Lá phiếu nhắc nhở Bộ trưởng vấn đề của ngành để cố gắng

Thứ Năm, 25/10/2018, 19:46
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội  đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm cơ bản là khách quan, thể hiện được tâm tư nguyện vọng của cử tri về những bức xúc trong một số lĩnh vực đang có vấn đề dư luận, như Giáo dục, chăm sóc sức khoẻ trong nhân dân của ngành y tế, hay BOT của ngành Giao thông.

Tuy nhiên, có những cái cần nhìn nhận rằng khó khăn tồn tại không nhất thiết hoàn toàn là trách nhiệm của tư lệnh ngành. Kết quả lấy phiếu cả với Quốc hội và Chính phủ đều thấy vấn đề cần tập trung giải quyết và lá phiếu đánh giá để tư lệnh ngành thấy bức xúc, khó khăn cần giải quyết.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng chia sẻ với các Bộ trưởng vì thời gian mới 2,5 năm trong khi có những tồn tại từ nhiệm kỳ trước và có vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Y tế trước đây có bức xúc nhưng giờ chăm sóc sức khoẻ nhân dân,  thông tuyến, giảm tải cũng có tác động nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân thì đại biểu phản ánh để thúc đẩy tư lệnh ngành cố gắng hơn nữa.  

Quốc hội và Chính phủ phải quan tâm hơn vì muốn làm phải có ngân sách, Chính phủ chỉ đạo và sự phối kết hợp giữa các bộ ngành cần tăng cường lên chứ không phải mình bộ đó.

“Người “đứng mũi chịu sào” ở lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm của xã hội đều chịu tác động đến lá phiếu. Có thể cũng người đó những làm Bộ trưởng Bộ khác phiếu chưa chắc đã như thế.” – ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh. 

Bởi như vấn đề giáo dục không phải hôm nay mà cả trước đây, cả qua trình. Lá phiếu nhắc nhở Bộ trưởng vấn đề của ngành để cố gắng, thấy khó khăn thì đề xuất với Chính phủ, rồi Chính phủ đề xuất với Quốc hội nhằm giải quyết.

“Lá phiếu đó không phải nói bộ trưởng yếu kém mà phải nhìn nhận ngành đó được cả xã hội phải quan tâm. Muốn giáo dục phát triển thì thầy phải là thầy, còn học trò phải cố gắng, gia đình phải chăm lo chứ! Lá phiếu đánh giá ngành đó đang khó khăn, bức xúc thì đặt vấn đề lên vai Bộ trưởng để cố gắng làm tốt hơn. Bởi có ai tư lệnh ngành muốn ngành đó xuống cấp đâu. Vì đây là nhân tố tích cực mà Đảng lựa chọn, Quốc hội bầu, phê chuẩn. Tôi cho phải đồng tâm hiệp lực, chia sẻ với Bộ trưởng, cả Quốc hội và Chính phủ phải quan tâm” – ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng  cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát tối cao, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Lá phiếu đó chỉ cho tư lệnh ngành thấy nhũng nhạy cảm, khó khăn, thiếu sót, tồn tại mà giải quyết chưa dứt điểm thì tư lệnh ngành phải tập trung xử lý.  

Thực tế cho thấy, đã có người đứng đầu ngành trong lần lấy phiếu tín nhiệm lần đầu thấp, song lần sau lại cao. Không nên đánh giá quá mức nhưng cũng không nên xem nhẹ kết quả lấy phiếu tín nhiệm vì nó đáng được quan tâm để thúc đẩy phát triển xã hội. Phiếu thấp hơn người ta có thể cảm thấy buồn, nhưng người bị phiếu thấp nên coi đây là trọng trách cần khắc phục.

*Đại biểu Phạm Tất Thắng: Có những lĩnh vực rất khó, áp lực nặng nề

Tôi xin chia sẻ với tư lệnh ngành của hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giao thông vận tải.

Có thể nói đây là những lĩnh vực rất khó, khó ở chỗ yêu cầu của xã hội đối với sự phát triển của lĩnh vực này rất cao. Xã hội đòi đường xá phải mở mang, giao thông phải đỡ ùn tắc, đòi hỏi chất lượng giáo dục phải nâng cao, đổi mới giáo dục phải diễn ra mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, chúng ta ở trong một bối cảnh là nguồn lực thì có hạn nên nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực này cũng hạn chế. Đây là áp lực rất nặng nề của những Bộ này. Và chính vì áp lực cao như vậy, nguồn lực có hạn nên chắc chắn kết quả của ngành chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, của đại biểu, của nhân dân.

Tôi cho rằng kết quả này cũng là bình thường, phản ánh nhìn nhận khách quan của đại biểu. Các tư lệnh ngành này cần nỗ lực cao hơn nữa so với một số ngành khác, một số vị trí khác để đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của dư luận, của đại biểu.

* Đại biểu Quách Thế Tản: Một số ngành nhạy cảm, đánh giá phải cân nhắc thêm

Trong nhiệm kỳ này, việc lấy phiếu tín nhiệm được làm thận trọng, chặt chẽ, kết quả lấy phiếu tín nhiệm khách quan và phản ánh đúng thực tế. Tuy nhiên, phải nói rằng một số ngành rất nhạy cảm với đời sống xã hội (như Giáo dục) thì chắc chắn việc đánh giá cũng cần cân nhắc thêm. Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng, nhất là trong chỉ đạo ngành, tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chủ trương  đổi mới giáo dục. Bên cạnh những phiếu tín nhiệm thấp thì số phiếu tín nhiệm cao dành cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng khá cao. Tôi tin, sau lần lấy phiếu tín nhiệm này, các Bộ trưởng nói chung và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng sẽ cố gắng hơn nữa, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong phát triển giáo dục và đào tạo. Nhiều vấn đề của giáo dục không chỉ riêng ngành giáo dục có thể làm được, mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Như vấn đề biên chế giáo viên phải do Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương cùng phối hợp, chăm lo việc này. Biên chế phải đủ để đảm bảo cho việc dạy và học ở các cấp, đặc biệt cho thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới.

Thu Thủy- Kim Anh
.
.