Đại tướng, Bộ trưởng Mai Chí Thọ: Phần thưởng lớn nhất là tình dân
Hơn 60 năm tham gia cách mạng, đồng chí Mai Chí Thọ còn được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách (Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy TP HCM...) và trên cương vị nào, đồng chí cũng thể hiện một tác phong làm việc sâu sát, dám nghĩ dám làm, tất cả vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, xứng với danh hiệu "Tướng của dân", "Tướng con dân" mà nhiều người suy tôn...
Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi không dám đưa ra những nét khái quát về cuộc đời hoạt động hết sức phong phú của đồng chí Mai Chí Thọ mà chỉ xin nhắc tới một số tình tiết trong đời thường của ông, những tình tiết có thể là "nho nhỏ" nhưng lại cho chúng ta thấy một nhân cách lớn lao...
Luôn nhận phần khó về mình
Đồng chí Mai Chí Thọ sinh ra trong một gia đình đông con. Tuy dưới ông còn một người em gái nhưng vì trong "đội ngũ" các anh em trai, ông là út nên được cha mẹ và các anh chị hết lòng yêu thương. Dẫu vậy, ông luôn có ý chí tự lập, không dựa dẫm vào sự cưng chiều của người thân. Trong công tác, ông cũng luôn nhận phần khó về mình. Năm 1954, khi có lệnh tập kết ra Bắc, nhận thấy cuộc đấu tranh còn dang dở, rất cần cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm ở lại, ông đã viết thư lên Xứ ủy xin ở lại với mấy lý do: Mình có nhiều kinh nghiệm vận động quần chúng và hoạt động bí mật; lăn lộn hầu khắp các địa bàn nên thông thạo địa lý miền Nam…
Sau năm 1954, khi miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, tất cả các anh chị em của ông đều đã tập hợp về Hà Nội công tác thì Mai Chí Thọ vẫn còn "bám trụ" ở miền Nam. Tới năm 1955, nghĩa là 15 năm sau ngày ông bị chính quyền thực dân bỏ tù, ông mới có điều kiện ra Bắc gặp mẹ. Sau này, trong một hồi ức đầy cảm động, ông đã kể lại giây phút mẹ con mừng tủi gặp nhau: "Người anh thứ bảy - anh Đinh Đức Thiện - đưa tôi về nhà. Khi chúng tôi bước vào, mẹ tôi đang ngồi trên giường, hai cửa mùng vén lên. Nhìn người mẹ thân yêu nay đã già và gầy yếu đi nhiều, tôi nghẹn ngào thưa rồi ôm chầm lấy mẹ. Chỉ một khoảnh khắc tôi thấy rõ hai dòng nước mắt trên gương mặt của mẹ tôi lặng lẽ chảy dài, mẹ tôi xúc động nên không nói được lời nào. Tôi an ủi: Con vẫn mạnh khỏe, còn được trở về gặp mẹ là may mắn rồi. Mẹ tôi vẫn yên lặng và nước mắt càng tuôn nhiều hơn. Có lẽ mẹ tôi đau lòng nghĩ rằng mình không còn sống bao lâu nữa, còn tôi rồi sẽ lại tiếp tục ra đi chiến đấu xa nhà".
Sau đận đó, quả như linh tính của người mẹ, khi Mai Chí Thọ trở lại chiến trường miền Nam thì bà qua đời, phút lâm chung không được nhìn mặt người con trai út bé bỏng. Không những vậy, mặc dù là em trai của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, song cũng phải tới… 2 năm sau khi mẹ mất, Mai Chí Thọ mới hay tin (qua một cán bộ tình báo đi trong đoàn bóng đá của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thi đấu tại Campuchia). Đây quả là một sự hy sinh lớn lao vì nhiệm vụ cách mạng của gia đình ông.
Đồng chí Mai Chí Thọ (ngoài cùng bên phải) thăm và tặng quà cho các cháu xã Thạch An, huyện Cần Giờ, TP HCM (năm 1987). |
Cùng gian khổ như nhau, không thể ăn riêng
Với tác phong cởi mở, gần gũi, trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, đồng chí Mai Chí Thọ thực sự là điểm sáng có sức cuốn hút, tập hợp mọi người hết mình vì sự nghiệp chung. Ông Nguyễn Thanh Liêm, người có nhiều năm kề vai sát cánh cùng đồng chí Mai Chí Thọ ở những chiến trường ác liệt đã kể lại rằng, điều ông lấy làm phục nhất ở bậc chỉ huy của mình là ông bao giờ cũng điềm tĩnh, và trong cư xử với cấp dưới, bao giờ cũng thân tình như anh em trong nhà. Đó là lý do để khi đình chiến, cấp trên hỏi ông Liêm tập kết hay ở lại, ông đã nhất quyết xin ở lại với lý do, đồng chí Mai Chí Thọ đã làm đơn xin ở lại chiến đấu, vậy có lý do gì mà ông lại đi tập kết?
