Phát triển du lịch xanh: Kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số
Phát triển du lịch xanh, bền vững là xu thế tất yếu. Du lịch xanh đã dần trở nên quen thuộc, thậm chí được xác định là mục tiêu bắt buộc hướng đến với nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Đây cũng là chủ đề nóng và xuyên suốt trong rất nhiều diễn đàn, hoạt động của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2025 những ngày qua.
Phát triển điểm đến xanh, hướng tới Net Zero (phát thải ròng = 0)
Trao đổi quanh câu chuyện phát triển điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho rằng, du lịch đóng vai trò là một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trọng tâm của ngành du lịch là đảm bảo sự tăng trưởng không chỉ về số lượng mà còn đảm bảo du lịch phát triển bền vững, xanh, thân thiện với môi trường và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Với ngành Du lịch Việt Nam, ông Patrick Haverman nhận định, những con số tăng trưởng du lịch ấn tượng của năm 2024 là minh chứng cho sức mạnh nội tại của ngành, nhưng sự nâng tầm đích thực cho du lịch Việt Nam đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản hướng tới các hoạt động xanh. Con đường nâng tầm du lịch Việt Nam thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là một khát vọng mà còn là một đòi hỏi tất yếu và một cơ hội chiến lược. Bởi lẽ, một quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ là một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế mà còn là lá chắn vững chắc bảo vệ di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam cho thế hệ mai sau.

Đồng nhận định về việc du lịch cần chuyển đổi theo hướng bền vững và có trách nhiệm, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP còn cho rằng, xu hướng phát triển du lịch xanh, doanh nghiệp xanh, tiến tới Net Zero là cần thiết và đang được quan tâm nhiều hơn, cả về phía doanh nghiệp và khách du lịch. Khu du lịch dã ngoại Làng Nhỏ ở Khánh Hoà là một điển hình. Làng Nhỏ rất xanh, thân thiện với môi trường, có đến 80% tổng lượng điện sử dụng từ điện mặt trời, 20% sử dụng điện thông thường.
Tại đây, các khâu hoạt động trong vận hành du lịch đều được rà soát, từ vận chuyển cho đến cái cốc, chai đựng nước… nhằm hướng đảm bảo phát triển du lịch xanh, bền vững. Các hoạt động của Làng Nhỏ rất hút khách quốc tế vì thực tế, tại nhiều nước phát triển, du khách đã quen với hoạt động này. Kể cả tăng giá dịch vụ lên thêm vì phải đầu tư cho chuyển đổi Net Zero thì nhiều khách hàng chọn sẵn sàng trả giá cao hơn nếu họ đóng góp cho môi trường và tương lai.
Nhận định làm du lịch bền vững là con đường khó nhưng là tất yếu và bắt buộc phải đi, ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup còn cho hay, thực tế, việc áp dụng chuyển đổi xanh sẽ khiến giá thành sản phẩm du lịch đắt hơn. Nhưng với những tệp khách hàng ở châu Âu và Mỹ, họ sẵn sàng chi trả cao hơn để có môi trường thân thiện. Hiện nay, doanh nghiệp của ông có cả tour Netzero và tour bình thường, giá có thể vênh từ 1 – 1,5USD/ngày nhưng khách vẫn chấp thuận.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, AI để du lịch xanh từ điểm đến
Phát triển du lịch xanh, bền vững nhưng không dễ. Bởi lẽ, đây là lĩnh vực liên quan đến rất nhiều hoạt động kinh tế khác. Như chia sẻ của ông Phạm Hà thì cái khó của ngành du lịch là không thể xanh một mình được mà các điểm đến, đơn vị cung cấp dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn cũng cần có trách nhiệm để du khách đến địa phương không chỉ được trải nghiệm mà còn có trách nhiệm với điểm đến, không phát thải ra môi trường và người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch của họ.
Để không phát thải ra môi trường thì từ lữ hành đến các đơn vị cung cấp dịch vụ, các tổ chức đều hướng đến sự bền vững. Ví dụ, hoạt động trong lĩnh vực du thuyền ở Hạ Long của LuxGroup không phát thải ra môi trường, sử dụng các chai thuỷ tinh, vật dụng sử dụng nhiều lần, nhưng điểm đến vẫn có khi lềnh phềnh rác thải nhựa. Như thế thì khó thuyết phục du khách. Vì vậy cần phải quản lý điểm đến xanh, các bên liên quan phải cùng nhau hướng đến phát triển bền vững hơn. Đây là vấn đề cấp thiết. Nếu không bền vững thì không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ông Hà còn cho rằng, phát triển du lịch xanh, hướng đến Net Zero hiện nay không chỉ kêu gọi chung chung mà có thể đo đếm được một cách cụ thể thông qua các ứng dụng công nghệ để quản trị và AI. Đơn vị của ông đã áp dụng rất hiệu quả.
Về vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu, người làm du lịch cũng cho rằng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số không thể tách biệt được trong phát triển du lịch hiện nay. Đại diện nhiều đơn vị hàng đầu về du lịch xanh như Tràng An, Tùng Lâm… đều cho hay, ứng dụng công nghệ và AI là xu hướng không thể cưỡng lại được và du lịch xanh, Net Zero được đo lường bằng những con số rất cụ thể. Các ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI còn có thể khuyến nghị những giải pháp phù hợp trong hoạt động du lịch…
Tuy nhiên, với các đơn vị xây dựng mới từ đầu sẽ thuận lợi hơn các đơn vị không được đầu tư ngay từ đầu, nhất là những nơi có liên quan đến bảo tồn di sản. Hơn thế, với bất kỳ đơn vị nào, phát triển du lịch xanh, bền vững, nhất là hướng đến Net Zero hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường... đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài.
Nhận thức chưa đồng đều trong chuỗi cung ứng và thị trường nên việc thuyết phục các đối tác – đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa – cùng cam kết hành động vì tiêu chuẩn xanh vẫn đang là bài toán khó. Giá thành cao khiến sản phẩm du lịch bền vững khó tiếp cận thị trường đại chúng. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xanh chưa được hưởng ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm hay tiếp cận thị trường, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc chuyển đổi sang du lịch xanh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam cũng nhận định, du khách ngày càng quan tâm đến môi trường và văn hóa bản địa. Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động du lịch bền vững, hầu như đáp ứng các tiêu chí Du lịch xanh của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Việc triển khai các tiêu chí này giúp cải thiện hình ảnh, nâng cao nhận thức và năng lực nội bộ doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thắng, chuyển đổi xanh là con đường phải đi của doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong quá trình chuyển đổi vì thiếu nhân sự chuyên môn và kinh phí đầu tư ban đầu; không dễ thay đổi thói quen vận hành cũ và muốn triển khai tốt thì cần sự đồng hành từ lãnh đạo đến nhân viên, cộng đồng, du khách…