Người lái tàu anh hùng và chuyến tàu đặc biệt

Thứ Tư, 14/10/2015, 08:00
Trong ngôi nhà bình dị nằm khuất trong căn hẻm nhỏ đường Lê Triệu Kiết, phường Mỹ Bình, Tp Long Xuyên, tỉnh An Giang, Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Hoàng lần đầu tiên hé lộ những điều chưa kể về chuyến lái tàu đưa Bác Tôn về cù lao Ông Hổ vào những ngày đầu thống nhất đất nước.

Chuyến tàu đặc biệt

Ông Hoàng người  thấp đậm, nước da xạm đen. Đã bước qua tuổi 65, ông vẫn hoạt bát nhanh nhẹn. Ngày mới giải phóng, ông là Thiếu uý, Đại đội trưởng Đại đội tàu  thuộc Tỉnh đội Long Châu Hà, nay là An Giang. Một sáng cuối tháng 10/1975, khi đang họp đơn vị, ông được Tỉnh đội trưởng Hà Minh Khá (Tám Khá) mời lên gấp. Lúc đến thì thấy Sáu Hội (Lê Phú Hội, Đại đội trưởng Thông tin Tỉnh đội, sau này là Bí thư Tỉnh uỷ An Giang) cũng vừa tới.

Đại tá Nguyễn Xuân Hoàng bên con tàu chở Bác Tôn do chính ông chỉ huy phục chế đang được lưu giữ tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Mỹ Hoà Hưng).

Ông Tám Khá trịnh trọng: "Hai đồng chí về thu xếp quân trang, phân công nhiệm vụ đơn vị cho cấp phó rồi trở lên ngay". Thu xếp xong thì được lệnh sang khách sạn Hoàn Mỹ (phường Mỹ Bình, Long Xuyên) sẽ có người giao việc. "Đến khách sạn, đồng chí Cục trưởng Cục Bảo vệ cho biết nhiệm vụ sắp tới là lái tàu đưa Bác Tôn về thăm cù lao ông Hổ (Mỹ Hoà Hưng, Long Xuyên)" - Ông Hoàng nhớ lại - "Tôi đề xuất tàu Giang Cảnh, "ngon nhất" trong số 12 tàu vừa tịch thu của địch mà tôi đang quản lý".

Đó là chiếc tàu "nhà binh" dài trên 10m, rộng 3m, tải trọng hơn 2 tấn.

Chiều ngày hôm sau, ông Hoàng được Cục trưởng mời đến cho biết lộ trình chuyến đi và yêu cầu phải tuyệt đối bí mật. Sau đó Cục trưởng yêu cầu bố trí ghế cho Bác Tôn ngồi cạnh tài công, nhưng phải đảm bảo sao cho Bác phải cao hơn tài công khoảng 2 tấc. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vì cấu tạo của tàu chỉ có 1 ghế phía trước dành cho tài công, mà trời đã xế chiều. Sau một hồi suy nghĩ, ông Hoàng đề xuất mượn ghế nệm có tựa lưng trong tiệm hớt tóc rồi hàn thêm chân… Đến 20h thì chiếc ghế được đưa xuống tàu. Khoảng 7h30’ hôm sau, ông Hoàng đưa tàu đến bến đã định sẵn tại phường Mỹ Bình (nay là nơi đóng quân của Lữ đoàn 962 - QK 9). "Hôm đó Bác Tôn mặc áo sơ mi trắng và chiếc quần ka ki bạc màu, chân mang dép râu, trông rất bình dị".

Đang thời điểm nước lũ không còn dữ dội, nhưng đường làng ngập sình lầy, nên chỉ thị là cố gắng lái tàu theo lòng rạch dẫn từ sông Hậu vào trước nhà. "Lúc đó tôi lái với tất cả tinh thần của người lính Cụ Hồ. Tàu phải băng qua con sông Hậu trống trải, đòi hỏi phải cảnh giác cao bởi một số tàn dư địch vẫn tìm cách chống. Con rạch chỉ nhỉnh hơn thân tàu, ven hai bên bờ lau sậy um tùm nên vừa phải căng mắt 2 bên bờ để không va đập, vừa phải cảnh giác phía trên để né tránh tổ ong có thể túa ra tấn công bất cứ lúc nào".

