Gieo mầm thiện cho những phận đời lầm lạc
- Ấm tình người ở nơi gieo mầm thiện
- “Gieo mầm thiện” ở Trại giam Đắk Plao
- Những người gieo mầm thiện ở vùng biên giới
- Chuyện gieo mầm thiện và duyên bắt tội phạm của Trưởng Công an xã trên quê hương Bác Hồ
Đó là những chú chim công được gấp từ giấy nhiều màu thành hình tam giác rồi ghép lại rất đẹp trong tư thế đang dang cánh, vươn mình; rồi là những con tôm, con cá, quả bầu hồ lô. Hoặc, đó là tượng Phật Di Lặc cười tươi vô âu, độ lượng; là con rồng oai nghiêm được làm từ bánh xà phòng thơm. Trong đó, còn có lá thư của từ tù Nguyễn Quốc Cảnh gửi lại cho cán bộ chiến sỹ của Trại trong giây phút cuối cùng: "Kính gửi Ban giám thị cùng tất cả cán bộ Trại tạm giam! Hôm nay, tôi không ở lại với các cán bộ được nữa. Cảm ơn tất cả những tình cảm Ban giám thị và cán bộ đã dành tặng cho Cảnh. Những lúc làm cho mọi người buồn đừng trách Cảnh nhé! Bao sẻ chia để vượt qua, tôi nhận ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống hơn! Thôi vĩnh biệt mọi người nhé! Tử tù Nguyễn Quốc Cảnh".
Tôi vẫn nhớ cách đây hơn 10 năm, trong Trại tạm giam - Công an tỉnh Đắk Lắk có giam giữ tử tù Trần Xuân Thọ (sinh năm 1960, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar) - đối tượng đã gây ra một loạt 4 vụ giết, cướp kinh hoàng từ tỉnh Đắk Lắk sang tỉnh Phú Yên theo kiểu giả làm khách đi đường, thuê xe thồ chở vào đường vắng, dùng búa đinh bất ngờ tấn công nạn nhân vào đầu từ phía sau rồi cướp xe máy cùng các tài sản khác. Chỉ có một nạn nhân ở tỉnh Phú Yên may mắn thoát chết vì chiếc búa bị long cán. Còn lại, 3 nạn nhân bỏ mạng thê thảm trong tay hắn.
Thoạt nhìn, không ai nghĩ đó là một kẻ giết người không ghê tay bởi cái vẻ quê mùa và có phần ngô nghê khi nói chuyện với chúng tôi. Điều lạ là tôi thấy tử tù này hay loay hoay với một chiếc hộp giấy và một cọng cỏ. Té ra, y đang… nuôi dế.
Lễ công bố 57 phạm nhân được đặc xá dịp Tết Mậu Tuất tại trại tạm giam Đắk Lắk. |
Thế đấy, lúc ở ngoài xã hội, y coi mạng người không là gì cả, còn khi vào đây, lại biết quý đến cả con côn trùng. Các cán bộ quản giáo ở trại cho biết: Thọ gây nhiều vụ án tàn bạo quá nên đến người thân cũng xa lánh.
Thọ bảo ở trong phòng giam rất buồn. Thành ra, ngoài việc trò chuyện để động viên, các quản giáo nơi đây cho người làm hộp giấy, bắt dế mèn, ngắt ít cỏ non về cho y nuôi và nghe dế gáy để giải khuây. Âu cũng là một liệu pháp an thần cho kẻ máu lạnh này được phần nào trở về nguyên bản với những trò chơi của trẻ thơ.
Sau khi đã nhận bản án tử hình, phần lớn tâm lí của các tử tù là coi như cuộc đời đã kết thúc. Tử tù bị người đời xa lánh, sợ hãi và căm ghét vì những tội ác, nỗi đau tột cùng mà họ đã gây ra cho các nạn nhân và niềm kinh hoàng cho cả cộng đồng xã hội. Vì thế, tâm trạng, tâm lý của những tử tù thường rất phức tạp và bất ổn. Họ bất cần, đập phá, toan tính trốn trại, tuyệt vọng khiến cho các cán bộ Trại tạm giam rất vất vả khi trông coi.
