Quốc hội dành phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, chia sẻ với miền Trung

Thứ Hai, 19/10/2020, 15:49
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin tại buổi Họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều nay, 19/10.


Quốc hội làm việc trong 19 ngày, chia làm 2 đợt

Trước đó, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên bên cạnh việc tập trung thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, kinh tế xã hội, công tác giám sát, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng còn lại trong Chương trình công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Khai mạc vào sáng ngày 20/10, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ); tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 27/10); Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 2/11 đến ngày 17/11). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 17/11/2020.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo.

Về nội dung, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Các dự án Luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sẽ thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp).

Các dự thảo Nghị quyết được thông qua gồm: Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội thảo luận, góp ý dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 (gồm báo cáo kết quả giải trình về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập  và thực trạng, giải pháp phát triển điện lực; kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng);

Các báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch: tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội Vũ Minh Tuấn thông tin tại họp báo.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020; xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An;

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Nghe Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Do đây là kỳ họp cuối năm và là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên Quốc hội không tiến hành giám sát chuyên đề.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

 Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự, cụ thể: phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phê chuẩn việc miễn nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).

ĐBQH Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm do khai báo không trung thực

Tại họp báo, có phóng viên đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phát biểu cảm xúc về hai hình ảnh trái ngược giữa một bên là Thiếu tướng, liệt sỹ Nguyễn Văn Man vừa hy sinh trong khi chỉ huy cứu hộ tại miền Trung và hình ảnh Quốc hội sẽ tiến hành bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh?

Các đồng chí chủ trì họp báo.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hình ảnh bão lụt do thiên tai là hình ảnh chúng ta không mong muốn, nhất là khi đồng bào miền Trung đang phải gồng mình chống chịu những cơn bão lũ hết sức ác liệt, cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm cùng người dân chống đỡ, và vừa qua không may một số cán bộ chiến sỹ bị hy sinh.

"Chúng ta hết sức đau xót trước sự hy sinh mất mát của các cán bộ chiến sỹ. Trong phiên trù bị khai mạc, Quốc hội sẽ dành 1 phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Phó Tư lệnh Quân khu IV, là Trưởng đoàn chỉ huy Đoàn cứu trợ lũ lụt ở Rào Trăng 3. Quốc hội cũng chia sẻ sự mất mát với đồng bào miền Trung và gia đình các cán bộ chiến sỹ", Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ.

"Còn hình ảnh ông Phạm Phú Quốc, một ĐBQH có hành vi vi phạm thì hoàn toàn khác nhau, chúng ta không nên nên so sánh. Chúng ta tôn vinh những người có công, song cũng xử lý nghiêm túc những người vi phạm pháp luật. Ở đây, ông Quốc đã vi phạm, không còn xứng đáng với cử tri và Nhân dân nữa thì Quốc hội sẽ bãi nhiệm. Bãi nhiệm khác với miễn nhiệm, ông Quốc bị bãi nhiệm do không trung thực khai báo việc mình có thêm Quốc tịch nước ngoài", ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.

Do việc tổ chức bãi nhiệm bắt buộc phải tiến hành theo quy định nên Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín và phải đợi đến đợt 2 mới tiến hành được. "Chúng tôi sẽ tiến hành ngay ngày 2-11, khi Quốc hội bắt đầu họp tập trung", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Chính phủ đang tập trung cao độ giải ngân gói hỗ trợ 62.000 tỷ

Có phóng viên băn khoăn, đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng rất lớn, liệu Chính phủ, Quốc hội có gói hỗ trợ gì không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Hiện việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ này đang được tiến hành, nhiều đối tượng còn chưa được nhận, vì thế, sau khi hoàn chỉnh việc phân bổ gói này thì Chính phủ mới xem xét. "Chính phủ đang tập trung cao độ giải ngân gói 62.000 tỷ, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp và người lao động", Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.

Phóng viên báo chí đặt câu hỏi tại họp báo.

Về chất vấn tại kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định, tại kỳ họp cuối năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, xem các thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa đến đâu rồi, nội dung gì thực hiện được, nội dung gì chưa thực hiện được, nguyên nhân vì sao cần giải trình làm rõ...

"Chúng tôi sẽ cung cấp các vấn đề còn tồn tại, làm cơ sở để ĐBQH chất vấn. Ngoài ra còn chất vấn thêm các nghị quyết chuyên ngành, chuyên đề, nội dung chưa giải quyết được ở khóa trước thì chuyển sang khóa này. Quốc hội giám sát đến cùng, chỉ nội dung nào xong mới thôi, còn nếu chưa xong thì chuyển khóa sau tiếp tục giám sát. Vì thế nên kỳ chất vấn này không có nhóm vấn đề mà căn cứ nội dung các nghị quyết thực hiện được để đại biểu chất vấn. Không biết đại biểu sẽ hỏi ai, cái gì, cứ ra hội trường, ĐBQH hỏi ai thì người đó trả lời, phiên chất vấn lần này sẽ rất sôi động", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định.

Quỳnh Vinh
.
.