Chàng trai tật nguyền vẽ cuộc đời từ những nỗi đau

Thứ Hai, 07/08/2017, 07:29
Tranh của Lê Minh Châu không chỉ nhuộm mồ hôi mà còn cả máu. Ngậm cọ suốt 8 tiếng đồng hồ, chỉ khi máu rơi xuống nền tranh, chàng trai tật nguyền mới biết mình bị rách quai hàm. Có những hôm mải "phiêu" với ý tưởng, thay vì xúc cơm ăn thì Châu lại đưa cả một muỗng sơn dầu vào miệng...


"Mình chỉ còn cái đầu thôi"

Lê Minh Châu tiếp chúng tôi trong căn phòng nặng mùi sơn vẽ. Nụ cười như hoa mặt trời, rất khỏe khoắn và tự tin, đó là cảm giác đầu tiên của chúng tôi về chàng trai nhiễm chất độc da cam này. Châu kể, 6 tháng tuổi, cậu được đưa về nuôi dạy tại làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh). 12 tuổi, lần đầu nghe kể về hoàn cảnh gia đình và được về thăm nhà tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai).

Ký ức tuổi thơ của cậu bé da cam Lê Minh Châu về quê hương của mình là mái nhà tranh tứ bề ép tôn. Nơi ấy, có cha mẹ là những người nông dân áo vải, chân đất cùng hai người anh, một đứa em gái lành lặn.

Ngậm cọ suốt nhiều tiếng đồng hồ.

Lúc ấy, Châu ý thức được rằng, tất cả những mất mát, thiếu hụt và cả bất hạnh đã dồn cả vào cậu. Nghe mẹ kể, ngày đất nước chưa giải phóng, bà đã đi vào vùng rừng núi có chất độc dioxin, rồi ông nội tham gia bộ đội, cả bố cũng đi chiến đấu nên Châu là hậu quả của chiến tranh để lại.

Vì thể trạng yếu, 9 tuổi, Châu mới vào học lớp một. Và cũng thời điểm đó, tài năng hội họa thiên bẩm của cậu bắt đầu bộc phát. Ngày ấy, Châu đứng ngẩn ngơ nhìn những bức tranh của người họa sĩ tên Linh vẽ trên tường tại làng Hòa Bình. Câu chuyện về cô Linh đã truyền cảm hứng vẽ tranh và nhen nhóm một ước mơ hội họa sau này cho chàng trai da cam.

Bức tranh đầu tiên Lê Minh Châu vẽ là cảnh ngôi nhà, với gam màu đồng quê bình dị. Ngày đầu ngậm cọ vẽ, Châu luống cuống làm rơi cọ liên tục. Mặt mũi lem luốc sơn mài. Với hội họa, đam mê thôi chưa đủ mà cần có ý chí, sự quyết tâm. Người bình thường theo đuổi đã khó, huống hồ Châu là đứa trẻ da cam, chân tay đều dị tật.

Châu nghĩ: "Bây giờ mình chỉ còn cái đầu, đôi mắt và khuôn mặt. Mình chỉ có thể vực cuộc đời bằng cái miệng. Phải cố gắng thật nhiều". Cô Linh đã nhìn thấy bản năng hội họa của Châu ở khả năng phối màu, nhưng vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà tài năng ấy chưa được bung trào.

16 tuổi, Châu quyết tâm rời làng Hòa Bình mặc cho nhiều người ngăn cản, khuyên nhủ. Châu chỉ nói: "Em muốn ra ngoài tìm hiểu về xã hội, để trải nghiệm và để tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình".

Trước khi có ý định rời làng, Châu đã có thời gian 3 năm tìm hiểu cuộc sống bên ngoài. Cậu đã tích góp được một khoản tiền nho nhỏ ở việc bán báo, sách trong bệnh viện. Hành trang của cậu bé da cam chỉ có bấy nhiêu. Ngày bước chân ra khỏi cổng, ngoái đầu nhìn lại mái nhà thân thuộc gắn bó bao nhiêu năm, cùng bao ánh mắt bạn bè ngơ ngác ra tiễn, Châu đã khóc nức nở.

Cậu hoang mang suy nghĩ không biết quyết định của mình có sáng suốt không? Mình có đứng vững trên đôi chân khẳng khiu, teo tóp này được không? Cuối cùng, Châu tự gạt nước mắt và trả lời với lòng mình phải cố gắng, phải mạnh mẽ đối đầu với cuộc đời mới.

Bước chân đi về hướng Đồng Nai, nhưng Châu không về nhà mình mà xin vào một ngôi chùa tá túc. Châu xin vào học tiếp chương trình cấp ba tại một trường trung học phổ thông của huyện Trảng Bom và luôn dẫn đầu về thành tích học tập.

Thời gian rảnh, cậu học công nghệ thông tin và vẽ tranh. Đang học dở năm cuối cấp ba, Châu phải dừng lại vì gia đình gặp chuyện. Cậu phải dồn toàn lực vẽ tranh, thiết kế hội họa kiếm tiền phụ cha mẹ giải quyết việc nhà.

Những bức vẽ từ trái tim

Châu quay lại TP Hồ Chí Minh, xin vào làm thiết kế giày cao gót cho một công ty thời trang. Mẫu thiết kế của Châu được đánh giá rất cao và nhiều nơi đặt hàng. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, Lê Minh Châu cảm thấy đây chưa phải là nơi dừng chân lý tưởng của đời mình.

Vậy là cậu quyết định ra đi. Châu xin vào Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Hóc Môn, mong muốn có một chỗ dựa ổn định để thực hiện đam mê hội họa. Các thầy cô ở Trung tâm phân công Châu phụ trách thư viện sách. Những đầu sách tại thư viện ngồn ngộn và ngổn ngang, chỉ một thời gian ngắn, Châu đã sắp xếp ngăn nắp, khoa học.

