Khoá D6 Học viện An ninh nhân dân trong dòng chảy lịch sử

Thứ Năm, 28/11/2019, 08:20
Ngày 20/10/2019, không khí ở Học viện An ninh nhân dân (ANND) trở nên sôi động khác thường. Người đến chật sân trường. Màu áo xanh đồng phục trẻ trung của cựu học viên khóa 6 (D6) hòa lẫn màu trang phục an ninh rực rỡ trong nắng vàng cuối thu.


Vui ngày gặp mặt

Cựu sinh viên D6 quây quần bên nhau từng nhóm, nhưng luôn biến ảo, tách, nhập vì bất ngờ họ nhận ra nhau, vỗ vai, ôm ghì nhau và nói cười rôm rả. Có phải ít người đâu, quá đông - trên 500 người - hình thành nhóm, tách rồi nhập, nhập rồi tách là vì thế… Khoảng 8h30, tất cả tề tựu trước tượng đài Bác Hồ và các cố Bộ trưởng Bộ Công an để làm lễ tưởng niệm Bác kính yêu và các bậc tiền bối tạo dựng lên trang sử vẻ vang của Lực lượng CAND Việt Nam.

Chân dung Bác Hồ nổi bật giữa hai bên là chân dung các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Công an: Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng, Mai Chí Thọ, Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Hương. Trước cụm tượng đài linh thiêng, mỗi cựu học viên D6 đều chung một ý nghĩ: Bác Hồ chọn hai người học trò tin cậy, đức độ và tài năng giao cho thanh bảo kiếm sắc bén, hai lực lượng vũ trang trọng yếu là Quân đội và Công an. Cả hai vị đã xây dựng hai lực lượng từ những ngày đầu trứng nước trở thành lực lượng phát triển ngang tầm thời đại, đủ sức đánh bại các thế lực thù địch và giặc ngoại xâm.

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an là một trong những học viên khóa D6 Học viện An ninh nhân dân hòa mình cùng bạn bè trong ngày gặp mặt hội khóa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại nhưng có lẽ nhiều người chưa biết ông từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong những ngày đầu của chính thể dân chủ nhân dân và ông chính là người chỉ đạo phá vụ án xảy ra ở phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) thành công, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người xây dựng lực lượng Công an từ buổi sơ khai thuộc Bộ Nội vụ, trở thành Thứ Bộ rồi Bộ Công an, đáp ứng nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng cả trước mắt và lâu dài. Ông là bậc thầy về chỉ đạo công tác nghiệp vụ đấu tranh làm thất bại chiến tranh gián điệp biệt kích, kế hoạch hậu chiến, bóc mạng lưới nội gián, làm trong sạch nội bộ và cũng là bậc thầy về lý luận nghiệp vụ. Những lý luận cơ bản về nghiệp vụ Công an của Bộ trưởng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp bổ sung, nâng cao và tỏa sáng. 

"Sản phẩm" của mẻ "Thép đã tôi"

Sau khóa Đại học Công an đầu tiên (Khóa D1), cũng là thời gian 5 năm đầu  thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu, có thể D6 là "tác phẩm" của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn để lại. Vị Bộ trưởng có tầm nhìn vượt không gian, đi trước thời gian, sớm nhận ra cần phải chuẩn bị cho lực lượng An ninh phục vụ nhiệm vụ giải phóng miền Nam, tiếp quản và giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân ngay sau ngày đất nước thống nhất. Ông đã cho phép đào tạo một khóa học viên đông nhất khi đó với gần 600 học viên (mọi người thường gọi đùa là 600 "triệu" học viên D6).

Tháng 10 năm 1974, hơn một trăm cán bộ từ các Sở, Ty và đơn vị Công an cùng với gần 500 học sinh phổ thông đỗ đại học hào hứng tựu trường. Khóa D6 được biên chế thành 12 trung đội, thuộc 4 đại đội (sau này được phân thành 4 chuyên khoa: Bảo vệ chính trị; Bảo vệ an ninh văn hóa; Bảo vệ an ninh kinh tế và Chấp pháp).

Gần 5 năm cùng học tập, rèn luyện, cựu học viên D6 đã tạo được một phong trào thi đua sôi nổi; đạt kết quả tốt trên các mặt hoạt động và có nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các thầy, cô giáo và nhà trường. Ngày 28/7/1979, hơn 500 sĩ quan an ninh D6 tốt nghiệp ra trường, nhanh chóng nhận công tác ở nhiều lĩnh vực công tác công an và mọi địa bàn trong cả nước.

