Lớp học ở trại tạm giam
- Đêm không ngủ ở trại tạm giam
- Ấm lòng bữa cơm tất niên trong Trại tạm giam
- Bác sĩ trại tạm giam, chuyện chưa kể…
Thầy Nguyễn Ngọc Thu kể:
Năm 1991, tỉnh Hòa Bình tái lập, yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ càng khẩn trương và có phần cấp bách. Các lớp bổ túc văn hóa mở ra mau mắn hơn. Và trong cuộc đời dạy học của mình, thầy Thu ấn tượng nhất với thời gian dạy lớp học đặc biệt dành cho cán bộ quản giáo của Trại Tạm giam.
Cái khác biệt trước hết của lớp học này là chỉ có thể dạy và học vào buổi tối. Vì nhiệm vụ quản lý hàng trăm can, phạm nhân, hàng trăm người nghiện ma túy nên số học viên đồng thời là những người quản giáo với nhiệm vụ đặc thù không thể học ban ngày.
Thầy Nguyễn Ngọc Thu tâm sự: Nói thật là trước đó tôi không mấy thiện cảm với Công an, lý do một thời gian tôi bị nghi ngờ... Nhưng từ lương tâm và trách nhiệm người thầy, tôi tiếp xúc với các anh Công an trại giam, những tưởng các anh ấy sắt đá, không ngờ các anh ấy "người" đến thế!
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thu. |
Là Hiệu trưởng nhưng thầy Nguyễn Ngọc Thu cũng đồng thời là Chủ nhiệm lớp học bổ túc tại Trại Tạm giam. Thời khóa biểu cho học viên thì tuần 3 buổi, mỗi buổi 3 tiết. Các môn học là toán, văn, lý, hóa. Nhưng thời khóa biểu của các thầy cô thì phải sắp xếp, tính toán kỹ lưỡng. Những giáo viên có tiết 1 ở lớp ngoài thị xã thì sẽ dạy tiết 3 trong trại giam và ngược lại. Như vậy, thời gian lẽ ra dạy tiết 2 thì dành cho việc đi lại của giáo viên từ thị xã vào Trại và từ Trại ra ngoài thị xã. Đường đi lối lại ngày đó còn khó khăn. Từ ngã ba Chăm vào Trại đường tối đen như mực. Nhất là những ngày mưa bão thì càng gian nan. Ngày ấy, không thầy cô nào có điện thoại di động. Nếu có thay đổi giờ học chỉ còn cách về Trường điện vào máy bàn của cơ quan Trại.
Chúng tôi lóc cóc từ thị xã vào, các anh Công an tất tưởi từ khu nhà giam cắp sách ra. Các anh ấy học hành nghiêm túc, thái độ đúng mực, tôn trọng thầy, tôn trọng nhau. Rồi qua một vài hoạt động của Trại mà tôi biết, thì chính các anh ấy đã "cảm hóa" tôi - thầy Thu tâm sự.
Những giờ giảng về tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Hồ Chủ tịch, thầy Thu khơi dậy và nhấn mạnh tình thương con người, tình thương đồng loại. Dẫn bài thơ "Khóc người bạn tù" trong "Nhật ký trong tù", đến câu: "Tối qua còn ở bên tôi/Sớm nay anh đã về nơi suối vàng" để phân tích nỗi khổ của người tù. Ý thầy Thu muốn chia sẻ với học viên - những người quản giáo là mỗi người tù một hoàn cảnh, một đưa đẩy lâm vòng tội lỗi. Có chủ quan, có khách quan, có người nhất thời không may phạm tội… nên người quản giáo cần có tình thương, lấy pháp luật và nhân phẩm để giúp đỡ họ…
Thầy Thu lại hay đưa câu chuyện trong Đông Chu Liệt Quốc, đó là lần giặc kéo đến chiếm thành, ông quan cai quản thành bỏ chạy mà không biết lối liền được người lính canh dẫn đường. Thoát vòng vây giặc, ông quan quay lại hỏi người lính, trước đây ta đã chặt chân anh, nay anh không thù ta mà lại giúp ta?. Anh lính thưa quan, đúng là con bị quan chặt chân, nhưng là do con có tội. Con nhớ lúc quan chặt chân con, mắt quan rơi lệ. Như thế, quan rất thương con, nhưng vì phép nước không thể đừng!
Những chia sẻ như những tâm tình của thầy Thu đối với học trò của mình như là các cán bộ quản giáo không có gì khác đường lối, chính sách nhân đạo của Đảng, nhà nước mà từng cán bộ quản giáo đang thực thi. Có điều, đường lối, chính sách mới chỉ thể hiện qua các văn bản, còn chia sẻ của thầy giáo dạy văn là tâm tình, nó thiết tha, sâu lắng, có cất lên giữa khuôn viên trại giam, trước những con người đang thực thi nhiệm vụ quản lý, giam giữ và cải tạo can phạm nhân.
Phạm nhân tổ trồng rau thuộc Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. |
Thầy Nguyễn Ngọc Thu nhắc lại những kỷ niệm rất ấn tượng. Đó là những buổi lễ kỷ niệm ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trại Tạm giam tổ chức rất chu đáo, rất ấm áp, vừa trang nghiêm vừa mềm mại. Sau những ôn lại truyền thống là giao lưu văn nghệ, từ Giám thị Vương Bốn, Phó Giám thị Lê Va…đọc thơ, đến các học viên như Nguyễn Quốc Chinh, Nguyễn Văn Đô… ca hát. Những cán bộ không phải là học viên cũng tham dự và tham gia sôi nổi và hát rất hay như chị Lệ Hằng (nay là Phó trưởng phòng của Cục Cảnh sát Môi trường).
