Sức sống đề tài chiến tranh cách mạng trên sân khấu Kịch CAND
Chiếm một số lượng đáng kể trong số các tác phẩm của sân khấu Kịch CAND, các vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng không chỉ thu hút đông đảo khán giả mà còn mang về nhiều giải thưởng, huy chương cho các nghệ sĩ, góp phần làm nên thương hiệu của Kịch CAND thời gian qua.
“Bản danh sách điệp viên” – vở kịch kinh điển
Ra đời vào thập niên 70 của thế kỷ trước đó bởi những người hoạt động sân khấu không chuyên, vở kịch “Bản danh sách điệp viên” kể về những chiến công, hy sinh thầm lặng của điệp báo Công an Hà Nội trong kháng chiến. Đây cũng là một trong những vở kịch về đề tài phản gián thành công nhất của sân khấu Kịch CAND. Tác phẩm được một cựu điệp báo dàn dựng từ kịch bản của tác giả Kim Báu. Đó là ông Kim Sơn – người từng góp phần làm nên nhiều chiến công của lực lượng CAND, trong đó có vụ đánh đắm chiến hạm Amyot D'Inville của Pháp tại Thanh Hoá năm 1950.
Vở kịch lấy bối cảnh Thủ đô Hà Nội năm 1954 – 1955, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, thực dân Pháp rút quân khỏi Việt Nam, cài lại một mạng lưới gián điệp tại Hà Nội. Đế quốc Mỹ lăm le thế chân Pháp. Cả chính quyền Việt Minh và Mỹ đều quyết tâm giành bằng được bản danh sách điệp viên – mạng lưới tình báo của Pháp tại Hà Thành. Đại uý Henry Thọ - chiến sĩ điệp báo thâm nhập hàng ngũ kẻ địch.
Trong cuộc đấu trí căng thẳng với lực lượng tình báo cáo già của phòng Nhì Pháp, tình báo sừng sỏ - CIA của Mỹ, Henry Thọ đã nỗ lực lấy được bản danh sách, với sự hỗ trợ của các đồng đội. Nhưng, để lập nên chiến công ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng điệp báo Việt Minh đã anh dũng hy sinh, trong đó có Huệ - người con gái làng hoa Ngọc Hà và cũng là người yêu của Henry Thọ…
Ngay từ khi ra mắt, “Bản danh sách điệp viên” đã chinh phục đông đảo khán giả, với các suất diễn liên tục “cháy vé”. Theo nhiều người trong nghề ngày ấy, chính những chi tiết đắt giá mà chỉ có những người trong cuộc như đạo diễn Kim Sơn đưa vào vở diễn đã góp phần đáng kể làm nên thành công của vở diễn này.
Trong hơn nửa thế kỷ tiếp theo, “Bản danh sách điệp viên” vẫn được nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tư, dàn dựng và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, góp phần làm nên tên tuổi của diễn viên nhiều thế hệ. Với sân khấu Kịch CAND (trước đây là Đoàn Kịch nói CAND, nay là Nhà hát Kịch CAND), tác phẩm có nhiều bản dựng khác nhau. Trong đó, bản mới nhất được Nhà hát CAND chọn dựng lại vào năm 2022, đúng dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm Ngày thành lập Nhà hát CAND.
Lần này, vở diễn do NSND Lê Hùng đạo diễn, có sự tham gia diễn xuất của NSND Hồng Tuấn, NSƯT Hồng Quân, Bảo Thanh, Quốc Thắng, Trịnh Huyền, Thu Hà, Việt Tùng, Trần Tuấn, Bảo Châu, Sùng Lãm, Ngọc Dương, Trung Tuấn, Hải Trung, Ánh Hồng. Trong năm 2023-2024, tác phẩm vẫn được Nhà hát CAND tổ chức biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là vào những ngày lễ lớn của đất nước và lực lượng CAND.
Nhiều vở diễn được trao giải thưởng cao
Cùng làm nên thành công của Kịch CAND trong những năm gần đây còn có nhiều vở diễn khác về mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Trong đó, vở “Người tù trao áo” (kịch bản: Bùi Vũ Minh) đã giúp nhiều thế hệ nghệ sĩ CAND tỏa sáng trên sân khấu. Tập trung ca ngợi cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của những chiến sĩ yêu nước trong nhà tù Côn Đảo vào nửa đầu thế kỷ XX, nội dung vở kịch dựa trên câu chuyện về người cán bộ cách mạng Vũ Văn Hiếu, Bí thư Khu ủy đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo. Trước lúc hy sinh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy đã trao lại tấm áo duy nhất cho đồng chí Ba Duẩn (Tổng Bí thư Lê Duẩn sau này).
