Thiếu tá, nhà thơ Bùi Tuấn Minh: Tôi được sống cuộc đời khác trong trang viết

Thứ Năm, 30/12/2021, 14:42

Tôi có dịp ngồi nói chuyện với Thiếu tá Bùi Tuấn Minh (Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I) bên tách cà phê nóng trong buổi sáng mùa đông se se lạnh. Qua cảm nhận ban đầu, anh là người vui tính, hào sảng và lãng mạn nhưng được che đậy khéo léo bởi vẻ ngoài nghiêm nghị, hơi khó gần. Dường như ở trong anh luôn cháy âm ỉ một “ngọn lửa” đam mê văn chương khi anh chia sẻ: “Văn chương với tôi không phải là một nghề, đó là đam mê sau công việc. Người ta mê chơi lan, mê xe cộ, mê câu cá... còn tôi thì mê chữ. Khi viết, tôi được sống trong những cuộc đời khác”.

Đắm mình với những vần thơ

Đến với thơ từ khi mới nhập ngũ, dường như môi trường khắc nghiệt nhưng đầy trải nghiệm ấy đã khiến một con người sống tình cảm, lãng mạn như anh được thăng hoa, đắm mình trong cảm xúc. Anh mê thơ tình của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và Hồng Thanh Quang, nên trong những tập thơ của anh, những bài thơ tình luôn có một vị trí nhất định. Đến nay, anh đã có cho mình ba tập thơ in riêng và vài tập thơ in chung, nhiều bài thơ của anh đã được đăng trên các tạp chí văn nghệ trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.

“Tuổi đôi mươi” (NXB Văn hóa dân tộc, năm 2006) - Tập thơ đầu tiên xuất bản khi anh là học viên năm thứ 4 đại học, đó là những vần thơ mộc mạc, đầy chất “tình” của người lính tuổi còn đôi mươi: “Giấu nỗi nhớ em xuống đáy ba lô/ Như khát khao chẳng nói được thành lời/ Ngày xa em dài như câu chuyện kể/ Bóng hoàng hôn biêng biếc phía chân trời…”. Đến tập thơ “Tâm giao người lính” (NXB Công an nhân dân, năm 2012) và tập thơ “Chạm” (NXB Công an nhân dân, năm 2018) độ “chín” trong thơ của anh đã khác hẳn: “Muốn nói lời yêu cho ai đó hôm nay/ Bởi ngày mai lại già thêm một tuổi/ Tháng chạp xô bồ nên ta cứ vội/ Liệu thành ai trong một kiếp luân hồi…”, “Thôi hãy để gặp nhau là bối rối/ Đừng suy tư đừng hy vọng quá nhiều/ Ta không nghĩ giống nhau về hạnh phúc/ Phút xao lòng này đáng giá bao nhiêu…”.

bùi tuấn minh 1.jpg -0
 Thiếu tá, nhà thơ Bùi Tuấn Minh.

Rồi khi đọc những bài thơ gần đây của anh, tôi càng thấy sự già dặn, có đầy sự trải nghiệm trong mỗi câu từ: “Giọt buồn anh rót vào ly/ Đợi ngày mưa gió uống thi với trời/ Nụ cười em lỡ đánh rơi/ Một ngày nắng đổ lại chơi vơi buồn”. Anh cười tủm tỉm nói thơ anh chân chất, đơn giản nhưng khi đọc, tôi lại không nghĩ thế. Những câu thơ tưởng đơn giản về ngôn ngữ lại bao hàm cách ẩn dụ độc đáo, tinh tế, sáng tạo khiến người đọc cảm nhận được cái hay, cái chất trong từng vần thơ. Anh háo hức nói với tôi về dự định sang năm anh sẽ xuất bản tập thơ mới. Đó là bức tranh đa chiều của cảm xúc, trong đó có gia đình, đồng đội và đương nhiên là có cả tình yêu.

Định danh với truyện ngắn

Người chiến sĩ Công an nhân dân làm thơ và làm tôi bất ngờ hơn cả là gần đây tôi thấy một số truyện ngắn của anh được đăng trên các tạp chí, báo văn nghệ. Hỏi thì anh bảo: “Tôi làm thơ cho mình, còn viết truyện ngắn cho mọi người”. Anh kể rằng một số bạn văn khi đọc thơ anh thấy trong đó sự trải nghiệm nên khuyến khích anh thử viết truyện ngắn xem sao và anh đã thử sức mình. Kết quả là chất văn trong truyện ngắn của anh đã có vị trí nhất định trong lòng người đọc, dù anh mới bắt đầu viết truyện cách đây vài ba tháng.

