Người con của buôn làng

Thứ Năm, 20/08/2015, 08:00
40 năm tuổi ngành trong đó quá nửa thời gian Đại tá K'Tiêng (dân tộc K'Ho, Nguyên Trưởng phòng An ninh dân tộc (PA.90) Công an tỉnh Đắk Lắk gắn bó với các bản làng. Những cuộc đấu trí, đấu súng sống còn với FULRO, có những lúc ông tưởng mình không thể trở về. Cả đời "lam lũ" với nghề, cái được duy nhất chính là niềm tin của đồng bào Tây Nguyên dành cho ông và lực lượng Công an. 

1.Tôi tới thăm Đại tá K'Tiêng tại Bệnh viện 30/4 ở TP Hồ Chí Minh. Ông đang phải chống chọi với đủ thứ bệnh "ngấm" trong người từ những ngày tuổi trẻ xông pha. Mệt mỏi, đau đớn nhưng ông vẫn cười hồ hởi: "Mình đang bổ sung thông tin trong hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND".

Tây Nguyên vừa giải phóng, K'Tiêng được tuyển chọn vào lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk. Làn sóng FULRO tràn về cao nguyên, trở thành nỗi sợ hãi kinh hoàng với bà con. Tên trung úy, trưởng vùng Y'Jun trở thành cái tên gieo rắc tội ác đầy căm phẫn cho nhân dân. Lực lượng của ta từng mai phục tiêu diệt Y'Jun nhưng không thành. Đạn bắn về phía hắn chẳng bao giờ trúng. Có tin đồn, Y'Jun luyện thành công phép thuật, không bao giờ chết.  

K'Tiêng quyết tâm diệt trừ Y'Jun, xóa lời đồn. Biết Y'Jun sẽ về làng vào sáng hôm sau, K'Tiêng thức trắng đêm chuẩn bị. 4h sáng, K'Tiêng một mình ôm khẩu AK giấu thân phía bìa rừng, nơi có con đường mòn. Sương giăng trắng tầm nhìn, lạnh buốt từng thớ thịt. Mặt trời ló đỉnh núi vẫn chưa thấy Y'Jun đâu, K'Tiêng hoang mang: Chẳng lẽ thông tin của mình sai?

Đại tá K'Tiêng nhận bằng khen do Giám đốc Công an tỉnh trao.

 Không gian tĩnh lặng đã giúp K'Tiêng nghe rõ tiếng bước chân từ phía… sau lưng. Quay lại đã thấy Y'Jun và một cận vệ lăm lăm súng tiến về phía mình. Nhẹ nhàng xoay người ra phía sau gốc cây, Y'Jun ngắm bắn. Lần đầu tiên cầm súng AK, chưa bắn bao giờ nên tay K'Tiêng run bần bật. Mặt tên Y'Jun chỉ còn cách 3 mét, nỗi sợ trong K'Tiêng tan biến, anh dồn hết sức lực vào khẩu súng và bóp cò. Một tiếng kêu thét, Y'Jun ôm ngực gục xuống. Tên còn lại hoảng hồn bỏ chạy.

K'Tiêng chạy bộ 10 cây số về Công an huyện báo cáo đã hạ Y'Jun, mọi người không tin. Khi đến nơi thấy xác tên ác ôn, thì ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Sau chiến công quả cảm đó, K'Tiêng được phong là người hùng nổ phát súng đầu tiên tiêu diệt FULRO ở Đắk Nông.  