Chuyến vào an toàn tuyệt đối, lúc về mới thật sự gian truân. Sau khoảng 45 phút thăm ngôi nhà thời niên thiếu, gặp gỡ hai người em thứ 4 và thứ 5 là Tôn Đức Nhung và Tôn Thị Én, chào hỏi bà con thân tộc là Bác Tôn ra đi. Không thể quay đầu, tàu phải chạy lùi trong điều kiện bị khuất tầm nhìn phía sau, nên phải mất gấp 3 thời gian so với lúc vào, ông Hoàng mới đưa được tàu ra sông Hậu.

"Mồ hôi ướt cả người, đầu óc thì căng như dây đàn. Đột nhiên Bác Tôn vỗ vào vai tôi nói: "Bác là dân lính thủy nên biết tay nghề của cháu rất khá và sáng tạo, phải cố gắng phát huy để góp sức xây dựng đất nước…". Câu nói chân tình và duy nhất của Bác Tôn trong suốt hành trình ấy đã làm thay đổi cuộc đời người lái tàu.

Lái tàu thành Anh hùng:

Sau chuyến tàu ấy cho đến ngày nghỉ hưu (2006), ông Hoàng được điều động giữ nhiều vị trí: Chủ nhiệm Phòng kỹ thuật -  Ban chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang; Cục phó Cục Kỹ thuật Quân khu 9. Dù ở đâu, làm gì, lời dặn của Bác Tôn vẫn thôi thúc ông nỗ lực làm việc hết mình. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, ông còn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu, cho ra đời được nhiều công trình sáng tạo. Nổi bật nhất là công trình súng phóng lựu và giàn phóng lựu vào năm 1992. Gắn thêm hệ thống ống phóng vào phía trước nòng súng, mỗi lần bắn có thể "ném" quả lựu đạn trúng đích trong phạm vi 100 -150m. Riêng giàn phóng lựu, mỗi lần ấn nút, có thể phóng 5-10 quả. Toàn bộ ống phóng, đạn tống và lựu đạn được chế tạo tại chỗ. Lớp vỏ bên ngoài được cải tiến bằng nhựa vừa chống sét, vừa đảm bảo độ khít với nòng để phóng tốt. Riêng phần kim loại bên trong, ông Hoàng đặt hàng kỹ sư Phan Văn Sáu (Giám đốc Cty Cơ khí An Giang, nay là Bí thư Tỉnh uỷ An Giang) sản xuất theo thiết kế và kiểm định chất lượng theo cách của riêng ông.

"Để kiểm tra độ đồng đều, tôi cho đánh dấu cẩn thận từng vị trí bên ngoài trước khi thả xuống nền xi măng ở độ cao 5m. Sau đó kiểm tra mảnh vỡ để điều chỉnh độ dày, mỏng để tất cả đều có khả năng tạo mảnh khi nổ", ông Hoàng bật mí "công nghệ chân đất". Độc đáo hơn, ông sáng tạo ra cách kiểm tra độ sát thương của lựu đạn tự chế này bằng… mùng. Dùng vải trắng may mùng vuông, mỗi vách rộng 10m, đặt lựu đạn ngay giữa rồi cho nổ. Sau đó căn cứ vào vết thủng, độ cháy, xém trên vách mùng để nhận định về chất lượng nổ của lô lựu đạn. Sáng kiến này được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen. Bởi đó không chỉ là thành tựu nghiên cứu ứng dụng những điều sẵn có thành "công nghệ" mà còn gợi mở ra nhiều vấn đề về chiến tranh nhân dân. Khi tạo ra kỳ tích này, ông Hoàng học chưa hết lớp 8 trường làng!