Truyện ngắn “Căn phòng màu trắng” của anh giành giải Nhì cuộc thi viết truyện ngắn của Quán Chiêu Văn (không có giải Nhất) - một group văn chương lớn trên mạng xã hội - tác phẩm sau đó đã đăng trên Báo Văn nghệ Công an, rồi truyện ngắn “Một lần triệu tập vào cơ quan” của anh đã giành giải Ba trong cuộc thi viết “Tiếp sức nơi tuyến đầu chống dịch” do Công đoàn Công an nhân dân tổ chức… và mới đây là truyện ngắn “Bên kia song” cũng được tin trên Báo Văn nghệ Công an được bạn đọc phản hồi rất tốt.

Anh nói rằng, thơ và truyện ngắn mỗi thể loại đều có những điều thú vị riêng, có những cảm xúc sẽ thành thơ nhưng có những ý tưởng nếu là truyện sẽ phù hợp hơn. Với truyện ngắn có nhiều lĩnh vực, đề tài để sáng tạo, những giải thưởng không phải là mục đích cuối cùng, được ghi nhận là vui, không được cũng chẳng sao. Cũng có những khen chê, nhưng điều quan trọng là anh thấy tâm hồn của mình được giải phóng vì khi viết truyện ngắn, anh như được hóa thân vào nhân vật và cuộc đời của họ. Anh sảng khoái khi nhắc lại câu nói của một nhà văn trẻ trong lực lượng Công an nhân dân mà anh rất tâm đắc: “Viết văn là cách để chúng ta cùng lúc được sống nhiều cuộc đời”. Quả thật, khi đọc truyện ngắn của anh, tôi thấy anh như một ảo thuật gia đang tự biến hóa cuộc đời của mình.

May mắn trong đam mê

bùi tuấn minh 2.jpg -0
Những tập sách của Thiếu tá, nhà thơ Bùi Tuấn Minh đã được xuất bản.

Tốt nghiệp chuyên ngành Đặc công biệt động, Trường Sĩ quan Đặc công năm 2007, anh chuyển ngành sang lực lượng Công an nhân dân, làm giáo viên Khoa Đặc nhiệm, Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang. Năm 2011 anh được điều động đến nhận công tác tại Phòng Chính trị và công tác tại đó cho đến nay. Nhiệm vụ chính của anh là công tác Đảng, công tác của Ủy ban kiểm tra.

Ngoài ra, anh còn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm công tác quần chúng, giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn trường rồi Chủ tịch Công đoàn Trường Trung cấp Cảnh sát Vũ trang. Từ năm 2020, sau khi sáp nhập các trường Công an nhân dân, anh giữ chức Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I.

Dù ở bất kỳ cương vị nào, anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2019 anh được tuyên dương là một trong 30 Chủ tịch Công đoàn xuất sắc trong Công an nhân dân. Nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cơ sở, đặc biệt năm 2020 anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng.

Vẫn biết nhiệm vụ văn hóa cũng là nhiệm vụ chính trị đối với mỗi cán bộ chiến sĩ, nhưng nếu có sự đầu tư đúng hướng và duy trì niềm đam mê, tôi nghĩ chắc chắn rằng anh sẽ còn tiến xa hơn nữa. “Tôi luôn thắp sáng trong mình cảm xúc để viết mỗi khi có cơ hội. Văn thơ làm tôi thấy yêu đời, là “liều thuốc tinh thần” để tôi thực hiện tốt những nhiệm vụ chuyên môn khác. Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường luôn ủng hộ, tạo điều kiện hết mức cho tôi được sống cùng đam mê viết lách, thậm chí có đồng chí lãnh đạo còn gặp gỡ, định hướng nội dung viết, không phải ai cũng có được may mắn ấy”, anh mỉm cười chia sẻ.

Viết về lực lượng là trách nhiệm

Anh vẫn tự trách mình vì môi trường anh công tác là “mảnh đất màu mỡ” nhưng bản thân lại chưa mạnh dạn khám phá, phát huy khả năng sáng tạo về đề tài này. Cho đến khi Bộ Công an tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Cây bút vàng, anh được mời dự và có dịp gặp gỡ một số nhà văn đoạt giải, như: Tống Phước Bảo, Phan Đức Lộc, Nguyễn Thu Hà… Khi đọc những tác phẩm của họ, được tiếp xúc những với những tác giả ấy, anh thấy mình phải có trách nhiệm với lực lượng, dặn lòng mình phải sáng tác nhiều hơn về đề tài an ninh trật tự, về những chiến công, những hình ảnh đẹp đẽ của người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Nghe anh trò chuyện, tôi thật sự rất háo hức chờ đợi những tác phẩm mới của anh. Dẫu biết con đường văn chương chưa khi nào là dễ dàng cả, nó luôn chứa đựng những nhọc nhằn, nghiệt ngã nhưng với sự nhập cuộc đầy tự tin, với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ Công an nhân dân, với sự tâm huyết và niềm đam mê cháy bỏng của cây bút thế hệ 8X sẽ giúp anh sớm gặt hái được những “trái ngọt” và khẳng định được chỗ đứng trong văn đàn của lực lượng.

Ngô Khiêm
.
.