“Khan hiếm” không gian văn hóa sáng tạo

Thứ Tư, 14/07/2021, 07:50
Ngay tại các thành phố lớn, các không gian sáng tạo, không gian văn hóa, nơi các nghệ sĩ, những người làm trong ngành sáng tạo có thể gặp gỡ, chia sẻ, trưng bày các tác phẩm, sản phẩm, hay trình diễn nghệ thuật vẫn còn rất thiếu. Đây là một trong những thách thức đã được nhiều chuyên gia chỉ ra nhưng chưa được khắc phục, kể cả với Hà Nội – thành phố được công nhận là Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người sáng lập “Ơ kìa Hà Nội” – địa chỉ quen thuộc của nhiều người yêu mến, tâm huyết với văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội từng chia sẻ rằng, chị và nhiều nghệ sĩ đã rất trầy trật trong việc tìm kiếm địa điểm tổ chức không gian văn hóa sáng tạo như mong muốn. Một lần, nhóm từng “ngắm” được một khu vực gần nơi gửi xe, hầu như bỏ không của một trường đại học lớn. Khi nhận được sự ủng hộ của nhà trường, họ đã vô cùng mừng vui và muốn biến khu vực vốn lộn xộn này thành không gian sáng tạo độc đáo. Nhưng, sau đó, mong muốn này không thành hiện thực vì nhà trường thông báo là… vướng một số quy định pháp luật hiện hành.

Các khách thơ trong và ngoài nước trong chương trình tưởng niệm Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ do “Ơ kìa Hà Nội” tổ chức.

Nhóm nghệ sĩ cũng từng tìm được một ngôi nhà cũ, nằm tận cuối một con ngõ nhỏ của Hà Thành. Sau nhiều nỗ lực, không gian sáng tạo nhỏ xinh hình thành, được nhiều người quan tâm, tìm đến. Hoạt động đang nhộn nhịp thì không gian này buộc phải dừng vì chủ nhà không cho thuê tiếp. Tiếc công sức sáng tạo nhưng họ đành chịu và lại tiếp tục hành trình tìm kiếm địa điểm mới.

Giám đốc nghệ thuật Heritage Space, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận định, hạ tầng cho các không gian sáng tạo hiện nay còn nhiều hạn chế và ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Tại đô thị lớn như Hà Nội, chỉ có một số ít không gian văn hóa sáng tạo được bảo trợ. Về nghệ thuật thị giác, có VICAS art studio tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA. Về kiến trúc có Think Playground. Về phim, có Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có khá nhiều không gian văn hóa sáng tạo tự túc như “Ơ kìa Hà Nội”, “Tổ chim xanh”, “Chula, “Kilomet 109, “VỤN art”, “Tò He”. Nhiều không gian văn hóa sáng tạo hoạt đông hiệu quả dù chỉ tồn tại trên môi trường trực tuyến…

Để khắc phục hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng, với các không gian văn hóa sáng tạo vừa và nhỏ, có thể khai thác hạ tầng từ các trường đại học, bảo tàng, nhà văn hóa. Tại các nhà máy cũ, cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà xưởng bỏ hoang có thể khai thác, kiến tạo các tổ hợp sáng tạo liên ngành quy mô lớn, với các galerry; studio, worrkshop; nhà hát, sân khấu, rạp chiếu phim; du lịch, dịch vụ; festival, hội chợ; không gian công cộng…

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Anh Tuấn, nhiều nhà nghiên cứu khác trong mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” như PGS.TS Phạm Thúy Loan, Thạc sĩ Lê Quang Bình, TS. Trương Ngọc Lân cũng cho rằng, đối với công nghiệp văn hóa, cơ sở hạ tầng then chốt chính là các không gian sáng tạo đủ lớn, đủ mở để giới hoạt động văn hóa, sáng tạo, kinh doanh và đầu tư tương tác, hợp tác trong việc xây dựng ý tưởng, hợp tác phát triển sản phẩm, và kinh doanh các sản phẩm văn hóa, sáng tạo. Nhưng Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung còn khan hiếm không gian sáng tạo. Hơn nữa, các không gian sáng tạo này thường nhỏ lẻ, hoạt động tách biệt nên không tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng cần thiết để phát triển, lan tỏa. Thách thức cho rất nhiều những nhà sáng lập các không gian sáng tạo là mặt bằng.

Hiện nay, các không gian sáng tạo đa số phải thuê mặt bằng và đối mặt với sự bất ổn từ phía chủ nhà. Họ cũng thiếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương. Các không gian sáng tạo chưa thực sự được nhận thức như là một loại hình kinh doanh đặc biệt để được hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện ưu tiên. Vì vậy, các không gian sáng tạo này gặp nhiều hạn chế trong việc đóng góp cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định: Không gian sáng tạo là nơi truyền cảm hứng sáng tạo, tập hợp cá nhân sáng tạo, có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng chưa được quan tâm một cách tương xứng. Các không gian văn hóa sáng tạo chưa được đối xử bình đẳng, chưa được nhìn nhận là nơi tạo ra sự phát triển, hấp dẫn của một đô thị. Nhiều năm trước, đây cũng là câu chuyện gây nhiều lúng túng khi xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người đã quan tâm hơn đến không gian sáng tạo, đến công nghiệp văn hóa.

Câu chuyện về không gian sáng tạo, về công nghiệp văn hóa đã được đề cập trên diễn đàn Quốc hội. Trong các tọa đàm tham vấn về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, do Thành ủy Hà Nội tổ chức gần đây, những người sáng lập các không gian văn hóa đã được mời đến và phát biểu. Đây là những tín hiệu tích cực cho phát triển không gian văn hóa sáng tạo. Trong thời gian tới, để các không gian sáng tạo có vị trí tốt hơn trong xã hội, ngoài những nỗ lực của cộng đồng, những người hoạt động sáng tạo trong tổ chức xây dựng, vận hành các không gian sáng tạo, thì cần nỗ lực quan tâm, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nhất là nhận thức của những người làm chính sách, để có chính sách phù hợp, tích cực hơn đối với các không gian sáng tạo…

N.Nguyễn
.
.