Đổi thay trên đất Pà Cò
Từ trung tâm huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), đi khoảng 30km, vượt qua ngọn núi cao, dốc chừng 1.200m so với mực nước biển, chúng tôi đến với xã Pà Cò. Tới Pà Cò trong những ngày cuối năm, khi mùa xuân đang về gõ cửa trong cái rét ngọt của vùng núi là một không gian rộng mở rất đẹp với lãng đãng sương giăng. Hai bên đường là những vườn mận, đào đã bắt đầu bung nở, những hộ dân đang tất bật sản xuất, làm thủ công các công đoạn của dệt vải thổ cẩm.
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ở Pà Cò người dân đã ăn Tết cổ truyền của mình từ cách đây 1 tháng. Nhưng những ngày này, người dân vẫn tất bật chuẩn bị đồ ăn, bánh dày để cùng đón Tết cổ truyền với người dân cả nước.
Tết đến, nhu cầu mua sắm quần áo mới, váy đẹp, túi thổ cẩm của người dân cũng tăng lên, theo đó thị trường tiêu thụ thổ cẩm ở bản rất nhộn nhịp. Dọc đường đi, chúng tôi đều bắt gặp những hộ dân đang tích cực sản xuất thổ cẩm từ khâu dệt vải đến luộc vải, ngâm nhuộm rồi đến công đoạn vẽ sáp ong lên vải khiến cho du khách đến bản thích thú theo dõi quá trình làm thổ cẩm.
Sản phẩm làm bằng tay của làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân xã Pà Co. |
Ngay từ đầu trung tâm xã là bản Pà Cò 1, một trong những bản còn duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông. Ở đây có 46 hộ thì có tới 40 hộ sản xuất, nhà nào cũng làm hết các công đoạn. Phụ nữ trong xóm chủ yếu tập trung làm thổ cẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình. Sự cởi mở và nhiệt tình của những hộ dân nơi đây khi có khách tới thăm quan đã thực sự tạo ấn tượng tốt cho mỗi du khách.
Chị Sùng Y Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Pà Cò 1 nở nụ cười thật tươi khi gặp chúng tôi. Chị cho biết, bản giờ nhiều người đủ ăn, đủ mặc, con cái được đến trường, đời sống văn hoá tinh thần được nâng lên rất nhiều.
Cùng với đó, cán bộ trong xã, đặc biệt là Công an xã thường xuyên xuống bản, gặp gỡ từng người dân, vận động tuyên truyền pháp luật, cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm ma tuý, nâng cao ý thức trong phòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn, đã tạo được bước chuyển biến mới trong đời sống người dân nơi đây.
Trên thực tế, sự đổi thay này nhìn thấy rõ nét nhất là kinh tế trong xã đã khá lên rất nhiều, ANTT trên địa bàn được đảm bảo. Khách du lịch đến với bản nhiều hơn, rất thiện cảm với cảnh quan, sự yên bình của vùng núi và muốn quay trở lại mảnh đất này. Đây là một tín hiệu tích cực đối với Pà Cò trong phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế địa phương.
Đặc biệt, ngày Tết Nguyên đán, du khách đến bản cũng khá đông, người dân ở đây cũng rất cởi mở đón khách, mặc dù không có bánh chưng xanh nhưng rượu ngô và bánh dày lúc nào cũng có để đãi khách khi Tết đến, xuân về.
Chị Nguyễn Lan Hương, một du khách từ Hà Nội đến bản háo hức chia sẻ: Hang Kia - Pà Cò đúng là một điểm đến hấp dẫn ở Mai Châu - Hoà Bình. Sự phóng khoáng của thiên nhiên, cảnh đẹp hoang sơ, con người nồng hậu đã tạo được cảm giác bình yên cho cho du khách khi đến bản. Đặc biệt, tới đây, du khách được trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải thổ cẩm, tự làm các công đoạn cùng với người dân… hoặc mua sản phẩm hoàn toàn thủ công và tự nhiên với giá rất hấp dẫn. Ngày Tết ở đây, với những vườn mận xung quanh nhà dân nở trắng bung, quanh hiên nhà là những chị em ngồi thêu váy hoa, người phơi vải, người nhuộm vải… Cuộc sống thường nhật nhộn nhịp của người dân bản đủ đong đầy làm say lòng du khách khi tới bản.
Anh Hàng A Chư, Phó trưởng thôn kiêm Công an viên Bản Pà Cò 1 cho biết: Các sản phẩm của ngành nghề dệt, thêu vẽ thổ cẩm đang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Bản làng bình yên, đời sống của bà con đã có những đổi thay. Từ làng nghề dệt thổ cẩm, nay một số hộ bắt đầu làm homestay, phát triển du lịch cộng đồng. Đơn cử như homestay của gia đình anh Phàng A Páo. Anh Páo bắt đầu làm homestay từ 2018.