Sau hơn 40 năm công tác, chiến đấu, đến nay hầu hết cựu học viên D6 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí. Đề cập về sự trưởng thành của cựu học viên D6, Trung tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mười - Trưởng ban liên lạc cựu học viên D6 cho biết: Theo thống kê, cựu học viên D6 đã có gần 50 Thạc sĩ, 26 Tiến sĩ (trong đó có 3 Giáo sư, 17 Phó giáo sư); 5 người giữ chức vụ lãnh đạo Bộ và tương đương; 17 lãnh đạo cấp Tổng cục; 38 Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc; 51 Phó Cục trưởng, Phó Giám đốc Công an sở, ngành; 44 người được thăng hàm cấp Tướng (trong đó có 1 Đại tướng, 1 Thượng tướng, 16 Trung tướng); 1 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2 Nhà giáo nhân dân và 8 Nhà giáo ưu tú…

Các nữ học viên khóa D6 Học viện An ninh nhân dân.

Đó là những con số rất đáng tự hào và hiếm có ở một khóa học chính quy của Học viện ANND. Đánh giá về sự trưởng thành của cựu học viên D6, với niềm tin yêu lớp cán bộ đàn em của mình, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an phát biểu trong lễ kỷ niệm 45 năm ngày tựu trường của D6, ông chỉ nhận mình là người đại diện cho khóa đàn anh D1 chúc mừng những thành công của D6.

Ông khẳng định kết quả đào tạo và sự trưởng thành vượt bậc của các khóa học chính quy, trong đó có D6 là minh chứng cho sự thành công của 50 năm đào tạo đại học Công an và cũng là một kết quả nổi bật trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ của Học viện ANND và của Lực lượng CAND nói chung.

D6 - trong dòng chảy của lịch sử

Tâm sự trong buổi gặp mặt D6, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giọng nhỏ nhẹ nhưng đầy tự hào về các bạn học D6 của mình, về những đồng chí đã từng giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị cấp Tổng cục, cấp Cục; lãnh đạo Công an một số tỉnh, thành phố; ngay cả khi ra công tác nước ngoài cũng gặp cựu học viên D6 với những thành công trong công việc.

Một trong số các thầy, cô giáo từng giảng dạy, quản lý D6 hơn 40 năm trước, Nhà giáo ưu tú, Đại tá, Tiến sĩ Châu Nam Long đầy cảm xúc khi phát biểu với các học trò cũ. Ông nói, ông đã dự kỷ niệm ngày tựu trường, ngày ra trường của nhiều khóa học nhưng không có khóa nào để lại nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc như D6. D6 đã thực sự trở thành một "thương hiệu", một mẻ thép được tôi luyện của Trường Đại học An ninh nhân dân, nay là Học viện ANND.

Lịch sử CAND Việt Nam ghi đậm kết quả đào tạo của Học viện ANND và Khóa D6 với một học viên là người đầu tiên tốt nghiệp Đại học Công an được đào tạo chính qui giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an. Một số đơn vị quan trọng của Bộ Công an, có thời gian có đến một nửa lãnh đạo cấp Tổng cục là đồng môn D6, như: 4 Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND: đó là Trung tướng Nguyễn Minh Dũng; các Trung tướng - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Mười, Lê Văn Đệ và Nguyễn Xuân Tư; hoặc ở Tổng cục 5 có Tổng cục trưởng và 3 Phó Tổng cục trưởng là các cựu học viên D6. Cựu học viên D6 công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng có Trung tướng Phạm Huy Tập, nguyên Chính ủy; Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, nguyên Cục trưởng; còn lại đều có cấp hàm đại tá, Phó Cục trưởng, Phó Chỉ huy BĐBP tỉnh như: Bùi Quang An, Nguyễn Văn Du, Lương Văn Giang…

Trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, nhiều cựu học viên D6 là những trinh sát viên, điều tra viên đã tham gia chuyên án, tham gia giải quyết điểm nóng hoặc địa bàn phức tạp về an ninh trật tự và nhanh chóng trở thành những cán bộ lãnh đạo chỉ huy: Đại tá Nguyễn Viết Xuân, nguyên Giám đốc Công an, rồi Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang; Đại tá Lê Minh Tiến - Phó Giám đốc công an Sơn La tham gia giữ yên miền biên cương phía Bắc. 

Thiếu tướng Võ Văn Đủ, Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông; Thiếu tướng Lê Duy Hải, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum; Đại tá Phạm Hữu Nhạc, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk. Sau khi tham gia diệt PULRO, họ trở thành những người đứng đầu lực lượng Công an vùng địa chiến lược này. Thiếu tướng Lê Đức Thân - Cục Trưởng một cục nghiệp vụ, mà bạn bè đùa gọi là nghề "thối tai, chai đít", nhẫn nại, kiên trì phục vụ các đồng đội của mình, nhưng chưa bao giờ ở tuyến sau. 

Thiếu tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bạch Thành Định, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội không những nghiệp vụ giỏi mà còn là người tổng kết lý luận sắc bén. Đặc biệt là những chiến công đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh chống bọn phản động xâm nhập rồi trở thành người chỉ huy lực lượng an ninh: Thượng tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ  Phạm Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới. 

