Những người thợ “thổi hồn” vào giấy
- Làng nghề nặn tượng ông Táo xứ Huế “đến hẹn lại lên”
- Làng nghề truyền thống Hà Nội chủ động vượt qua dịch COVID-19
Nằm ở hạ lưu dòng sông Hương thơ mộng, những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người dân ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu càng thêm tất bật. Người này vót tre, người kia cắt dán giấy màu để kịp làm hoa giấy bán cho người dân trưng Tết.
Vừa hoàn thành cây hoa giấy với đủ các loại hoa màu hồng, trắng, xanh, vàng tuyệt đẹp, ông Nguyễn Hóa cho biết, từ hàng trăm năm về trước, người dân ở Thanh Tiên đã biết làm hoa giấy, nhất là vào dịp Tết để cúng “trang ông, trang bà”.
Tuy nhiên, những năm gần đây, người dùng hoa giấy trưng Tết giảm dần. Nếu trước đây, gia đình ông sản xuất hàng vạn cành hoa giấy phục vụ thị trường Tết thì nay bình quân mỗi vụ Tết, chỉ sản xuất hơn 10 nghìn cành hoa giấy.
Người thợ ở làng Thanh Tiên làm hoa giấy bán dịp Tết Tân Sửu. |
Ngày trước người thợ còn tự nhuộm màu giấy theo cách tự nhiên, song để giảm bớt công đoạn nên nay họ mua giấy màu bán sẵn để sản suất hoa cho kịp các đơn đặt hàng vào dịp Tết.
Mỗi cặp hoa giấy được bán với giá 10 nghìn đồng và nếu bán hết số hoa giấy làm vào dịp Tết sẽ thu được từ 35-40 triệu đồng. Trừ công cán, chi phí nguyên vật liệu thì thu nhập này giúp gia đình ông có cái Tết ấm cúng...
Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế Hồ Vĩnh, nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên được hình thành bởi nhu cầu làm hoa phục vụ trong ngày Tết. Từ những bông hoa đơn giản trên bàn thờ cúng, với tài năng và sự khéo léo, người thợ ở Thanh Tiên đã sáng tạo nên nhiều loài hoa giấy được thị trường và du khách ưa chuộng, mang giá trị văn hóa của vùng đất xứ Huế.
Ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết, ngoài hoa giấy Thanh Tiên, đôi bàn tay tài hoa của những người thợ ở làng Sình, xã Phú Mậu còn tạo ra những bức tranh giấy độc đáo, mà thị trường quen gọi là tranh làng Sình. Trong đó, nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước (73 tuổi), là người có công lưu giữ và phát triển kỹ thuật in tranh bằng mộc bản truyền thống của làng Sình có từ gần 500 năm về trước.
Theo ông Phước, tranh làng Sình có nét khác biệt là được phối màu theo thuyết Ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tương ứng với 5 màu vàng - tím - xanh - đỏ - cam. Theo thời gian, do việc tạo màu tự nhiên lắm công phu nên ông Phước và người thợ ở làng Sình chuyển sang dùng màu công nghiệp để in tranh.
Tranh làng Sình chủ yếu phục vụ thờ cúng của nhân dân trong ngày rằm, lễ và Tết cổ truyền với 3 loại chính là tranh nhân vật, đồ vật, súc vật. Từ năm 1996, khi Nhà nước có chủ trương khôi phục các làng nghề truyền thống thì tranh làng Sình cũng dần được phục hồi.
Tranh làng Sình được làm công phu, bài bản từ khâu cắt giấy, quét điệp, pha màu, tô màu, điểm nhãn, in tranh mộc bản, phơi tranh. Đến nay, làng Sình có nhiều hộ dân sống bằng nghề làm tranh, đây là tín hiệu đáng vui mừng...