Anh chia sẻ: Pà Cò có khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng, có đồi chè trái tim, những khu vườn trồng mận, đào. Đồng bào ở đây rất muốn chuyển dịch sản xuất, muốn làm du lịch, muốn được đầu tư làm du lịch để cải thiện đời sống. Do vậy, khi thấy điều kiện tự nhiên, cảnh quan và du khách thích thú khi đến với vùng đất này, A Páo quyết định đầu tư xây dựng homestay để đón khách. Đến nay, khách đến homestay của anh khoảng 80% là người Việt Nam. Lúc đông khách, homestay phải bố trí 7-8 người phục vụ.
Công an xã Pà Cò, (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) thường xuyên xuống các hộ dân trong xã để tuyên truyền pháp luật. |
Từ một bản từng là điểm “nóng” về ma tuý, nhưng đến nay, cảm nhận của mỗi du khách khi đặt chân tới bản đã thấy được sự đổi thay bất ngờ, sự yên bình trong nắng sớm. Có được sự bình yên này là cả một quá trình dài tuyên truyền vận động người dân tuân thủ pháp luật, không tiếp tay cho tội phạm ma tuý, không buôn bán, vận chuyển thuê; người dân trong bản tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, duy trì và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm bền vững của những người chiến sĩ Công an cắm bản.
Thượng uý Mùa A Thông - Phó Trưởng Công an xã Pà Cò cho biết, xã Pà Cò có 598 hộ với 2886 nhân khẩu, trong đó 98% là người dân tộc Mông, các hộ dân sống rải rác, thu nhập chính là dựa vào rừng, trồng trọt và chăn nuôi. Khi đời sống của người dân được nâng lên, thì dân trí và đời sống tinh thần của bà con cũng sẽ thay đổi, nhận thức được những tác hại của ma tuý và việc vận chuyển thuê sẽ bị xử tù rất nặng cho nên trong thời gian qua, nhờ công tác tuyên tuyền vận động của lực lượng Công an xã và các lực lượng khác trên địa bàn, tình hình ANTT tương đối ổn định. Người dân chấp hành pháp luật tốt, từng bước xoá bỏ là điểm nóng về ANTT, đặc biệt là ma tuý.
“Ở đây, muốn gần dân thì phải xuống tận nơi, lắng nghe và chia sẻ với họ thì mới biết được họ cần gì và mình tuyên truyền họ có nghe không, nhiều người họ không nghe thì mình phải nói nhiều hơn, gặp nhiều hơn, 5 lần không thành thì 10 lần. Vừa rồi, Công an xã Pà Cò đã tuyên truyền, vận động được 2 người đi cai nghiện tự nguyện, mới đầu họ phản đối và rất bức xúc. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, họ đã đi cai nghiện thành công. Khi trở về địa phương, chính bản thân người đó đã lên tận trụ sở Công an xã nói lời cảm ơn cán bộ. Đây thực sự là niềm hạnh phúc nhất của người Công an cắm bản”, Thượng uý Mùa A Thông chia sẻ.
Thượng tá Đinh Văn Thới - Trưởng Công an huyện Mai Châu cho biết, sau khi triển khai các Chỉ thị, kế hoạch, phương án về đảm bảo ANTT và đưa lực lượng Công an chính quy về xã, tình hình ANTT trên địa bàn đã có chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình ANTT được triển khai, người dân rất tích cực tham gia. Chính sự gần dân, ở cùng dân, cùng làm và cùng chia sẻ đã tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và lực lượng Công an trên địa bàn. Từ đó, người dân hiểu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hơn. ANTT được đảm bảo đã tạo niềm tin ngày một vững chắc, người dân yên tâm tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xây dựng Pà Cò ngày một phát triển hơn.
Một mùa xuân mới đã về trên bản Pà Cò, một cái Tết truyền thống của đồng bào Mông đã qua và Tết Nguyên đán Tân Sửu đã tới. Trên khu nhà văn hoá, hay ngoài sân bóng, từng chàng trai, cô gái váy áo đẹp đang chơi các môn thể thao đậm đà bản sắc dân tộc Mông như tu lu, ném pao, kéo co, bắn nỏ... Những nụ cười rạng rỡ, đầy sức sống của những thanh niên Pà Cò đã mang lại sự hy vọng về sự đổi thay ở vùng đất khó. Một cái Tết mới với nhiều hy vọng và ấm no đang về trên bản Pà Cò.