Thế nhưng, không vì thế mà họ bị các cán bộ trại giam ở đây phân biệt đối xử. Trái lại, chính các cán bộ Trại tạm giam lại là một điểm tựa tinh thần quan trọng của các phạm nhân. Đối với các tử tù, bên cạnh trách nhiệm được trên giao, các cán bộ Trại tạm giam còn có một trách nhiệm đầy tính nhân văn trong việc quản lý, giáo dục, cảm hóa phạm nhân từ lúc mới vào trại cho đến tận những giây phút cuối cùng. Cho nên, hằng ngày, trong phòng biệt giam dành riêng cho tử tù, cán bộ Trại tạm giam thường qua lại thăm nom tử tù và dành cho tử tù những thông cảm, chia sẻ, động viên, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần.
Trong mắt của những cán bộ Trại tạm giam thì tử tù cũng là con người và họ đang phải trả giá cho những sai lầm nghiêm trọng mà họ gây ra. Thế nên họ đáng thương, đáng trách vì những sai lầm quá lớn không thể sửa chữa được. Trong họ đang bị đè nặng bởi hai bản án song hành, một bản án nghiêm khắc nhất của pháp luật đối với thân xác, và một bản án nữa của lương tâm luôn giằng xé tâm can.
Vì vậy, những ân nghĩa, tình cảm chân thành của cán bộ đã ít nhiều gieo vào lòng họ những cảm thức tốt đẹp về lòng bao dung nhân ái của con người trước số phận của họ. Tình người trong nghịch cảnh, giúp tử tù tĩnh tâm, làm dịu đi những cơn sóng dữ bên trong tâm hồn, để đánh thức lương tri trong họ. Các cán bộ trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk đã làm tốt công tác phục thiện cho phạm nhân nơi đây.
Còn nhớ, vào đầu năm 2010, tôi vào Trại giam Đắk Trung, đóng ở xã Ea Kpam - huyện Cư M'gar để tham dự buổi giao lưu giữa các phạm nhân cải tạo tiến bộ với cán bộ công an mang chủ đề "Ấm áp tình đời". Trong đó, có nữ phạm nhân Nguyễn Thị Hòa, tuổi đã ngoài 40, quê ở Thanh Hóa, phạm tội mua bán ma túy, án phạt hơn 10 năm tù, được mời giao lưu.
Sau buổi giao lưu, tôi đến hỏi chuyện thì được chị này cho biết: không phải tự nhiên mà chị có động lực phấn đấu cải tạo tốt. Trước đó khoảng 2 năm, vì muốn mau giàu có, chị đã đem hơn 30 gam hêrôin vào Đắk Lắk để tìm mối bán và bị phát hiện, bắt giữ. Thời điểm đó, đây là số lượng hêrôin khá lớn được đưa vào tỉnh Đắk Lắk.
Được đưa vào giam tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Đắk Lắk, những ngày đầu, chị ta suy sụp. Bởi quê nhà xa xôi, gia cảnh nghèo khó nên chẳng có ai đến hỏi han, thăm nuôi, tội trạng thì nặng. May sao có Dương Đình Then - một quản giáo trẻ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, gần gũi, động viên tận tình nên dần dần chị trấn tĩnh lại, thành khẩn khai báo, chấp hành tốt quy định nơi giam.
Sau khi xét xử, chị được chuyển về Trại giam Đắk Trung chấp hành án, mang theo hình ảnh và lời dặn dò của "Thầy Then" - theo cách gọi của mình chị Hòa - tiếp tục cải tạo để hoàn lương. Theo chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn cho những người phạm tội thực sự ăn năn, hối cải, giờ đây, có lẽ chị Hòa đã được đoàn tụ với gia đình, làm lại cuộc đời. Nhưng tôi tin rằng, những kỷ niệm về quản giáo Then sẽ mãi còn trong chị. Bởi như chính lời chị thốt ra: "Thầy Then thực sự là người thầy trong cuộc đời của tôi!".