Ông Huỳnh Công Oai, người từng tham gia bảo vệ "chú Năm Xuân" (tên gọi thân mật của đồng chí Mai Chí Thọ) ở chiến trường miền Tây năm ấy nhớ nhất tình tiết khi đến bữa ăn, mặc dù có tiêu chuẩn ăn riêng song "chú Năm Xuân" không chịu, nhất quyết ăn chung với anh em với lý do: "Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít" chứ "Cùng gian khổ như nhau nhưng ăn riêng thì không hay".
Tình cảm của dân lớn hơn mọi thứ huân chương
Sinh thời, đồng chí Mai Chí Thọ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Sao Vàng, song, trả lời câu hỏi của một tờ báo, rằng ông thích nhất điều gì, Mai Chí Thọ đã thẳng thắn trả lời: "Khi nghỉ hưu, không còn quyền chức gì nhưng ra đường gặp đồng bào vẫn vui vẻ với tôi là không huy chương nào bằng".
Vào ngày sinh nhật của đồng chí Mai Chí Thọ, có nhiều người dân ở tận miền quê xa xôi cũng lặn lội tới biếu ông những món quà mang tính chất "cây nhà lá vườn". Không hiếm người trong số ấy từng được ông giúp đỡ, hoặc giải oan. Thậm chí, tới những người lính của chế độ cũ phải đi cải tạo biết tin sinh nhật ông cũng gửi tới ông những tấm thiệp mừng…
Theo nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải kể lại thì có lần, Mai Chí Thọ được vị Chủ tịch TP Leipzig của Đức mời sang tham quan. Ông này dẫn Mai Chí Thọ đi thăm TP Dresden, nơi ông ta từng lãnh đạo trước đó. Mai Chí Thọ nhận thấy, mặc dù ông này có 4 năm làm Chủ tịch ở đây song khi gặp người dân, họ chẳng thèm chào hỏi gì vị lãnh đạo cũ của mình. Điều này làm cho Mai Chí Thọ rất ngẫm ngợi.
Với Mai Chí Thọ, sự quan tâm, chăm lo tới đời sống của người dân phải thể hiện ngay từ những việc cụ thể. Ông nhắc thư ký của mình là khi nhận thư từ phải bóc ra xem và báo cáo lại đầy đủ, và trả lời không sót ai. Cái nào cần thiết thì đưa ông xem và ký tên vào. Ông bảo: "Người ta khó khăn hoặc không hiểu đủ mới cần mình".
Tác giả "Lời giới thiệu" của một số cuốn sách về các chính khách
Đồng chí Mai Chí Thọ là người rất quan tâm tới lĩnh vực văn hóa, trong đó có báo chí, xuất bản. Khi còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), ông đã yêu cầu các đơn vị, địa phương có báo và bản tin phải gửi về Văn phòng Bộ trưởng một bản. Ông từng tâm sự với các nhà báo: "Báo chí các cậu có hàng vạn, hàng triệu triệu người đọc, người nghe thì chúng mình phải thông qua báo chí để mà tuyên truyền, giải thích, vận động, điều hành công việc chứ" (theo ghi chép của nhà báo Lê Minh Hùng). Các cuộc họp thường kỳ của khối báo chí CAND tổ chức tại Hà Nội hay TP HCM, nếu không có công việc quá đặc biệt và đột xuất, bao giờ ông cũng dự và có ý kiến gợi mở…
Đồng chí Mai Chí Thọ là người say mê đọc sách, báo, theo dõi sát các vấn đề liên quan đến thời sự trong và ngoài nước. Ông chính là người đã viết "Lời giới thiệu" cho cuốn "Fidel: Cuộc đối đầu 10 đời Tổng thống Mỹ và những âm mưu ám sát của CIA" (do NXB Trẻ ấn hành lần đầu năm 2004); viết "Lời giới thiệu" cho cuốn "Arafat - một đời cho tự do" (NXB Tổng hợp TP HCM, 2004). Ông cũng là tác giả "Lời giới thiệu" cuốn hồi ký của Hillary Clinton, ngoại trưởng Mỹ hiện nay (sách do NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản năm 2006).
Được biết, hồi tháng 7/2006, khi tiếp cựu Tổng thống Mỹ Clinton sang thăm Việt Nam nhân dịp Quỹ Clinton về phòng, chống HIV/AIDS chính thức mở văn phòng dự án tại Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tâm sự, ông đã đọc cuốn hồi ký của bà Hillary và cho ông Clinton biết, chính Đại tướng Mai Chí Thọ là người viết "Lời giới thiệu" cho cuốn sách. Vị cựu Tổng thống Mỹ tỏ ra rất thú vị về chi tiết này…