Lê Quý Hiền - người có duyên đưa hình tượng Công an lên sân khấu

Thứ Tư, 29/04/2020, 14:19
Một trong những nhà viết kịch có duyên với đề tài Công an là Lê Quý Hiền. Trong tài sản của mình, anh có tới gần chục vở viết về hình tượng người chiến sĩ Công an được dàn dựng trên nhiều sân khấu, với nhiều thể loại kịch khác nhau.

Mới đây nhất, vở diễn “Kẻ trộm” của anh được Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng và công diễn.

- Thưa nhà viết kịch Lê Quý Hiền, trong gia tài kịch bản của anh không ít tác phẩm viết về đội ngũ thầy thuốc bởi công việc làm báo của anh gắn với ngành Y tại báo Sức khỏe và đời sống. 

Thế nhưng chiếm một số lượng không nhỏ trong số hơn 40 kịch bản sân khấu anh đã viết và được các đoàn dàn dựng lại là về đề tài Công an. Cái “duyên” với đề tài Công an được bắt đầu như thế nào vậy?

+ Là người viết, dĩ nhiên tôi quan tâm đến mọi vấn đề, mọi đối tượng trong cuộc sống. Nhưng có hai đối tượng trong xã hội mà công việc của họ theo tôi là có nét tương đồng nhau. Đó là hình ảnh người chiến sĩ Công an và người thầy thuốc. 

Dù ai có ghét bác sĩ đến mấy nhưng khi gặp tai nạn, ốm đau thì ý nghĩ đầu tiên trong đầu luôn là “Giá lúc này có ông bác sĩ!”. Tương tự, như khi gặp rắc rối, phiền phức vẫn cứ là “Giá có Công an ở đây”. Cả hai “ông” này đều là giữ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Và kịch bản của tôi cũng thường có những nhân vật Công an và thầy thuốc là vì vậy.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền.

- Được biết anh có những kịch bản về hình tượng người chiến sĩ Công an như “Đường về” viết về giám thị trại giam, “Cái tát” viết về  Công an phường, vở “Qua dòng” viết về sĩ quan tình báo, vở “Là ai” viết về Cảnh sát hình sự, “Đen trắng vòng đời” viết về Cảnh sát giao thông… Anh tâm đắc những vở nào nhất?

+ Tôi mà không tâm đắc thì không viết và đã viết thì phải tâm đắc… 

- Vậy số phận những đứa con tâm đắc của anh sinh ra?

+ Một trong những vở tôi muốn đặc biệt nhắc tới, vở “Là ai?”, một vở diễn chỉ có hai nhân vật, nhưng cho đến giờ đã có tới gần 20 bản dựng của các đoàn và của các sinh viên dựng tốt nghiệp trên cả nước.

 - Được biết đây cũng là một trong chùm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật của anh. Còn những năm gần đây là những vở nào?

+ Hai năm gần đây, tôi có 2 kịch bản về đề tài Công an được bước lên sàn diễn. Đó là vở “Đen trắng dòng đời” viết về Cảnh sát giao thông. Vở này tôi hoàn thành khi tham gia trại sáng tác của Bộ Công an tổ chức năm 2017, được Nhà hát Cải lương Hà Nội dựng và giành giải Nhì trong Liên hoan sân khấu thủ đô 2018. 

Nóng hổi nhất là vở “Kẻ trộm”, cũng viết trong đợt vận động sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc” cũng do Bộ Công an tổ chức. “Kẻ trộm” đã được lên sàn diễn Nhà hát Kịch Hà Nội từ cuối năm 2019, do đạo diễn, NSƯT Thu Hạnh làm đạo diễn.

Các nghệ sĩ tham gia vở “Đi tìm điều không thể mất” của tác giả Lê Quý Hiền.

- Trong các kịch bản tham gia trại viết của Bộ Công an, anh là tác giả hiếm hoi có kịch bản của mình được sử dụng. Vậy thông điệp của anh từ những kịch bản  này là gì?

+ Chúng ta nói hay nói chung chung là người chiến sĩ Công an nhưng thực ra các đơn vị trong lực lượng Công an lại có những nét riêng rất khác nhau trong từng công việc. 

Chẳng hạn Cảnh sát điều tra là tìm kẻ phạm tội để cho vào trại giam, nhưng những người quản giáo lại muốn kẻ từng phạm tội sớm được ra khỏi trại giam. Mà trại giam bản chất cũng như một “cái kho”, không thể suy suyển, thất thoát. Nhưng “cái kho” này khác với những cái kho khác. 

Cái kho thông thường khi bị mối mọt ta có thể bỏ đi, nhưng “cái kho” này toàn chứa đồ “mối mọt”, “hỏng hóc” khi “nhập kho”, nhưng người quản giáo có nhiệm vụ sửa chữa, thay đổi để khi “xuất kho” là những con người lành lặn tử tế hơn, không còn “mối mọt hỏng hóc” nữa. 

Khi viết về người quản giáo, tôi rất cảm động về sự hy sinh không ai biết đến của họ. Phạm nhân còn có ngày ra tù, nhưng người quản giáo thì gắn bó với nhà tù không thời hạn, vì nhiệm vụ, công việc và trách nhiệm của họ.

