Người lính cứu hỏa "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"

Thứ Sáu, 26/08/2016, 07:40
Cơn mưa sầm sập trút xuống, những vách đá rêu phong nằm lọt thỏm trong khu rừng già âm u, tĩnh mịch càng trở nên trơn trượt. Ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển - khu vực từng là điểm chinh phục hấp dẫn du khách người Anh Aiden Webb, cũng là địa bàn hiểm trở nhất trên đỉnh Hoàng Liên Sơn - hầu như không có dấu chân người qua lại... 


Kể từ thời điểm nhận thông tin về sự mất tích của du khách người Anh, các cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PC66) Công an tỉnh Lào Cai và Công an huyện Sapa hầu như không ăn, không ngủ, lo lắng với số phận của nạn nhân mất tích.

1.Khoảng 15h ngày 7-6, Phòng PC66 Công an tỉnh Lào Cai nhận lệnh điều động của lãnh đạo tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn công dân Aiden Webb, quốc tịch Anh bị mất tích khi leo núi Fansipan tại huyện Sapa (Lào Cai).

Qua công tác sơ bộ nắm tình hình, xác định tính chất phức tạp của vụ việc, Đại tá Bùi Hồng Tuấn, Trưởng Phòng PC66 đã cử một tổ công tác gồm 10 cán bộ có sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng vào hiện trường.

Sau khi thống nhất phương án, khu vực tìm kiếm, các lực lượng gồm Phòng PC 66, Công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện Sapa, dân quân, kiểm lâm, nhân viên cáp treo Sapa bắt đầu cuộc tìm kiếm. Ngay những giờ đầu tiên, trời bất ngờ đổ mưa tầm tã...

Ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, gió và nước mưa quất vào mặt họ bỏng rát. Lúc đi nhiệt độ cơ thể tăng lên nhưng khi dừng chân thì cái rét bủa vây. Khu vực tìm kiếm nạn nhân có địa hình cực kỳ phức tạp, hiểm trở, nơi đây người dân bản xứ cũng chưa bao giờ dám tiếp cận...

Cán bộ, chiến sỹ phòng PC 66 Công an tỉnh Lào Cai tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn du khách người Anh mất tích ở Pansipan tháng 6- 2016.

Ngoài sự nguy hiểm, lực lượng tìm kiếm của Phòng PC66 còn phải đối mặt với nhiều áp lực, trong đó có việc chạy đua với thời gian nhằm sớm tìm ra nạn nhân. Khoảng 16h cùng ngày, việc tìm kiếm buộc phải dừng lại do thời tiết diễn biến bất thường, mây mù kéo đến che kín bầu trời, gió gào thét dữ dằn. Trong tình huống ấy, lực lượng cứu hộ phải đi bộ gần 2h  về trạm dừng nghỉ 220, đây là nơi tá túc tạm thời giữa lưng chừng núi để tiếp tục cuộc tìm kiếm vào ngày hôm sau.

Đêm hôm đó, lực lượng của huyện cũng bố trí cơm và các vật dụng cần thiết như túi ngủ và các đồ dùng cá nhân nhưng cán bộ của Phòng PC66 và lực lượng tìm kiếm chẳng thể nào chợp mắt. Giữa đêm khuya, tiếng gió gào thét hãi hùng càng khiến khung cảnh xung quanh thêm ảm đảm, thê lương; trong những giây phút ấy, ánh mắt tuyệt vọng của người đàn ông ngoại quốc mong mỏi từng giây, từng giờ tìm được người con trai mất tích thôi thúc các trinh sát của đơn vị phải nỗ lực không ngừng...

Ngày hôm sau, tiết trời như thuận theo lòng người, đã bắt đầu hửng nắng. Theo kinh nghiệm của lực lượng tìm kiếm thì các vận động viên leo núi thường chọn đi theo các khe suối, dòng thác. Khi có mặt tại địa điểm định vị, anh em chia làm 3 tổ, một tổ xuống chân dòng thác, một tổ ở lưng chừng và tổ còn lại ở trên đỉnh cao nhất, sẵn sàng ứng phó với những tình huống có thể xảy ra.

Khoảng 12h 50 ngày 9-6 (tức là sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm), với sự phối hợp của các lực lượng chức năng và người dân, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy nạn nhân trong tình trạng đã tử vong tại khe suối ở độ cao 2500 m, cách đường cáp công vụ và trụ T 4, cáp treo Fansipan Sapa khoảng 1.000 m.

Tìm được nạn nhân anh em đã trút được một gánh lo, nhưng làm cách nào đưa nạn nhân ra ngoài toàn vẹn, trao trả cho gia đình lại là chuyện không dễ dàng. Để phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường diễn ra vào ngày hôm sau, Phòng PC 66 tiếp tục dựng lán trại ngủ lại ở chân thác, tổ chức bảo vệ hiện trường và canh gác, đề phòng sau cơn mưa rừng, xác của nạn nhân xấu số sẽ bị trôi đi.

Đại tá Bùi Hồng Tuấn chia sẻ: Từ vị trí nạn nhân, nhìn sang ngang chỉ cách cáp treo không xa nhưng không thể đưa nạn nhân đến cáp treo vì vách núi dựng đứng, trơn trượt. Trong tình huống ấy, cán bộ Phòng PC66 và các đơn vị phải ròng dây từ trên cao xuống... Tổ phía trên dùng dây thừng kéo lên, còn tổ phía dưới một tay bám vào dây một tay bám vào vách đá, sử dụng cáng cứu hộ, cố định nạn nhân, di chuyển nhiều giờ liên tục đến vị trí cáp công vụ để chuyển về trung tâm huyện Sa Pa, bàn giao cho gia đình nạn nhân, làm các thủ tục theo quy định của pháp luật.   

