60 năm nhìn lại vụ án “Tia chớp” Ro Nha

Thứ Năm, 07/09/2006, 10:30

Cách đây 60 năm, cách mạng Việt Nam đứng trước một tình thế cực kỳ hiểm nghèo. 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc Việt Nam, kéo theo một số đảng phái người Việt tay sai của chúng, hòng thực hiện âm mưu "diệt cộng, cầm Hồ", lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ. Chính phủ ta đã phải giải quyết nhiều vụ việc hết sức phức tạp liên quan đến quân Tưởng. Trong số đó, có vụ án Ro Nha tháng 3/1946.

Từ lòng căm ghét quân Tưởng

Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, gọi tắt là Việt Cách, ở Hà Nội năm 1946 có hai phái : phái yêu nước, ủng hộ Việt Minh và chính phủ Hồ Chí Minh, tích cực tham gia xây dựng chế độ mới, mà người Hà Nội gọi là "Đồng Minh Hội thật";phái tay sai của quân Tưởng Giới Thạch do Nguyễn Hải Thần cầm đầu, chống Việt Minh, chống cách mạng, mà người Hà Nội gọi là "Đồng Minh Hội giả".

"Đồng Minh Hội thật"  đóng trụ sở ở 52 phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Còn "Đồng Minh Hội giả" đóng ở 80, phố Quán Thánh. Sau khi Việt Minh và Đồng Minh Hội, phái yêu nước, ký "Tuyên ngôn Đoàn kết", Tổng bộ Việt Minh quyết định cử Thép Mới, cán bộ báo "Sự Thật", Như Phong và Hồng Hà, cán bộ báo "Cứu Quốc" vừa làm việc ở cơ quan vừa đến giúp Đồng Minh Hội ra báo "Đồng Minh" để tuyên truyền ủng hộ cách mạng, ủng hộ Cụ Hồ, đấu tranh phê phán, vạch mặt bọn "Đồng Minh Hội giả" và vô hiệu hoá báo "Đồng Minh" của Nguyễn Hải Thần.

Trụ sở báo "Đồng Minh" ở 52, Trần Nhân Tông. Hai anh Thép Mới, Như Phong không làm việc tại đây, chỉ có Hồng Hà làm Thư ký toà soạn thường trực của báo, mỗi tuần dành hai ngày đến đây biên tập, soạn bài, đem bài báo đi kiểm duyệt ở Sở Kiểm duyệt, phố Đinh Lễ, đi nhà in, trông nom việc ra báo, mỗi tuần một số. Báo còn có hai phóng viên là anh Lửa Mới, tức Tường, và anh Tử Phác, tức Kim.

Chánh án và tử tù, 60 năm sau. Ông Hồ Đức Thành (phải), đại diện Chủ tịch Chính phủ và là Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ Ro Nha năm 1946 và ông Nguyễn Phú Lâm, người bị kết án tử hình trong vụ án nói trên, sau 60 năm gặp lại nhau tại nhà riêng ông Hồ Đức Thành ở Hà Nội.
Cơ quan báo ở ngay cạnh nhà anh Hồ Đức Thành, uỷ viên Trung ương của Đồng Minh Hội, phụ trách thông tin, báo chí. Trụ sở của Hội và báo "Đồng Minh" ở phố Trần Nhân Tông được một tiểu đội vệ quốc đoàn của Hà Nội hoá trang đứng gác, bảo vệ. Trước đó, anh Bồ Xuân Luật, uỷ viên Trung ương của Hội, đã bị bọn phản động người Việt bắn trọng thương, phải nằm viện khá lâu, ra viện còn đi khập khiễng. Hai anh Lê Tùng Sơn, Trương Trung Phụng cũng là uỷ viên Trung ương của Hội, bị tướng của Tưởng là Chu Phúc Thành bắt giam khá lâu. Anh Hồ Đức Thành bị ám sát hụt. Các phóng viên báo "Đồng Minh" cũng bị bọn phản động thân Tưởng đe giết.

Một hôm, anh Hồ Đức Thành đang là uỷ viên ngoại giao của Uỷ ban Nhân dân lâm thời Bắc bộ, thạo tiếng Trung Quốc, được anh Nguyễn Xiển, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân lâm thời Bắc bộ, mời lên Bắc bộ phủ gấp. Trung ương vừa nhận được báo cáo từ Kiến An : anh em ta phục kích ở làng Ro Nha đánh một đoàn tàu chở quân Tưởng từ Hà Nội chạy về Hải Phòng, giết chết 9 lính Tưởng và lấy đi nhiều quân trang, vũ khí của chúng. Anh Nguyễn Xiển dẫn anh Hồ Đức Thành vào gặp Bác Hồ tại phòng làm việc của Bác. Vẻ mặt rất buồn, Bác nói đại ý :

Vụ Chèm, Hà Nội, người của ta giết chết gần chục lính Tưởng, làm tôi đau đầu. Đối với quân Tưởng, ta không đánh thì họ cũng phải rút. Sao anh em ta lại đi đánh họ? Bây giờ lại đến vụ Ro Nha. Ý kiến chú Thành nên giải quyết vụ này bằng cách nào?

