Đại tá Lê Thanh Liêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý- Bộ Công an: Thẳng đường mà đi
Là một chiến sĩ an ninh T4 có nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Văn phòng Thành ủy Sài Gòn - Gia Định những năm chống Mỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Lên - cha của Đại tá Lê Thanh Liêm cứ theo chân các đồng chí lãnh đạo Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng… đi biền biệt. Họa hoằn, năm lên 8 tuổi, Liêm mới được các cô chú trong văn phòng đưa xuống Bến Tre ở thăm cha ít ngày, khi Văn phòng Thành ủy chuyển căn cứ về xứ dừa.
Tháng 2/1970, ở tuổi 12, Lê Thanh Liêm được các cô chú trong đơn vị HT10B1 (an ninh bảo vệ Thành ủy) tìm về móc nối đưa lên căn cứ nằm bên kia đất Campuchia. Cậu nhóc được dạy văn hóa, được sai vặt nấu nước pha trà phục vụ các bác, các chú trong cơ quan họp hành. Lớn chút nữa, cậu được sai đưa thư từ, công văn, chuyển thông tin qua lại giữa các lán trong khu căn cứ. Đầu năm 1974, Liêm được gửi đi học bổ túc. Ngày giải phóng, anh tham gia tiếp quản Trường Quốc gia nghĩa tử của địch ở khu vực ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, Sài Gòn.
Sau một thời gian đi học bổ túc văn hóa, năm 1977, Lê Thanh Liêm được mang quân hàm Thượng sĩ Cảnh sát bảo vệ, sau đó lại được điều về Phòng Tổ chức Công an Tp HCM - đỡ vất vả, nguy hiểm hơn trực tiếp chiến đấu. Sự ưu ái của lãnh đạo đối với con trai một người anh hùng khiến Lê Thanh Liêm cảm thấy… không thoải mái. Hết giờ làm ở văn phòng, anh lại thay đồ dân sự đi rình bắt cướp trong vai trò… một quần chúng tích cực.
Giữa năm 1980, chuyện đến tai ông Hai Thành, Phó Công an quận Tân Bình. Ông gọi con trai người đồng đội cũ lên: "Mày muốn làm Cảnh sát hình sự, cứ phá được băng cướp Lăng Cha Cả thì về đây tao nhận".
Liêm làm thật. Nhiều tuần liền, cứ rảnh việc là anh lại xỏ giày "chạy thể dục" quanh công viên Hoàng Văn Thụ để tìm kiếm. Kiên trì, anh đã nhận diện được Hùng "ba ta", tên cầm đầu nhóm cướp và một số tên đàn em. Một đêm, khi chúng vừa ra tay "ăn hàng" thì Liêm xông ra ngay. Hùng "ba ta" tỏ ra coi thường. Hắn vứt giỏ xách vừa cướp được cho đàn em khoát tay bảo mang đi, một mình đứng lại "cho thằng nhỏ biết lễ độ". Hắn không ngờ "thằng nhỏ" tỏ ra rất lỳ đòn và không dễ hạ. Trong một thoáng tên cướp tỏ ra nao núng, Lê Thanh Liêm đã nhanh chóng bập còng số 8 vào tay hắn, một đầu còng anh tự bập vào tay mình. Mặc cho tên cướp đấm đá loạn xạ, Liêm cứ vậy lôi hắn xềnh xệch ra đường, ngoắt xe ôm bảo chở cả hắn và anh về Công an quận Tân Bình cho ông Hai Thành mở khóa còng. Vậy là anh thành CSHS Công an quận Tân Bình.
