Âu lo mùa hoa Tết

Chủ Nhật, 07/02/2021, 11:36
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến rất gần. Mọi năm những ngày này người trồng hoa và người chơi hoa đã tất bật kẻ bán, người mua. Năm nay, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường hoa Tết và thú chơi tao nhã này.

Theo anh Lâm, một kỹ thuật viên cây cảnh tại TP HCM thì nghề trồng mai cũng không ít gian nan. Mỗi năm, sau khi mai khoe sắc suốt những ngày xuân, nhiều cây bị "kiệt sức" nên việc phục hồi "sức khỏe" cho cây không hề đơn giản. 

Năm nào thời tiết khắc nghiệt, mưa gió thất thường, gặp phải triều cường khiến mai nở sớm coi như năm đó trắng tay. Như bao loại cây khác, mai cũng gặp nhiều thứ bệnh như nấm, bệnh rỉ sét, đốm đồng tiền, bọ trĩ... Do vậy để mai khoe sắc đúng dịp Tết là cả một vấn đề.

 Anh Lâm cho biết, thời tiết năm nay rất thuận lợi cho người trồng mai, với thời tiết như mấy ngày nay, nhà vườn có thể tạm yên lòng, nhưng không phải vậy mà đã hết lo. Do biến đổi khí hậu, những năm gần đây, mưa gió thất thường thì nhà vườn vẫn phải cầu trời đừng mưa, nín thở, hồi hộp và chờ đợi.

Chẳng đâu xa, trước khi vào mùa nhặt lá mai khoảng 10 ngày, vài cơn mưa trái mùa đã khiến nhà vườn trồng mai đứng ngồi không yên. Những cơn mưa trái mùa trên mà trút xuống sau ngày rằm tháng Chạp thì coi như công sức của nhà vườn trở thành công cốc.

Một điểm bán hoa trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TP HCM.

Anh Út Hà, chủ nhân vườn mai Hà Ba Trận, Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM cho biết, làm nghề gì cũng vất vả, nhất là với cái nghề phải phụ thuộc vào thời tiết như nghề nông nói chung và nghề làm mai như anh. Những ngày cuối năm, chỉ cần thời tiết "đỏng đảnh" một chút thì các nhà vườn đứng ngồi không yên. 

"Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" còn nghề trồng mai từ đầu tháng Chạp đến tết có khi chẳng có thời gian để mà ăn. Chăm cả năm nhưng chỉ cần chậm một hai ngày thì coi như chậm cả năm. Muốn mai nở đúng ngày tết thì phải vặt lá kịp thời, đúng ngày, đúng giờ.

Hàng ngàn chậu mai của anh Út Hà giờ được bày bán trên một khu đất rộng trên đường Phạm Văn Đồng. Trong số mai của anh nhiều cây có tuổi đời có khi lớn hơn tuổi đời chủ nhân của nó. 

Anh Út Hà cũng như bao người làm mai khác cũng từng vất vả lặn lội khắp nơi để đem về những cây mai cổ thụ, rồi uốn ghép, tạo hình... Từng cây mai của anh được đánh số, có "lý lịch trích ngang" vừa để biết xuất xứ cũng như đặc tính của từng cây để dễ bề chăm sóc và cũng tiện cho việc thuê nhân công nhặt lá.

Việc chăm sóc cây, chữa bệnh cho cây có nhân viên kỹ thuật. Việc uốn ghép, tạo hình, tạo thế có nghệ nhân cây cảnh, rồi việc thuê người nhặt lá mai không kém phần tốn kém. Chỉ riêng việc nhặt lá mai, có ngày anh thuê 30 - 40 nhân công với giá 30 ngàn đồng /giờ. Bình quân mỗi người làm 10 tiếng, suốt gần một tuần như vậy, số tiền anh bỏ ra không nhỏ chút nào. Đó là chưa tính đến việc thuê mặt bằng, trưng mai để bán.

Anh Huỳnh Phước Hưng, quê Chợ Lách, Bến Tre. Mọi năm anh vẫn đưa mai lên bán trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM. Năm nay anh bán tại vườn. Theo anh Hưng, số lượng mai của anh cũng giảm đáng kể, khoảng 40%. Phần do thời tiết cực đoan, phần thì dịch bệnh nên anh không dám đầu tư, phần thì người chơi mai ngày càng giảm, người mua thì ít, người xem, chụp ảnh thì nhiều. Hơn nữa người dân giờ thay đổi thói quen chơi mai sang chơi hoa khác.

Nói vậy không có nghĩa người chơi mai đã đoạn tuyệt với thú chơi này. Theo vợ chồng anh Hà, anh Lâm, anh Hưng thì vẫn còn đó những người chơi mai ở phân khúc cao cấp. Nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu để mua, thuê mai về chơi Tết. Những chuyến xe chở mai vàng phương Nam ngược ra Bắc đã sẵn sàng cùng đào xứ Bắc khoe sắc. Do vậy, người trồng mai vẫn có thể mỉm cười cho dù phân khúc người chơi mai bình dân có hạn chế.

Hoa chơi Tết giờ đa dạng, nhiều chủng loại, người chơi hoa có nhiều lựa chọn, theo sở thích phù hợp với không gian, đặc biệt là phù hợp với túi tiền.

Tuy nhiên, những ngày cận Tết này, người trồng hoa và người bán hoa gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình trồng hoa ở Long An bị thương lái bỏ của chạy lấy người. Giá hoa Đà Lạt bỗng nhiên "lao dốc". Giữa lúc giá vận chuyển tăng, mặt bằng tăng, giá nhân công tăng, được mùa - mất giá, dịch COVID-19 tái bùng phát, kéo theo không ít hệ lụy.

Bùi Thanh
.
.