi vào trại, người phụ nữ ấy cũng chẳng yên tâm cải tạo. Với tư cách là một cán bộ giáo dục những ngày đó, Trung tá Nguyễn Thị Hương đã thường xuyên gần gũi, thăm hỏi, động viên. Phạm nhân Hương đã nức nở kể lại câu chuyện cuộc đời của mình. Những lúc ấy, người cán bộ giáo dục đã dành nhiều thời gian để lắng nghe tâm sự của phạm nhân rồi phân tích...
Trước khi rời trại, phạm nhân Đào Thị Hương đã tâm sự với Trung tá Nguyễn Thị Hương rằng sẽ không bao giờ gặp lại chị ở nơi này. Và Đào Thị Hương đã làm được điều đó. Với Trung tá Nguyễn Thị Hương và những cán bộ đang công tác tại Trại giam số 5 thì đây là điều họ mong mỏi nhất.
Có mặt tại Trại giam số 5 trong một ngày làm việc bình thường, chúng tôi càng hiểu công việc của Trung tá Nguyễn Thị Hương và những "người thầy" ở một môi trường đặc biệt. Với họ, hạnh phúc thật giản dị, đó là khi mỗi con người từng một thời lầm lỡ trở thành người có ích cho xã hội.
Với những thành tích đã đạt được, từ năm 2014 đến nay, Trung tá Nguyễn Thị Hương liên tiếp được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc; được nhận Bằng khen trong phong trào thi đua CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy giai đoạn 2016-2017...