Đại tá Lê Thanh Liêm (thứ hai từ phải qua) cùng Thiếu tướng Cao Minh Nhạn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tiếp đoàn công tác của Cơ quan phòng chống ma túy Australia thăm và làm việc với Bộ Công an. |
Đánh án hàng trăm trận, Lê Thanh Liêm không nhớ nổi con số cụ thể. Nhưng trận đầu đọ súng với cướp thì anh không thể quên. Sau nhiều ngày săn lùng, hai trinh sát Lê Thanh Liêm và Đoàn Công Chánh phát hiện được tên cướp Hiệp "chó" (Lâm Văn Hô) đang đi xe đạp đến thăm người yêu. Vặn ga chiếc Honda 67, Liêm chở Chánh vút đến ngay. Hiệp "chó" quăng xe, rút súng bắn liền. Ngồi sau, Đoàn Công Chánh cũng nhanh nhẹn rút súng tỳ tay lên vai Liêm, kê nòng súng bên tai Liêm chúc mũi xuống mà bóp cò. Liêm hét: "Đừng bắn nữa" và nhắm chân đối tượng cho xe lao thẳng. Tên Hiệp "chó" ngoặt tránh, chui tọt vào một nhà dân, vừa chạy vừa la "Cướp! Cướp! Cứu!". Một đám đàn ông đang cởi trần ngồi nhậu lập tức xách chai, ly tấn công Liêm và Chánh. Nhưng Liêm nhanh hơn, vẫn thoát vòng vây quật ngã được tên Hiệp "chó", tước súng. Xong chuyện, Chánh hỏi Liêm: "Sáp vô đại vậy nó bắn cho đổ ruột thì sao? Sao không để tôi bắn què chân nó đã". Liêm bảo: "Ông cứ kê súng ngang tai tôi mà nổ, tai nào chịu nổi. Lạc đạn, không trúng chân mà trúng đầu, trúng ngực, nó chết thì sao?". "Nhưng nó đang bắn. Không muốn nó chết, ông không sợ mình chết à?". Liêm cười: "Thấy nó huơ súng lên trời 2 lần, tôi biết ngay nó bị kẹt đạn, bắn gì nữa!".
Hồi làm Phó Công an quận Tân Bình, Lê Thanh Liêm phát hiện ra trường hợp Nguyễn Trọng Hiền tháng nào cũng bị Công an phạt vì sửa xe lấn chiếm lòng lề đường ở góc Bùi Thị Xuân - Nguyễn Trọng Tuyển. Phạt mấy cũng không chừa, vì không làm, không vi phạm lấy gì nuôi đám con nheo nhóc? Liêm bèn xuống tận nơi, gom hết mớ giấy phạt của anh Hiền và… đi đóng phạt giùm. Anh còn lên phường nhờ Công an phường hỗ trợ thu xếp chỗ cho anh Hiền có nơi hành nghề đàng hoàng không vi phạm. Lương tháng, Lê Thanh Liêm đưa về cho gia đình một nửa, nửa kia đem hỗ trợ cho Hiền. Cảm động, Hiền tỏ ra rất tích cực giúp Công an. Băng cướp AK khét tiếng lộng hành, chính anh này đã bỏ nhiều thời gian quan sát theo dõi cả ngày lẫn đêm cung cấp manh mối cho Công an quận Tân Bình triệt phá…
Quyết đoán, dám làm, dám chịu, Lê Thanh Liêm được anh em đồng đội biết đến như một điểm tựa tinh thần. Từ năm 1995, khu vực vũ trường Supper Bowl nổi lên một băng "con ông cháu cha" chuyên dùng dao khống chế, cưỡng đoạt tài sản đám dân chơi nhà giàu. Thấy tên cầm đầu có dấu hiệu sắp bỏ trốn cùng chiếc ôtô tang vật đã cưỡng đoạt trước đó, Đội Hình sự quận Tân Bình bèn cho bắt gấp. Làm án nóng vội, bị gia đình đối tượng rải đơn kiện như bươm bướm, đến năm 1998, hàng loạt cán bộ chiến sĩ Công an Tân Bình bị kỷ luật, hạ bậc lương, trong đó có Lê Thanh Liêm. Đội Hình sự 20 người thì có tới 14 người bị kỷ luật. Nản, anh em buông xuôi. Chịu không nổi, Liêm họp anh em lại, tuyên bố: "Ai không chịu đựng nổi thì làm đơn xin nghỉ. Còn lại thì phải làm ra làm. Người có chính khí thì không để tai vạ làm tổn thương. Làm Công an thì không thể cư xử với nghề như kẻ tiểu khí". Không ai xin nghỉ. Tất cả lại quay lại với công việc hùng hục. Hai năm sau, một loạt cán bộ chiến sĩ từng bị kỷ luật đều lần lượt được đề bạt hoặc khôi phục. Lê Thanh Liêm cũng lên chức, trở thành Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống ma túy (PC17).
