Nhiều lao động chưa được khai thác hết tiềm năng
Trong báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Nội vụ gửi Quốc hội mới đây cho biết, hiện cả nước có khoảng 2,21 triệu người lao động không được khai thác hết tiềm năng.
Một số lượng lớn lao động chưa được khai thác đúng mức, trong khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hoá dân số mạnh mẽ cho thấy sự lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực. Theo các chuyên gia lao động, con số này cho thấy cần sớm có các giải pháp, các điều chỉnh chính sách xung quanh câu chuyện đào tạo lại lao động, tư vấn việc làm và kết nối cung cầu lao động.
Thất nghiệp, thiếu việc làm, làm trái ngành
Theo nhận diện của Bộ Nội vụ, nhóm lao động không được “khai thác hết tiềm năng” là nhóm người lao động vẫn trong độ tuổi, có khả năng làm việc, thậm chí có trình độ chuyên môn nhưng hiện chỉ làm các công việc không đúng ngành nghề, việc tạm thời, hoặc việc làm dưới chuẩn. Họ có thể là người làm việc bán thời gian bất đắc dĩ, không có cơ hội làm toàn thời gian.
Người lao động trái ngành, không phát huy được kỹ năng đã học. Người thiếu việc làm, làm dưới 35 giờ/tuần hoặc người nằm ngoài lực lượng lao động vì thiếu cơ hội tiếp cận thị trường. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên từ 15 – 24 tuổi vẫn ở mức cao, đạt 7,83%, tăng nhẹ so với năm trước. Trong khi đó, có đến 64,6% lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức, phần lớn là lao động thiếu ổn định và ít được bảo vệ về pháp lý.

Những đánh giá của Bộ Nội vụ cũng khá tương đồng với báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) xung quanh những điểm hạn chế của thị trường lao động trong quý I/2025 vừa được cơ quan này công bố. Theo báo cáo này, thị trường lao động vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên chất lượng cung lao động còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước chỉ có 28,8% lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ thiếu cả về số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao...
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm, đặc biệt ở các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, xây dựng, sản xuất gia công. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ nên năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian qua mặc dù đã cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm nhưng mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Ưu tiên nâng cao trình độ, cơ hội việc làm cho người trẻ
Các chuyên gia về lao động, việc làm cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già hóa nhanh thì việc một lượng lớn nguồn nhân lực không được khai thác hết tiềm năng là một sự lãng phí. Lực lượng lao động trẻ không được sử dụng đúng cách sẽ kéo theo hệ quả dài hạn về năng suất, thu nhập và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong khi đó, để khắc phục tình trạng này, theo Bộ Nội vụ, các chính sách lao động cần ưu tiên đào tạo lại, tư vấn nghề, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn và tăng khả năng tiếp cận cơ hội việc làm chất lượng cho người trẻ. Nếu không có biện pháp kịp thời, lực lượng lao động bị lãng phí hôm nay có thể trở thành gánh nặng của nền kinh tế ngày mai.
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, việc một lượng lớn lao động chưa được khai thác hết tiềm năng là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, một phần nào đó nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng đang còn nhiều bất cập. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp mới chỉ đạt khoảng 28%. Đa số lao động làm việc phi chính thức và làm những công việc giản đơn, chủ yếu là lao động phổ thông. Cùng với đó, việc doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động mới đạt rất thấp. Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động còn phức tạp, mức hỗ trợ cũng không cao nên doanh nghiệp cũng không mặn mà.
“Việc đặt hàng đào tạo chưa thu hút được doanh nghiệp khi còn có những rào cản về chi phí, trang thiết bị giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý, phát triển chương trình đào tạo. Do đó, chính sách đào tạo nghề hiện nay cần gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động cũng như đặc thù kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đi cùng với đó cần xây dựng chiến lược sử dụng nguồn nhân lực, phải làm tốt được công tác dự báo thị trường thì mới có kế hoạch đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý”, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho hay.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, bên cạnh những bất cập về chính sách trong lao động việc làm thì một nguyên nhân nữa đến từ chính người lao động. Để làm nâng cao thu nhập, khai thác hết tiềm năng của bản thân, trước hết người lao động phải chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của bản thân. Tuy vậy, không ít người lao động vẫn không nhận thức rõ điều này.
“Đơn cử như chính sách dạy nghề cho lao động mất việc. Nhiều năm qua, con số lao động học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp rất ít, đâu đó chỉ khoảng vài phần trăm, dù được học nghề miễn phí. Còn lại chủ yếu là họ nhân trợ cấp thất nghiệp. Vẫn biết những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế, cộng thêm gánh nặng cơm áo gia đình nên việc học nghề là khó khăn. Nhưng nếu học nghề, họ có thể sẽ chuyển đổi sang được các công việc khác thu nhập tốt hơn, ổn định hơn. Do đó người lao động cần quan tâm hơn đến việc nâng cao kỹ năng nghề”, bà Hương nói.
TS Nguyễn Thị Lan Hương cho biết thêm, để chính sách đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu của lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn.