Di tích Căn cứ Sở Nhỏ – Ban An ninh Bình Phước: Dấu ấn hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ
Nằm sâu trong cánh rừng già tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, Di tích Căn cứ Sở Nhỏ – Ban An ninh Bình Phước là một địa chỉ đỏ của vùng đất Đông Nam Bộ. Đây từng là một trong những căn cứ trọng yếu của Công an tỉnh Bình Phước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gắn liền với biết bao chiến công oanh liệt, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường và sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ ngành Công an.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Phước – đặc biệt là khu vực Bù Đốp được xem là cửa ngõ quan trọng nối liền miền Đông Nam Bộ với hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh trên đất bạn Campuchia. Với địa hình rừng núi hiểm trở, dày đặc cây rừng, nơi đây trở thành căn cứ lý tưởng cho cách mạng tổ chức hoạt động, triển khai lực lượng đánh địch.

Căn cứ Sở Nhỏ được xây dựng trong thời kỳ ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, trụ sở hoạt động của Ban An ninh tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước), tọa lạc ở vùng rừng sâu, nơi có điều kiện thuận lợi để ngụy trang, phòng thủ và tổ chức lực lượng. Căn cứ Sở Nhỏ đã trở thành "bộ não" chỉ đạo các hoạt động tình báo, an ninh, bảo vệ nội bộ và phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân địa phương. Từ đây, những kế hoạch bảo vệ cán bộ, bảo vệ thông tin liên lạc, tổ chức giao liên, phát hiện và vô hiệu hóa gián điệp địch đã được triển khai chặt chẽ, góp phần giữ vững thế trận an ninh - một yếu tố then chốt để đảm bảo thành công cho các chiến dịch lớn nhỏ của lực lượng vũ trang cách mạng trên toàn khu vực.
Lực lượng Công an Bình Phước đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Quốc gia Tự vệ Cuộc, Ty Công an (1945 - 1954), Ban Địch tình (1954 - 1960), Ban An ninh Bình Long, Ban An ninh Phước Long (1961 - 1971), Ban An ninh Phân khu 10 (Ban An ninh Phân khu Bình Phước, 1971 - 1972), Ban An ninh tỉnh Bình Phước (1972 - 1975). Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, trở thành huyện đầu tiên của miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng thời là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và điểm cuối của Đường mòn Hồ Chí Minh. Do vị trí chiến lược quan trọng, nhiều cơ quan quân sự như Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Tham mưu… đã lựa chọn Lộc Ninh làm căn cứ. Nhằm bảo vệ Đảng và chính quyền cách mạng, Ban An ninh Bình Phước được thành lập. Tổng số cán bộ, chiến sĩ của Ban An ninh Bình Phước lúc bấy giờ khoảng 100 người.
Để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và chống lại các hoạt động phá hoại, gián điệp, biệt kích của địch, Ban An ninh Bình Phước đã di chuyển từ Căn cứ Suối Cát (trước là xã Thượng Kiệm, nay là xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập) về Căn cứ Sở Nhỏ tại xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (1972 - 1975). Ban An ninh Bình Phước hoạt động tại Căn cứ Sở Nhỏ từ năm 1972 cho đến Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là căn cứ cuối cùng và cũng là nơi Ban An ninh Bình Phước đóng quân lâu nhất. Căn cứ được xây dựng trong khu trồng cao su, sử dụng tranh tre, nứa lá, mái lợp bằng lá trung quân. Các công trình theo lối bán âm (nửa chìm nửa nổi), với hệ thống hầm hào bao quanh nhằm đảm bảo an toàn và bí mật.
Lãnh đạo Ban An ninh Bình Phước chọn Sở Nhỏ làm căn cứ, vì nơi đây chỉ cách các cơ quan của Tỉnh ủy và các ban, ngành trong bán kính khoảng 8km, vừa đảm bảo bí mật, vừa thuận tiện cho việc tiếp nhận chỉ đạo kịp thời. Căn cứ không chỉ là nơi làm việc, mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đồng thời phục vụ tăng gia sản xuất nhằm cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ. Kế thừa và phát huy thành quả của lực lượng An ninh Phân khu Bình Phước, Ban An ninh Bình Phước tiếp tục chỉ đạo lực lượng an ninh các huyện, xã nắm chắc tình hình địch, bảo vệ Đảng, vùng giải phóng và chuẩn bị mọi điều kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị, quân sự và ngoại giao.
Ngay từ khi thành lập, Ban An ninh Bình Phước đã thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Trong suốt quá trình hoạt động, Ban An ninh Bình Phước đã lập nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có những chiến công góp phần bảo vệ an toàn cho đồng bào vùng giải phóng. Đặc biệt là lực lượng An ninh Bình Phước phối hợp cùng lực lượng An ninh huyện Lộc Ninh bảo vệ an toàn Lộc Ninh. Từ năm 1972 đến ngày 30/4/1975, lực lượng An ninh Bình Phước đã góp phần bảo vệ vững chắc thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Lộc Ninh.
Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, Căn cứ Sở Nhỏ trở thành một di tích lịch sử quan trọng, được tỉnh Bình Phước quan tâm đầu tư, trùng tu và gìn giữ như một biểu tượng của truyền thống cách mạng vẻ vang. Căn cứ Sở Nhỏ - Ban An ninh Bình Phước đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 19/4/2018.
Di tích không chỉ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, mà còn là địa điểm nghiên cứu quý giá về lịch sử ngành Công an trong thời kỳ kháng chiến. Tại đây, những hoạt động tưởng niệm, dâng hương, tái hiện lịch sử, tổ chức sinh hoạt truyền thống cho đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên được tổ chức thường xuyên, góp phần làm sống lại ký ức hào hùng của một thời “gan không núng, chí không mòn”.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Căn cứ Sở Nhỏ là một phần trong chiến lược bảo tồn hệ thống di tích cách mạng kháng chiến của tỉnh Bình Phước. Di tích Căn cứ Sở Nhỏ là minh chứng sống động cho sự hy sinh thầm lặng mà vĩ đại của lực lượng CAND trong kháng chiến. Đó không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, mà còn là nơi hun đúc tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến cả cuộc đời cho độc lập, tự do của dân tộc.
Khu vực này thời Pháp thuộc là nơi đặt trụ sở của Sở Cao su Prelin nên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thường gọi là Căn cứ Sở Nhỏ. Nơi đây là căn cứ bí mật, có quy mô nhỏ gọn, được xây dựng bằng các vật liệu thô sơ như gỗ, tranh, nứa, được ngụy trang khéo léo dưới tán rừng dày đặc. Tuy đơn sơ nhưng lại được tổ chức rất khoa học, có hệ thống hầm trú ẩn, giao thông hào, các lán làm việc, lán ở, lán hội họp… Tất cả đều mang đậm dấu ấn của một thời chiến tranh gian khổ mà oai hùng. Đặc biệt, trong suốt thời gian hoạt động, Căn cứ Sở Nhỏ từng nhiều lần bị quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn phát hiện và tổ chức càn quét, thả bom, rải chất độc hóa học. Song nhờ sự mưu trí, gan dạ và tinh thần đoàn kết, cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn giữ vững vị trí, bảo vệ an toàn cho lực lượng và bí mật quân sự…