Để sản vật địa phương đắt khách
Chương trình đặc sản địa phương, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cần phải “độc nhất vô nhị” và phải tinh túy khi đến tay người tiêu dùng. Do vậy, các địa phương cần thay đổi cách làm sản phẩm OCOP để đạt giá trị gia tăng cao hơn như gắn kết với du lịch cộng đồng.
Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức ngày 5/12, ông Đặng Quý Nhân, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Hiện cả nước có 67,3% sản phẩm OCOP 3 sao; 31,2% sản phẩm 4 sao và 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 42 sản phẩm 5 sao. Tổng số sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên là 10.322 sản phẩm. Theo ông Nhân, địa phương nào cũng có thể có sản phẩm OCOP nhưng thực tế, sản phẩm nổi trội lại chưa nhiều.
So sánh với một nước đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP là Nhật Bản, ông Nhân đặt vấn đề: “Tại sao bánh Mochi của Nhật Bản lại trở thành đặc sản và ngon, ngọt, mềm, thơm đến thế. Bánh vẫn được làm từ bột gạo nếp, tương tự như chiếc bánh dày của Việt Nam nhưng cách làm khác nhau tạo nên chất lượng, giá trị sản phẩm khác nhau”. Một ví dụ khác là sản phẩm chè, cùng một loại chè nhưng chè Việt Nam uống có vị đắng rõ rệt hơn chè của Nhật Bản. “Cùng là thu hoạch từ tháng 7 hằng năm nhưng chè của Việt Nam hái 10 ngày 1 lứa nên rất đắng. Chè của Nhật đến khi được thu hoạch thì được che tối, 2 tháng mới hái một lần nên trà rất ngon. Điều đó cho thấy sản phẩm OCOP của Việt Nam phải cải tiến để cho chất lượng tốt hơn”, ông Nhân nói.
Với sản phẩm mì gạo, đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, không thể chấp nhận bó mì OCOP buộc bằng dây lạt. “Người bán nói rằng do giá rẻ lắm nên không thể làm bao bì, đóng gói khác nhưng tôi không cho là vậy. OCOP là đặc sản địa phương, có thể là độc nhất vô nhị nhưng sản phẩm làm ra phải tinh túy. 20 năm trước ngành chè đựng chè trong túi nilon trắng theo cân nhưng giờ họ đã thay bằng bao bì khác. Chè trong túi nilon trắng sẽ bị oxy hóa khi gặp ánh sáng nên phải bao bì tối và không phải đóng theo 1 cân mà giờ là 1 ấm. Đây là một tiến bộ của ngành chè mà các ngành khác cũng phải học”, ông Đặng Quý Nhân cho hay.
Đối với miến dong ở Bắc Kạn, ông Đặng Quý Nhân băn khoăn, tại sao không nghiên cứu thị trường, đến các cửa hàng của Hàn Quốc xem người ta làm miến trộn thế nào. “Nếu nghiên cứu thị trường, giới thiệu sản phẩm và cung cấp sản phẩm miến tươi cho khách hàng dùng thử đáp ứng được thị hiếu thì việc sản xuất miến tươi cung cấp cho các hệ thống nhà hàng và thị trường Hàn Quốc cũng tạo được kênh tiêu thụ rất tốt”, ông Nhân chia sẻ.
Mặc dù có được những kết quả bước đầu khả quan, việc phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị. Việc thiếu đầu tư "trau chuốt" cho bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất manh mún, thiếu các tiêu chí an toàn... là lý do khiến sản phẩm OCOP còn chiếm vị trí khiêm tốn trong các siêu thị, hệ thống phân phối.
Cách phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế. Theo ông Hoàng Hoa Quân, Cục Du lịch QG Việt Nam, mặc dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm. Các điểm du lịch kết hợp OCOP phải đủ điều kiện hạ tầng cho công ty du lịch đến...
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần phải tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, TMĐT trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.