Bản dựng năm 2015 do NSND Lê Hùng đạo diễn từng tạo dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả và người làm nghệ thuật sân khấu tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015. Đến năm 2020, vở kịch tiếp tục được Nhà hát CAND đầu tư lại, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng. Thông qua vở diễn, khán giả hiểu thêm những mất mát, hy sinh to lớn của những người chiến sĩ cộng sản tiền bối như Lê Hồng Phong, Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Văn Cừ…
Thành công của Kịch CAND về mảng đề này không thể không kể đến vở “Gặp lại người đã chết” được Đoàn Kịch nói CAND (nay là Nhà hát CAND) dàn dựng nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ nêu Sáu điều dạy về Tư cách người Công an cách mệnh, 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Vở diễn do đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng theo kịch bản của Tiến sĩ, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương. Nội dung vở kịch nói về cuộc chiến đấu anh dũng của những người con trung hiếu trong lực lượng Công an. Ở đó, sau mỗi chiến công là không ít máu và nước mắt của các cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, vở kịch có nhiều chi tiết về người thật, việc thật, được khai thác từ bút ký của nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND Phạm Văn Quyền.
Tác phẩm được ví như khúc tráng ca về lực lượng CAND chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngay từ khi mới ra mắt, vở diễn đã chinh phục đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Tác phẩm cũng đã được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. Cũng với vở kịch này, năm 2020, Nhà hát CAND tiếp tục được trao giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đây cũng là 1 trong 2 tác phẩm sân khấu được trao giải B (không có giải A) của Ban Tuyên giáo Trung ương trong đợt này.
Đa dạng và sức sống bền lâu
Theo Đại tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Kịch CAND, các vở kịch mang tính chính luận là thế mạnh của Nhà hát và hướng tới đáp ứng cùng lúc nhiều tiêu chí. Cùng với phục vụ nhiệm vụ chính trị, các tác phẩm thu hút khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Các vở diễn về mảng đề tài chiến tranh cách mạng không là ngoại lệ.
Ngoài các vở kịch có nguồn kinh phí đầu tư của Bộ Công an, Nhà hát còn vận động nguồn kinh phí xã hội hóa. Vở kịch “Duyên định” là tác phẩm của Nhà hát dàn dựng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, được NSND Lê Hùng dàn dựng theo kịch bản văn học của Tiến sĩ sử học Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tác phẩm ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (giai đoạn 1972-1975). Đây cũng là tác phẩm gửi gắm thông điệp về khát vọng hòa bình thể hiện lòng vị tha, bao dung, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam.
Vở kịch “Con đò của mẹ” (tác giả kịch bản: Bùi Vũ Minh, đạo diễn: NSND Lê Hùng) tôn vinh người mẹ Việt Nam anh hùng. Tác phẩm ngợi ca sự hy sinh cao cả của một gia đình cách mạng, đặc biệt là sự hy sinh của người vợ, người mẹ trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đây cũng là một trong những vở diễn mà lãnh đạo và các nghệ sĩ của Nhà hát hài lòng nhất trong năm 2020. Cùng với sự đón nhận của khán giả, tác phẩm được giới chuyên môn ghi nhận với Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021.
Vở “Đường về miền nhớ” (tên gọi khác là “Người không cô đơn”) cũng khai thác về mảng đề tài nói trên nhưng không có cảnh bom rơi, đạn nổ, đấu trí căng thẳng như nhiều vở diễn trước. Ở tác phẩm này, chiến tranh với những hậu quả tàn khốc của nó hiện diện qua những hệ lụy để lại lâu dài thời hậu chiến. Vở kịch đồng thời chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa về tình người, về lòng nhân ái, sự bao dung, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.
NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền cho biết, mặc dù các vở diễn nói trên đã được đầu tư dàn dựng từ một hay nhiều năm trước, song đến nay, đây vẫn là các tác phẩm được Nhà hát chọn biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân và mỗi suất diễn vẫn luôn thu hút đông đảo khán giả.