Dạy con từ thuở còn thơ
Những cậu ấm được sinh ra trong gia đình giàu sang, quyền cao chức trọng nhưng thiếu giáo dục sẽ trở thành người có hại cho đất nước. Bài học giáo dục con cái là vô cùng phong phú, nhưng một nguyên tắc cao nhất là cha mẹ phải hết sức gương mẫu và có phương pháp tốt.
Con cái không những là chiếc cầu nối liền tình cảm vợ chồng, mà còn là tương lai của gia đình, của dòng họ và sâu xa hơn nữa là của dân tộc. Nhiều lúc chỉ cần qua con cái, ta cũng có thể đánh giá phần nào về cha mẹ, bởi đây là sản phẩm của cả vợ lẫn chồng. Người ta thường nói: "Cha mẹ nào thì con cái ấy" là thế.
Vấn đề nuôi dạy con ra sao cũng là những mối quan tâm của các bậc cha mẹ và cả xã hội. Dạy con là cả quá trình, nhưng "dạy con từ thuở còn thơ" là hết sức cần thiết, uốn tre thì phải uốn từ lúc còn măng, chứ để "măng đã quá pheo" thì khó mà uốn được. Con người ta đều có cái gien truyền thống: Dòng họ thông minh, con nhà gia giáo… nhưng truyền thống mới chỉ là yếu tố "cần", còn yếu tố "đủ" là phải giáo dục, rèn luyện…
Chính vì vậy mà hiện nay, Đảng ta rất quan tâm đến giáo dục mầm non và tiểu học để ngay từ lúc mới bập bẹ, các cháu đã tiếp thu những cái tốt đẹp. Không ít bậc cha mẹ do không quan tâm giáo dục con cái ngay từ lúc còn nhỏ dẫn đến hậu quả lớn lên con hư. Khi ấy mới lo giáo dục thì đã muộn. Đề cập đến sức mạnh của thói quen, Lê-nin đã nói: "Sức mạnh thói quen là sức mạnh đáng sợ", quả không sai.
Có những đứa trẻ bản chất không phải xấu, nhưng do cha mẹ nuông chiều, quản lý con cái không tốt… tạo điều kiện cho con mình sai phạm. Cũng như trong khâu quản lý kinh tế, nếu công tác tổ chức quản lý không chặt chẽ cũng góp phần tạo điều kiện cho tham nhũng lộng hành.
Dù sao thì "dạy con từ thuở còn thơ", vẫn là một bài học rất bổ ích trong việc giáo dục con cái