Nỗ lực bảo quản nguồn tư liệu Hán Nôm trong cộng đồng

Thứ Tư, 08/08/2018, 09:31
Hiện nay, rất nhiều dòng họ ở tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn còn lưu giữ các văn bản tư liệu Hán Nôm quý giá có từ thời Lê, Tây Sơn đến thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Tuy nhiên, công tác bảo quản, giữ gìn để phát huy giá trị của các tư liệu quý này đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với cơ quan chức năng...


Những tư liệu, văn bản Hán Nôm là các văn bản hành chính, pháp luật, đất đai, gia phả, hương ước, sắc phong, chiếu chỉ, ngự bút… của các vua, qua mỗi triều đại. 

Đáng tiếc là trải qua thời gian dài do chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt nên có không ít tư liệu, văn bản Hán Nôm quý giá được lưu giữ ở các phủ đệ, làng, xã của tỉnh Thừa Thiên-Huế bị hư hỏng, thất lạc và thậm chí bị kẻ gian lấy trộm. 

Tình trạng bị mất cắp, thất lạc các loại gia phả, sắc phong chiếm phần lớn như gia phả nhà thờ họ Lê (Lê Văn Duyệt) ở Phú Mộng thuộc phường Kim Long, TP Huế; 10 sắc phong ở đình làng Lương Quán, phường Thủy Biều, TP Huế; một số văn bản Hán Nôm quý ở đình làng Dã Lê, phường Thủy Phương và đình làng Thanh Thủy Thượng, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy… 

Mới đây, khi đoàn chuyên gia của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên-Huế và các cơ quan liên quan tiến hành công tác khảo sát tư liệu Hán Nam tại làng Nghĩa Lập (xã Vinh Phú, huyện Phú Vang) để thực hiện số hóa thì phát hiện trong số 22 sắc phong và 1 địa bạ thời vua Gia Long được người dân làng này lưu giữ cẩn thận, nhưng vẫn có nhiều sắc phong bị mục nát không thể phục hồi như cũ. 
Các chuyên gia thực hiện số hóa tư liệu Hán Nôm tại làng Nghĩa Lập, xã Vinh Phú. 

Hay như đình làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc) cũng đang lưu giữ một hòm bộ chứa hơn 1.000 trang văn bản Hán-Nôm ghi chép việc làng từ thời điểm khai canh lập làng đến thời vua Tự Đức (1848-1883). 

Ông Nguyễn Hải, Trưởng ban nghi lễ làng Mỹ Lợi, cho hay: “Trong số các văn bản, quý giá hơn cả là những tư liệu Hán Nôm nói về việc triều Nguyễn cắt cử quan quân ra đo đạc, trấn giữ Hoàng Sa. Vì thế, làng đã trao những văn bản gốc cho Bộ Ngoại giao để quản lý, bổ sung bằng chứng nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác bảo quản các tư liệu Hán Nôm quý giá còn lại để tránh mất mát, hư hỏng”. 

Sắc phong triều Nguyễn của làng Nghĩa Lập, xã Vinh Phú (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đã bị hư hỏng.

Qua lời ông Hải nói mới hiểu thêm được rằng, không những các dòng tộc ở làng Mỹ Lợi mà người dân nhiều địa phương trên địa bàn Cố đô Huế đã xem những tư liệu Hán-Nôm như sắc phong, chiếu chỉ, ngự bút như là những “báu vật” vô giá và họ đã ra sức gìn giữ, bảo vệ từ đời này sang đời khác.

Để các văn bản, tư liệu Hán-Nôm quý giá không bị mất mát, thất lạc, nhiều năm qua, ngành Văn hóa cùng các cơ quan chức năng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã nỗ lực trong công tác sưu tầm, số hóa di sản Hán Nôm trên địa bàn. 

Cụ thể, suốt gần 10 năm qua (từ năm 2009 đến 2018), Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên-Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã phối hợp thực hiện sưu tầm, số hóa khoảng 229.200 trang tài liệu, tư liệu Hán Nôm, hơn 10.000 sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ được lưu giữ ở 14 phủ đệ, 100 làng, đền thờ cùng 492 họ tộc. 

Đặc biệt, 2 đơn vị này đã số hóa được tất cả bộ “Hoàng Việt luật lệ” thời vua Gia Long, nhiều sách đồng ở phủ Hàm Thuận Công và nhà thờ họ Nguyễn đóng ở phường Phú Hội, TP Huế cùng các sắc phong, chế phong có chất liệu bằng vải lụa ở phủ Kiến Hòa Quận Công, Phủ Hàm Thuận Công, Phủ thờ họ Nguyễn Phúc Tộc… 

Ông Phạm Xuân Phượng, Thư ký Hội đồng khoa học Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên-Huế, chủ trì đề tài sưu tầm, số hóa di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh cho biết, ngoài các tư liệu, văn bản quý đã được số hóa thì có đến 40% văn bản Hán Nôm là các sắc phong, chiếu chỉ ở các làng xã đã bị hư hỏng mà nguyên nhân là do người dân đã cuộn, bọc kỹ các loại văn bản này trong túi nilon kín dẫn đến ẩm mốc. Như sắc phong tại làng Dạ Lê Chánh (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) bị hư hỏng hoàn toàn.

Với mong muốn không có thêm bất kỳ một văn bản Hán-Nôm nào có giá trị bị hư hỏng, thất lạc, thời gian qua, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên-Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã tích cực phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ thư viện tuyến huyện, các bảo tàng, hướng dẫn các tư gia, dòng họ và các làng xã về công tác kỹ thuật bảo quản tài liệu cổ. 

Ngoài ra, các đơn vị còn chú trọng ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào công tác số hóa với hy vọng trong thời gian đến, sẽ có thêm nhiều văn bản, tư liệu Hán Nôm được bảo quản, lưu giữ tốt hơn; góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản Hán Nôm đến cộng đồng.

Anh Khoa
.
.