Công an Ninh Thuận: Thức giữa vùng dịch

Thứ Tư, 25/03/2020, 17:35
Những ngày này, người dân xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận và 4 thôn Văn Lâm– nơi UBND tỉnh có quyết định tổ chức cách ly y tế tại nhà đối với thôn Văn Lâm 3 (thôn có 100% là đồng bào dân tộc Chăm với 1010 hộ và trên 5000 nhân khẩu) người dân đã quen dần với hình ảnh các chiến sỹ Công an nhân dân đến làm nhiệm vụ.


Không chỉ cùng với chính quyền địa phương làm công tác chốt chặn, bảo đảm an ninh, an toàn địa bàn, mà người ta còn thấy những chiến sỹ trong sắc phục CAND đến tận nhà để trò chuyện, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân biết cách tự phòng tránh cho chính mình và cộng đồng, động viên tinh thần người dân bình tĩnh tự tin đối phó với dịch bệnh. Vì thế mà tâm lý bất an, lo lắng hay hành động tích trữ lương thực trong nhân dân, nhất là khi quyết định cách ly được thực hiện, đã giảm đi rõ rệt.

Tâm sự với chúng tôi ngay tại chốt cách ly, Trung tá Vũ Văn Hoài - Phó trưởng công an huyện Thuận Nam nói: "Ngay khi có thông tin về 1 người dân ở Văn Lâm 3, là bệnh nhân 61 sau khi đi Malaysia về đã dương tính với virus SARS - Covi - 2; thực hiện chỉ đạo của trên, lãnh đạo Công an huyện triển khai kế hoạch cho toàn thể lực lượng Công an trên địa bàn, trực 100% quân số phân công cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị nghiệp vụ, xuống ngay địa bàn, phối hợp với địa phương chủ động khoanh vùng, rà soát tất cả người có liên quan đến bệnh nhân số 61 nhiễm COVID-19, nhanh chóng hỗ trợ cơ quan y tế đưa ra phương án ngăn chặn, cách ly, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

Thượng tá Phạm Đức Bảo- Trưởng Công an huyện Thuận Nam kiểm tra chốt gác khu vực cách ly và dặn dò, động viên CBCS.

Những kết quả ban đầu đã thể hiện được những quyết tâm, nỗ lực, bất chấp hiểm nguy của lực lượng Công an huyện khi đi xuống vùng dịch. Sau khi chính quyền tổ chức cách ly địa bàn thôn Văn Lâm 3, lãnh đạo Công an huyện đã lựa chọn phân công các cán bộ, chiến sỹ có sức khỏe, có năng lực, kinh nghiệm trong công tác dân vận để đảm nhiệm chốt chặn 24/24 ở 4 chốt cách ly, phối hợp cùng các lực lượng địa phương tuần tra, kiểm soát các điểm đã rào chắn, để hạn chế đến mức thấp nhất người dân ra vào khu vực cách ly".

Không chỉ phối hợp tốt với chính quyền địa phương, Công an huyện Thuận Nam đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ; Lãnh đạo Công an huyện thường xuyên phân công nhau có mặt tại địa bàn động viên, khích lệ tinh thần nhất là đối với các bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, để các đồng chí phát huy hết tinh thần phục vụ nhân dân của người chiến sỹ Công an nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Chúng tôi cũng đã ghi nhận hình ảnh ngay từ ngày đầu triển khai cách ly, đêm tối hay giữa trời nắng chang chang, lãnh đạo và các chiến sĩ Công an huyện cùng xắn tay khiêng lưới rào chắn các lối ra vào khu cách ly, lập chốt, sắp xếp nơi ăn ở dã chiến tại chỗ cho các cán bộ, chiến sỹ; tổ chức phun thuốc khử trùng khu vực dã chiến và các chốt cách ly.

Công việc nhiều, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn cười tươi gạt những giọt mồ hôi rơi thấm đất và chia sẻ, ''nhân dân cách li, chúng tôi cũng tạm biệt gia đình vợ con, vào công tác tại vùng cách li cùng dân để giữ cho dân sức khỏe an toàn''.

Thượng tá Phạm Đức Bảo- Trưởng Công an huyện gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen nhẻm tâm sự: "Tôi cũng như cán bộ, chiến sỹ mấy ngày nay gần như ăn ngủ tại đơn vị, một phần là do nhiệm vụ, mặc dù cán bộ, chiến sỹ đã được hướng dẫn đeo khẩu trang, vệ sinh diệt khuẩn, mỗi khi ra chốt phải đo thân nhiệt... nhưng vẫn cứ lo mình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với người dân, vì không biết trong những người dân kia ai có bị nhiễm bệnh hay không, bởi thế nên có nhớ nhà nhớ vợ nhớ con thì cũng phải chịu".

Trên thực tế những chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, tiếp xúc gần với người dân là không thể tránh khỏi. Hằng ngày, ngoài thời gian giải quyết công việc tại đơn vị, lãnh đạo Công an huyện cũng thường xuyên xuống địa bàn Văn Lâm 3; chỉ đạo mời các đối tượng trong vùng, đã đăng những thông tin không chính xác lên mạng xã hội, làm ảnh hưởng tới tâm lý của người dân để làm việc; thường xuyên thăm hỏi động viên tư tưởng cán bộ chiến sỹ, kiểm tra nơi ăn, chốn ngủ, trang bị thêm các vật dụng y tế để bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ trực tại khu vực cách ly.