Một chuyện lạ, thầy Thu nhớ đến giờ là thầy được chứng kiến Ban Giám thị Trại tổ chức Đêm thơ cho cả cán bộ và phạm nhân tham gia. Giữa đêm tối, vài ngọn đèn chưa đủ tỏ mặt người, sân khấu là sảnh nhà cán bộ, phạm nhân ngồi chật cả sân trại… Nhìn cảnh ấy, thầy Thu ngỡ ngàng.
Thầy Thu càng ngỡ ngàng hơn khi lân la hỏi một phạm nhân: "Đêm tối lại không tường rào thế này, anh có ý định trốn không?". Và rồi Thầy nhận được câu trả lời tắp tự: "Cháu có trốn thì trốn lúc khác, chứ không bao giờ trốn ở chỗ này, lúc này!".
Rồi những câu thơ từ tâm can con người bất kể là quản giáo hay phạm nhân cất lên hòa vào đêm trăng. Một sức mạnh lay động lòng người. Một cảm hóa vô biên… đã giữ chân họ lại. Từ những mắt thấy, tai nghe ấy, tâm hồn người thầy giáo dạy văn đã rung động và rung động không chỉ một lần.
Câu chuyện tâm tình giữa thầy Thu với tôi như tuôn chảy. Gần cuối buổi nói chuyện, thầy Thu à lên, với câu chuyện khó viết:
Một hôm, thầy Thu nhìn thấy một người tiều tụy, buồn rầu đứng tựa gốc cây. Thấy có điều chẳng lành, thầy Thu hỏi thì mới hay, người đó là Tô Thúc - giáo viên dạy toán của Trường cấp III Thanh Oai. Thày Thúc lên Hòa Bình tìm hỏi xem thằng con trai bị bắt đi cải tạo lao động. Đến nay đã 3 năm mà không biết nó ở đâu? Sống, chết ra sao?
Nghĩ đến mình có quan hệ gần gũi với không ít cán bộ Công an qua các lớp học bổ túc văn hóa, hôm sau, thầy Thu cùng thầy Thúc xuống Cơ sở 2 của Công an Hà Sơn Bình tìm gặp ông Đỗ Tâm lúc đó là lãnh đạo Ban chỉ huy Cảnh sát và trước đó cũng là học trò của thầy Thu.
Nhận thông tin này, ông Đỗ Tâm thoáng giật mình rồi mời thầy Thu lên phòng làm việc. Ông Đỗ Tâm cho cán bộ tìm hồ sơ rồi nói thật với thầy Thu. Chúng em vừa mới tách Phòng Cảnh sát Điều tra và Cảnh sát Hình sự. Trường hợp bị bắt theo diện cải tạo lao động này, chúng em chưa kịp giao phòng nào quản lý. Đối tượng ấy vẫn đang ở Trại Tạm giam trên Hòa Bình. Chúng em sẽ xem xét ngay.
Hôm sau, thầy Thu đưa thầy Thúc trở lại Hòa Bình và vào Trại Tạm giam. Ấn tượng của thầy Thu còn in đậm đến giờ, đó là người quản giáo tên Xương. Lúc đó anh Xương làm trực trại. Khi thầy Thu đặt vấn đề, anh Xương nói ngay có người bị giam tên ấy. Thầy Thu đề xuất cho bố con họ gặp nhau. Sau phút đắn đo, anh Xương đồng ý nhưng giao hẹn chỉ được gặp 5 phút thôi. Thời khắc bố con thầy Thúc ôm nhau khóc khiến thày Thu phải ngoảnh mặt đi.
Mấy hôm sau, lệnh thả con của thầy Thúc được thực hiện (thời gian tập trung cải tạo đã hết). Chia tay, thầy Thúc mời thầy Thu về thăm gia đình mình ở Kim Bài, Thanh Oai. Thầy Thúc có nói: 'Khi nào Thầy về, tôi sẽ biếu thầy đôi vịt pha ngan làm giống…".
Nay thầy Thu tâm sự: Tôi cũng không biết thằng cháu ấy tên gì? (hình như tên là Thức). Càng không biết giờ thầy Thúc có còn sống không? Quê tôi ở Chương Mỹ chỉ qua sông Đáy là sang Kim Bài - Thanh Oai. Nhưng tôi không dám sang thăm thầy Thúc chính là vì "Đôi vịt pha ngan" ấy. Mình sang hóa ra là vì "đôi vịt pha ngan" hay sao?
Nghe đến đây, tôi - người viết bài này chỉ còn biết lặng người nghĩ về nhân cách người thầy. Nhất là thầy giáo già Nguyễn Ngọc Thu - người Chủ nhiệm lớp Bổ túc văn hóa của Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình năm xưa. Và những học sinh của lớp học đặc biệt ấy sau đều trưởng thành, nhiều người làm lãnh đạo phòng, lãnh đạo Công an huyện và cả lãnh đạo chính Trại Tạm giam này.