Kiến tạo không gian phát triển mới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây
Ở một tầm nhìn xa hơn biên giới địa lý, Quảng Trị đang tái định vị mình như một mắt xích chiến lược trong dòng chảy hợp tác kinh tế quốc tế. Trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị xác lập một chiến lược phát triển táo bạo, đó là mở rộng không gian phát triển về phía Tây, bứt phá khỏi địa thế cũ để hình thành trục động lực mới dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và song hành với nó là một trục hợp tác liên Á mang tên PARA EWEC.
Không chọn phát triển dàn trải, Quảng Trị đang xoáy sâu vào hai đột phá, đó là mở biên để mở thị trường, mở nút thắt hạ tầng để mở luồng thương mại. Và hơn cả là mở một chương mới cho vận mệnh của một vùng đất từng là chiến trường khốc liệt, giờ hóa tâm điểm kết nối khu vực.
Nếu trong quá khứ, rừng núi Tây Quảng Trị là hậu phương chiến lược cho kháng chiến thì hôm nay, vùng đất ấy đang chuyển mình trở thành tiền tuyến của hội nhập. Với tư duy phát triển không gian đa chiều, Quảng Trị không còn nhìn nơi đây như một vùng xa xôi hẻo lánh mà như một cánh cửa lớn dẫn ra thị trường Lào, Thái Lan, Myanmar – những đối tác giàu tiềm năng đang khát khao kết nối ra biển.

Chính sách đối ngoại thân thiện, nền tảng quan hệ hữu nghị lâu đời với các tỉnh bạn Lào như Savannakhet, Salavan, Champasak và Sekong đã tạo thuận lợi cho các đề án hợp tác vượt biên giới. Các doanh nghiệp Quảng Trị nhanh chóng nắm bắt cơ hội, triển khai đầu tư ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, thương mại và điện lực. Tiêu biểu là dự án trồng cao su tại Sa Muồi (Salavan) với tổng vốn hơn 200 tỷ đồng, dự án cà phê sinh thái của Slow Forest Coffee hay hoạt động bán điện xuyên biên giới của Công ty Điện lực Quảng Trị.
Song hành với đầu tư là cải cách thể chế và quy hoạch chiến lược. Tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với tỉnh Savannakhet xây dựng Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan. Đây không phải một khu thương mại truyền thống mà là mô hình khu tự do thương mại kiểu mới, áp dụng thống nhất cơ chế chính sách ưu đãi, tạo không gian đầu tư chung cho doanh nghiệp hai bên.
Hạ tầng giao thông cũng được ưu tiên hàng đầu. Tuyến quốc lộ 15B từ La Lay nối liền Salavan – Sekong – Champasak đã hoàn thiện, tạo trục kết nối chiến lược giữa vùng Tây Quảng Trị và cao nguyên Boloven – thủ phủ nông nghiệp Nam Lào. Đồng thời, dự án tuyến quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay về cảng Mỹ Thủy đang được đề xuất đầu tư như một tuyến “mạch sống” mới của toàn khu vực.
Hành lang phát triển không dừng lại ở biên giới quốc gia mà đã và đang vươn sang lãnh thổ nước bạn, tạo ra một “vành đai kinh tế mềm”, nơi mà dòng vốn, dòng hàng hóa, dòng chính sách và cả dòng nhân lực có thể luân chuyển linh hoạt. Không gian phía Tây Quảng Trị vì thế không còn là biên giới hành chính mà là biên cương kinh tế, nơi khởi phát cho một vùng hội nhập mới.
Chiến lược mở rộng về phía Tây của Quảng Trị không thể thành công nếu không gắn kết hữu cơ với trục EWEC – một trong những tuyến hành lang kinh tế trọng điểm đã được Bộ Chính trị xác lập trong Nghị quyết 26-NQ/TW (2022) và Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030.
Hành lang Đông – Tây không còn là ý tưởng mà là thực thể đang chuyển động. Tuyến quốc lộ 9 xuyên suốt từ Đông Hà qua Lao Bảo đã và đang phát huy vai trò trục ngang chiến lược. Quảng Trị nằm ở đầu mối phía Đông, giữ vị trí như “trạm trung chuyển” ra biển Thái Bình Dương cho hàng hóa từ Lào, Thái Lan và xa hơn nữa.
Không dừng lại ở EWEC, tỉnh Quảng Trị đã chủ động kiến tạo một hành lang song song – PARA EWEC – thông qua việc kết nối La Lay (Quảng Trị) – Salavan (Lào) – Ubon Ratchathani (Thái Lan).
Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, đây là hành lang kinh tế mới ít chịu áp lực lưu lượng, được đánh giá có nhiều dư địa để phát triển thương mại và logistics. Mấu chốt của hành lang này chính là cụm dự án khai thác mỏ than Kaleum (Nam Lào) với hệ thống băng tải vận chuyển trực tiếp về Việt Nam. Ước tính sẽ có hơn 500 triệu tấn than đá được trung chuyển qua tuyến này trong vòng 50 năm tới.
“Chúng tôi đang đầu tư xây dựng hạ tầng logistics bài bản, đó là cảng nước sâu Mỹ Thủy (sẽ vận hành cuối 2025), bến cảng CFG Nam Cửa Việt, cảng cạn VSICO, khu công nghiệp Quảng Trị, sân bay Quảng Trị, tuyến đường ven biển kết nối hành lang EWEC… Các dự án này không chỉ tạo hạ tầng cứng mà còn định hình năng lực cạnh tranh dài hạn cho tỉnh trong mạng lưới logistics khu vực”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Bên cạnh, tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn, Cam Lộ – Vạn Ninh hiện đã hoàn thành những đoạn chính, mở rộng khả năng tiếp cận nhanh từ trục Bắc – Nam sang hành lang Đông – Tây. Sắp tới, nếu tuyến cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo theo hình thức PPP được phê duyệt, vùng biên viễn này sẽ thực sự bứt phá thành trung tâm kết nối liên quốc gia.
Không có không gian phát triển nào bền vững nếu thiếu động lực nội sinh và kết nối ngoại vi. Quảng Trị đã và đang làm điều đó: từ nông sản Nam Lào về cảng Mỹ Thủy, từ than đá về trung tâm nhiệt điện, từ hàng hóa từ Ubon ra biển… Tất cả đang được nối lại bằng một trục động lực lớn, vừa định hình kinh tế biên giới vừa góp phần thay đổi cục diện giao thương toàn khu vực Trung – Hạ Lào và miền Trung Việt Nam.