Lính cứu nạn, cứu hộ - Nỗi niềm ai tỏ?
Dường như đọc được những băn khoăn, suy nghĩ của tôi, anh cười nói: "Nhà báo bất ngờ lắm phải không? Anh em lính cứu nạn, cứu hộ chúng tôi coi bộ vậy chứ mỗi lần ra trận là "chiến đấu máu lửa" lắm đấy!". Anh là Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn.
1. Thời gian đầu đến với nghề, Huỳnh Văn Tuấn phải giấu gia đình và bè bạn. Chỉ đến khi vụ cháy tòa nhà ITC năm 2002, anh được Ban Giám đốc Công an Tp HCM tặng Bằng khen về những thành tích trong công tác cứu nạn, cứu hộ, lúc đó cả ba mẹ anh mới vỡ lẽ anh làm cái nghề đầy rủi ro và nguy hiểm ấy.
Như bao chiến sĩ trẻ lần đầu tiên tiếp cận với xác chết ở những độ sâu, anh không tránh khỏi những ám ảnh sợ hãi, nhất là với các xác chết đã phân hủy. Anh bồi hồi nhớ lại vụ tiếp xúc với tử thi bị kẹt trong hầm cầu tàu của hãng Ba Son: "Lúc đó, tôi là chiến sĩ trẻ nhất đội, được phân công vào tiếp cận tử thi. Trang phục lặn không có, chỉ mặc duy nhất chiếc quần đùi. Nhiệm vụ của tôi là buộc dây vào tử thi để kéo ra. Nhưng do tử thi ở dưới nước lâu ngày, đã phân hủy nên rất trơn, dây tuột, chỉ huy đội khiển trách. Tính tự ái nổi lên, tôi không cần buộc dây mà dùng tay không kéo tử thi ra…".
Trong hành trình cứu nạn, cứu hộ, những tiếng reo hò, cổ vũ, những cái bắt tay siết chặt, những nụ cười và nước mắt của người dân mỗi khi các anh hoàn thành nhiệm vụ là nguồn sức mạnh lớn lao để tiếp thêm cho anh nghị lực và sức mạnh. Đến nay, Huỳnh Văn Tuấn vẫn không sao quên được vụ lặn tìm thi thể cháu bé ở quận Bình Chánh: "Khi lặn tìm được thi thể cháu bé lên bờ, một cụ già khoảng ngoài 80 tuổi, râu tóc bạc trắng chạy lại ôm lấy tôi và nói: Phải chi ở thành phố này có nhiều người như các chú thì người dân chúng tôi đỡ quá".
Từng tham gia hàng trăm vụ cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm cứu được hàng chục người bị kẹt trong các công trình sập đổ và trong các tai nạn lao động khác, lặn tìm trên 50 thi thể nạn nhân, ngoài ra còn tham gia lặn tìm tang chứng phục vụ công tác điều tra, phá án, song đến nay, vụ mò vớt thi thể các nạn nhân trong vụ chìm tàu Dìn Ký vẫn là vụ để lại trong anh những ám ảnh khôn nguôi. Đây là vụ chìm tàu có thiệt hại về người lớn nhất từ trước đến nay mà anh cùng đồng đội thực hiện công tác tìm kiếm. Chưa bao giờ nhiều trẻ em tử nạn thương tâm đến vậy.
Anh tâm sự: "Để các cháu nằm thêm dưới lòng sông phút nào là lạnh thêm phút ấy. Nhìn nỗi đau thương mong ngóng của người thân của họ trên bờ, chúng tôi không thể cam lòng. Mỗi lần lên bờ tay không, nhìn hàng trăm người mệt mỏi vì trông ngóng, thân nhân các nạn nhân ngã quỵ vì chờ đợi, chúng tôi lại thấy có lỗi, lại tiếp tục xuống nước"… Ám ảnh nhất đối với anh là hình ảnh người mẹ ôm chặt đứa con trong lòng, dường như chị dùng hết sức lực che chở con cho đến hơi thở cuối cùng. Anh xúc động kể lại: "Tim tôi như thắt lại. Nước mắt trào ra. Lúc đó chỉ nghĩ làm sao đưa họ lên bờ nhanh nhất. Phải nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp, chúng tôi mới gỡ tay người mẹ ra để chuyển 2 nạn nhân lên thuyền. Hơn 10 năm trong nghề, qua hàng trăm cuộc CNCH, nhưng chưa lần nào tôi thấy lòng quặn thắt như lần này. Hình ảnh hai mẹ con ôm chặt lấy nhau dưới xác tàu Dìn Ký in sâu vào tâm trí tôi…".
Thượng uý Huỳnh Văn Tuấn (người mặc bộ đồ lặn) nhận sự chỉ đạo của đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Tp HCM trong vụ cứu nạn, cứu hộ tàu Dìn Ký. |
2. Mười năm gắn bó với nghề, những kỷ niệm vẫn hằn in trong ký ức người lính trẻ. Lần đầu tiên lặn mò xác một em bé, theo bài bản đã học, Huỳnh Văn Tuấn phải kẹp chặt thi thể em giữa hai chân và dùng cả hai tay kéo dây lên. Nhưng lúc đó luống cuống quá, anh một tay ôm em bé, một tay kéo dây, còn hai chân thì kẹp... cổ một đồng đội. Anh kể: "Kéo dây hoài mà nghe nặng trịch, lại còn giãy giụa nên theo quán tính mình lại càng kẹp chặt. Sau đó buông dây thò tay xuống thì thấy lạ, sao cái xác này lại đeo ống thở, hóa ra kẹp trúng một đồng đội".
Một lần khác vào năm 2007, khi tham gia xử lý vụ cháy gần chợ Hòa Bình, Quận 5, anh nhận nhiệm vụ trinh sát mở đường vào căn nhà tìm kiếm người bị kẹt bên trong. Vào đến tầng 1, một tiếng nổ lớn phát ra từ tầng 2. Kính rơi loảng xoảng. Lên được tầng 2, một tiếng nổ khác lớn hơn. Anh xoay người phóng ngược trở lại vừa kịp lúc đẩy một đồng đội đang ôm vòi chữa cháy vào sau ra ngoài an toàn. Khi những tiếng nổ im bặt, anh lao vào ôm vòi chữa cháy. Khi đồng đội phát hiện tay áo của anh đầy máu, kiểm tra mới biết cổ tay của anh bị một mảnh kính cắt sâu gần đến xương. Một mảnh kính khác cắm xuyên chiếc mũ bảo hộ, may thay đó là chiếc mũ bảo hiểm của Đức nên anh đã thoát chết chỉ trong gang tấc.
Vụ sập sàn bê tông công trình cao ốc văn phòng CR4-1 trên đường Tôn Dật Tiên, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Phường Tân Phú, Quận 7, Tp HCM xảy ra đúng nửa đêm 29 rạng sáng 30/12/2008 khiến bốn nữ công nhân bị vùi trong đống bê tông còn chưa ráo nước. Anh cùng đồng đội được điều động khẩn cấp đến hiện trường. Nhẩm tính lực đè của khối bê tông, anh quyết định lệnh cho đồng đội chuyển gấp các con đội vào chèn cứng phía dưới dầm sắt, bảo đảm khối bê tông bên trên không tiếp tục lún sâu cũng như không thể đổ sập khi các phương tiện phá dỡ hoạt động đưa các nạn nhân thoát khỏi hiện trường. Nạn nhân cuối cùng được phát hiện gần đó trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, với hai chân bị kẹp chặt bởi các thanh sắt giàn giáo và cả núi bê tông đang khô dần.
Tình thế khẩn cấp buộc các bác sĩ phải tính đến phương án tháo khớp nạn nhân ngay tại chỗ, chấp nhận hy sinh đôi chân để bảo toàn tính mạng cho chị. Nhìn thẳng vào mắt những đồng đội hướng về người phụ nữ đang lả dần, anh cất giọng đầy quyết đoán: "Xin chỉ huy cho thêm 20 phút nữa, nếu không thành công anh em chấp nhận để bác sĩ dùng biện pháp cuối cùng!". Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC Tp HCM trực tiếp chỉ huy việc cứu nạn, cứu hộ chấp nhận. Anh siết tay đồng đội rồi cùng lao vào khối bê tông đang cứng dần. Trước hết, các anh phun nước trực tiếp vào khối bê tông để vữa bêtông tan chảy không đông lại được rồi dùng xà beng, búa, kìm phá dỡ những khối công trình xung quanh nạn nhân. Gần chân nạn nhân, các anh cố gắng tạo một khoảng trống và dùng túi hơi chèn vào khoảng trống đó để giảm tải sức nặng của công trình, sau đó anh cùng đồng đội dùng kìm, banh thủy lực, con đội để nâng khối công trình lên. Hơi thở nạn nhân cạn dần, thời gian căng như dây đàn. 5 phút, rồi 10 phút nữa trôi qua. Mồ hôi ướt đầm những lưng áo nhưng niềm tin đã chiến thắng. Khi quỹ thời gian chưa hết, khối công trình được nâng lên chừng 30cm, người phụ nữ đã được cáng ra khỏi hiện trường. Tuấn và đồng đội nhìn nhau, vui mừng chực khóc. Hơn mười năm làm lính cứu nạn, cứu hộ, phương án đó các anh chưa từng được học qua bất kỳ giáo án nào. "Cảm giác của tôi khi ấy như có ai sắp tháo chân mình vậy. Nếu kéo dài thời gian phá dỡ núi bê tông kia thì e nạn nhân không đủ sức chịu đựng. Ngược lại, nếu buông tay để người công nhân trở thành tàn tật thì tôi không đành lòng"…
3. Ở tuổi 32, Huỳnh Văn Tuấn đã hơn mười năm gắn bó với nghề và tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Bởi đó là những ngày đối mặt với khó khăn và căng thẳng, đối mặt với áp lực thời gian. Theo anh, làm việc này, trong thời gian ngắn nhất, lính cứu nạn, cứu hộ phải có phương án vẹn toàn để cứu người và tài sản. Nếu sơ hở, không những không cứu được tính mạng nạn nhân mà chính bản thân mình cũng khó bảo toàn.
Gắn bó với một nghề mà tai nạn luôn rình rập, nguy hiểm luôn trực chờ, người lính ấy luôn đau đáu nỗi niềm về nơi ăn chốn ở, nơi luyện tập và những trang thiết bị cần thiết, cũng như chế độ chính sách hợp lý trong công tác cứu nạn, cứu hộ để đồng đội bớt cực khổ và ngày càng thu hút được lực lượng trẻ, năng động gắn bó với nghề.
Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn cho biết: "Đến nay, cái thời "trần trụi lần mò" của lính cứu nạn, cứu hộ đã qua, trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ đã được đầu tư hiện đại hơn trước". Tuy nhiên, anh vẫn ước vọng sao cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ ngày càng được trang bị những thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn và ngày càng được đào tạo chính quy, tinh nhuệ, hiện đại hơn, đáp ứng những mong mỏi của người dân trong cuộc sống này…
Đảm nhiệm chức vụ Đội phó Đội Cứu hộ, Cứu nạn từ năm 2007 đến năm 2011, sau chiến công từ vụ cứu nạn, cứu hộ tàu Dìn Ký, Huỳnh Văn Tuấn được Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC Tp HCM bổ nhiệm đặc cách lên Đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ. Với những nỗ lực, phấn đấu của mình, trong 2 năm 2008-2009, Huỳnh Văn Tuấn đã được tặng Bằng khen của UBND thành phố; 2 Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ năm 2007-2009, 6 lần anh được nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC và nhiều phần thưởng cao quý khác… Anh từng vinh dự được Thành đoàn Tp HCM bình chọn là công dân trẻ tiêu biểu của thành phố