2.Cuối tháng 3/1983, FULRO người M'nông, K'Ho và  FULRO Ê Đê có sự mâu thuẫn trong vấn đề thống lĩnh vùng, dẫn đến xung đột thanh trừng nhau. FULRO Ê Đê đòi thành lập quân khu 3 riêng biệt do Đại tá Y'Bênh làm thủ lĩnh. Không chịu chung lãnh tụ, FULRO M'nông và K'ho ở Lâm Đồng, Đắk Nông kết hợp lại đòi thành lập quân khu 4 có người chỉ huy riêng. Cuộc chiến khốc liệt giữa các phe cánh FULRO bắt đầu. FULRO Ê Đê mở cuộc càn quét thu hết vũ khí, quân tư trang và tra tấn dã man FULRO M'Nông. Tình hình phức tạp, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk quyết định thành lập chuyên án mang bí số F384 giải quyết dứt điểm cuộc chiến FULRO. Mục tiêu đề ra là: Vận động kêu gọi ra hàng toàn bộ FULRO M'nông và K'ho, không cho chúng liên kết với nhau, đồng thời lấy lực lượng này chặn đứng sự bành trướng của FULRO Ê Đê.

Ban chuyên án do Đại tá, AHLLVT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Y'Ly (Ama Nghĩa) trực tiếp chỉ huy. Đội ngũ trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện Đắk Min (Đắk Nông ngày nay) thực hiện chuyên án. K'Tiêng được cấp trên giao nhiệm vụ xuống cơ sở tuyển chọn đầu mối, xây dựng đặc tình, tiếp cận lực lượng, tác động lôi kéo, phân hóa đội ngũ FULRO M'Nông.

Tháng 6 Tây Nguyên trời mưa thốt đất, đường về thôn, buôn gập ghềnh, trơn trượt. Lũ ống, lũ quét ở Tây Nguyên được ví như con rồng đói, cứ lạnh lùng "nuốt chửng" bất cứ thứ gì trên đường đi. Con người quá bé nhỏ so với "con lũ". Đó là sự khôn lường của thiên nhiên, còn mối nguy hiểm thường trực nữa là FULRO thoắt ẩn thoắt hiện trong các cánh rừng. Chúng thẳng tay bắn giết khi thấy cán bộ của ta hoặc bất cứ ai tình nghi.

FULRO M'Nông sau khi bị FULRO Ê Đê truy đuổi phải chạy tan tác, phân tán thành từng nhóm nhỏ. Một bộ phận khác đang bị FULRO Ê Đê bắt giữ, số cầm đầu thoát được đang lẩn trốn bị FULRO Ê Đê truy lùng gắt gao. Ban chuyên án kiên trì vận động công tác quần chúng, thông qua gia đình, thân nhân và người có uy tín trong thôn, buôn kêu gọi con em mình ra hàng. Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, FULRO về hàng được đưa về thôn, bản làm ăn sinh sống ổn định. Nghe tin, số FULRO M'Nông đang lẩn trốn trong rừng đồng loạt về hàng.

Tổ trinh sát của K'Tiêng tiếp cận được hang ổ của FULRO M'Nông gồm một đại úy, 4 trung úy. Ban chuyên án ra quyết định cho đặc tình tiếp tục "nuôi" số FULRO này để giữ chân, câu nhử số còn lại. Sau thời gian câu nhử, ta tiếp cận được các tên còn lại,  tiến hành vận động, cảm hóa. Có một số FULRO M'Nông ngoan cố không chịu về, đứng đầu là trung tá Y'Tài - Tư lệnh phó Quân khu 4 FULRO. Y'Tài tuyên bố kiên quyết không về hàng mà tìm cách liên kết với tàn quân Pôn Pốt đánh FULRO người Ê Đê và thành lập một lãnh địa riêng của FULRO M'Nông.

Đại tá K'Tiêng (giữa) với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Đắk Lắk.

Ta đưa ra phương án: Phải cô lập Y'Tài, đồng thời tiếp cận tác động đến tư tưởng, nhận thức của hai cận vệ và hai phục vụ luôn bên cạnh hắn. Sang năm 1984, FULRO Ê Đê tiếp tục truy lùng FULRO M'Nông ở khu vực Đắk Min. Trước sức ép từ nhiều phía, Y'Tài phải lẩn trốn khắp nơi. Chỉ thị của lãnh đạo Công an tỉnh phải kết thúc chuyên án trước mùa khô năm 1985. Phải tìm bằng được nơi ẩn náu của Y'Tài. Nhiệm vụ này giao cho K'Tiêng cùng ba trinh sát thực hiện.

