Cuộc hội ngộ tin yêu

Thứ Năm, 14/04/2016, 08:46
Dưới tán rừng tràm, bên cốc rượu có pha tí mật ong rừng tràm thơm thơm, nồng ấm, Đại tá Lê Quốc Phấn, Giám thị Trại giam Cái Tàu vừa nghỉ hưu tâm tình với tôi bằng giọng đầy dí dỏm, nhưng phảng phất chút mãn nguyện, tự hào: "Cả nhà đều là đảng viên, đều sống bằng lương của ngành Công an". Dù biết khi vào Đảng, vào ngành, từng người trong gia đình ông đều tuyên thệ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân cần nhưng quả thật, đứng giữa đất U Minh Hạ còn bộn bề gian khó, biết vì nhiệm vụ mà từng thành viên của gia đình này chấp nhận sự vắng xa, cách trở, tôi thật sự cảm thấy quý sự hy sinh thầm lặng của họ.


Giở cuốn album giới thiệu với tôi về các thành viên trong gia đình mình, ông bộc bạch, từ ngày các con, cả dâu và rể lần lượt trở thành đồng nghiệp của hai vợ chồng ông, cả nhà chưa khi nào sum vầy đông đủ để có một tấm ảnh chụp chung. Giải thích nội dung một tấm ảnh được chụp ở vùng quê Đà Sơn, Đô Lương (Nghệ An) - nơi ông chôn nhau, cắt rốn và có đầy kỷ niệm, ông kể, duyên cớ 41 năm trước khi ông được tuyển vào ngành Công an: "Chú tôi hy sinh. Bố và anh cả tôi đều là tham gia cách mạng".

Gần 2 năm sau khi được phân công về Trại giam Phú Sơn 4, nằm tít tận Thái Nguyên, ông tình cờ quen rồi yêu cô học viên Trường Cảnh sát 6 - bà Đoàn Thị Hải, vợ ông bây giờ - kém mình một tuổi quê Sơn Thủy, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Sau chuyến thực tập, Hải được phân công về Trại giam Tân Kỳ (Nghệ An); còn ông thì bịn rịn chia tay người yêu để nhận nhiệm vụ mới tại một đơn vị ở tận… vùng Đồng Tháp Mười.

Đại tá Lê Quốc Phấn (phải) cùng Trung tướng Nguyễn Hữu Ước  - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Chính trị CAND, nguyên Tổng biên tập Báo CAND tại công trường xây dựng Khu di tích Quốc gia Hòn Đá Bạc năm 2010.

"Trại giam Phước Hòa (Tiền Giang) khi đó mới thành lập. Đứng giữa 4 bề là cánh đồng phèn nồng chua, toàn cỏ năn, tôi cùng hơn 30 anh em cũng được điều động từ nơi khác về đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả".

Tiếng là trại chứ thực ra chỉ có căn nhà cho phạm ở, còn anh em công an thì ở tạm dưới một tấm bạt cũ, nắng thì nóng hầm hập, mưa thì phải co cụm, chạy dột. Khổ vậy nhưng sau giờ làm việc, chàng tân binh quê Nghệ An cứ cặm cụi viết, gởi rồi nhận, đọc thư. Nhiều anh em cùng đơn vị phát hiện, chọc rân trời: "Cái thằng yêu dữ thiệt". "Ngoài thư cho người yêu, còn có thư về gia đình nữa. Bình quân mỗi tháng cũng hơn chục lá" - ông cười hơi ngượng nghịu…

Ở vùng đất mới nằm sâu trong ruột Đồng Tháp Mười, với đặc sản "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh", trong sự khắc nghiệt ông cảm nhận được thêm tình người, tình đồng chí, đồng đội và đặc biệt là giá trị của lòng nhân ái, bao dung của chế độ, của lực lượng Công an đối với những người lầm lỡ một thời.

"Gởi thư về tôi kể toàn những tình cảm của mình với người, với đất Đồng Tháp Mười. Và có khi, ngẫu hứng, tôi cũng bật lên thành thơ". Cuối năm 1979, chàng tân binh được về phép cưới vợ. "Đám cưới nghèo nhưng ấm cúng lắm. Trại phía… đàng gái giúp đỡ hết mình. Cưới xong, chỉ nửa tuần trăng mật, tôi lại nhảy tàu trở về đơn vị" .

Mẹ ông mất sớm, bố ông lúc đó đã 70 tuổi, cứ nay đau, mai yếu, anh cả công tác trong quân đội, đóng Đà Nẵng, em gái bị tật nguyền từ nhỏ, chỉ ngồi một chỗ, gia đình quá khó khăn. Năm 1985, ông đã được chuyển về Trại Tân Kỳ, Nghệ An. Khi đó, ông đã có 3 con. Bao nhiêu vất vã đều trút lên vai vợ ông. Hai vợ chồng phải gởi các con về nhờ bà ngoại nuôi nấng… Nhớ con, hai vợ chồng chỉ siết tay nhau rồi khóc.

Gần 10 năm sau đó, ông tình cờ gặp lại Giám thị của Trại giam Phú Sơn 4 vừa được Bộ phân công về làm Giám thị Trại giam An Phước (Bình Dương). Nghe theo sự gợi ý của thủ trưởng cũ, vợ chồng ông đã xin và được chuyển công tác về đây. Vài năm sau, trại này được tách ra, ông thành người của Trại An Phước, còn vợ ông là người của Trại Bố Lá. 