Nhân kỷ niệm ngày Tết độc lập năm 2017, 481 phạm nhân tại trại Đắk Lắk được giảm án phạt trước thời hạn. |
Câu chuyện về một người quản giáo bình dị Dương Đình Then ở trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk gây cho tôi thật nhiều xúc động. Cũng trong tháng 5 năm ấy, tôi được đến Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk dự buổi làm thủ tục thi hành án tử hình đối với phạm nhân Hà Giang (sinh năm 1986), quê ở tỉnh Phú Thọ.
Kẻ trước đó phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", sau khi ra tù đã đến xã Cư Suê, huyện Cư M'gar giả vờ xin làm rẫy thuê rồi sát hại dã man người chủ rẫy, cướp xe máy và tiền bỏ trốn. Trong thời gian làm các thủ tục cần thiết, Hà Giang bày tỏ muốn được gặp "Thầy Then" để chào vĩnh biệt, nhưng do hôm đó không phải ca trực của quản giáo Dương Đình Then nên lúc đó anh không có mặt khiến tâm trạng Giang đầy vẻ áy náy.
Thỉnh thoảng, tử tù này đưa mắt nhìn quanh xem trong số những người có mặt thi hành án có "Thầy Then" không. Không thấy "Thầy Then", Giang xin giấy và bút để viết thư. Nội dung thư ngắn, nhưng rất tình cảm: "Thầy Then kính nhớ! Vậy là em phải xa thầy rồi, trước lúc ra đi, em gửi lời chào và kính chúc sức khỏe thầy cùng gia đình.
Trước đây, ở với thầy có gì lỗi lầm với thầy thì em mong thầy bỏ qua cho em. Thôi chào thầy nhé! Hà Giang, Cẩm Khê - Phú Thọ". Khi tôi hỏi "Tại sao em không viết thư về cho gia đình mà lại viết cho cán bộ Then?". Giang trả lời: "Em không viết thư cho gia đình vì không muốn gợi lên nỗi đau cho người thân. Thứ hai, vì gia đình em ở xa xôi quá, trong thời gian em ở đây, chỉ có các cán bộ, nhất là "Thầy Then" là thường xuyên chăm sóc, động viên nên em chỉ muốn viết thư cho thầy!".
Lúc đó chỉ mới vào tầm hơn 4 giờ sáng, nhưng khi nghe đơn vị báo tin, quản giáo Then vội vàng chạy lên cơ quan để gặp Hà Giang lần cuối. Gặp được "Thầy Then", Hà Giang tiến tới nắm chặt tay "thầy" rồi chào vĩnh biệt. Nhìn trong mắt quản giáo Then, tôi thấy trong đó đầy sự xót xa, thương cảm và nỗi buồn khó tả. Rất nhiều người có mặt trong hội đồng thi hành án hôm đó đã lặng đi vì cuộc chia biệt của hai "thầy, trò" hy hữu ấy.
Đối với quản giáo Then và đồng sự, khi tử tội không có gia đình bên cạnh thì anh và đồng đội chính là người thân nên ai cũng muốn dành cho những người như phạm nhân Hà Giang một tình cảm nhân văn chân thật, giúp họ chấp thuận hình phạt cho tội ác mà họ gây ra, để khi sang thế giới bên kia họ mang theo hơi ấm tình người từ các quản giáo đã gieo vào trái tim họ.
Ở tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra. Trại tạm giam - Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn thường xuyên có các tử tù chờ thi hành án. Và trong thời gian chờ đợi ấy, họ được các cán bộ quản giáo ở đây trông giữ. Để rồi Ban giám thị, các quản giáo lại kiên trì gieo những mầm thiện, ươm trồng và vun đắp những mầm thiện ấy như một sự hóa giải cho các tử tù thanh thản trả hết tội lỗi. Và, cũng chính từ nơi ấy, đã có những cuộc phục sinh diệu kỳ của số phận.