PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Đam mê với công tác bảo tàng

Thứ Hai, 31/07/2023, 06:24

Mặc dù nghỉ hưu đã lâu, nhưng PGS. TS Nguyễn Văn Huy vẫn miệt mài làm việc và ông vẫn rất bận rộn. Trang facebook của ông thường xuyên đăng tải những bức ảnh ông đi công tác khắp nơi, khi thì một triển lãm ở Hà Nội, mấy hôm sau ông đã ở tận Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… Niềm đam mê với bảo tàng vẫn còn nguyên vẹn.

Với chuyên môn về dân tộc học và bảo tàng học của ông, ông được rất nhiều bảo tàng và các cuộc trưng bày, triển lãm cần tham vấn.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy tốt nghiệp ngành Lịch sử -Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là con trai của Cố GS, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, con gái của Quan tổng đốc Thái Bình, Hà Đông Vi Văn Định, ông Huy đã được hưởng trọn vẹn nền nếp, sự giáo dục nghiêm túc của gia đình mình.

anh bai pho giao su nguyen van huy.jpg -0
PGS.TS Nguyễn Văn Huy và khách tham quan tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.

Nếu ai đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở làng nhiếp ảnh Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, sẽ thấy một công trình bảo tàng kể chuyện về gia đình Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, do chính ông Huy thành lập. Bên cạnh những tài liệu hiện vật, những bức ảnh về gia thế, những câu chuyện về hôn nhân của bố mẹ ông, về nuôi dạy con cái thì ở đây còn trưng bày nhiều bản thảo, bút tích về các công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên, một nhà nghiên cứu dân tộc học, xã hội học trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục cùng nhiều tư liệu quý liên quan đến 30 năm hoạt động quản lý giáo dục của ông Huyên trong suốt thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bảo tàng đã trở thành một điểm đến thú vị cho nhiều người, nhiều đoàn khách tham quan và đặc biệt là những đoàn học sinh đến để nghiên cứu, học tập.

Tuy có nhiều năm làm công tác về Dân tộc học và Xã hội học, nhưng trước khi nghỉ hưu, ông Huy có 10 năm làm Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Bảo tàng Dân tộc học của ông được xem là nơi mở ra nhiều hướng đi mới trong các hoạt động trưng bày, trình diễn di sản phi vật thể, giáo dục trải nghiệm để thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Nằm trên con đường Nguyễn Văn Huyên – con đường mang tên người cha của ông Huy, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là nơi hội tụ di sản văn hóa của rất nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những đặc điểm văn hóa, nếp sống riêng vô cùng phong phú. Là giám đốc bảo tàng, ông luôn trăn trở với câu hỏi làm như thế nào bảo tàng có thể thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Những đồ vật lặng im kia, làm thế nào để nó cất lên tiếng nói, mang thông tin thú vị đến với người xem?

Đi nhiều, đối thoại, tìm hiểu, quan sát nhiều về đời sống của các tộc người, ông hiểu, chỉ đơn thuần bày những hiện vật trên trưng bày thì không đủ để truyền tải thông điệp về sức sống và đời sống văn hóa của người dân.

Ông luôn yêu cầu và nhấn mạnh những người làm trưng bày phải biết kể chuyện, mỗi câu chuyện phải thông điệp rõ ràng; hiện vật hay nhóm hiện vật đưa lên trưng bày phải thành câu chuyện phục vụ cho thông điệp. Nhiều câu chuyện nhỏ để chuyển tải một thông điệp lớn. Đó là cách thổi hồn vào hiện vật vốn không biết nói. Ông thúc đẩy các câu chuyện trên trưng bày phải gắn với những hình ảnh động phản ánh chân thực thực hành một phong tục hay nghi lễ. Những clip về cuộc sống, tạo ra những hình ảnh trực quan sinh động sẽ thu hút người xem.