2. Cuộc trò chuyện giữa tôi với Đại tá Bùi Hồng Tuấn diễn ra giữa những ngày Phòng PC 66 Công an tỉnh Lào Cai đang chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 50 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lào Cai.

Với vị trí địa lý thuận lợi, những năm qua, Lào Cai được đánh giá là một tỉnh năng động, phát triển kinh tế, xã hội nhanh và ổn định, hoạt động khai thác khoáng sản, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ sở sản xuất...

Cùng với thuận lợi, công tác quản lý chất cháy, nguồn nhiệt, hệ thống điện để đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở có tính chất nguy hiểm về cháy nổ; bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước của nhân dân cũng có những khó khăn riêng. Đó còn chưa kể đến những đặc thù của một tỉnh miền núi với ¾ diện tích là đồi núi, khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, thời tiết nắng nóng, hanh khô, có lúc mưa lớn kéo dài dẫn đến nhiều vụ cháy rừng, lũ ống, lũ quét, mưa đá...

Những năm qua, lực lượng của Phòng PC 66 đã góp phần làm giảm thiểu số vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn; 100 % các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra đều được xử lý kịp thời. Ghi nhận những thành tích đó, cán bộ, chiến sỹ Phòng PC66 Công an tỉnh Lào Cai đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an; Cờ thi đua của Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Bằng khen của Bộ Công an... 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng ba; 8 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huy chương Vì an ninh Tổ quốc...

 "Nhận thông tin các vụ cháy, chúng tôi chỉ mong đến hiện trường trong thời gian ngắn nhất, giải quyết có hiệu quả nhất, làm giảm đến mức thấp nhất đau thương và những thiệt hại vật chất cho gia đình nạn nhân", Trung tá Phạm Công Trà, Đội trưởng Đội PCCC và CNCH số 1 bộc bạch với chúng tôi. Niềm vui, hạnh phúc của cán bộ đơn vị hòa chung với cảm xúc của gia đình những người không may gặp nạn.

Một vụ việc được ngăn chặn kịp thời, họ thấy trong lòng phấn chấn. Rồi lại cảm thấy có lỗi khi không ngăn chặn được hậu quả xảy ra. Trong công tác cứu hộ cứu nạn cũng vậy. Sự mong mỏi của gia đình người bị hại khiến các cán bộ đơn vị quên hết mệt mỏi, nỗ lực tìm kiếm người bị nạn; đưa họ ra khỏi hiện trường trong thời gian sớm nhất... Và cả trong trường hợp xấu nhất, nạn nhân không may thiệt mạng thì cũng đưa họ về cho gia đình an táng, đây cũng là cái nghĩa, cái tình của những cán bộ làm công tác cứu hộ, cứu nạn Lào Cai. 

Ngày 2-12-2014, tại thôn Tả Trung Hồ B, xã Bản Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, một phần Vườn quốc gia Hoàng Liên đột ngột bốc cháy dữ dội. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, gió to, đám cháy nhanh chóng bùng phát trên diện rộng. Trong khi địa điểm xảy ra cháy cách nơi tập kết nhiều giờ đi bộ, địa hình đi lại hiểm trở, vách núi cao, vực sâu...

Trong tình huống ấy, vai trò nòng cốt trong công tác phòng cháy của Phòng PC66 đã được phát huy; họ vận dụng linh hoạt các biện pháp để xác định vị trí trọng yếu, có khả năng tiếp tục gây cháy lan ra diện rộng; giúp Ban chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tập trung cản lửa.

Một cán bộ đơn vị chia sẻ, trong các vụ cháy rừng, nguy hiểm nhất là khi hệ thống dây leo chằng chịt ôm lấy tảng đá lớn, sau khi bị đốt cháy, lăn ào ào xuống. Lần ấy, Đội trưởng Trà đã nhanh chóng lăn vào gốc cây gần đó thoát nạn, song một số đồng chí của đơn vị trong quá trình chữa cháy đã bị thương do đá lăn vào người.

Trong quá trình ấy, sức lực của anh em bị hao tổn rất nhiều vì chữa cháy ở trên cao khác với ở bên dưới. Cán bộ Phòng PC 66 phối hợp  với người dân phát các đường băng với chiều rộng từ 200 đến 300m. Có khi đường băng vừa làm xong thì ngọn lửa tiếp tục vượt qua...

Vậy là họ tiếp tục đào bới. Khi ấy, anh em mất nước rất nhanh, ai cũng mệt mỏi bởi sức nóng và cường độ làm việc nhưng ai cũng quyết tâm dập tắt đám cháy. Sau 20 giờ nỗ lực, đến 17 giờ ngày 3-2-2014, đám cháy đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn, bảo vệ được hàng trăm ha rừng quốc gia Hoàng Liên với nhiều động vật và thực vật quý hiếm...

3. Chúng tôi rời Phòng PC66 Công an tỉnh Lào Cai khi cán bộ đơn vị chuẩn bị lên đường... Những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lào Cai đã chủ động khắc phục mọi khó khăn về điều kiện, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật  đã góp phần làm giảm thiểu số vụ cháy nổ xảy ra trên địa bàn. 100% các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra đều được giải quyết nhanh chóng, làm giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Xuân Mai
.
.