Một đêm đánh án cùng CSGT đường thủy
- Nhóm bạn trẻ tình nguyện giúp người dân Hà Nội thả cá chép
- Đánh án ma túy trên xứ mây ngàn gió núi
- Chuyện nghề của trinh sát trẻ mê đánh án
Nhưng, điều đó chỉ đúng mà chưa đủ, bởi họ - còn một nhiệm vụ nặng nề hơn, đó là đấu tranh phòng chống tội phạm đường sông. Mà đã đấu tranh với tội phạm thì chắc chắn phải đối mặt với hiểm nguy khi đối tượng ngày càng manh động. Khuất phục những đám "sa tặc" khát "máu" của sông Hồng, sông Đuống... thật không dễ chút nào.
Nhất đâm hà bá, nhì phá sơn lâm
Ở Phòng CSGT - CATP Hà Nội có những đơn vị được xem là "đặc biệt". Một trong số đó chính là Đội Cảnh sát đường thủy số 1 và Đội Cảnh sát đường thủy số 2. Với quân số vỏn vẹn chỉ có vài chục CBCS, song hai đơn vị trên lại phụ trách, quản lý hàng trăm kilomet các tuyến sông Thủ đô trong đó tập trung chính vào sông Hồng và sông Đuống. Nhiệm vụ chính của Cảnh sát giao thông đường thủy không gì khác ngoài việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tuyến sông, đấu tranh hiệu quả với những vi phạm pháp luật trên sông.
Nặng nề, hiểm nguy, gian lao nhất vẫn là bắt giữ những đối tượng khai thác cát trái phép. Các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động không phải nhỏ lẻ, chúng câu kết với nhau, tạo thành nhiều lớp lang, thậm chí là đường dây, ổ nhóm tội phạm có tổ chức. Các đối tượng này hoạt động bất cứ thời gian nào, tại bất cứ đâu, miễn sao những chiếc thuyền hàng nghìn tấn hút đầy cát, bất chấp pháp luật. Chính vì lẽ đó, việc "bỗng dưng… có án" đánh cát tặc luôn thường trực trong các kế hoạch, chuyên án nhiệm vụ của đơn vị.
CSGT đường thủy kiểm tra xử lý phương tiện vi phạm. |
Chập tối cuối tuần, Đại úy Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT, CATP Hà Nội bỗng gọi cho tôi giọng đầy ẩn ý: "Mời nhà báo ra ngay trụ sở Đội Cảnh sát đường thủy số 2 uống nước". Với kinh nghiệm theo chân các trinh sát đi đánh án nhiều năm, tôi hiểu rằng không phải ngẫu nhiên anh em lại gọi mình ra uống nước giữa cái lạnh mùa đông Hà Nội như cắt da cắt thịt như vậy.
Chỉ ít phút sau, tôi có mặt tại đơn vị. Khi chiếc xe của tôi vừa vào trong sân, cánh cổng trụ sở đơn vị - nhanh chóng được đóng chặt lại đúng kiểu "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết TNGT cũng có mặt ở đây từ khi nào, anh vẫy tay ra hiệu trước khi mấy anh em bước nhanh xuống triền đê sông Hồng, nơi chiếc xuồng đặc chủng nổ máy đợi sẵn. Đến lúc này, tôi càng chắc chắn cho nhận định của mình "đi đánh án rồi".
Đó là một đêm miền Bắc lạnh kỉ lục trong vòng hàng chục năm qua. Trên bờ đã lạnh, dưới sông hơi nước bốc lên càng khiến cho không khí như lưỡi dao băng luồn vào từng thớ - thịt. Để đỡ lạnh, chiếc xuồng đặc chủng được CBCS phủ lên một tấm vải bạt, khéo léo tạo thành mái vòm vừa che chắn kín đáo những ai có mặt trên thuyền, vừa chắn những cơn gió lạnh buốt thổi ngược từ dưới sông lên. Tầm nhìn xa bị xén ngắn, chỉ còn vài mét. Điều kiện thời tiết này quá thuận lợi cho những đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động.
Chiếc xuồng đặc chủng di chuyển nhẹ nhàng và khi gần đến bãi lau sậy cao lút đầu người mọc ở ven sông đã được trinh sát điều khiển tắt động cơ, neo chặt. Những cây lau sậy như một tấm áo tự nhiên phủ kín chiếc xuồng, khiến cho cách đó không xa, các đối tượng đang đứng trên khoang thuyền hàng nghìn tấn vận hành hệ thống máy khai thác cát trái phép tại khu vực gần cầu Vĩnh Tuy không thể nào phát hiện ra.
Vài phút sau, Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 2, phát lệnh nhanh gọn qua bộ đàm "đã xong", Đại úy Chu Công Thế bật máy, tăng hết tốc lực, chiếc xuồng lao vút tiếp cận con tàu vỏ sắt gắn số VR14032678 với trọng tải hơn 700 tấn đang khai thác cát trái phép, gọn gàng khống chế những đối tượng vi phạm còn đang không hiểu chuyện gì xảy ra, CSGT đường thủy ập đến từ lúc nào.
21h, ở mũi công tác thứ 2, Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Đội phó của đơn vị cùng với Đại úy Ngô Hồng Thuận, Thiếu tá Trịnh Văn Trường cũng nhanh chóng tiếp cận chiếc tàu vỏ sắt có gắn số VR 08043107 trọng tải khoảng dưới 1000 tấn đang cắm vòi rồng xuống lòng sông Hồng để khai thác cát trái phép. Những chiếc vòi rồng khổng lồ gắn ở 4 góc trên khoang tàu phun ra dòng cát đỏ rực như màu máu. Người ta gọi đó là "máu" sông Hồng.
