Những ngày tháng 4 lịch sử trong ký ức “Nữ du kích Ngã Năm” nổi tiếng

Thứ Tư, 16/04/2025, 08:17

Câu chuyện về tấm ảnh “Nữ du kích Ngã Năm” đã trở thành nổi tiếng ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh chụp một nữ du kích trẻ trung, khăn rằn quấn trên đầu, mặc áo bà ba, đang kê súng trên vai, ngắm về hướng quân thù và được giới thiệu là “Nữ du kích Ngã Năm”, AHLLVTND Lưu Nguyệt Hồng.

Bà Lưu Nguyệt Hồng sinh năm 1950 ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm. Năm 1965, vừa tròn 15 tuổi, bà Hồng tham gia Cách mạng. Công việc ban đầu mà nữ du kích được chỉ huy phân công là phụ trách công tác quân y của đơn vị biệt động Ngã Năm. Bà Hồng cho biết: “Công tác nào cũng phục vụ chiến đấu.

Khi đồng đội bị thương, tôi trực tiếp băng bó, cứu chữa cho anh em, xong rồi lại cầm súng của người bị thương tiếp tục chiến đấu với kẻ thù. Tôi nhỏ tuổi, nhỏ người nữa nên chuyện bắn súng là cả một vấn đề. Loại súng phổ biến của anh em lúc đó chủ yếu là súng trường “bá đỏ”. Người khỏe bắn còn ê vai huống chi người yếu. Thế mà, có trận tôi đã bắn hàng trăm viên đạn. Lúc đó, tôi đâu có nghĩ gì đến chuyện ê vai, tất cả cứ nhằm vào kẻ thù để trả thù cho đồng đội, cho đồng bào mà thôi”.

Những ngày tháng 4 lịch sử trong ký ức “Nữ du kích Ngã Năm” nổi tiếng -0
Hình ảnh “Nữ du kích Ngã Năm” Lưu Nguyệt Hồng năm xưa.

Bà Hồng đã đánh rất nhiều trận, tiêu diệt được nhiều tên địch. Địch ở Chi khu Ngã Năm hễ nghe đến tên bà là khiếp vía, tìm mọi cách để bắt hoặc giết bà. Đi đâu, nghe có phụ nữ nào tên Hồng là chúng bắt, đánh đập dã man với phương châm “Trăm lần bắt trật cũng có lần bắt trúng”. Cũng vì thế mà lúc nào trong người bà cũng có sẵn một trái lựu đạn, để lỡ có gặp giặc thì rút ra “cưa đôi”.

Năm 1968, bà Lưu Nguyệt Hồng vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và được bầu vào Chi ủy. Mấy tháng sau, bà Hồng được bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ… Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, bà Hồng và đồng đội bao vây Chi khu Ngã Năm suốt 52 ngày đêm. Cũng trong những ngày đó, bà là người đã hạ lá cờ 3 sọc của giặc ở Chi khu Ngã Năm và hiên ngang, kiêu hãnh kéo lên lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời bà.

 “Trận đánh nào cũng đáng nhớ cả, nhưng tôi nhớ nhất là trận đánh ngày 23/11 âm lịch năm 1967 vào Chi khu Ngã Năm. Trước lúc đi đánh, thấy được tính chất ác liệt của trận đánh này, tôi gỡ đôi bông tai gửi lại cho má. Má thắc mắc thì tôi nói mang theo lỡ nó móc vào cành cây mất thì tiếc. Trận đó, theo hiệp đồng, đúng 0h là nổ súng, nhưng do anh em pháo binh bị lạc đường nên mãi đến 2h trận đánh mới bắt đầu. Lúc đó, địch chủ động phản công nên bộ đội, du kích phải rút về cố thủ tại đám lá tối trời ở Long Mỹ (nay là Hậu Giang) quần nhau với địch cho đến 2-3h chiều chúng mới lui quân. Khi đó, tôi vừa mới mổ ruột thừa được 1 tháng nên có phần đuối sức nhưng tôi quyết tâm không rời trận địa. Có lúc mệt quá, tôi ngủ thiếp đi. Khi giật mình tỉnh lại, tôi mới biết mình nằm ngủ giữa hai đồng đội đã hy sinh. Khi địch rút chạy, tôi hạ cờ địch, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc nhà Chi khu Ngã Năm. Sau trận đánh này, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bầu là Chiến sĩ thi đua của tỉnh”, bà Hồng rạng rỡ hẳn lên khi nhớ lại.