Là người đã từng hoạt động cách mạng với Bác Hồ ở Trung Quốc, lại có kinh nghiệm xử lý nhiều vụ liên quan đến quân Tưởng đóng trên đất nước ta, anh Hồ Đức Thành xin được trình bày với Bác Hồ :

Vụ Chèm ta giải quyết chậm, bị động, để quân Tưởng chủ động làm rùm beng, đòi ta đúc người bằng vàng để bồi thường cho chúng, gây nhiều rắc rối, khó khăn cho ta. Có thể xử lý vụ Ro Nha bằng phương án "thiểm điện", tức phương án "tia chớp", nghĩa là ta chủ động giải quyết rất nhanh để bịt họng quân Tưởng, không cho chúng kịp làm to chuyện.

Nghe xong, Bác Hồ tán thành phương án "tia chớp" để xử lý vụ Ro Nha. Cán bộ ta ở Ro Nha đã hành động xuất phát từ lòng căm ghét quân Tưởng cướp bóc, giế  hại nhân dân ta, lại còn xúc phạm các nhà lãnh đạo nước ta; nhưng dù sao, phải giữ nghiêm phép nước, xử lý thích đáng những cán bộ vô kỷ luật đã gây hậu quả tiêu cực đối với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Quốc lệnh của Chủ tịch Chính phủ ngày 26/1/1946 cũng đã quy định : phải xử tử những ai vô cớ giết hại người nước ngoài. Trong tình hình căng thẳng do quân Tưởng lộng hành gây ra, bất cứ một va chạm nhỏ nào đều có khả năng dẫn đến xung đột lớn. Biết rõ tình hình đó, Bác Hồ đã nhiều lần căn dặn cán bộ và đồng bào ta: phải hết sức bình tĩnh, tránh khiêu khích đối với quân Tưởng, phải biết kiên nhẫn, có phải làm như Câu Tiễn cũng phải làm vì sự nghiệp cách mạng; đối với Trung Hoa, ta vẫn chủ trương "Việt - Hoa thân thiện", khi có xô xát phải dàn xếp sao cho "đại sự thành tiểu sự và tiểu sự thành vô sự".

Anh em ta gây ra vụ Ro Nha đã không có ý thức tổ chức kỷ luật, không nghe lời Bác Hồ, làm cho Bác buồn phiền.

 

Bản án đau lòng

Bác Hồ, sau khi trao đổi ý kiến với anh Nguyễn Xiển và các bộ nội vụ, tư pháp, giao nhiệm vụ cho anh Hồ Đức Thành đi ngay xuống Kiến An để giải quyết vụ Ro Nha và trao cho anh bản Mệnh lệnh sau đây:

Anh Hồ Đức Thành cho phóng viên báo "Đồng Minh" đi cùng xe ô tô với anh phóng nhanh về Kiến An. Ro Nha là một làng nhỏ thuộc huyện An Dương, tỉnh Kiến An, nằm cạnh quốc lộ 5, cách Hải Phòng khoảng 13km, có đường sắt Hà Nội- Hải Phòng chạy qua làng. Dân làng, ngoài nghề nông, có nghề hàng xáo và làm bánh đa rất ngon bán ở Chợ Hỗ gần làng. Đoạn đường sắt qua làng, hai bên có lùm cây, lại cách quốc lộ 5 vài trăm mét, khá kín đáo và thuận lợi cho việc một số cán bộ của ta phục kích tiến công đoàn xe quân Tưởng từ Hà Nội về Hải Phòng, giết chết 9 lính Tưởng, rồi chôn xác chúng ở vườn khoai trong làng.

Tới thị xã Kiến An, anh Hồ Đức Thành gặp anh Mai Côn, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiến An và anh Đào Văn Biểu, uỷ viên thanh tra Bắc bộ, trình bày phương án xử lý vụ Ro Nha đã được Bác Hồ chấp thuận và bàn kế hoạch lập Toà án đặc biệt, theo  Sắc lệnh số 64 của Chủ tịch Chính phủ. Anh phân tích thêm: quân Tưởng đang chờ tàu về Trung Quốc theo Hiệp ước Trùng Khánh mà chúng đã ký với Pháp ngày 28/2/1946(**). Chúng đang hoang mang, tìm cách vơ vét, cướp bóc dân ta. Bọn sĩ quan cũng đang hám tiền, mong kiếm chút của cải đem về nước. Có thể có những khả năng khác nhau để giải quyết vụ Ro Nha.