Ông an ủi vợ: "Cái số mình là phải chịu cách xa nhau rồi mới được gần nhau". Thêm hơn 10 năm nữa, năm 2007, ông được phân công về làm Giám thị Trại giam Cái Tàu - Trại giam xa xôi, khó khăn nhất nước của ngành Công an cho tới thời điểm này.

Chứng kiến công việc của bố, mẹ mình vất vả và luôn phải cách xa, nhớ nhung nhưng các con ông lần lượt vẫn quyết theo nghiệp Công an. Mời tôi thưởng thức thêm cốc rượu thơm lừng, ông kể về các con mình bằng giọng đầy tự hào: "Con gái lớn sinh năm 1980. Sau khi xong  Đại học CSND, nó về công tác tại Công an Bình Dương. Còn thằng con trai lớn, nhớ Tết năm nó chưa vào ĐH của ngành Công an, nó cùng bạn bè đi chơi thì gặp cảnh hai thanh niên đánh nhau.

Khi nó định nhảy vào can ngăn, bạn đi cùng nó đang là học viên Đại học CSND ngăn lại: "Em là dân luật, có võ nghệ gì đâu, để anh". Chẳng ngờ, nó nghe nói vậy mà bị chạm tự ái. Tới kỳ thi tuyển năm đó, nó đăng ký thi vào Đại học CSND và đã trúng tuyển. Tiếp nối khí thế, thằng em út cũng vào ngành sau khi xong đại học". Rồi ông tươi cười, cho biết thêm: "Con rể và hai con dâu  tôi cũng là Công an nốt!".

Lại nhớ đến những ngày đầu khi vừa đặt chân tới Cà Mau nhận công tác, mỗi tháng, từ tít tận ở rừng U Minh Hạ, ông  sắp xếp về thăm vợ hoặc con ít nhất một lần. Đêm trước khi về, ông cứ trằn trọc, phân vân: hễ về Bình Dương thì chỉ gặp bà xã; còn về Sài Gòn thì có thể gặp gần đủ các con. Khi ông quyết định về Sài Gòn để thăm mấy đứa cháy nội, cháu ngoại, liền bị vợ trách yêu: "Không có tôi thì sao ông có cháu ngoại, cháu nội được hả".

Đại tá Lê Quốc Phấn khi còn là Giám thị Trại giam Cái Tàu.

Ông bảo rất "thèm" được hội ngộ toàn thể gia đình, một năm một lần cũng được. Nhưng đâu phải dễ. bởi cả 8 người trong gia đình ông đều là công an, một công  việc đặc thù. Vào dịp Tết, ông từ Cà Mau về tới nhà thì con ông phải vô đợt trực. Vợ, con nhớ ông, nhiều lúc cũng sắp xếp vượt chặng đường gần 500 km để xuống Cà Mau thăm ông. Mỗi chuyến gặp nhau, dù đầy đủ nhất cũng chỉ hơn nửa thành viên trong nhà.

Ông thống kê cho gần chục năm: "Từ hồi tôi xuống đây tới nay, bà xã xuống thăm được ba lần, thằng lớn hai lần, thằng út một lần; còn con gái lớn, muốn lắm nhưng chưa đi được".  Một lần gần cuối năm, vợ ông chuẩn bị làm mâm cơm giỗ mẹ chồng. Trên đường ra sân bay Nội Bài, ông nghĩ chuyến về nhà lần này sẽ gặp đủ các con. Vừa vào tới Sài Gòn, ông nhận được chỉ đạo của trên giao đơn vị ông đăng cai cho một hội nghị giao ban của Tổng cục. Vậy là ông lên xe đi thẳng về Cà Mau, một lần nữa ông lỗi hẹn với… tất cả "đồng nghiệp" ở nhà.

Để nguôi ngoai nổi nhớ nhớ vợ, nhớ con, nhớ cháu, ông thường dồn sức, chụm đầu vào công việc. Cách nay mấy tháng, khi ông chưa về hưu, ông phấn khởi "khoe" với tôi rằng Trại giam Cái Tàu giờ là một trong những điểm sáng trong hệ thống trại giam cả nước về công tác giáo dục cảm hóa người lầm lỗi. Thành tích là của tập thể nhưng công sức của ông không nhỏ.

Từ khi ông về đây, chuyện ăn, chuyện ở, chuyện học hành, chuyện chăm sóc sức khỏe của anh em và phạm nhân được nâng lên thấy rõ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ cho biết nhờ ông mà anh em được học chuyên môn nghiệp vụ giữa rừng, khỏi phải đi đâu xa xôi, tốn kém. Đặc biệt, cũng nhờ tấm lòng của ông mà bao nhiêu năm nay, giữa rừng tràm U Minh này, nhiều phạm nhân đã được tạo điều kiện tốt nhất để về với nẻo thiện. Nhiều phạm nhân sau khi rời trại vẫn gọi điện, viết thư cảm ơn ông bởi khi còn trong trại, nhờ nghe lời ông mà họ biết chữ, giờ có chữ rồi, họ phấn khích làm lại cuộc đời…

Đi giữa mùi hương thoang thoảng của hoa tràm, tôi lại nghe nhiều người dân nhắc đến ông như nhắc đến một người thân quen ruột rà trong nhà với một thái độ cảm kích, quý trọng. Người dân cùng cuối đất cứ tâm đắc mãi một cán bộ giám thị mẫn cán, thương người, bao dung, chịu khó; một ông "là dân miền Trung mà ăn được mắm rừng U Minh, đặc biệt là ca được cả bài vọng cổ….".

Thái Bình
.
.