Suốt một mùa mưa, K'Tiêng cùng các trinh sát lăn lộn, ăn dầm nằm dề trong rừng tìm Y'Tài nhưng không tìm được. Lần thứ ba băng rừng thì gặp Y'Tài. K'Tiêng "đấu khẩu" với Y' Tài suốt một tuần nhưng bất thành, hắn cương quyết không chịu ra hàng. K'Tiêng cùng đồng đội của ông đã ăn ở và ngủ trong rừng cùng Y'Tài, kiên trì thuyết phục, vận động. Có những đêm, K'Tiêng ngồi "chén chú chén anh" đến sáng với Y'Tài.

Với vị thế thủ lĩnh của Y'Tài, lại gặp "đối thủ" đang đi săn lùng, truy bắt mình,  Y'Tài có thể "khử' ngay mà không cần do dự. Nhưng hắn không hành động.

 Nhớ lại ngày đó, K'Tiêng cho biết: "Lúc đầu cũng lo Y'Tài sẽ bắn, nhưng cái thế của mình cao hơn Y'Tài. Mình nói chuyện bằng lý lẽ, thuyết phục khôn khéo. Với sự tinh quái của Y'Tài, y dễ dàng nhận ra chúng tôi là những người như thế nào mới dám xông vào lãnh địa của y, ăn, ngủ cùng y".

Cuối cùng, Y'Tài đã hạ súng theo K'Tiêng về hàng. Chuyên án F384 kết thúc, toàn bộ FULRO M'Nông, K'Ho khu vực Đắk Min về hàng, mâu thuẫn "lãnh chúa" giữa các thế lực FULRO ở Tây Nguyên được hóa giải.

3.Năm 1992, đoàn xe của cán bộ Công an tỉnh Đắk Lắk đi công tác về bị FULRO phục kích tại km 47 (K'Rông Pak). Chúng dùng súng nã tứ phía vào chiếc xe chở cán bộ Công an tỉnh. Anh em chiến sĩ bị động trước đòn phản công của FULRO. Nhờ trên xe có một số phiến gỗ tịch thu được của FULRO, anh em lấy làm bia đỡ đạn và đánh trả quyết liệt. Một số anh em trúng đạn đã bị thương. K'Tiêng đang xé áo ra băng bó cho đồng đội thì một loạt đạn bỏng rát trên đầu. Một viên đạn xuyên qua khe gỗ cắm vào đầu K'Tiêng.

K'Tiêng đưa tay vuốt đầu, máu tràn xuống mặt, cổ. K'Tiêng choáng váng, ông nghĩ hôm nay có lẽ là ngày cuối cùng của mình. Đồng đội dùng áo cầm máu không ăn thua.

Trong khi FULRO càng hung hăng tấn công, dùng cả súng B40. Nhưng rất may, FULRO chưa thạo dùng loại vũ khí này, loay hoay mãi không bấm nút được. Ta lợi dụng sơ hở đáp trả đẩy lùi FURLO bỏ chạy vào rừng. K'Tiêng được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả, ông trở thành thương binh hạng 4/4.

Đó là trận đấu súng cuối cùng của K'Tiêng. Ông trở về Phòng An ninh dân tộc Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục sứ mệnh mới. K'Tiêng nói được hầu hết tiếng của đồng bào Tây Nguyên như: Ê Đê, M'Nông, Gia Lai, K'Ho… Thấy bóng dáng của K'Tiêng về bản là bà con kéo đến đòi phải ở lại uống rượu cần, ăn thịt heo. Mọi người yêu quý ông như người ruột thịt trong nhà.

Ngọc Thiện
.
.