Tham gia nghiên cứu, điều tra vụ án Ro Nha có nhiều cán bộ và chiến sĩ công an làm việc ngày đêm để chuẩn bị các hồ sơ. Các đồng chí ở Toà án Kiến An giúp thiết lập Phòng xử án và các thủ tục xử án. Lãnh đạo công an tỉnh báo cáo tình hình tư tưởng, sức khoẻ của các can phạm trong vụ Ro Nha. Nơi xử án đã chuẩn bị xong. Đấy là Toà án Kiến An, nằm giữa thị xã, ở góc hai con phố, có Phòng xử án ngay lối cổng vào.

Đêm trước ngày mở phiên toà, anh Hồ Đức Thành, người được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm chủ toạ phiên toà đặc biệt, thao thức không sao ngủ được. Phải xử cán bộ Việt Minh là việc quá đau lòng. Thật là vừa giận, vừa thương anh em mình. Ta đang mong quân Tưởng rút nhanh về nước, sớm ngày nào hay ngày ấy, thì anh em ta lại gây ra vụ giết lính Tưởng. Việc này có thể tạo cớ cho quân Tưởng gây xung đột vũ trang với ta, trì hoãn việc rút quân về nước và kích động bọn tay sai của chúng làm đảo chính lật đổ chế độ cách mạng.--PageBreak--

Ngày mở phiên toà đặc biệt xử vụ án Ro Nha, người đến dự khá đông. Mười bị cáo được dẫn ra trước vành móng ngựa. Toà hỏi từng bị cáo. Sau một ngày làm việc, toà luận tội, tuyên 3 án tử hình; phải thi hành án đúng 3 ngày sau khi tuyên án. Trong số đó, có anh Nguyễn Phú Lâm, một cán bộ Việt Minh mới từ Bắc Ninh về Ro Nha tham gia tổ chức cuộc phục kích và anh Nguyễn Văn Công, một cố nông, đi làm thuê cho nhà giàu trong huyện. Nhiều người dự phiên toà khi nghe tuyên án đã oà khóc nức nở, đau thương lộ rõ trên các khuôn mặt. Riêng anh Nguyễn Văn Công đứng lên nói:

- Thưa quý toà, con làm thì con chịu. Nhà con rất nghèo. Con chỉ thương mẹ già của con, sau khi con chết, không có ai nuôi mẹ, xin toà soi xét.

Toà quyết định gia đình thuê Công đến làm phải nuôi mẹ Công cho đến khi qua đời.

Sau phiên toà, phóng viên báo "Đồng Minh" hỏi anh Hồ Đức Thành:

- Khi anh đứng lên tuyên án ở toà, trông thấy anh mặt tái đi, giọng run run, anh bị xúc động nhiều?

Anh Hồ Đức Thành nói:

- Đúng như vậy, day dứt lắm. Ruột đau như cắt mà vẫn phải cắn răng tuyên án anh em mình!

Anh Hồ Đức Thành đi tìm gặp anh Phạm Dương, chủ nhiệm Việt Minh Kiến An, bàn cách nguỵ trang ở pháp trường để khi nổ súng vẫn cứu được các tử tù. Một công việc không dễ dàng chút nào!

Anh Hồ Đức Thành ngồi vào viết bản "Bố cáo về việc xử án vụ Ro Nha", một bên chữ Hán, một bên chữ Việt, sao ra trăm bản để niêm yết suốt dọc đường từ Ro Nha đến Đồ Sơn là vùng đóng quân của sư đoàn quân Tưởng có lính bị giết ở Ro Nha. Nội dung Bố cáo đại ý: Toà án đặc biệt ở Kiến An đã xét xử vụ cướp của giết người làm phương hại đến quan hệ tình cảm Việt - Hoa. Các hung thủ đã được xét xử, trong đó ba chính phạm đã bị Toà tuyên án tử hình và đến ngày... sẽ bị hành quyết.

Mặc dù sư đoàn quân Tưởng có lính chết ở Ro Nha đóng gần thị xã Kiến An, ta không báo tin cho chúng biết để tỏ rõ ta làm theo pháp luật của một nước có chủ quyền, đồng thời đánh động gián tiếp cho chúng biết để chặn trước hành động trả đũa của chúng.