Ngoài vẽ tranh, Châu còn có khả năng thiết kế thời trang.

Mọi người tới thăm đều trầm trồ khen mô hình này và xin ý tưởng về. Được là chính mình, được khẳng định tài năng đúng nơi đúng chỗ chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của Lê Minh Châu. Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng sự khiếm khuyết của Châu và đẩy cậu về phía sau ánh hào quang.

Những ý tưởng độc đáo, sáng tạo của Châu đã bị "thay tên đổi chủ". Châu buồn và thất vọng cho lòng người quá nhỏ hẹp. Và cách "trả thù" ngọt ngào nhất của Châu chính là "bung" toàn bộ năng lực, trí tuệ của mình cho mọi người biết. Khi đã làm được điều đó, Lê Minh Châu lại quyết chí ra đi sau ba năm gắn bó tại trung tâm.

Đã từng va đập nhiều, Châu ngày càng bản lĩnh hơn với chông gai cuộc đời. Châu đi lang thang bằng hai đầu gối chai vù, tứa máu, kiếm tìm một nơi giữa thành phố xô bồ, hối hả làm điểm dừng chân.

Châu đã viết trong tim mình: "Mỗi bước đi là mỗi bước tôi thấy được chính mình. Lùi con số 0 để tiến 9 bước. Cơ hội và thành công chính là để ta biết nắm bắt. Học cái thất bại thương đau để thấy được đỉnh cao của thành công. Ta luôn mắc lỗi lầm vì đời không ai hoàn hảo...".

Châu xin vào làm thử việc cho các phòng tranh trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Viện, Trần Phú. Mục đích là để học hỏi kinh nghiệm, kiểm nghiệm xem dòng tranh của mình lạ lẫm với thị trường hội họa như thế nào. Lê Minh Châu nhận ra ở những nơi đó, những bức tranh không phù hợp với tư tưởng của cậu, nó mang giá trị thị trường nhiều hơn. 

Tất nhiên là phải ra đi. Lần này, Châu gặp được một ông chủ showroom nội thất tại quận 7. Người này làm kinh doanh nhưng lại có thiện cảm với nghệ thuật và rất đồng cảm với Lê Minh Châu. Anh mời Châu về làm quản lý cửa hàng và Châu được thỏa sức sáng tác tranh.

Được ông chủ dành riêng một góc chỉ để vẽ tranh và trưng bày, lần đầu tiên Châu cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc với tác phẩm hội họa của mình. Một ngày, có vị khách từ Canada ghé tiệm bất ngờ nhìn thật lâu anh chàng họa sĩ đang say sưa vẽ tranh bằng miệng. Bức vẽ lấy chủ đề về một vùng quê thuộc Bến Tre.

Một trong hàng ngàn bức vẽ của Châu.

Dù mới vẽ 2 ngày và chưa hoàn thành, nhưng ông khách nước ngoài vẫn quyết định mua với giá 3 triệu đồng. Đó là khoản tiền bán tranh đầu đời của Châu khiến cậu hạnh phúc không sao ngủ nổi. Sức vẽ như được tiếp thêm lửa, Lê Minh Châu sáng tác không biết mệt mỏi. Suốt 15 năm, cậu đã cho ra đời trên hai ngàn bức tranh, ở đủ thể loại, chủ đề khác nhau. 

Tính đến nay, Châu đã đi qua trên 30 tỉnh, thành của Việt Nam, nhiều nhất là về Tây Nguyên. Châu thích phong cảnh núi đồi hoang sơ, thích những cánh rừng và màu xanh của lá. Hỏi đi làm sao với đôi chân như thế? Châu cười hồn nhiên: "Em đi bằng đầu gối, giờ nó chai rồi nên không cảm giác đau nữa".

Sức sáng tạo thăng hoa nhất là vào ban đêm, nên cậu vẽ suốt đêm, đi ngủ khi mặt trời đã mọc. Châu cho biết: "Có hôm em ngậm cọ suốt 8 tiếng đồng hồ. Khi thấy máu chảy xuống nền tranh mới biết mình bị rách quai hàm. Rồi nhiều lần, thay vì đưa cơm vào miệng thì em lại múc hẳn một thìa sơn. Đang chuẩn bị nuốt chợt thấy vị khang khác mới phát hiện mình ăn nhầm".

Vì thế, tranh của Châu được sáng tạo không chỉ bằng mồ hôi mà bằng cả máu. Trung bình 15 phút hoàn thành một bức tranh, cậu có thể vẽ cả ngày mà không bao giờ bị cạn về cảm xúc. Ý tưởng lúc nào cũng tràn đầy trong đầu vì có tình yêu. Lê Minh Châu tự nhận mình là chàng trai được nhiều cô gái yêu và không dại gì mà cậu lại để mất cơ hội.

Khách của Châu có nhiều người nước ngoài.

Nhưng Châu thừa nhận, mình chỉ yêu để lấy cảm hứng sáng tác. Bởi trong nghệ thuật, tình yêu làm con người thăng hoa nhất, cảm xúc tương tác với tâm hồn để cho ra đời bức vẽ "trái tim". Còn khi nào hết yêu thì Châu tự thương chính mình. Đó cũng là một cảm xúc thật đặc biệt. 

Hiện Lê Minh Châu đang có một phòng tranh nho nhỏ trên đường Trần Não (quận 2, TP Hồ Chí Minh). Ngày cậu dạy vẽ, đêm mới "múa" cọ. Học trò của Châu có người là sinh viên Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật. Họ theo học vì cảm nhận được ở Châu một trường phái nghệ thuật hoàn toàn khác với sách vở.

Ngọc Hoa
.
.