Đó còn là những sĩ quan tham mưu, nghiên cứu; những trợ lý, thư ký giúp việc lãnh đạo, chỉ huy hoặc cả những cán bộ giảng dạy, quản lý đào tạo và lãnh đạo chủ chốt các đoàn thể quần chúng trong CAND;  tiêu biểu là Trung trướng, Tiến sĩ Nguyễn Danh Cộng, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an, hiện là Trưởng ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng; là Thiếu tướng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phong Hòa, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, nguyên Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và là 2 Nhà giáo nhân dân: Trung tướng, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Giám đốc Học viện ANND và Thiếu tướng, Giáo sư - Tiến sĩ Trịnh Văn Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học CSND… Đó còn là sự trưởng thành của các nữ học viên D6 như các Đại tá, Phó Cục trưởng: Nguyễn Thu Trường, Nguyễn Thị Thanh Bình … 

Trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, cựu học viên D6 trực tiếp tham gia chiến đấu, công tác ở nhiều lĩnh vực và trưởng thành nhanh chóng, như Trung tướng Nguyễn Hoàng Hà, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lâm, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An; Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát truy nã tội phạm và Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy… đều là những điều tra viên hình sự, những Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra xuất sắc. 

Đó còn là Thiếu tướng Ngô Văn Tiếu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị và Thiếu tướng Nguyễn Duy Hải, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận sau này đều là Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động trước khi nghỉ hưu…  Thiếu tướng Bùi Văn Bình, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Trang… đều xuất thân từ quê hương Nam Định. 

Do nhu cầu công tác, nhiều cựu học viên D6 được điều động sang công tác ở các ngành khác đã nhanh chóng phát huy vốn kiến thức được đào tạo và trưởng thành, giữ nhiều trọng trách trong các ngành Tư pháp, Nội vụ, Hải quan. 

Đó là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Kiều Đình Thụ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó Giáo sư - Tiến sĩ  Nguyễn Đức Bình, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Tiến Trải, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên; Tiến sĩ Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng; đồng chí Nguyễn Chí Đức, Vụ trưởng Vụ Nội chính Văn phòng Chính phủ và các Cục trưởng thuộc Tổng cục Hải quan: Nguyễn Đức Nga, Vũ Văn Điệp Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tuấn… Một số người trở thành luật sư, doanh nhân hoặc là những nhà báo, nhà văn "bút sắc, lòng trong".

Dư âm còn mãi. Có lẽ chưa có cuộc hội ngộ nào rôm rả từ trước ngày tổ chức đến hàng tháng. Nào là hẹn hò, nào là bàn nhau tổ chức như thế nào, chuẩn bị xuất bản tập thơ ra sao? Nhắn nhủ hẹn hò gặp mặt từng khu vực, từng B ra sao? 

Và, việc tổ chức gặp mặt từng B đầu vào vào dịp hội khóa lần này nhận được sự đồng thuận cao và thành công mỹ mãn. Các trung đội "ngày đầu lưu luyến ấy" đều gặp mặt, ôn lại kỷ niệm xưa và thống nhất duy trì liên lạc với nhau thường xuyên; một vài B còn có thêm chương trình giao lưu tại địa phương khá ấn tượng. Nhất là các bạn nữ, người cầm trịch là chị cả Nguyễn Thục An cứ quấn lấy nhau cả trước, trong và sau ngày hội khóa; thương nhau như chị em gái, họ không nỡ rời nhau. 

Ngày hội khóa được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam nên chị em có đồng phục đẹp và rất trẻ trung khi tuổi đã U70. Với các cựu học viên D6, mặc dù chưa thể nhớ mặt, rõ tên, lại ở những đơn vị khác nhau (B đầu vào, B theo chuyên khoa) nhưng khi nói chuyện giao lưu họ đều xưng mình là học viên D6; đi đâu cứ nghe chuyện có bạn D6 là họ tìm tới nhau và tươi vui, trẻ trung như ngày nào... 

Bộ trưởng Tô Lâm cố gắng thu xếp công việc, vừa đi nước ngoài về đã đến ngay với hội khóa, mang theo quà cho bạn bè, những chiếc socola đậm đà tình nghĩa. Ông hòa mình với bạn bè, không có sự xa cách và có nhiều sáng kiến để gắn kết bạn học với nhau. Theo ý kiến của ông, Ban liên lạc cựu học viên D6 đã xây dựng Quỹ "Nghĩa tình cựu sinh viên D6" và đã kịp thời gửi quà thăm hỏi, động viên các bạn đang điều trị bệnh hiểm nghèo; mừng thọ các anh, các chị là cựu học viên D6 từ 70 tuổi trở lên…

D6 đã trở thành thương hiệu và sẽ là dấu ấn sâu sắc trong mỗi thành viên D6, âu cũng là nét đẹp văn hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Đỗ Văn Phú
.
.