Trên đường ra pháp trường

Pháp trường được dựng lên tại đống Kênh Đào, trên cánh đồng làng Ro Nha, sát quốc lộ 5, có lễ đài nghiêm trang. Sau ngày xử án một ngày, rồi hai ngày, mà vẫn chưa thấy phản ứng gì từ phía quân Tưởng. Các cán bộ của Bắc bộ phủ cũng như của Đảng và chính quyền địa phương đều hồi hộp, bồn chồn, lo âu, vì giờ xử bắn đang đến gần. Ngày thi hành án, hơn 400 nhân dân Ro Nha kéo đến pháp trường, ba huyệt đã được đào sẵn và ba quan tài, trên có ba bó hoa đã được đặt giữa pháp trường. Nhân dân trong tâm trạng đau thương, buồn bã, ôm ba tử tù khóc. Anh Hồ Đức Thành, đại diện Chủ tịch Chính phủ, Chủ toạ phiên toà xử vụ Ro Nha, cùng nhiều quan chức khác có trách nhiệm từ thị xã Kiến An đi ô tô về phía pháp trường Ro Nha để giám thị việc thi hành án.

Xe ô tô anh Hồ Đức Thành tới cách pháp trường khoảng một trăm mét, bỗng thấy một xe sang trọng màu trắng còi inh ỏi đuổi theo phía sau. Xe anh Thành dừng lại. Xe lạ kia đỗ kề bên. Một thiếu tướng quân Tưởng nhảy ra khỏi xe, nói to:

- Tôi xin gặp quan ngoại giao Hồ Đức Thành!

Rồi hắn cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã rất công minh, nhưng xin đề nghị chưa xử bắn ngay phạm nhân. Anh Hồ Đức Thành ra vẻ chưa đồng ý và nói:

- Án đã quyết, phải thi hành. Ông chỉ đưa ra yêu cầu bằng miệng là không có giá trị. Tôi thay mặt Chủ tịch chính phủ, chứ không phải là người quyết định. Người quyết định cuối cùng là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải xin ý kiến Chủ tịch.

Viên tướng Tưởng liền rút ngay từ trong sà cột của hắn ra một công hàm đóng dấu sẵn màu đỏ, trao cho "quan ngoại giao Việt Nam". Anh Thành đọc kỹ. Công hàm thỉnh cầu hoãn xử tử để bắt phạm nhân phải bồi thường tiền cho quân đội Trung Hoa đã, bồi thường đầy đủ xong mới xử tử. Anh Thành lên xe quay về Uỷ ban tỉnh dùng điện thoại để báo cáo và thỉnh thị Bác Hồ. Đầu dây bên kia, Bác Hồ trả lời:

- Đồng ý cho hoãn thi hành án để bồi thường.

Anh Hồ Đức Thành nghẹn ngào, đến ngay pháp trường, lên lễ đài nói dõng dạc:

- Theo lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi xin tuyên bố hoãn thi hành án đối với ba tử tù.

Tiếng reo hoan hô, tiếng vỗ tay vang dậy khắp pháp trường.

Cán bộ ta cùng viên tướng sư đoàn quân Tưởng quay về Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiến An để giải quyết vấn đề bồi thường. Phía quân Tưởng đưa ra yêu sách các phạm nhân phải bồi thường cho chúng 20 vạn tiền Đông Dương. Số tiền quá lớn, ở Hà Nội, chỉ cần 2000 đồng đã có thể mua được một ngôi biệt thự. Ta đòi giảm tiền bồi thường. Quỹ của Uỷ ban Nhân dân Kiến An không còn tiền. Anh Mai Côn dự định ra phố vay tiền của dân để đưa cho quân Tưởng.

Anh Hồ Đức Thành quay sang hỏi các phạm nhân:

- Các bị cáo có đủ tiền bồi thường không?

Tử tù Nguyễn Phú Lâm trả lời:

- Xin chờ cho ít ngày để chúng tôi bảo người nhà đem bán ruộng đất đi mới có tiền bồi thường.

Chờ mấy ngày không thấy có tiền, quân Tưởng kéo đến bao vây trụ sở Uỷ ban Nhân dân Kiến An đòi gặp Chủ tịch Mai Côn để hỏi tiền bồi thường, nhưng anh Mai Côn đã lánh xa.

ít hôm sau, toàn bộ sư đoàn quân Tưởng đóng vùng Ro Nha - Đồ Sơn được lệnh xuống tàu về nước ngay. Cùng lúc, ba tử tù trong vụ Ro Nha cũng trở về với gia đình

.
.