Tại điểm chốt số 3, Thiếu tá Mai Xuân Tiến – cán bộ Đội Quản lý hành chính Công an huyện Thuận Nam tâm sự: “Nóng lắm anh ạ, đeo bao tay, khẩu trang suốt ngày, trừ lúc ăn, ngủ không quen, trời lại nắng nóng nữa. Chúng tôi đâu có chỉ làm nhiệm vụ đơn thuần là chốt chặn không cho người ra vào khu cách ly, nhiều khi còn làm cả những nhiệm vụ của các thành viên trong tổ chốt như: đo thân nhiệt của người ra vào, rà soát danh sách những người bị hạn chế đi ra, phun xịt khử trùng... Nhưng những việc ấy còn đơn giản. Khó khăn nhất là phải giải quyết những người xin ra, vào khu cách ly mà không đúng quy định. Cương quyết nhưng cũng phải nhẹ nhàng, khôn khéo giải thích để người dân hiểu được việc làm của mình là tốt cho họ, cho cả cộng đồng dân cư”.

12h trưa tại khu vực đóng quân dã chiến, có chiến sỹ trong tốp chiến sỹ mới thay ca về, mồ hôi còn nhễ nhại ngồi ở hành lang, mở điện thoại gọi về nhà. Sau những lời hỏi thăm là câu: "Mẹ yên tâm, con ở đây tốt lắm, không sao đâu ạ...".

Lại nhớ có cô gái có chồng là sỹ quan Công an nhân dân, chồng cũng thường xuyên công tác xa nhà, có lần chia sẻ: “Những ngày lễ tết, ngày nghỉ chồng ở nhà ít hơn ở đơn vị. Có lần thằng cu bệnh khóc cả đêm, anh ấy gọi về hỏi thăm mà phải nói dối để anh yên tâm công tác là con bớt bệnh và ngủ rồi". Những lời nói dối thật cảm động đến từ cả hai phía gia đình và người chiến sỹ đang nhiệm vụ, hẳn đều xuất phát từ trái tim, vì công việc chung.

Băng ngang qua thôn Văn Lâm là con đường độc đạo dẫn về các làng Sơn Hải, Phước Lập, Bầu Ngứ, Tam Lang. Công an trực gác phải thường xuyên khử trùng phương tiện cho người và phương tiện bất đắc dĩ phải đi qua khu vực.

Nếu mới đến vùng dịch, mọi người phải tập quen với việc chào nhau mà không bắt tay, lỡ bắt tay rồi thì phải xịt cồn kháng khuẩn luôn. Thượng tá Bảo cho biết,  ngoài việc không  về nhà với vợ con, ông cùng với tập thể lãnh đạo công an huyện và các chiến sĩ làm nhiệm vụ tại thôn Văn Lâm 3, cũng hạn chế tiếp xúc với người dân ngoài vùng dịch để bảo đảm an toàn cho người dân. Ông hi vọng trong quá trình công tác thực hiện nhiệm vụ tại nơi khác, người dân sẽ hiểu và thông cảm.

Trên thực tế đã có chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, tiếp xúc gần với người bị nhiễm là không thể tránh khỏi, như trường hợp ở quận 2, TP Hồ Chí Minh, ba cán bộ, chiến sĩ phải cách ly. Từ đó, có thể cảm nhận thêm sự nguy hiểm, hy sinh và gian khổ của lực lượng CAND.

Khi những hình ảnh của cán bộ, chiến sỹ Công an Thuận Nam đang làm nhiệm vụ tại vùng cách ly xuất hiện trên mạng xã hội, đã có rất nhiều chia sẻ, bình luận động viên ấm áp, thân thương. Trong một dòng trạng thái trên trang cá nhân của một cá nhân đăng những dòng chữ cảm động: “Thấy các anh đứng ở chốt, thương lắm. Muốn pha 1 ly nước chanh mang ra mời...”.

Nhiều cá nhân đã chuyển thực phẩm, rau xanh, nho tươi, dưa hấu, trà giải nhiệt, mật ong... gửi tặng các chiến sỹ. 2 ngày đầu việc ăn uống mỗi bữa đều phải mua cơm hộp hoặc chuyển hơn 6km từ trụ sở Công an huyện xuống, vừa khó khăn vừa không đủ chất bảo đảm sức khỏe. Chị Bá Thị Sa Ti là tạp vụ của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm gần đấy đã chủ động gặp lãnh đạo Công an huyện, xin tình nguyện nấu ăn ngày 3 bữa ngay tại điểm đóng quân dã chiến và như chị nói: “Nấu ăn giúp anh em đến khi nào hết dịch thì thôi, anh em giúp đồng bào, chẳng lẽ mình không giúp được anh em. Nấu ăn thì phụ nữ quen hơn”. Có lẽ trong những lúc khó khăn thế này, hình ảnh những chiến sỹ Công an dấn thân vào các nhiệm vụ nguy hiểm, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, thậm chí tính mạng của bản thân, vì sự an bình cho nhân dân sẽ đọng mãi trong tâm trí nhiều người.

Tối chủ nhật, ngày thứ 6 kể từ khi lực lượng Công an huyện Thuận Nam triển khai cán bộ, chiến sỹ tới thôn Văn Lâm 3 làm nhiệm vụ, chúng tôi ở lại với anh em tại hiện trường chốt dịch. Đã 20 giờ, trời Ninh Thuận vẫn còn hầm hập nóng. Ở phố chắc nhiều người vẫn còn đưa vợ con đi dạo chơi. Trong khu vực cách ly đã vắng ngắt, tại các điểm chốt chặn, những chiến sỹ Công an nhân dân giữa vùng dịch vẫn đeo khẩu trang, đứng làm nhiệm vụ, họ đang thức canh giấc ngủ cho dân.

Thanh Sơn
.
.