Chính những thành tựu sáng tạo này cùng những chiến tích trong thời kỳ chống Mỹ, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1998.

 Ba chục năm trước, năm 1968, đang học lớp 8 ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Nguyễn Xuân Hoàng tình nguyện gia nhập bộ đội Cụ Hồ. Trong chưa đầy 8 năm ông trực tiếp tham gia chiến đấu 72 trận trên địa bàn tỉnh Long Châu Hà (gồm An Giang, Kiên Giang ngày nay) diệt và làm bị thương 87 tên địch, 13 lần đánh sập cầu, hạ 1 đồn, phá hủy ống dẫn dầu ở Quân cảng Phú Quốc.

Đặc biệt, năm 1974, trong 12 ngày đêm, ông 4 lần đánh sập cầu Vàm Răng, Vàm Rầy, diệt và làm bị thương 45 tên địch, làm tê liệt đường tiếp viện của địch từ Rạch Giá - Ba Hòn - Hà Tiên, góp phần bẻ gãy ý đồ mà Mỹ cố tình hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gòn mở rộng chiến dịch càn quét hòng phá hỏng Hiệp định Paris đã ký năm 1973. Sau hai lần bị đánh sập cầu trong vòng chưa đầy 10 ngày, địch huy động lực lượng bảo vệ cầu Vàm Răng. Là Đại đội trưởng đặc công, ông quyết định một mình đi đánh.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Hoàng (phải) hội ngộ với Anh hùng Lao Động Võ Tòng Xuân tại buổi lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Tôn tại Khu lưu niệm của Người tại xã Mỹ Hoà Hưng (đứng giữa là ông Lê Phú Hội, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ An Giang).

Khi áp được khối thuốc nổ 60kg vào chân cầu, ông bóp kíp nổ chậm ngay để địch không kịp trở tay. Vì vậy khi trở ra mới được khoảng 20m, khối thuốc nổ tung, ông bị nước ép văng lên bờ. May mà đồng đội kịp thời hỗ trợ, đưa về sơ cứu… Đó là một trong nhiều lần bị thương, suýt bị bắt, rồi bị địch bắn trọng thương tưởng không thể qua khỏi… của ông Hoàng.

Chiếc tàu lịch sử mà ông từng lái chở Bác Tôn về thăm cù lao Ông Hổ đã "mất tích" suốt 35 năm. Năm 1998, khi chuẩn bị kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác Tôn người ta mới sực nhớ rồi quáng quàng đi tìm. Sau nhiều lần gỡ bỏ lớp bụi thời gian, dò tìm từng manh mối mỏng manh, cuối cùng ông Hoàng và đoàn công tác xác định sau khi "chuyển công năng", chiếc tàu đã được chuyển về huyện Chợ Mới. Khi đến nơi thì chính ông cũng không dám tin đó là chiếc tàu lịch sử. "Toàn bộ phần mui đã bị cắt bỏ, nhiều bộ phận trên thân được chế lại để phù hợp với công năng của tàu dân dụng" - Ông Hoàng bồi hồi kể lại - "Sau nhiều lần truy vấn nguồn gốc, vận dụng hết mọi khả năng trí nhớ và xem xét hiện trạng, tôi mới dám xác định đúng là chiếc Giang Cảnh năm đó".

Được sự tín nhiệm của Bí thư Tỉnh uỷ An Giang, ông Hoàng trực tiếp vẽ lại thiết kế chiếc tàu theo trí nhớ rồi trực tiếp chỉ đạo bộ phận Phòng Kỹ thuật BCH Quân sự tỉnh An Giang thi công khẩn trương và hoàn thành việc phục chế con tàu đúng dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác Tôn (2010). Từ đó đến nay, chiếc tàu được trưng bày tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, Tp Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Lục Tùng
.
.