Ông cũng là người đầu tiên cho dựng trực tiếp những ngôi nhà nguyên gốc của các dân tộc trong không gian bên ngoài bảo tàng như nhà Rông, nhà Dài; bảo tồn nó bằng những vật liệu vốn được sử dụng từ vùng miền đó, thợ cũng trực tiếp từ người dân ở các buôn làng. Khách tham quan có thể trực tiếp bước chân vào ngôi nhà và tìm hiểu phong tục, tập quán, nếp sống của người dân. Trải nghiệm những bậc thang gỗ, mái tranh lợp mái của những ngôi nhà Rông Tây Nguyên cao vút hoặc những ngôi nhà dài tít tắp của những tộc người sống theo chế độ mẫu hệ, một điều mà nhiều khách tham quan, nếu không có dịp đi Tây Nguyên, sẽ không bao giờ bước đến những ngôi nhà này. Cách bảo tồn di sản nguyên gốc và tôn trọng chủ thể văn hóa này mang lại một nét đặc trưng riêng gây tò mò cho khách thăm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. 

Có thể nói đây là một sự đổi mới thú vị, và nếp làm việc ấy hiện vẫn được duy trì trong thời điểm hiện nay của bảo tàng. Những ngôi nhà nguyên mẫu, sau nhiều năm mưa nắng, có xuống cấp cần sửa chữa, Bảo tàng vẫn giữ nếp cũ, lại mời những người thợ tận Tây Nguyên hay người Mông đến để bảo trì, sửa chữa. Ngoài những ngôi nhà Rông, nhà Dài, những ngôi nhà đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ với nếp sống thuần nông, bếp củi nhóm lửa, hay kiến trúc nhà cổ cũng được phục dựng trong khuôn viên rộng rãi của Bảo tàng, khiến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành điểm đến thú vị cho khách tham quan.

Sau khi nghỉ hưu, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy vẫn miệt mài làm việc. Là Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam suốt hơn 15 năm qua ông đã góp phần quan trọng tạo ra một hoạt động bảo tồn di sản chưa từng có tiền lệ. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tọa lạc ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình là một khu du lịch sinh thái, trong đó hạt nhân là hoạt động dành cho việc lưu giữ, trưng bày các tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực, các chuyên ngành. Rất nhiều tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời của khoảng 3.000 nhà khoa học trong cả nước đã được cứu vớt, sưu tầm và bảo quản lâu dài.

Vì với sự thay đổi của công nghệ hiện nay, các trưng bày cũng luôn phải cập nhật để có cách làm mới, có nhiều sáng tạo. Ông Huy thường đến các triển lãm, các trưng bày để học hỏi.

Ở triển lãm Cầu Long Biên của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, người ta đã sử dụng không gian lớn, tấm áp phích lớn; tư liệu chữ viết được “bắn” lên đó với kích cỡ to, rõ nét; hoặc người làm trưng bày đã sử dụng cả những cái cột nhà to, lồng chữ viết, hình ảnh, những nét vẽ phá cách vào đó để tạo nên sự sinh động. Đến mỗi nơi, ông đều quan sát kỹ lưỡng cách thức trưng bày, làm sao để thông tin hiện vật đến với người xem một cách trực quan nhất. Xu hướng trưng bày hiện nay, người xem không chỉ xem bằng mắt, nghe bằng tai, mà đòi hỏi được trực tiếp trải nghiệm. Triển lãm ở Bảo tàng Phụ nữ về cuộc sống của những người ở trọ Hà Nội, khách tham quan có thể bước vào căn nhà trọ vài mét vuông của những người quê ra thành phố; hay những trưng bày mới đây về Quốc Tử Giám trong Trung tâm Văn Miếu-Quốc Tử Giám có cách kể chuyện mới mẻ về một chủ đề mà rất ít hiện vật giúp người xem cảm thấy như bước vào không gian dạy và học xưa.

 Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mới được khai tương, có một chi tiết rất độc đáo, đó là tòa nhà Bảo tàng, nơi lưu giữ những di vật về Đại tướng được xây dựng theo nguyên mẫu ngôi nhà Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1958 đến năm 1986 tại số nhà 34, Lý Nam Đế, Hà Nội. Đó cũng là một cách làm mới, sáng tạo của những chủ thể văn hóa. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy thường tâm đắc với những cái mới của mỗi cuộc trưng bày và chia sẻ cùng các bạn đồng nghiệp.

Khánh Linh
.
.