Lực lượng CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản thủ đô

Thứ Tư, 12/10/2005, 08:21

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Theo chủ trương của Đảng, các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành rời căn cứ Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trong đội ngũ trùng trùng điệp điệp ấy, các cán bộ, chiến sĩ công an mang trên mình trọng trách và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản.

Kế hoạch tiếp quản Thủ đô Hà Nội được Trung ương Đảng chỉ đạo thống nhất và hết sức chặt chẽ. Ngày 19/7/1954, Hội đồng Chính phủ thông qua 8 chính sách đối với Thủ đô Hà Nội cũng như các thành phố mới được giải phóng và 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ, công nhân và công an khi vào thành phố.

Ngày 6/9/1954, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Tiếp quản Thủ đô Hà Nội do đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an (CA) làm Bí thư. Đặc biệt, trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư cho bộ đội, CA và cán bộ. Người nhắc nhở: “Có thể những người đi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn không chịu khuất phục, nhưng về đến thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “viên đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không thấy".

Một chiến sĩ Công an đi xe đạp giữ gìn trật tự tại đường Đinh Tiên Hoàng.

Bộ CA đã xác định nhiệm vụ là: “Thiết lập trật tự cách mạng, đả kích bọn gián điệp phản động, bọn tàn binh cũ và bọn côn đồ đang phá hoại để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của quốc gia”. Biện pháp cụ thể khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội của Lực lượng CAND là: “Ra sức xây dựng cơ sở, điều tra tìm kiếm bọn tay sai địch cài lại, những âm mưu hoạt động của chúng, chú trọng nắm tình hình bọn tàn binh côn đồ, lưu manh, đặc biệt là danh sách địa chỉ, lý lịch, chỗ ở của bọn đầu sỏ, thu thập tình hình chính trị xã hội, tranh thủ số nhân viên cũ tình nguyện ở lại với ta, giữ gìn tài liệu, dụng cụ”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Bộ CA đã mở các lớp tập huấn về công tác tiếp quản, nhằm quán triệt tình hình chính trị xã hội ở Thủ đô cho cán bộ và giúp anh em nắm vững chính sách, kỷ luật khi vào tiếp quản. Lực lượng CA từ cơ quan tới cơ sở xác định trách nhiệm phục vụ và nắm tình hình các cơ quan xí nghiệp, kho tàng, có kế hoạch bảo vệ các cơ quan đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại về vật chất khi tiếp quản.

Lực lượng cảnh vệ CAND có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về tiếp quản Thủ đô. Trung ương giao cho đồng chí Lê Thanh Nghị - Ủy viên Trung ương Đảng thành lập một tổ công tác tiền trạm để gấp rút tiến hành những công việc chuẩn bị đón Bác và các đồng chí lãnh đạo cấp cao về lại Thủ đô. Đồng chí Lê Thanh Nghị trực tiếp chỉ định những đồng chí tham gia tổ tiền trạm gồm: đồng chí Tạ Quang Chiến (Văn phòng Phủ thủ tướng) phụ trách thanh niên xung phong làm tổ trưởng; đồng chí Phan Văn Xoàn và đồng chí Quách Quý Hợi (Cục Cảnh vệ); đồng chí Nông Đức Chiến (Bộ Tổng tham mưu); đồng chí Tạ Đình Hiểu (Chính ủy Trung đoàn 600). Tổ công tác nhanh chóng xây dựng kế hoạch bảo vệ trên đường về, tính toán từng trạm dừng chân, phối  hợp với Ban Tài chính quản trị Trung ương lo địa điểm nơi ở và làm việc của Bác, bố trí lực lượng trinh sát, hợp đồng với lực lượng công an địa phương có liên quan để bảo vệ...

Ngày 8/10/1954, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn về Hà Nội trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản. Bộ trưởng chỉ định gần 200 trinh sát vào nội thành, bám sát các mục tiêu quan trọng như Sở Mật thám và các cơ sở của địch. Lực lượng Công an còn bố trí cán bộ, chiến sĩ bảo vệ an ninh trật tự dọc các tuyến đường chuẩn bị đón các lực lượng vào tiếp quản. Buổi chiều 8/10/1954, tướng Mátxông (Masson), Tư lệnh các đơn vị quân Pháp đã tổ chức lễ cuốn cờ trong thành Hoàng Diệu, chuẩn bị rút khỏi Thủ đô.

Ngày 9/10/1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội được thành lập. Theo kế hoạch tiếp quản Thủ đô, các tổ tự vệ, CA nội thành làm nhiệm vụ dẫn đường cho các lực lượng tiếp thu từng công sở, xí nghiệp, vị trí quân sự, từng đường phố, thôn, xã. Không khí những ngày này ở Thủ đô thật náo nhiệt, đồng bào Hà Nội đổ ra kín hai bên đường với nhiều lời hô, lời chào, những cánh tay giương cao vẫy vẫy cờ hoa, những nụ cười...

Trụ sở Ty Cảnh sát thành phố thời thuộc Pháp, nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm.

Ngày 10/10/1954, theo sự phân công, Lực lượng CA Hà Nội tiếp quản Sở Mật thám, Sở Cảnh sát, Trại giam Hỏa Lò và các quận, đồn cảnh sát của địch. Khi vào chiếm lĩnh, ta đã tuyên bố giải tán các tổ chức cũ của địch, thành lập các tổ chức mới của CA, đồng thời bảo vệ, quản lý toàn bộ cơ sở, tài liệu, phương tiện trong các cơ quan này.

Về công tác bảo vệ lãnh tụ, Lực lượng Cảnh vệ CAND đã bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trở lại Thủ đô. Những ngày đầu tiếp quản, Bác Hồ ở và làm việc trên tầng 2 của ngôi nhà trong Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Hữu Nghị), có một trung đội lực lượng vũ trang Trung đoàn 600 bảo vệ vòng ngoài, bên trong có lực lượng bảo vệ tiếp cận canh gác 24/24 giờ.

Mặc dù tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở Thủ đô Hà Nội những ngày mới giải phóng hết sức phức tạp, bọn phản động tay sai đế quốc Mỹ và Pháp như Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng, Phục quốc... tích cực chống phá, tìm cách cài lại bọn tay sai để thực hiện âm mưu phá hoại ta, nhất là tìm cách ám hại lãnh tụ, nhưng với sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của Trung ương Đảng và trực tiếp là Bộ Công an, các lực lượng CA đã bảo vệ an toàn Hồ Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương, tiếp quản và duy trì ổn định an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội. Từ đây miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã  hội làm hậu phương vững chắc để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Nguyễn Đức Quý
.
.