Nói về những ngày tháng 4/1975 lịch sử, bà Lưu Nguyệt Hồng cho biết: “Những ngày đó, tôi là thành viên của Ban Chỉ đạo đánh Chi khu Phú Lộc. Theo chỉ đạo của cấp trên, ngày 29/4, thành lập các đội vũ trang cùng với nhân dân đánh chiếm đồn bót, thu vũ khí của kẻ thù”.

Những ngày tháng 4 lịch sử trong ký ức “Nữ du kích Ngã Năm” nổi tiếng -0
Anh hùng LLVTND Lưu Nguyệt Hồng kể về những ngày tháng 4 lịch sử cách nay 50 năm.

Lúc đó, để tăng viện cho Sóc Trăng, địch từ Bạc Liêu kéo lên với 28 xe GMC chở đầy lính nhưng đến Phú Lộc thì bị các lực lượng của ta chặn đánh khiến cho bọn chúng phải bỏ chạy tán loạn. Ở tỉnh, theo kế hoạch, lúc 17h30 ngày 29/4/1975, Ban chỉ huy trọng điểm hạ lệnh tiến quân ra tiền phương để đúng giờ G (3h sáng ngày 30/4/1975) đồng loạt nổ súng tiến công địch.

Đến sáng 30/4/1975, lực lượng cách mạng đã chiếm được nhiều đường phố và triển khai tiến công, vây ép các mục tiêu then chốt như Ty Cảnh sát quốc gia, Đại đội Cảnh sát dã chiến, trại Bạch Đằng, Phân chi khu Khánh Hưng...

Sức kháng cự của quân địch càng lúc càng yếu dần. Giữa lúc ấy, tin TP Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện lan nhanh, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa tinh thần quyết chiến của quân và dân Sóc Trăng. Lập tức, Ban Chỉ huy trọng điểm chỉ đạo ba mũi giáp công phối hợp chặt chẽ, vừa tiến công vừa gọi hàng để giành thắng lợi nhanh nhất. Tại các vị trí then chốt, các đơn vị vũ trang chớp thời cơ xông lên chiếm lĩnh mục tiêu.

Hơn 12h trưa 30/4/1975, Tiểu khu Ba Xuyên cử đại diện đến gặp Bộ Chỉ huy Quân giải phóng (tại bến xe đi Bạc Liêu) để xin đầu hàng. Đến 14h ngày 30/4/1975, hai trung tá Liên đoàn trưởng Liên đoàn BĐQ 953 và Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tiếp vận cùng toàn bộ Ban Chỉ huy hai đơn vị hạ vũ khí đầu hàng. Đây cũng là thời điểm thị xã Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng…

Trong những năm tháng chiến đấu, nữ Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng hai lần bị thương. Vết thương đó hiện nay vẫn hành hạ bà mỗi khi trái gió trở trời. Về Ngã Năm hỏi cô Ba Hồng, không ai không biết, bởi bà là tấm gương chiến đấu quên mình, là niềm tự hào của nhân dân nơi đây. Sau khi quê hương được giải phóng, bà tiếp tục công tác tại địa phương.

Năm 1977, bà được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thạnh Trị, năm 1996, chuyển đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng công tác cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 2005, “Nữ du kích Ngã Năm” Lưu Nguyệt Hồng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND...

V.Đức- C. Xuân
.
.