Cần có chế tài bảo vệ quyền riêng tư cho trẻ em

Thứ Năm, 15/06/2017, 08:41
Trẻ em được bảo vệ quyền riêng tư – điều đó không chỉ được quy định trong Luật trẻ em mà còn được quy định trong Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết. 


Điều 21 Luật trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 quy định: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.

Hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm.

Khoản 2 Điều 54 Luật trẻ em cũng quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”. Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-7-2017.

Theo đó, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân, thông tin về trường lớp, kết quả học tập, các mối quan hệ bạn bè...

Trẻ em có quyền được đảm bảo an toàn trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trong môi trường mạng. Cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo yêu cầu của trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc trong trường hợp việc tiết lộ thông tin đó gây tổn hại cho trẻ em, không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Mặc dù quyền riêng tư của trẻ đã được quy định rõ ràng, chi tiết. Thế nhưng, chế tài đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư của trẻ em thì chưa được quy định cụ thể. Trong thời buổi Internet phát triển như vũ bão cùng với sự lên ngôi của mạng xã hội, không thể tránh khỏi hình ảnh trẻ em xuất hiện dày đặc. Bố mẹ có thể đưa ảnh con nhỏ lên mạng, nhưng nếu bạn của trẻ cũng có mặt trên tấm ảnh đó, liệu có ai xin phép bố mẹ của bạn con mình khi đăng ảnh lên mạng xã hội?

Hơn nữa, các cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang sử dụng ảnh trẻ em dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng ảnh trẻ em được phép ở mức độ nào thì không vi phạm đến quyền riêng tư của trẻ em?... Những tình huống cụ thể như vậy cần phải được thể hiện trong các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.

Bên cạnh đó, để Luật trẻ em đi vào cuộc sống, ngoài việc điều chỉnh các quy định tại Bộ luật Hình sự thì cần phải có nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng về các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Việt Hà
.
.