Rồi khi viết về Cảnh sát hình sự hay Công an phường, thông điệp của tôi là việc giữ trật tự bình yên cho cuộc sống của người Công an không chỉ thể hiện ở việc trấn áp tội phạm, mà còn là bảo vệ được những người lương thiện, tử tế. Bởi vì nếu người tử tế không được bảo vệ thì chưa có bình yên thực sự.

Hay chuyện Cảnh sát giao thông làm sai lệch một vụ tai nạn, để giúp kẻ gây tai nạn có thể thế người đi tù thay. Vấn đề đúng người đúng tội cần luôn luôn được đặt ra với những người thực thi pháp luật, để giúp con người hiểu được một điều rằng, anh sẽ luôn phải trả giá cho các hành vi của mình, không thể có con đường nào khác. 

Nói chung, qua những vở diễn của mình, tôi muốn nhân dân hiểu rõ hơn về người chiến sĩ Công an, chia sẻ với những khó khăn, gian khổ, hy sinh mà họ phải chịu đựng. Họ chính là những người giữ cho cuộc sống này bình yên, tươi đẹp, dù có thể nhiều lúc họ phải chịu những định kiến, thậm chí là ác cảm.

Cảnh trong vở “Kẻ trộm” của Nhà hát kịch Hà Nội - kịch bản Lê Quý Hiền.

- Quan niệm của anh khi viết kịch bản về đề tài Công an là gì?

+ Nhiều người quan niệm viết về đề tài Công an là viết về các vụ án. Tôi thì không thích quan niệm đó. Tôi viết về người chiến sĩ Công an chứ không phải chuyện Công an. 

Nghĩa là trong kịch bản của mình, tôi luôn coi người chiến sĩ Công an như một con người xã hội, giống với bất kỳ con người thuộc ngành nghề nào khác. Họ cũng có mặt tốt mặt xấu, có chính trực và có cả lòng tham, có tình riêng ủy mị đôi khi chứ không phải lúc nào cũng sắt đá, có chiến công và có sa ngã… Tôi thích viết về người Công an với những câu chuyện đời thường nhất gắn với họ.

- Nếu không phải là các vụ án, thì cách anh bắt đầu một kịch bản về đề tài người Công an sẽ như thế nào?

+ Một số người viết thường nghiên cứu một vụ án, hay đơn giản một vụ việc nào đó rồi mới xây dựng nhân vật để minh họa câu chuyện đó. Tôi thường bỏ qua các câu chuyện, dù cho nó hấp dẫn, tò mò thế nào đi nữa. 

Để bắt đầu một vở kịch, tôi sẽ nghiền ngẫm về 1 vấn đề, đặt vấn đề cho vở diễn. Khi suy ngẫm thấu đáo về thông điệp mình sẽ chuyển tải, tôi mới bắt đầu nghĩ đến xây dựng nhân vật. Rồi tôi để các nhân vật “va chạm” với nhau tạo thành câu chuyện. 

Tóm lại, đối với tôi, cốt truyện là kết quả của nhân vật, còn nhân vật là kết quả của “vấn đề”. Tôi cho rằng, với cách tư duy như vậy, tôi sẽ không lệ thuộc vào tư liệu, hay một câu chuyện có sẵn nào đó, để rồi khi viết dễ sa vào việc minh họa. Tôi để nhân vật tự sáng tạo ra đời sống của nó, như thế chân thực hơn, gần gũi với cuộc sống hơn.

Cảnh trong vở “Đen trắng vòng đời” của Nhà hát Cải lương Hà Nội - Kịch bản Lê Quý Hiền.

- Đi thực tế là công việc cần thiết đối với mỗi người cầm bút. Xin hỏi, khi viết về đề tài Công an, anh thường đi thực tế ra sao?

+ Khi dự định viết một kịch bản về Công an hay bất cứ đề tài nào, cái phải có là “vấn đề” trước đã. Từ vấn đề sẽ đi tìm chất liệu để chứng minh cho vấn đề đặt ra và phải có tính thuyết phục. 

Ở đây là trực tiếp đi cùng với các chiến sĩ Công an đánh án, truy bắt tội phạm, vào trại giam sống cùng quản giáo, tù nhân… hay đơn giản là đọc tài liệu. Dù trực tiếp hay gián tiếp thì tôi luôn xác tín một điều rằng, anh chỉ có thể viết hay về người Công an khi anh hiểu sâu sắc về công việc của họ.

- Anh viết không nhiều nhưng gần như viết vở nào là có đơn vị dựng vở đó luôn, ít khi có chuyện kịch bản cất ngăn kéo. Một cách chủ quan, anh nghĩ sự “đắt khách” đó của mình là vì sao?

+ Tôi nghĩ rất đơn giản thôi, một vở diễn sẽ rất dễ cho người đạo diễn khi dàn dựng là nó phải luôn có tình huống kịch, chứ không phải chỉ là sự minh họa dàn trải. 

Khi có các tình huống, diễn viên mới có đất để bộc lộ tâm lý, tính cách nhân vât và khán giả có cái để theo dõi. Và viết kiểu gì thì cũng phải có tính thuyết phục với logic trong đường dây hành động kịch. Muốn thế, dù có hư cấu nhưng không nên áp đặt thiếu thực tế mà phải thật, rất thật với đời sống trong từng chi tiết.

- Xin cảm ơn anh, nhà viết kịch Lê Quý Hiền!

Bảo Bình (thực hiện)
.
.