Thời anh làm Trưởng phòng, PC17 Công an Tp HCM đã phá hàng chục chuyên án với các bí số 403, 503, 603, 112H, 098H, 217T, 114E..., đánh rã hàng chục tập đoàn ma túy xuyên quốc gia thuộc hàng khổng lồ đã từng mua bán một lượng herôin, thuốc lắc lên tới… hàng tấn. Kể cả sau này, khi đã thành Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an, chỉ huy đánh thêm hàng chục chuyên án ma túy lớn khác, với Đại tá Lê Thanh Liêm, đáng nhớ nhất, kỳ công nhất vẫn là chuyên án 217T phá đường dây ma túy do Hải "luận", Hạnh "cầm" cầm đầu. Hơn một năm trời, dưới sự chỉ đạo của anh, PC17 Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện hàng chục chuyến trinh sát qua hơn 10 tỉnh, quay 13 băng video bằng chứng, chứng minh rõ tội trạng buôn bán tới hơn 3.000 bánh heroin (khoảng 1 tấn) của băng này.
Nhờ trinh sát rất kỹ nên khi Công an ập vào, không một đối tượng nào kịp trở tay, dù chúng rất lỳ lợm, manh động, chỗ ở của tên nào cũng tích sẵn cả kho vũ khí. Khi bị dẫn từ trên lầu xuống, Dũng "lừng" bất ngờ trượt chân ngã dúi vào một góc. Trinh sát còn nhanh hơn, đá văng bàn tay hắn vừa định lật chiếc bao bố che trên 1 khẩu súng, 2 trái lựu đạn. Tên Lệ "mập" (Trần Văn Lệ) thì bị khóa chặt tay ngay trên giường ngủ, súng và lựu đạn để ngay trên đầu giường chưa kịp sờ đến. Nguyên là một Cảnh sát phòng chống ma túy Nghệ An, từng tham gia phá nhiều vụ án ma túy quan trọng trước khi hám lợi bán mình cho chất bột trắng, Lệ la bai bải: "Đối xử với đồng đội như chó vậy à, tao từng giúp chúng mày làm bao nhiêu vụ, nhớ không?". Điên tiết, Lê Thanh Liêm túm ngay cổ áo Lệ xốc ngược lên: "Vô liêm sỉ! Anh không còn tư cách để gọi chúng tôi là đồng đội!". Với Liêm, đó là mất mát lớn nhất trong toàn chuyên án, trong đời làm án. Một mất mát không thể bù đắp của thời bình.
Lẽ ra, cả Lệ "mập" và con cá mập Hải "luận" (Nguyễn Văn Hải) đều đã bị bắt từ nhiều tháng trước đó. Hôm đó, hai tên này xuất hiện tại Bệnh viện An Bình, đường An Bình, quận 5 để thăm người thân nằm viện. Trụ sở PC17 cũng nằm trên đường An Bình, cách bệnh viện chỉ một đoạn rất ngắn, khá thuận tiện để điều động lực lượng. Phó phòng Lý Đại Bàng và một đội phó trinh sát đề xuất cho bắt. Lê Thanh Liêm gạt đi: "Trong người chúng có súng, lựu đạn, không an toàn. Ngoài thương vong, súng đạn nổ trong bệnh viện còn sinh bao nhiêu rắc rối khác. Hủy!". Ấm ức, anh đội phó không ngần ngại phê phán cấp trên "quá thận trọng, lãng phí công sức anh em". Lê Thanh Liêm hỏi ngay: "Anh có dám chắc lựu đạn của chúng im tiếng không? Không chắc thì không thể bắt!".
Tổng cộng 24 tên tội phạm với những tên tuổi khét tiếng như Hạnh "cầm", Hải "luận", Lệ "mập", Dũng "lừng", Hoa "mi nơ"… lần lượt bị bắt gọn tại 16 điểm trên nhiều tỉnh, không phải nổ một phát súng, không tốn một giọt máu, dẫn đến một phiên tòa kết thúc với 16 án tử hình. Đến lúc đó, anh đội phó mới thôi ấm ức, thầm phục bản lĩnh chỉ huy của người chỉ huy mình.
Đại tá Lê Thanh Liêm là người đang giữ một kỷ lục mà thế hệ sau chắc không ai phá nổi: 54 tuổi đời nhưng có tới 42 năm thâm niên trong ngành Công an! Anh bảo, dường như là số phận, từ truyền thống gia đình, điều kiện công việc cho đến tính cách, tất cả đều sắp sẵn để đưa anh đến với nghề, với ngành mà chưa bao giờ mảy may nghĩ đến một khả năng nào khác. Đường đã chọn, anh cứ thể thẳng tiến, chẳng bao giờ phải băn khoăn điều gì ngoài suy nghĩ cho công việc. Nghề chọn người, anh cứ thế thẳng đường mà đi. Đường đã chọn không hề có lối rẽ!