Cuộc vây bắt mưu trí, chớp nhoáng và hiệu quả của CSGT đã khiến 2 đối tượng Nguyễn Đăng An (SN 1982, HKTT tại xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) lái tàu và Đỗ Văn Dương (SN 1988, HKTT tại xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) thuyền viên vận hành máy móc, hệ thống sên vòi hút cát trái phép cũng hoảng hốt, bất ngờ và không dám có bất cứ một hành vi chống đối nào.
Cũng trong thời điểm này, Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát đường thủy số 2 báo về đã giải quyết xong con tàu không số hiệu, đăng ký nặng gần 1000 tấn khai thác cát trái phép. Ngay trong đêm, các tổ công tác đã lai dắt cả 3 con tàu vi phạm, đưa toàn bộ số đối tượng có mặt trên tàu về khu vực tạm giữ để khai thác, lập hồ sơ xử lý.
Phải biết đau khi dòng sông "chảy máu"
Cho đến lúc này, Trung tá Đỗ Trọng Tuân mới thông tin cụ thể cho tôi về chuyên án phối hợp với Đội Cảnh sát đường thủy số 1, các đội Tham mưu, Khám nghiệm tuyên truyền của Phòng bắt giữ cát tặc. Các tổ công tác đã định sẵn phân tách từng đối tượng riêng lẻ ra để đấu tranh, thiết lập hồ sơ ngay trong đêm.
Tham gia trực tiếp chỉ huy tất cả các cánh quân trong đêm, Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó trưởng Phòng CSGT CATP Hà Nội cho biết: Anh em phải thiết lập hồ sơ ngay, truy nóng những đối tượng có liên quan đứng phía sau. Gần như các đối tượng trên tàu đều là người làm thuê, thậm chí có người còn không biết chữ. Những mục tiêu mà CSGT hướng tới không phải số người trên, mà chính là các đối tượng đứng sau thuê mướn, giật dây. "Đánh rắn phải đánh dập đầu", nếu không xử lý những đối tượng trên thì chỉ trong thời gian ngắn, chúng lại tiếp tục cắm vòi rồng xuống sông hút kiệt tài nguyên, giết chết sự sống tự nhiên.
Nửa đêm, gió càng lúc thổi càng mạnh, mặt sông đen thẫm sương đêm. Trụ sở chính của Đội Cảnh sát đường thủy số 2 nằm khiêm tốn ở dải đất ven sông thuộc huyện Thường Tín. Kể từ khi cơ cấu lại tổ chức, địa bàn hoạt động cũng như quản lý của đơn vị được kéo dài ngược lên đến thượng lưu cầu Vĩnh Tuy.
Do tuyến phụ trách dài và có những đặc thù trên sông nước, trụ sở phụ của đơn vị tại khu vực Bạch Đằng cũng được Đội Cảnh sát đường thủy số 2 bố trí hợp lý quân số làm nhiệm vụ ngày đêm canh giữ an toàn cho các tuyến sông Thủ đô. Trung tá Đỗ Trọng Tuân được xem là "lính thủy đánh bộ".
Được bổ nhiệm vị trí chỉ huy đơn vị chưa đầy 1 năm, song những thành tích mà Đội Cảnh sát đường thủy số 2 đạt được khiến nhiều đơn vị bạn khâm phục, lãnh đạo các cấp ghi nhận, đánh giá cao.
Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1 cùng đơn vị án ngữ ở tận thượng nguồn nơi sông Hồng chảy vào địa phận Thủ đô. Cũng giống như Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Thiếu tá Hà Trọng Hoan được xem là người chỉ huy có thái độ rất "rắn" và "đánh rát" với cát tặc.
Cùng là quân số của Phòng CSGT, nhưng những CBCS làm nhiệm vụ dưới sông lại rất ít khi phải phân luồng chống ùn tắc như các đồng nghiệp trên đường bộ. Tuy nhiên, với đặc thù sông nước, phương tiện chỉ có thể đi xuôi hoặc ngược trên cùng một dòng sông, thì nguy cơ tai nạn lúc nào cũng có thể xảy ra, nhất là mùa cạn, khi dòng nước có sự thay đổi hướng chảy.
Giống như đường bộ, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, nhân công…, nhiều chủ tàu thuyền đã chở quá tải, thuê thuyền viên không đủ bằng cấp, chứng chỉ điều khiển phương tiện. Mà tai nạn trên sông nếu xảy ra thì hậu quả vô cùng nặng nề. Thiệt hại tài sản là rõ ràng và nếu có người bị va đâm như đường bộ thì ở dưới sông cơ hội để nạn nhân sống sót là vô cùng ít.
"Tội phạm đường sông nói chung và "sa tặc" nói riêng cũng đầy ma mãnh, lọc lừa, thủ đoạn, manh động. Nếu không có bàn tay sắt và một trái tim ấm, biết đau đớn khi sông Hồng bị "moi ruột" thì không thể nào làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn được cho các tuyến sông"- Thiếu tá Hà Trọng Hoan tâm sự.
Những ngày này, nếu như CSGT đường bộ bám đường, bám chốt chống ùn tắc giao thông, thì ở dưới sông, những người chiến sỹ áo vàng của Phòng CSGT, CATP Hà Nội cũng ngày đêm lăn lộn với sóng gió, sông nước, đấu tranh trấn áp hiệu quả với các vi phạm, đối tượng khai thác cát trái phép. Cả trên bộ lẫn dưới thủy, CSGT Thủ đô đều nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ tuyệt đối an toàn TTATGT phục vụ Đại hội Đảng XIII, để các con đường, tuyến sông bình yên, lặng sóng…